Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm A – Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Suy niệm 1:

Hiến Lễ Yêu Thương

Đối với Giáo Hội Việt Nam, thì hôm nay quả thật là một ngày chứa chan nhiều cảm xúc. Các tín hữu Việt Nam từ lớn tới bé, nơi thành thị hay thôn quê, người trí thức hay người lao động chân tay chắc hẳn không thể quên được đây là ngày lễ kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo của nước nhà. 117 vị đã được tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 19.6.1988. Qua việc can đảm hy sinh mạng sống vì đức tin vào danh Đức Kitô, các vị anh hùng này không những đã vinh thắng khải hoàn vào Nước Trời mà còn để lại cho hậu thế một tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung bất khuất, một tinh thần lạc quan và một trái tim nồng nàn tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Như lời bài hát rất quen thuộc được vang lên trong mỗi dịp kính nhớ về các ngài: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu, nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường”. Quả thật tình yêu có một năng lực, một sức hút thật mạnh mẽ. Tình yêu làm cho con người ta quên đi mọi gian khổ, chấp nhận những thương đau và đón nhận được cả cái chết – là cùng tận của sự đau khổ.

Chắc một điều rằng, những vị được tôn phong hiển thánh trong Đất Việt chúng ta vẫn là những con người bình thường như bao người khác. Vẫn có lòng yêu quê hương, yêu gia đình, yêu xóm làng bà con thân thuộc. Và nhất là rất yêu quý mạng sống của mình. Nói điều này ra để chúng ta xác tín hơn rằng, đối với các vị ấy thì tình yêu dành cho Thiên Chúa, trách nhiệm bổn phận đối với Nước Trời vẫn được đặt ưu tiên lên hàng đầu. Các vị ấy đã sống trọn giới răn quan trọng là: “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, linh hồn và hết sức lực” (Mc 12,30).

Noi gương Đức Kitô là Đấng đã tự hiến làm của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha để bày tỏ tình yêu và sự vâng phục trọn hảo của mình; các vị anh hùng tử đạo của Việt Nam cũng đã can đảm đổ máu ra để trở thành hiến lễ toàn thiêu, chấp nhận mục nát đi như hạt lúa gieo vào lòng đất để trổ sinh nhiều bông hạt. Và kết quả là tên của các ngài không chỉ được lưu danh nơi trần thế mà còn được vinh danh thiên thu trên Nước Trời.

Nhắc đến tên của các vị anh hùng tử đạo Việt Nam là nhắc nhớ cho chúng ta là con cháu của các ngài về một cuộc tình vô cùng cao đẹp, một cuộc tình có được nhờ sự đánh đổi đắt giá – là chính mạng sống của những người trong mối tình ấy. Chúa Kitô vì yêu thương con người nên đã dâng thân mình làm của lễ cứu chuộc nhân loại. Các thánh tử đạo đã vì yêu thương mà chấp nhận nhục hình để tuyên xưng đức tin.

Người đời có câu: “tôi có thể cho ai đó cái gì mà không cần phải yêu họ. Nhưng tôi không thể yêu ai đó mà không cho họ cái gì”. Trong tình yêu đích thực không hề có tương quan một chiều nhưng là có qua có lại. Thiên Chúa sẽ không thể yêu trọn vẹn nếu con người từ chối tình yêu của Ngài. Và con người chỉ là yêu thương giả dối nếu không có chút gì hy sinh để gọi là “món quà” dâng lên cho Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng danh là con cháu các anh hùng tử đạo, và sẵn sàng “tử đạo” mỗi ngày để chứng tỏ tình yêu.

Bảo Bảo

Suy niệm 2 :

Thập Gía Là Tình Yêu

“Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu” (Giáo phụ Tertuliano)

Hôm nay, Giáo Hội Việt Nam mừng trọng thể lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài là những con người can trường đã dùng chính mạng sống của mình để nói lên lòng tin và tình yêu tuyệt đối vào Thiên Chúa. Máu các Thánh Tử Đạo vung vãi khắp nơi, quyện lại thành một. Máu các ngài nuôi dưỡng ý chí và đức tin cho muôn thế hệ theo sau và làm trổ sinh hạt giống đức tin nơi tâm hồn của mỗi người Kitô hữu. Tình yêu, lòng tin vào Chúa được minh chứng cụ thể khi các ngài dám dứt khoát với thế gian, khước từ những sự chóng qua ở đời này để chọn lấy giá trị vĩnh hằng là sự sống đời sau. Và tình yêu của các ngài đối với Thiên Chúa mạnh hơn sự chết. Các ngài tin Chúa Kitô Phục Sinh, tin có Nước Trời mai sau, tin thân xác các ngài sẽ được sống lại. Các Thánh Tử Đạo đã sống trọn vẹn niềm tin, cậy, mến thể hiện rõ qua cái chết của các ngài. ‘‘Vai mang thập giá mình’’, các ngài hiên ngang làm chứng cho niềm tin bất khuất và hiến dâng đời mình như hy lễ đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa, các ngài trở thành tấm gương đức tin cho mọi Kitô hữu noi theo.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, người Kitô hữu không còn bị bách hại, không còn phải chết như thời xưa, vậy chúng ta có dám từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ý riêng của mình để sống và làm chứng cho Chúa không? Trong bầu khí sốt sắng của ngày lễ này, mỗi người chúng ta hãy dành ra ít phút để nhìn lại chính mình, xem chúng ta đang sống như thế nào và đang chết cho điều gì để minh chứng cho niềm tin và tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa.

Niềm tin là vũ khí mạnh nhất của con người, giúp con người đối diện với những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chính tình yêu cũng là điều kiện quan trọng để các vị tiền nhân hiên ngang “vai mang thập giá của riêng mình”. Vì tin và vì yêu nên đau khổ, gian truân, thử thách không làm các ngài gục ngã. Các ngài xem thập giá là tình yêu, một “tình yêu thấm nhuộm máu hồng” để rồi can đảm ra pháp trường minh chứng cho tình yêu của mình với Chúa. Còn chúng ta thì sao? Cuộc sống trần thế này là một hành trình có vui – buồn, có thất vọng – hy vọng, có đau khổ – hạnh phúc, và cũng có nước mắt lẫn nụ cười, … thế gian là vậy, không gì là viên mãn. Chúng ta cảm thấy tròn đầy chỉ khi chúng ta có Chúa và nhận ra Chúa trong cuộc sống của mình.

Cuộc sống mà chúng ta đang sống luôn có những thập giá. Thập giá do người khác tạo ra hay chính ta tự tạo ra cho mình. Nhưng thập giá sẽ trở nên Thánh giá nếu có Chúa hiện diện. Thập giá sẽ trở thành Thánh giá khi chúng ta đón nhận tất cả những đau khổ hay trái ý vì lòng yêu mến Chúa và khi đó chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát và bình an hơn. Vì đau khổ là một ân huệ Chúa ban và đau khổ là dấu chỉ của tình yêu. Thiên Chúa, Ngài yêu chúng ta nên Ngài vẫn luôn hiện diện, đồng hành và ban ân sủng cho chúng ta mỗi ngày. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có ý thức và nhận ra được điều đó không?

Lạy Chúa, các Thánh Tử Đạo đã dùng chính mạng sống mình để nói lên tình yêu dành cho Chúa. Mỗi ngày chúng con đều có thập giá riêng mà Chúa trao, xin cho chúng con luôn biết đón nhận với lòng tin yêu, phó thác và nhận ra thập giá đó chính là tình yêu.

Iris

Suy niệm 3:

Những ngày cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội Hoàn Vũ cách riêng các tín hữu Việt Nam hân hoan kính nhớ đến các thánh anh hùng đã hi sinh mạng sống vì Đức tin trên chính quê hương mình.

Ngược dòng lịch trong  gần 300 năm ( từ thế kỉ 16-19)  đạo Chúa  bị bách hại, qua 6 triều Vua, con số cha ông tử đạo của chúng ta  lên tính đến khoảng 300 .000 người.  Trong đó đại diện là 118 vị Thánh đã được tuyên phong hiển thánh và số đông những vị thánh chưa được tuyên phong.

Các Ngài là những Giám Mục, Linh Mục Thừa sai, linh mục bản địa, các thầy giảng và giáo dân.

Đọc lại lịch sử hào hùng của các ngài, chúng ta có thể thắc mắc sao trong 118 vị thánh được tuyên phong chỉ có duy nhất một thánh nữ là bà Ane Lê Thị Thành? Phải chăng vì phận nữ nhi thì được “thương hoa tiếc ngọc” nên gươm đao khổ ai không nỡ xuống tay? Hay chính sự nhút nhát trong bản tính vốn có của họ không phù hợp với ơn gọi làm thánh Tử Đạo?

Ngày nay, khi chiêm  ngắm về những cái chết hào hùng của các ngài, với những nhục hình rất đáng sợ: bị tùng xẻo, bị thiêu sống, bị cho rắn bò, … mới nghe chúng ta đã cảm thấy lạnh người, nhưng các ngài không hề sợ, ngược lại các ngài hân hoan và bình an đón nhận cực hình:

  • “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn” ( St Ane Lê Thị Thành).
  • “Biểu tôi khai xưng tôi là thầy thuốc, đến sau có ai cho lên làm đạo trưởng, thì còn ai nghe nữa?” (Thánh Phêrô Hoàng Khanh).
  • “Thưa quan lớn, tôi phải được chém chết mới mong được sống lại” (St Giuse Uyển).

Quả thật, tử vì đạo là một hồng phúc mà Chúa ban tặng cho những tín hữu trung kiên yêu Chúa ngang qua những cực hình, bắt bớ và khổ đau. Chính hồng phúc ấy làm cho các ngài không sợ hãi bất cứ hình thức hình khổ hay quyền thế nào.

Ngày hôm nay trên quê hương Việt Nam cảnh bắt bớ ngược đãi ghê sợ như xưa đã không còn, nhưng phúc tử đạo vẫn được Chúa dành cho chúng ta ngang qua cuộc sống của mình, ngang qua những khó khăn thử thách trong ơn gọi làm con Chúa.

Phúc tử đạo không đến với ta một lần, bất ngờ hay vĩ đại, nhưng đó là cả một hành trình sống niềm tin trong mọi hoàn cảnh không ngoại trừ nghịch cảnh, bởi vì sẽ không có một cái chết vẻ vang nếu không có một cuộc sống anh dũng.

Dù ở sống trong thời đại nào thì lời Chúa nói vẫn phải được ứng nghiệm nơi chúng ta là những môn đệ của ngài:  tôi tớ không hơn chủ, anh em không thuộc về thế gian! Người môn đệ Chúa là người bước đi cùng với Ngài và chia sẻ vận mạng cùng Ngài. Điều này đòi hỏi nơi môn đệ sự dũng cảm lớn lao.

Là người bước theo Chúa,  khi suy niệm về mẫu gương tử đạo, mỗi chúng ta sẽ có câu trả lời cho chính cuộc sống của mình!

Chúa vẫn dành cho tôi phúc tử đạo nếu tôi đủ tình yêu cho dành Ngài, ấy là khi tôi can đảm dấn bước, can đảm từ bỏ để vui vẻ dâng hiến, trung thành và nghiêm túc với ơn gọi, can đảm hi sinh trở nên nhỏ bé để Chúa được lớn lên, can đảm để mang lại hạnh phúc cho tha nhân, ấy là những con đường đẹp mà Chúa đang mời gọi tôi bước đi với Ngài, … và đó cũng là phúc tử đạo mà Chúa đang mời gọi nơi tôi câu trả lời: Phần tôi, tôi có dám đi với Chúa trên con đường Ngài dành cho tôi??

Maria Hài Đồng

Suy niệm 4:

Tử Đạo Bằng Những Hy Sinh Nhỏ

Trong đời sống đức tin ngày nay, chúng ta hiếm có cơ hội để được phúc tử đạo như các thánh ngày xưa, vì thời hiện đại này việc bắt bớ đạo dường như không còn, xã hội luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, hình ảnh ra pháp trường, đầu rơi, máu đổ của các thánh tử đạo năm xưa được mang một ý nghĩa thiết thực hơn, là dám chết đi cho cái tôi của mình trong đời sống hằng ngày, một cuộc tử đạo trường kỳ mà chúng ta phải chiến đấu, chọn lựa trong tư tưởng, lời nói và việc làm của ta đối với Thiên Chúa, tha nhân và với chính mình, như Đức Giê-su kêu mời “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

Nhìn lại chặng đường đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong thời cấm cách, thách đố lớn nhất trong niềm tin các ngài phải chịu lúc bấy giờ là “bắt bước qua thập giá”, các vua Việt Nam ngày xưa thường dùng thập giá để làm ranh giới giữa sống và chết; bước qua hay không bước qua thập giá. Nếu các vị ấy chọn bước qua thì cuộc sống được tiếp tục, được trả lại tự do và có nhiều bổng lộc, vinh hoa phú quý ở đời này. Ngược lại, nếu các ngài từ chối không bước qua thì đồng nghĩa với việc bị tù ngục, mất tất cả, người thân chia cắt và thậm chí mất luôn cả mạng sống mình.

Như vậy, sự chọn lựa của các ngài không còn là bản thân mình, không lợi danh hay những mối tương quan tình thân nữa, mà thay vào đó, các ngài chọn niềm tin và tình yêu vào Đức Giê-su, để rồi như “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất”, chịu nghiền nát, vùi lấp bởi xiềng xích, gông cùm và đổ máu vì danh Đức Ki-tô, các ngài làm nảy sinh hoa trái cho Giáo Hội: một lòng tin kiên cường, lòng cậy vững vàng và lòng mến son sắt nơi những tâm hồn tín hữu – con dân Việt cho đến ngày nay. Vì chưng “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Quả thế, khi ngẫm suy về niềm tin kiêu hùng của các thánh tử đạo, đức tin của ta được soi dẫn rằng: Dù biết thế giới chúng ta đang sống là một thế giới tân tiến vượt bậc về mọi thứ, nó có thể trở nên mối đe doạ cho đời sống đức tin của chúng ta, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh rơi ý nghĩa và cốt lõi lối sống Tin Mừng, chúng ta có thể không có cơ may để tử đạo như các thánh, nhưng từng ngày sống của chúng ta là một cơ hội để chết đi vì yêu Đức Ki-tô, chết đi những đam mê xấu, lối suy nghĩ không ngay lành và hành động không lương thiện, để nhờ đó, điều chúng ta nghĩ, lời ta nói và việc làm của chúng ta trở thành hy lễ tôn thờ, dâng lên Thiên Chúa Cha cùng với Máu Chúa Ki-tô mang ơn cứu độ cho chính mình và anh chị em.

Nguyện xin Chúa Giê-su là tình yêu thêm sức mạnh tình yêu cho chúng con, giúp chúng con can trường dấn thân, dám hy sinh, chết đi cho những yếu hèn và tội lỗi, hầu đời sau chúng con cũng được cùng Các Thánh Tử Đạo ở bên Chúa muôn đời. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời