Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A

Suy Niệm 1:

Hạt Giống Trổ Sinh

Ngày Sơ nhỏ khăn gói vào Dòng, hành trang Sơ mang theo là trái tim muốn thuộc về Chúa, dấn thân theo tiếng gọi của Ngài như lời bài hát thật hay: “Cho con sinh ra trong ngàn người, rồi Chúa khẽ gọi con đi, dù tâm tư con không thể hiểu thấu sự gì…” Lý tưởng là vậy, nhưng Sơ nhỏ cũng không quên gói theo những lắng lo của riêng mình: lo mình không biết đàn, không giỏi múa hát, không biết Kinh Thánh, không giỏi Giáo Lý, không biết cầu nguyện, …

Những lo lắng thuở ban đầu ấy làm Sơ nhỏ cảm thấy thiếu tự tin, sợ mình không thể bền đỗ trong ơn gọi, để rồi hôm nay khi nhìn lại, Sơ mỉm cười và cám ơn Chúa, vì Ngài thấu biết mọi sự, Ngài khôn ngoan vô cùng và thật quảng đại khi ban phát hồng ân. Ngài rộng rãi ban phát ơn thiêng, ơn riêng cho hết mọi người không loại trừ ai. Riêng Sơ nhỏ, kể khi vào Dòng, không còn phải lắng lo gì khác ngoài việc yêu mến và dấn thân trọn vẹn cho Ngài. Bởi vì ơn Chúa qua tay Hội Dòng, Sơ nhỏ được học biết rất nhiều, đặc biệt là được biết Chúa nhiều hơn qua Lời Chúa, được sống đời sống “cầu nguyện và phục vụ”. Trước Thánh Thể Chúa, trong tay quyển Lời Chúa hằng ngày, Sơ nhỏ ngước nhìn Chúa và thường hay hỏi: “Hạt giống nào Chúa đã gieo vào lòng con, xin cho con được ơn nhận biết để con làm trổ sinh nó mỗi ngày”. Sơ nhỏ cứ cố gắng và kết quả thì cậy nhờ ơn Chúa.

Dụ ngôn “người gieo giống” trong Tin Mừng hôm nay gắn liền với tâm tình của Sơ nhỏ. Thiên Chúa của tất cả chúng ta, Ngài chính là “người gieo giống” đầy lòng quảng đại và tinh thần của Ngài thì rất lạc quan. Dầu cho gặp cảnh chim chóc ăn mất, sỏi đá hay bụi gai, thì Ngài vẫn quảng đại khi “ban phát hạt giống Lời Chúa”. Ngài vẫn tin tưởng, vẫn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng nơi mảnh đất tâm hồn của mỗi người. Thiên Chúa của chúng ta, Ngài thật kiên nhẫn và yêu thương. Trải qua các thời đại, vẫn không ngừng cho xuất hiện các ngôn sứ để gieo Lời trên khắp thế gian. Và sau hết, Ngôi Lời là chính Chúa Giê-su đã làm người, để sống và dạy dỗ con người.

Điều quan trọng trong dụ ngôn “người gieo giống” là “sự trổ sinh” chứ không phải là “đạt được bao nhiêu”. Bởi vì, hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng mỗi người sẽ có sự trổ sinh khác nhau: một trăm, sáu mươi hay ba mươi là tùy mỗi người. Phần chúng ta, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm trổ sinh hạt giống Lời Chúa trong cuộc đời của mình. Mặt khác, chúng ta đừng để tâm hồn mình trở thành những mảnh đất xấu, để Lời Chúa bị bóp nghẹt vì những thói hư tật xấu, và để cho những đam mê thế gian lôi cuốn chúng ta.

Mỗi dụ ngôn Chúa Giê-su giảng dạy đều hàm chứa những ý nghĩa thâm sâu, đòi hỏi chúng ta không ngừng suy đi gẫm lại, áp dụng vào cuộc sống hiện tại của mình sau cho có kết quả. Vậy, xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận Lời Chúa một cách có ý thức, siêng năng suy gẫm mỗi ngày để hạt giống ấy trổ sinh kết quả, mang lại giá trị tốt lành cho đời sống của chúng ta và sinh ích cho các linh hồn. Amen.

Hoa Xuân

Suy Niệm 2:

Lòng Quảng Đại Của Thiên Chúa

Qua hành động người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su giới thiệu với chúng ta về một Thiên Chúa luôn đi bước trước, Ngài tỏ ra thiện chí với mọi mảnh đất tâm hồn, Ngài quảng đại khi ban phát và mời gọi chúng ta thành tâm đón nhận hạt giống Lời Sự Sống – Lời có sức biến đổi, dù mảnh đất tâm hồn ta thuộc loại nào, nếu chúng ta mở lòng cộng tác với sức mạnh của Lời đó, chắc rằng mảnh đất tâm hồn chúng ta sẽ đơm hoa kết trái như lòng Thiên Chúa ước mong “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục và được ba chục”.

Quả thế, chính Đức Giê-su là người gieo giống, Ngài gieo vào lòng mỗi chúng ta những chỉ dẫn tốt lành, để ta sống và đạt tới sự hoàn thiện giống như Cha trên trời; đồng thời Ngài cũng là hạt giống được Chúa Cha gieo vào trần gian với sứ mệnh giúp cho nhân loại trổ sinh hoa trái sự sống vĩnh cửu, như “mưa với tuyết sa xuống đất, làm cho đất đai phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc, người gieo có hạt giống, người đói có bánh ăn mà ngôn sứ I-sai-a đã diễn tả trong Bài đọc 1. Quả thế, Đức Giê-su là nguyên lý ân sủng và nguồn mạch sự sống của muôn loài thụ tạo. Thế nên, nếu chúng ta đón nhận Ngài với cả tấm lòng thành, thì ta sẽ tìm được ý nghĩa và hạnh phúc thật cho đời mình.

Thật vậy, tâm hồn người Ki-tô hữu là mảnh đất được Lời Chúa gieo vào. Ngay lúc này đây, chúng ta được gọi mời tự chất vấn, tôi thuộc loại đất nào: Đất bên vệ đường, đất có sỏi đá, đất có gai hay loại đất tốt? Thực ra, bốn loại đất này luôn đan xen tồn tại trong nhịp sống của mỗi người chúng ta: khi thì đầy dẫy sỏi đá bởi những tham vọng trần tục đè nặng, lắm lúc bị gai góc của các đam mê bất chính trói buộc, và đôi khi lại chai lì, ươn lười bên vệ đường của những tính hư nết xấu, nhưng cũng có lúc tâm hồn ta là mảnh đất tốt, nhiệt tâm và sẵn sàng đón nhận, thực thi Lời Chúa. Đây cũng là niềm khao khát mà thánh Phao-lô đã thắp lên cho chúng ta trong Bài đọc 2:Cùng với muôn tạo vật, chúng ta đang rên siết, ngóng trông sự giải thoát đến từ Thiên Chúa”. Quả thật, đời sống người Ki-tô hữu luôn là một cuộc chiến trong đợi chờ như hạt giống được vùi lấp trong lòng đất, chờ đợi mưa nguồn là Đức Ki-tô tưới gội, để trổ sinh hoa trái nhờ Thánh Thần.

Thiên Chúa hào phóng và thiện chí khi gieo Lời Sự Sống vào mảnh đất cuộc đời của mỗi người chúng ta, khi gieo Ngài không đòi buộc ta phải sinh hoa kết quả mỹ mãn, nhưng kỳ vọng nơi ta sự đáp trả chân thành với niềm tín thác, như thánh tông đồ nói: “tôi trồng, A-pô-lô tưới nhưng Thiên Chúa làm cho lớn lên”. Hơn thế, Đấng Hằng Sống còn mời gọi chúng ta hăng hái lên đường gieo rắc Lời Chúa cho những mảnh đất tâm hồn chưa biết đến Ngài, và cũng không ngần ngại mục nát đời mình để sự sống Thiên Chúa được triển nở mãi trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương nên Ngài đã đến với chúng con, Chúa không trì hoãn hay ngần ngại trước những tâm hồn đóng kín, xin Chúa ban ơn Thánh Thần để Ngài đổi mới mảnh đất tâm hồn chúng con, giúp chúng con mở lòng mình trước Lời Hằng Sống, hầu đời chúng con trở thành mảnh đất phì nhiêu, dồi dào ơn thánh, mang tình yêu, bình an của Chúa đến cho mọi người. Amen. 

M.Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

HÃY LÃNH NHẬN VÀ RA ĐI

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn người gieo giống. Ngài vén mở cho chúng ta về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Thiên Chúa “xuất hiện” và Ngài đã chọn gieo hạt trên đất. Hạt giống này là Lời Chúa. Điều đó cho chúng ta biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa gieo hạt giống với lòng quảng đại phi thường. Ngài tìm cách tiếp cận tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực, kể cả những người đang ở trong những tình huống tuyệt vọng nhất. Sứ điệp cứu rỗi của Ngài phải được rao truyền khắp thế giới.

          Thomas Edison đã tiến hành thử nghiệm hơn 2000 chất liệu khác nhau để chế tạo dây tóc bóng đèn điện. Qua bao vất vả và thời gian dài nhưng vẫn không tìm ra được chất liệu nào thích hợp. Người phụ tá của ông than vãn.

  • Đúng là công cốc. Chúng ta cuối cùng chẳng thu hoạch được gì cả.

Đáp lại lời tuyệt vọng này, rất tự tin. Edison nói

  • Sao lại nói vậy, chúng ta đã tiến được một đoạn đường rất xa đấy chứ. Chúng ta cũng học được thật nhiều điều rất bổ ích. Giờ đây, chúng ta đã biết được rằng ít ra là có hơn 2000 chất sẽ không thể dùng làm dây tóc cho bóng đèn được. Và chúng ta sẽ tiếp tục chứ.

          Vâng những thất bại là những điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Đối với một số người đó là vực thẳm của sự kết thúc. Nhưng với một tinh thần dũng cảm, dám chấp nhận đối mặt với thử thách thì thất bại có thể là khởi đầu cho một cố gắng mới. Điều quan trọng là phải biết rút ra bài học và nhận ra được mặt tích cực của vấn đề.

Chúng ta đừng quên rằng những Lời của Chúa Giêsu là Lời của Sự sống đời đời. Theo chân Đức Kitô, chúng ta được sai đi làm người gieo Tin Mừng và mang Lời Cứu Độ đến cho con người hôm nay. Người truyền giáo là người đi trên mọi địa hình, hướng tới những người có đạo nhưng cả những người không có đạo và chưa có đạo. Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Ad Gentes cho rằng: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo.” (AG, 2.)

       Thế nên, cuộc sống này không có bất cứ điều gì tự nhiên đến với chúng ta. Niềm vui, hạnh phúc, hay thành công đều như vậy. Không ai có thể đứng yên một chỗ chờ đợi thành công đến với mình. Cuộc đời không được trải bằng hoa hồng hay giọt nước trong veo, tinh khiết, thay vào đó là đón chào chúng ta với những thử thách, chông gai. Con đường đó sẽ là con đường “vinh quang” đối với ai biết vượt qua nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, sẽ là “đầm lầy” với ai dễ dàng buông xuôi, từ bỏ. Thành công là thành quả của quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng. Nhà văn Lỗ Tấn có một câu nói rất hay như sau: Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng.

Ngày hôm nay:

Chúng ta không thiếu các phương tiện truyền thông hiện đại để gieo Lời Chúa.

Chúng ta cũng không thiếu các nhà truyền giáo nhiệt tâm rao giảng Lời Người.

Chúng ta chỉ thiếu những mảnh đất tốt, những tâm hồn chưa sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa, nẩy mầm, vươn lên và trổ bông: Hạt được 30 hạt được 60 và hạt được một trăm.

Những mảnh đất tâm hồn đó cũng chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại mình, do đâu Lời Chúa không sinh sôi nẩy nở trong đời sống chúng ta? Tâm hồn ta rơi vào tình trạng nào của những mảnh đất mà Chúa Giêsu nêu ra: vệ đường, đá sỏi, bụi gai… Phải chăng, có quá nhiều trở ngại từ bên trong cũng như bên ngoài, khiến cho hạt giống Lời Chúa khó nẩy mầm và lớn lên trong chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết sám hối và canh tân, biết chọn lựa và ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong cuộc đời mình, để chúng con gắn kết đời mình cho những giá trị của Tin Mừng. Nhờ đó, chúng con mới có thể can đảm và trung tín sống theo lời mời gọi của Chúa. Xin cho chúng con biết chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa và nói về Chúa cho tha nhân. Amen.

Fiat

Trả lời