Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm A

Suy niệm 1:

Hiền Lành Và Khiêm Nhường

Hiền lành và khiêm nhường là vẻ đẹp của một tâm hồn tốt lành và được Thiên Chúa đoái thương. Hôm nay Đức Giê-su dâng lời tạ ơn Chúa Cha vì đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn ấy. Thật vậy, Đức Giê-su đảm bảo rằng, nếu chúng ta đến với Ngài, học và sống lối sống của Ngài thì sẽ được đất Đức Chúa Trời làm gia nghiệp. Tuy nhiên, phận người nhiều yếu đuối, chúng ta sẽ không thể sống trọn tinh thần mà Chúa mời gọi, nếu như chúng ta không “mang lấy ách của Chúa và học nơi Người sự hiền hậu và khiêm nhường”.

Quả thế, sống “hiền lành và khiêm nhường” là diễn tả một tình yêu nồng nàn đối với người khác. Đức Giê-su đã dùng cả mạng sống mình để nói lên điều đó qua việc chấp nhận bị sỉ vả, hành hình và chịu đóng đinh trên thập giá. Thêm nữa, sự hiền lành, khiêm nhường của Chúa còn bộc lộ hình ảnh của một Vị Thiên Chúa toàn năng, không ngần ngại tự tước đi vẻ uy quyền của mình để gánh lấy tất cả tội lỗi của nhân loại. Thật vậy, “ách của Chúa thì êm ái, gánh của Chúa thị nhẹ nhàng”, bởi vì chính Ngài gánh lấy thập giá thay cho chúng ta, chính Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc do tội lỗi. Và việc của chúng ta là hãy đến với Ngài và hãy học cùng Ngài.

Trong cuộc sống thường nhật, với các mối tương quan, chúng ta có lưu tâm đến việc vác đỡ gánh nặng cho nhau không? Hay chúng ta chỉ biết tìm sự an nhàn cho bản thân, mặc kệ cho ai đó phải gánh lấy những trách nhiệm mà đúng ra ta phải thi hành; và cũng rất có thể, đôi khi chúng ta nghĩ rằng, việc họ giúp ta là điều đương nhiên, bởi vì chúng ta xứng đáng được đối xử như thế. Hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy học nơi Ngài lòng hiền hậu và khiêm nhường, đó là học cách gánh lấy cuộc đời nhau, đón nhận những buồn phiền, chia sẻ những lao nhọc với nhau khi gặp những bất trắc trong cuộc sống. Quả thật, một con người hiền lành và khiêm nhường thật sự là người dám sống vì sự sống của người khác, và dám chết đi từng ngày cho hạnh phúc vĩnh cửu của anh chị em mình.

Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống như trái tim Chúa. Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng con, để chúng con cũng biết vác lấy những đau khổ, sớt chia nỗi ưu phiền với anh chị em, hầu chúng con trở nên như lòng Chúa mời gọi, và qua chúng con, mọi người nhận ra Chúa đang hiện diện giữa họ. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 2:

Người Bé Mọn Và Sự Khiêm Nhường

“Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa…”

Nghe lời bài hát này, chúng ta biết đó là Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chị Thánh là bông hoa nhỏ của Thiên Chúa, đã nên thánh bằng đời sống khiêm nhường và đơn sơ.

Kỷ niệm đáng nhớ ngày Chị Thánh rước lễ lần đầu, Chị thưa với Chúa rằng: “Chúa ơi, con yêu Chúa lắm, con muốn thuộc về Chúa suốt đời”. Đó là một tham vọng lớn lao nhưng là một hoài bão thánh thiện và chính đáng. Nhờ đó mà Chị Thánh đã sống cảm thức thuộc về Thiên Chúa và khai mở bầu khí thiên đàng bên trong tâm hồn của mình. Qua ước muốn được làm bạn trăm năm với Chúa Giêsu Thánh Thể, ước ao được rước lễ mỗi ngày, cùng với sự khiêm tốn và tâm tình tín thác tuyệt đối, đó là cánh cửa dẫn Chị Thánh tiến sâu vào đời sống trọn lành. Trên con đường nên thánh bằng lối sống đơn sơ, khiêm nhường, có lần Chị thánh Têrêsa đã tự ví mình như “một đĩa rau trộn không tên” nhưng đĩa rau trộn này là tổng hợp “những hi sinh nhỏ bé hằng ngày” cộng với “một tình yêu cháy bỏng” của Chị. Và Chị vẫn thường cầu nguyện rằng: “Con là một linh hồn rất bé mọn, chỉ có thể dâng những điều bé mọn cho Chúa”.

Tin Mừng hôm nay trao vào tay chúng ta “chìa khóa” để mở kho tàng Nước Trời, đó chính là một tinh thần đơn sơ bé mọn và một tâm hồn biết lắng nghe. Như Mẹ Maria đã khiêm nhường xin vâng để Ngôi Hai Thiên Chúa đến “ẩn cư” trong cung lòng mình, như Mẹ đã xin vâng trong mọi hoàn cảnh để danh Chúa được cả sáng và thánh ý Chúa được nên trọn vẹn và như Thánh Nữ Têrêsa, một tâm hồn hiền lành đơn sơ đặt trên nền sự khiêm nhường.

Trong Bài Tin Mừng hôm nay người bé mọn được Chúa Giêsu ưu ái nhắc đến trong lời cầu nguyện của Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25). Hai chữ bé mọn đây không phải là dáng người thấp bé hay là trẻ con. Nhưng là những người có tấm lòng chân thành đơn sơ như trẻ nhỏ, một tấm lòng biết mình là nhỏ bé trước Nước Trời bao la, biết mình túng thiếu, đơn độc mà bám vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Là những ai tự hạ, khiêm tốn phó thác hoàn toàn bản thân mình cho Thiên Chúa, biết mở lòng đón nhận thánh ý Chúa trên cuộc đời của mình.

Người bé mọn được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt và Thiên Chúa sẵn sàng mạc khải những mầu nhiệm Nước Trời cho họ. Đây là một diễm phúc lớn mà biết bao tiên tri cùng các bậc vua chúa muốn thấy mà không được thấy. Thật vậy, Thiên Chúa luôn khao khát con người mở lòng đón nhận lời Chúa để nhận được hạnh phúc đích thật và sâu xa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng để mình ra kiêu ngạo nhưng nuôi dưỡng tâm tình khiêm nhường, dám phó thác đời mình cho Thiên Chúa. Tâm tình khiêm nhường còn thể hiện ở những việc bé mọn. Không phải chỉ những việc lớn lao mới làm đẹp lòng Thiên Chúa mà đến cả những việc bé mọn nếu được làm với tất cả tình yêu thì cũng vẫn làm đẹp lòng Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa với con tim rộng mở, và tâm hồn đơn sơ, như những người bé mọn trong Tin Mừng hôm nay. Và xin cho chúng con biết sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Nhờ vậy, chúng con sẽ tìm được sự bình an, niềm vui và hạnh phúc đích thực mà Chúa đã hứa ban cho chúng con. Amen.

Hứa Với Chúa

Suy niệm 3:

Gánh Nhẹ Vơi

“Tìm đến trong tình Chúa, con tim tìm thấy an vui, tay Ngài gạt lệ ướt trên mi, tay Ngài hợp lại những chia ly, trên đường đời xa vời vợi, tay Ngài dịu hiền dẫn con đi”. Lời bài hát của nhạc sĩ Phanxicô chắc hẳn không hề xa lạ đối với người Kitô hữu, đặc biệt những ai yêu thích thể loại nhạc thánh ca. Từng ca từ của bài hát như bày tỏ hết nỗi niềm của một tâm hồn trông cậy vào Thiên Chúa là Đấng luôn giang rộng vòng tay để che chở, giữ gìn, an ủi và quan trọng hơn Ngài là điểm tựa duy nhất bền vững với thời gian và những biến chuyển của cuộc đời. Nhưng từ đâu mà người tín hữu dám can đảm phó thác tất cả cho Thiên Chúa như vậy? Ngoài lý do Thiên Chúa là Đấng tạo hóa luôn quan phòng gìn giữ các thọ tạo của mình, thì lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay cũng đã xác tín điều đó: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách Tôi êm ái và gánh Tôi nhẹ nhàng”.

Con người trong xã hội ở thời đại nào cũng vậy, dường như đều có chung một suy nghĩ “đời là bể khổ”. Có người lại ví von thế này: “đời là bể khổ, qua được bể khổ nghĩa là qua đời”. Tuy có chút tếu lâm cho hài hước nhưng ẩn sâu trong đó lại là một nỗi thất vọng chán chường. Chẳng lẽ chỉ đợi đến khi “qua đời” con người ta mới qua được hết cái khổ của kiếp người. Chẳng lẽ không có nơi nào hay một Đấng nào có thể tin cậy, tựa nương giúp con người vượt lên trên những đau buồn, sầu khổ? Và rồi con thuyền của đời cứ mãi lênh đênh cho đến khi bị sóng đời vùi dập? Chắc chắn không phải như thế. Thiên Chúa tạo ra con người để cho họ được vui hưởng hạnh phúc, Ngài sẽ không bỏ rơi con người. Điều quan trọng là con người có tin tưởng để tìm đến với Chúa là nguồn gốc phát sinh của mọi hạnh phúc hay không?

Mặc khác, tuy Thiên Chúa là nguồn gốc mọi nguồn hạnh phúc nhưng Ngài không hứa cất khỏi con người mọi nguy cơ của đau khổ, Ngài chỉ hứa cho chúng ta một con đường qua đau khổ để đi đến hạnh phúc mà thôi. Như trong Hiến Chương Nước Trời còn gọi là Tám mối phúc, Chúa Giêsu cũng đã chúc phúc cho những điều mà con người cảm thấy là bất hạnh. Lẽ dĩ nhiên với tâm thế bình thường của loài người không ai thấy đó là những điều hạnh phúc nhưng nếu quy hướng tất cả về đức tin thì mọi đau khổ, vất vả luôn hướng về một mục đích duy nhất là giúp con người mau mắn tìm về với Chúa hơn. Khi con người nhìn rõ bản chất của cuộc đời là tạm bợ chóng qua, là hơn thua được mất, là giả dối sai lầm thì khi đó con người mới dễ dàng quay về với Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.

Chúa Giêsu cũng sống kiếp người như chúng ta, cũng nếm trải hết mọi đau khổ kiếp nhân sinh nên Ngài luôn trân trọng mọi đau khổ mà con người phải gánh chịu do sự dữ. Ngài không khước từ những ai tìm đến với Ngài trong một thân thể suy kiệt, hay một tâm hồn nặng trĩu ưu tư. Ngược lại Ngài mời gọi tất cả hãy tìm về với trái tim Ngài là chốn ẩn nương cho hết mọi người trước phong ba bão táp của cuộc đời. Nhưng liệu rằng, con người có can đảm từ bỏ những hấp lực của trần gian làm cho con người mê đắm đến mức mỏi mệt mà khiêm tốn quay về với Chúa như đứa con thơ êm đềm bình yên ngủ trên tay mẹ hay không?

Tìm về bên Chúa nhân hiền

Nhẹ vơi gánh nặng ưu phiền tâm tư.

Bảo Bảo

Suy niệm 4:

 “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 28)

Chuyện kể rằng: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.

 Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức.

 Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhà hiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách. Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư. Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay… Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp… Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: “Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa”.

 Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: “Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở”.

 Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.

Trong Tin Mừng chúng ta thấy cuộc đời của Chúa có nhiều đức tính chúng ta noi theo, thế nhưng Chúa chỉ mời gọi người môn đệ của Chúa học theo là sự hiền lành và khiêm nhường. Ngày nay, người ta say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình. Con người có khuynh hướng trở nên kiêu ngạo. Trong đời sống hằng ngày, người có quyền bính đều sử dụng tính nóng nảy của mình đối với người khác, có khi còn “giận cá chém thớt”. Thánh Augustino đã thú nhận như sau “Thánh Ambrosio đã khuất phục được tôi và tôi mến Ngài. Tôi mến Ngài không phải chỉ vì Ngài thông thái mà là vì Ngài hiền lành, nhân hậu“.

Sự hiền lành và khiêm nhường của Đức Giêsu đã làm cho không biết bao người đương thời với Chúa Giêsu và bao thế hệ sau này ngỡ ngàng và kinh ngạc. Trong bài giảng “Tám mối phúc thật”, Chúa Giêsu đã khẳng định: Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.  Mỗi người phải lựa chọn cho mình một hướng đi. Chúng ta phải có lựa chọn nào trước lời Chúa dạy: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng?

Lạy Chúa,

“Lòng con chẳng dám tự cao,

mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,

việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

Hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui.” (Tv 131: 1-2)

Fiat

Trả lời