Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm A

 

Suy niệm 1:

CÒN LẠI GÌ… NGOÀI TÌNH YÊU MẾN?

Tiết trời vào hạ khoảng tháng năm, tháng sáu. Đó là khoảng thời gian đáng lưu nhớ trong cuộc đời dâng hiến của Nó. Khoảng thời gian này Nó được trở về Nhà Mẹ Hội Dòng để tĩnh tâm năm sau những ngày tháng bôn ba trong sứ vụ. Và đỉnh cao là Nó được tiến lên để tiếp tục thưa lên lời khấn hứa, tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn và Mừng Hồng Ân Thánh Hiến.

Trong khung cảnh thân quen, yên tĩnh với những giờ kinh nguyện trang nghiêm trong khuôn viên Nhà Nguyện Hội Dòng. Cùng với những bản nhạc thánh hiến du dương được cất lên trong những ngày này, thật sự đã chạm tới những trái tim đang lặng lẽ, chìm ngập trong bầu khí thinh lặng của tuần tĩnh tâm. Khung cảnh ấy, bầu khí ấy giúp Nó nghiêm túc để nhìn lại chính mình và Nó nhận thấy rằng: Tới thời điểm này, mọi thứ là vô nghĩa với Nó ngoài “TÌNH YÊU”. Chúa lặng nhìn Nó như đã lặng nhìn ông Phêrô: (Anna) … Con có yêu mến Thầy không? Chứ Chúa không hỏi Nó: (Anna), một năm qua con làm việc có giỏi không? Thành công hết không con? Hay con có làm ông này bà nọ, chức này chức kia, cố gắng tiến thân cho người đời biết danh con không?

Từ câu chuyện riêng của bản thân Nó, một chút suy tư để thấy rằng, Chúa không muốn chúng ta điều gì khác ngoài “TÌNH YÊU”. Và Chúa Nhật 6 Phục Sinh, “năm lần” Chúa Giê-su đã nhắc bảo điều đó. Hai chữ “YÊU MẾN” được nhắc đến năm lần. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15 …)

Yêu mến thì giữ các điều răn một cách dễ dàng. Yêu mến thì sẽ nhận thấy Thánh Thần Chúa luôn kề cận. Yêu mến thì thấy Chúa Giê-su đang sống, đang hiện diện thật với mình. Yêu mến thì sẽ được Chúa yêu mến và được Chúa tỏ mình ra. Mọi thứ thật tốt đẹp và nhẹ nhàng cho hết thảy chúng ta, nếu chúng ta thật sự yêu mến và làm mọi việc vì yêu mến Chúa.

 Như vậy, dẫu đời tu hay đời thường Chúa không cần chúng ta điều gì khác ngoài lòng yêu mến Chúa, thể hiện qua việc tuân giữ và thực hành những điều Chúa dạy, tuân giữ một cách đơn sơ, ngoan ngoãn và bằng tất cả tình yêu. Với sự đồng hành dẫn dắt của ChúaThánh Thần, chúng ta không phải lo lắng điều gì khác ngoài việc luôn đón nhận và chu toàn thánh ý của Chúa.

Hứa Với Chúa

Suy niệm 2:

Tin và Yêu

“Một ít nữa thế gian sẽ không còn thấy Thầy, phần các con, các con thấy Thầy”.

(Ga 14,19)

Có một câu chuyện kể lại một chàng thanh niên viết về mẹ của mình như sau:

Từ bé mồ côi cha. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm trời, bà cực nhọc, ròng rã nuôi tôi. Nhưng suốt thời thơ ấu cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng không thích mẹ, không bao giờ giới thiệu cho ai gặp mẹ mình cả, không cho mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là bà mẹ bị chột một mắt.

Ngày nọ, mẹ tôi ghé qua trường thăm tôi. Tôi thấy mẹ đến liền ra nói:

– “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì?  Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… tôi thực sự chẳng thích bà”.

Người mẹ chột mắt buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy dài nơi con mắt còn lại. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về. Sau tan học, tôi về nhà và la quát mẹ mình:

– “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bà hiểu không?”.

Bà mẹ âm thầm không nói một câu dù biết người con bội bạc, vô lễ, bất hiếu và mất dạy.

Thế là tôi bỏ nhà đi. Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành. Và rồi sau những tháng ngày miệt mài Tôi đã giành được một suất học bổng du học bên Singapore. Tôi hạnh phúc và yên vui sống ở đấy và không bao giờ nghĩ tới bà mẹ hiền ở quê nắng mưa thế nào! Sau năm năm tôi có vợ và có hai con, một gia đình giàu có và hạnh phúc. Tôi cũng gửi tiền về xây cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và hàng tháng gửi chút tiền về cho mẹ. Tôi tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con, cho nên không cần cho mẹ biết tôi ở đâu vì biết sợ mẹ đến làm xấu hổ vợ con. Và rồi một ngày. Bà quyết định sang đây bằng được để được nhìn thấy đứa con và cháu nội lớn lên như thế nào. Vừa bước vào nhà, đứa cháu nội chạy ra, bà chưa kịp ôm cháu mừng rỡ, thì đứa cháu khóc thét lên vì sợ hãi với hình dạng của bà nội. Tôi vừa ngạc nhiên và bực tức, quát mắng:

– “Bà còn sang đây làm quái gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?”. Bà lặng lẽ ra đi trong những nỗi đau xót.

Vài tháng sau, tôi hay tin mẹ tôi qua đời. Tôi quyết không về nhưng vợ tôi nói:

– “Anh ơi nghĩa tử là nghĩa tận, dù sao bà cũng là mẹ anh sinh nặng đẻ đau, cho anh bú bớm thành người hôm nay”.

Nghe vợ nói mà lòng xót xa, nên mua vé máy bay bay về Việt nam. Về đến nhà thì mẹ tôi được những người hàng xóm chôn ba ngày rồi. Tôi lần vào buồng nhìn trên gường thấy chiếc gối mẹ tôi nằm ru tôi ngủ khi xưa. Cầm chiếc gối lên, tôi thấy một lá thư chính mẹ viết:

-“Con trai yêu! Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé…. Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác để cho con khỏi lo phiền, khỏi bực tức nữa. Nhưng, con biết không? Mẹ yêu con! Mẹ có thể đánh đổi tất cả: Có thể hy sinh con mắt của mình dành cho con. Hy sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời. Con biết không khi con còn nhỏ vì con ham chơi con bị tai nạn và bị hỏng một con mắt. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, và Mẹ đã để bác sĩ thay mắt mẹ cho mắt hư của con. Cho nên, hôm nay mới còn lại vết sẹo trên mắt và mắt chột xấu xí này. Dù sao mẹ vẫn thương con vô ngần con trai yêu quý của mẹ”.

Câu chuyện trên đã làm ta cảm thấy xót xa cho người mẹ. Vì sao người mẹ đã chấp nhận hy sinh đôi mắt mình để cho đứa con trai được đôi mắt sáng. Sự hy sinh ấy phải chăng xuất phát từ bản năng yêu thương của một người mẹ. Chúa Giêsu còn hơn thế nữa. Chính Ngài cũng chấp nhận để lại những vết sẹo của tình yêu để cho các môn đệ nhìn thấy khi họ củng nhau « xem tay và cạnh sườn » Người.

Chúa Kitô Phục sinh đã tiến vào vinh quang của Thiên Chúa, thân xác Phục sinh Ngài cũng được biến đổi vinh quang. Ngài không còn phụ thuộc những hạn chế theo bản tính tự nhiên nhân loại nữa. Thế mà Ngài vẫn còn lưu giữ những vết sẹo của tình thương đó trên thân thể phục sinh của Ngài. Và Ngài đã cho các môn đệ xem những vết thương đó như bằng chứng xác thực rằng Ngài đã chịu chết và nay đã phục sinh chỉ vì yêu chúng ta dù chúng ta có tội lỗi, và bao lần phản bội.

Tin Mừng Gioan mời gọi ta tin vào vào tình yêu Đức Giêsu Kitô. Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạng nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Đó là bí quyết Đức Giê-su truyền lại cho các môn đệ, trước khi Người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay muốn gặp gỡ Người, để yêu mến người, để sống với Người cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thật siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy những điều vượt lên tầm mắt của con người.

Phần các con, các con thấy Thầy”. Chính việc thấy bằng cặp mắt của con tim của tình yêu này sẽ giúp chúng ta thấy được ý nghĩa, vai trò và mối quan hệ mật thiết giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu với cuộc đời của người Kitô hữu, điều mà con mắt của thân xác không thể nào nhìn thấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống giữa đời hôm nay được nhìn thấy Chúa qua con mắt tin và yêu để dù có gặp muôn vàn thử thách chúng con vẫn nhận ra Chúa và sự bình an mà Chúa mang đến cho chúng con.

Hạt cát nhỏ

Suy niệm 3:

Có lần tôi hỏi các em lớp giáo lý rước lễ lần đầu: – Làm sao chúng con nhận ra người khác yêu thương mình, vì tình yêu không có hình dáng cũng như màu sắc? Một em giơ tay trả lời rằng: – Đó là khi người ấy hôn con và quan tâm đến con. Vâng, nụ hôn, sự quan tâm… hay bất cứ hành động chân thành nào mà chúng ta đón nhận từ người khác đều nói lên tình yêu thương của họ dành cho chúng ta. Quả vậy, ngang qua những tình cảm tự nhiên nơi con người, hôm nay Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống chiều kích tình yêu mang tính chủ động và tự nguyện, đó là lắng nghe, tin tưởng và bước theo như lời Ngài nói:“Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ các giới răn của Thầy”.

Thoạt tiên, giữa việc tuân giữ các giới răn và lòng yêu mến dường như có điều hơi nghịch lý, bởi vì tình yêu cho chúng ta cảm nhận về sự ngọt ngào, được cưng chiều và bảo vệ, còn lề luật cho chúng ta cảm giác cứng rắn, sự ràng buộc và mất tự do. Tuy nhiên, khi ngẫm suy kỹ điều Đức Giê-su nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ các giới răn của Thầy”, chúng ta sẽ nhận ra rằng giữa lề luật và yêu thương không có sự đối lập hay loại trừ nhau, nhưng chúng được ví như hai dòng chảy hòa quyện vào nhau rất tương hợp. Thật vậy, việc tuân giữ luật của một người là hình thức thể hiện ra bên ngoài, qua đó diễn tả một tình yêu nồng cháy bên trong. Chẳng hạn:

  • Vâng lời là biểu hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
  • Chu toàn bổn phận, trách nhiệm, chấp nhận mọi gian lao để nuôi con nên người là hình thức tỏ bày tình yêu của cha mẹ đối với con cái.
  • Giữ lòng thuỷ chung đối với nhau là biểu đạt tình yêu chân chính của vợ chồng.
  • Và chính Đức Giê-su cũng đã thể hiện tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha khi thực thi mọi sự theo như thánh ý Chúa Cha truyền dạy.

Do đó, yêu mến và giữ luật” như Thầy Giê-su đòi hỏi là điều dễ hiểu. Bởi vì, khi yêu ai, chúng ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì họ, dành cho họ những điều tốt nhất và không toan tính thiệt hơn. Quả thật, Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa đã sống mầu nhiệm tự huỷ, hiến dâng đời mình vì yêu thương con người, nên việc chúng ta tuân giữ giới răn của Thiên Chúa không làm chúng ta mất đi sự tự do hay kém giá trị, nhưng đem lại cho chúng ta niềm an vui thật sự trong tình yêu dâng hiến đó. Bởi lẽ, lề luật của Thiên Chúa như hàng rào che chắn, bảo vệ chúng ta tránh khỏi những nguy hại, lọc lừa và hố sâu của lỗi tội do sa tan bày ra. Đồng thời, luật thánh cũng là những dấu hiệu chỉ đường dẫn chúng ta đến với tình yêu và sự sống đích thực nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần Chúa trên chúng con, giúp chúng con vững vàng trong đức tin, bền chí trong đức cậy, sắt son trong đức mến, và nhờ ơn Chúa, chúng con có thể sống chu toàn lề luật Chúa truyền dạy, trở nên dấu chỉ tình yêu và sự sống của Thiên Chúa cho anh chị em của con. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 4:

 SỰ THẬT TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA?

 “Thầy sẽ xin Chúa Cha, Người sẽ ban cho anh em Thần Khí sự thật”.

Chuyện kể rằng, vào một ngày nọ, Sự Thật và Dối Trá tình cờ gặp nhau.

“Dối Trá chào hỏi Sự Thật và nói: – Hôm nay là ngày đẹp trời.

Sự Thật ngó nhìn xung quanh, nhìn lên bầu trời, thực sự là ngày đẹp trời. Họ đi cùng nhau một lúc cho đến khi tới bên một giếng to đầy nước. Dối Trá thò tay xuống nước và quay sang nói với Sự Thật:

– Nước sạch và ấm, nếu bạn muốn thì chúng ta cùng nhau bơi?

Sự Thật lại thấy nghi ngờ bèn nhúng tay vào nước và thấy nước thật sự dễ chịu. Cả hai cùng bơi lội một lúc, đột nhiên Dối Trá chạy lên khỏi giếng, lấy quần áo của Sự Thật và biến mất.

Sự Thật tức giận, trần truồng trèo lên khỏi giếng, chạy khắp nơi tìm kiếm Dối Trá để lấy lại quần áo của mình. Mọi người thấy Sự Thật trần truồng thì liền nhìn tránh sang hướng khác vì ngượng ngùng hoặc tức giận. Sự Thật tội nghiệp thấy xấu hổ bèn quay lại giếng và náu mình ở đó mãi mãi.

Kể từ đó, Dối Trá đi khắp thế giới, khoác áo như Sự Thật, đáp ứng nhu cầu của thế giới, và không một ai muốn nhìn thấy Sự Thật trần trụi.”

Chúng thấy rằng, con người sống trong xã hội này là sự lừa lọc, dối trá và chà đạp lên nhau để sống. Mỗi con người đều tạo ra cho mình một bộ mặt nhằm che lấp xã hội. Họ sống là giả dối với nhau và trong mỗi người là những toan tính tầm thường, ngay cả những con người coi là “Hiền” nhất. Trong xã hội ngày nay có vẻ như không có khái niệm hai chữ “Thành thật”.  Trên đời này chỉ có trẻ con tâm hồn ngây thơ, trong sáng và chỉ có người “say rượu- bia” mới thành thật và sống thật với bản thân mình. Còn lại đều là sự giả dối và tạo cho mình một vỏ bọc bề ngoài.

“Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật”.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà con người rất nhạy cảm với tất cả những gì là dối trá, đạo đức giả, …. Chúng ta muốn chân thực và tháo những chiếc mặt nạ xuống. Nhưng đồng thời chúng ta cũng sống với sự dối trá có tổ chức, dối trá của công chúng, dối trá của thông tin. Và đây là lúc chúng ta trở lại với câu hỏi của Philatô vào lúc Chúa Kitô chịu Thương khó: “Sự thật là gì?” Câu hỏi này cũng là của chúng ta mỗi khi chúng ta bị bất ổn bởi những tin tức chóng mặt do giới truyền thông cung cấp cho chúng ta hàng ngày.

Có một câu trả lời chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng: Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta là Sự Thật”. Chúng ta đón nhận Thần Khí sự thật mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta, để cho mình được Người biến đổi. Sự thật này không phải là kiến ​​thức trí tuệ, nhưng là chính Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta, soi sáng con đường và cuộc sống của chúng ta. Thần Khí Sự Thật này đã được ban cho chúng ta vào ngày chúng ta chịu phép rửa tội và thêm sức.

Lạy Chúa, hôm nay chúng con cầu xin Chúa hãy đến và làm sống lại món quà mà Chúa đã ban cho chúng con trong ngày chúng con chịu phép rửa tội và thêm sức. Xin Người khơi dậy và nâng đỡ chúng con, để chúng con làm chứng cho thế giới về niềm vui và hy vọng đang ngự trị trong chúng con nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh. Amen.

Fiat

Suy niệm 5:

CHÚA LUÔN BÊN CON

Trong cuộc sống hằng ngày chắc hẳn không ai cảm thấy vui vẻ khi sắp phải chia xa người thân yêu của mình. Khoảng cách càng xa, thời gian càng lâu thì nỗi buồn lại càng tăng thêm. Mọi lời hứa hẹn, mọi kỉ vật được trao trong giây phút ấy đều mang một ý nghĩa to lớn. Cùng trong hoàn cảnh ấy, bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc Chúa Giêsu sắp phải rời xa các môn đệ để đi vào cuộc thương khó, và trong những giờ phút ngắn ngủi còn lại, Ngài bày tỏ tâm tình của mình cho các ông.

Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ là điều tất nhiên. Vậy các môn đệ có yêu mến Ngài không? Chắc hẳn là phải có… Ít nhiều gì cũng có. Chúa Giêsu cũng cảm nhận được điều đó. Nhưng tùy theo tính tình và thái độ mà mỗi ông có cách biểu lộ khác nhau. Biết thế nên trong những giờ phút sau cùng này Chúa Giêsu muốn các ông bày tỏ tình thương đối với Ngài cùng một cách thức đó là: “Ai yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Nghe qua chúng ta có cảm tưởng giống như một người lớn trong gia đình, biết bản thân sắp rời bỏ cõi đời nên dặn dò con cháu phải thực hiện những lời trăn trối của mình. Và thật thế, Chúa Giêsu biết Ngài sắp đi vào cuộc thương khó nên Ngài cũng nói cho các môn đệ những lời từ tận tâm hồn của Ngài và giúp các ông chuẩn bị tinh thần cho cuộc Vượt Qua sắp tới.

Dù vậy, nhưng Ngài cũng biết các môn đệ của Ngài còn nhiều yếu đuối, không thể một mình vượt qua những khó khăn, gian nan, bách hại của thế gian khi Ngài không còn ở cùng với các ông, nên Ngài đã hứa ban cho các ông một Đấng Phù Trợ khác. Đó là Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm này, các môn đệ không thể lĩnh hội được tất cả những gì Chúa Giêsu đang nói. Một mặt vì đây là điều vượt ngoài trí hiểu của các ông, mặt khác các ông đang bối rối trước những lời chia xa mà Chúa Giêsu đang đề cập thì lấy đâu ra tâm trí mà tưởng nghĩ đến một Đấng Phù Trợ nào nữa.

Và quả thật, tất cả những điều Chúa Giêsu loan báo cũng xảy ra. Ngài từng bước đi vào cuộc khổ nạn, chịu đóng đinh, chịu chết và Phục Sinh. Sau đau khổ vì cái chết của Thầy, các môn đệ lại tìm thấy niềm vui vì sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, niềm vui của sự Phục Sinh này chưa phải là đích điểm mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài hướng tới. Ngài không muốn các ông chỉ co cụm một nơi, chỉ biết chia sẻ Tin Mừng trọng đại ấy cho nhau nhưng là mở cửa ra, là đến với muôn dân để loan báo Chúa đã Phục Sinh. Và sức mạnh duy nhất để bây giờ các môn đệ có thể làm được điều đó là đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã hứa ban khi Ngài về với Chúa Cha. Và sự thật là ngay khi nhận được Thánh Thần, các môn đệ đã can đảm làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và đưa dẫn mọi người về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, lệnh truyền của Chúa dành cho các môn đệ ngày xưa cũng là lệnh truyền Chúa dành cho mỗi người chúng con con thời đại hôm nay. Để tỏ lòng yêu mến Chúa, chúng con nhất thiết phải tuân giữ lời Chúa đó là thi hành luật mến Chúa yêu người một cách hoàn hảo nhất. Và chúng con cảm tạ Chúa đã không bao giờ bỏ chúng con một mình trong thế gian này, không để chúng con phải đơn độc chiến đấu với những hiểm nguy của thế gian nhưng Chúa luôn bên cạnh chúng con, âm thầm gìn giữ chở che và ban muôn ơn càn thiết giúp chúng con có thể vượt qua biển đời mà về cùng Chúa.

Bảo Bảo

 

Trả lời