Chúa Nhật Lễ lá Năm B

Suy Niệm 1:

Cậy Trông Vào Ai?

Trình thuật bài Thương Khó hôm nay giúp chúng ta nhận ra hai tâm thế “cậy trông” khác nhau giữa Đức Giê-su và Phê-rô. Đối với Đức Giê-su, Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng lại một lòng tin yêu và phó thác vào Chúa Cha, nhất là trong cơn khốn khó Chúa càng đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Cha. Vì thế, Ngài đã toàn thắng mọi sự trong tình yêu của Cha. Còn nơi Phê-rô, ông mang thân phận con người nhưng lại quá cậy dựa vào sức riêng mình, nghĩ rằng lòng trung thành của mình là bất di bất dịch, nên Phê-rô phải nhận một cái kết đắng là chối bỏ Thầy mình ngay trong “đêm hôm ấy”.

Thật vậy, sau khi Thầy trò dùng Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã”.  Các ông khi nghe Thầy nói như thế dường như rất hoang mang, nhưng riêng Phê-rô lại xác quyết với Thầy “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”. Vẫn biết rằng, lúc bấy giờ, sự chân thành và lòng trung tín của Phê-rô là thật, bởi lẽ ông ở với Thầy ba năm, chắc hẳn tình cảm ấy cũng đủ để ông chung chia nghịch cảnh cùng Thầy. Thế nhưng, Đức Giê-su hiểu rõ Phê-rô hơn ông hiểu chính mình, nên Ngài nhấn mạnh lần nữa “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần”. Tuy nhiên, Phê-rô vẫn đầy khí phách và quyết liệt trong ý hướng của mình “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”.

Phải chăng Phê-rô đã quá tự tin về lòng trung thành của mình, hoặc có chút ảo tưởng về sức mạnh bản thân?! Phê-rô nghĩ tưởng rằng lòng trung tín ấy có thể bảo đảm mình sẽ không bao giờ phản bội hay quay lưng lại với Thầy. Nào ngờ khi cảnh huống xảy ra, Phê-rô làm ngược lại với tất cả những gì ông đã xác quyết và công bố trước đó: “Tôi không biết người mà các ông nói đó”. Một lời chối bỏ thật tuyệt tình và đau đớn với ba năm tình Thầy trò giữa ông và Thầy Giê-su.

Khác với Phê-rô, Đức Giê-su run sợ “Giờ” của mình đã đến, và Ngài đã thưa cùng Cha “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. Lời khẩn nguyện của Đức Giê-su tuyệt đẹp, đẹp trong cung cách khiêm hạ thẳm sâu trong khi Ngài có năng quyền, đủ tư cách để có thể tự giải thoát mình bước qua khỏi cơn quẫn bách đó, nhưng Đức Giê-su đã không làm như vậy. Trái lại, Ngài biết Thiên Chúa là Đấng nào, biết mình có sứ mệnh gì, và biết đâu là nguồn cậy trông để mình có thể nương tựa vào.

Vậy, qua tâm thế của Đức Giê-su và thánh Phê-rô, bạn và tôi hãy tự vấn xem, trong gian nan thử thách, chúng ta cậy dựa vào ai? Vào chính mình hay vào Thiên Chúa? Quả thật, khi đối diện với những nghịch cảnh, chúng ta mới nhận ra mình mạnh – yếu thế nào! Trung thành hay bất trung ra sao! Quả thật, khi trải qua đêm định mệnh ấy, thánh Phê-rô đã cảm nhận sâu xa được rằng thế nào là yếu đuối, là tầm thường nơi bản thân mình. Thánh nhân không còn ảo tưởng về sức mạnh của mình nữa, mà thay vào đó là sự khiêm cung, biết phó thác cậy trông cùng với những giọt nước mắt ăn năn sám hối.

Lạy Chúa Giê-su là Đấng khiêm nhường, xin đừng để chúng con quá tự phụ vào bất cứ điều gì về chính mình, mà biết nhìn nhận mình trong ơn Chúa, hầu chúng con có thể đứng vững trước mọi gian nan khốn khó trong cuộc đời chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Phụng vụ Giáo Hội đang bước vào thời gian đỉnh cao của mùa chay đó là Tuần Thánh, được khai mạc bằng Chúa Nhật Lễ Lá. Trong thánh lễ này, qua hai bài Tin Mừng được đọc trước và trong thánh lễ, chúng ta sẽ được thấy hai bức tranh, tuy cũng là những nhân vật trong cùng một không gian nhưng lại mang hai sắc thái, hai ý nghĩa và hai kết thúc hoàn toàn trái ngược nhau.

Nếu bài Tin Mừng đầu tiên khắc hoạ một Vị Vua Giêsu hiền lành, cưỡi trên lưng một con lừa tiến vào thành Giêrusalem, giữa ngàn vạn tiếng tung hô của từng lớp người, tay giơ cao nhành lá reo hò như đang chào mừng vị anh hùng của dân tộc mình, thì chuyển sang bài Thương Khó được đọc trong thánh lễ, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì cũng chính những con người vừa reo hò vang dậy tung hô Chúa Giêsu cách đây mấy ngày, giờ đây lại đan tâm giơ tay la hét đòi lấy đi mạng sống của Ngài. Hình ảnh đối nghịch hoàn toàn khi Chúa Giêsu bước ra khỏi thành Giêrusalem khiến chúng ta không khỏi xót xa cho Đấng Messia – Con Thiên Chúa: cô độc, đau thương, vai nặng mang thập giá, bị chen lấn, xô đẩy, phỉ báng, đánh đòn…và kết thúc là cái chết tủi nhục giữa hai tên trộm cướp.

Phải chăng đây là một kết thúc buồn cho một chuyện tình giữa Thiên Chúa dành cho nhân loại? Người đời thường nói với nhau: trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn là người đó thua. Cách nào đó, Thiên Chúa đã thua trong chính cuộc tình mà Ngài đã đặt cược rất nhiều: Thua vì nhân loại – mà đại diện là dân Do Thái thời bấy giờ đã từ khước đón nhận tình yêu thương đó, qua việc đóng đinh chính Con Một Thiên Chúa làm người. Thua vì Thiên Chúa ban cho con người có tự do để gây nên cái chết cho Đấng mang lại chính nguồn sống muôn đời cho họ. Và thua vì Thiên Chúa vẫn im lặng cho đến giờ sau hết của Người Con yêu dấu của mình.

Thế nhưng, đường lối cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa lại là một mầu nhiệm mà con người không thể dùng trí khôn mà tưởng tượng và suy thấu, một mầu nhiệm mang tên Tình Yêu. Thiên Chúa yêu nhân loại không chỉ bằng lời nói nhưng là bằng hạnh động cụ thể. Trong tình yêu nếu không có hy sinh thì là giả dối, còn hy sinh mà không có tình yêu thì thật là vô nghĩa. Vì tự bản chất Thiên Chúa là Tình Yêu và Chân Thật nên Ngài không thể yêu nhân loại hay cứu độ họ chỉ bằng những lời phán ra nhưng bằng chính hy sinh mạng sống của Ngài để cho con người có được sự sống vĩnh cửu.

Hình ảnh Ngôi Hai Thiên Chúa chịu treo trên thánh giá là lời yêu thương cao quý và duy nhất mà Thiên Chúa có thể gởi đến nhân loại cách trọn vẹn. Vấn đề còn lại là ở chúng ta, những con người mang thân phận thấp hèn tội lỗi, chúng ta có dám nhìn lên Đấng bị chịu đóng đinh để ăn năn vì những tội lỗi của bản thân và quay về với tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa không? Chúng ta có dám nhìn lên vết thương thấu tận trái tim của Đấng chịu đòng đâm thấu nương long để đau đớn vì sự bội bạc của nhân loại và quyết tâm yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn chăng?

Và lạy Chúa, chính con đây, khi còn được diễm phúc từng bước theo Ngài trên đường thánh giá trong tuần thánh này, trái tim con có rung cảm vì một tình yêu quá đỗi lớn lao của Ngài dành cho cuộc đời của con chưa?

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

Lật Mặt

  “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” là một trong hai bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất trong năm 2023 của đạo diễn Lý Hải. “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” xoay quanh nhóm bạn thân sáu người, họ cùng nhau lớn lên tại một làng nghề làm chiếu truyền thống. Công việc khó khăn nên mọi người cũng dần bỏ nghề chỉ còn duy nhất một người trụ lại. Một ngày kia, người này mua tấm vé số trùng ngày sinh của sáu anh em bạn và giao cho một trong các bạn cất giữ.

Nào ngờ tấm vé trúng giải độc đắc hàng trăm tỉ đồng nhưng người bạn này lại qua đời do tai nạn và “tấm vé định mệnh” nằm ở ốp lưng điện thoại cũng theo anh xuống mộ. Tình huống này khiến năm người còn lại dấy lên dã tâm và những toan tính riêng. Kẻ muốn đào mộ để lấy tấm vé bị chôn, người thì muốn ngăn cản vì sợ phạm điều tối kỵ… Loạt bi kịch nghiệt ngã cũng chính thức bắt đầu từ đây. Còn gì tò mò, khơi gợi hơn tấm vé số trúng độc đắc 138,6 tỉ đồng? Còn lựa chọn nào tốt hơn cho những con người đang ở cùng đường bí bách: một người cha đơn thân đang lâm cảnh nợ nần và đứa con gái bệnh tật, một giang hồ ngầm mưu sinh bằng những thủ đoạn bẩn thỉu, một chàng bán bảo hiểm không kiếm được khách, một kẻ mê đá gà sống bám váy vợ, một gã nghèo sắp lên chức cha nhưng không có được một mái nhà tử tế…

Nghịch cảnh đó buộc họ phải khơi dậy lòng tham, sự dã tâm và sẵn sàng “lật mặt” bất cứ lúc nào để chiếm lấy tấm vé số định mệnh. Các nhân vật dù họ là ai, họ đang làm gì, cuộc sống của họ có bi kịch như thế nào… thì chỉ khi dính đến tiền bạc, bản chất thật của họ mới lộ ra. Đó là câu chuyện phim được đạo diễn dựng nên.

Chúa Nhật lễ Lá hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem được dân chúng chào đón, tung hô như một vị Vua. Còn trong bài thương khó chúng ta lại bắt gặp được hình ảnh trái ngược lại: dân chúng hô hào đòi đóng đinh Chúa Giêsu, các môn đệ ngày nào thề sống chết theo Thầy thì nay người bán Thầy, kẻ chối Thầy, người bỏ trốn… Suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã không ngừng làm nhiều phép lạ cho dân chúng và các môn đệ chứng kiến. Điều chúng ta không thể ngờ là tất cả đón nhận ơn lành từ Chúa nhưng họ vẫn trở mặt lại với Ngài.

Con người ngày nay đang sống trong một thế giới khoa học khĩ thuật vượt bậc. Họ có những phát minh, sáng chế để phục vụ cho cuộc sống và con người, nhưng cũng không thiếu những lôi kéo khiến con người dần dần mất niềm tin vào Chúa. Người ta nghĩ rằng họ có thể làm được tất cả, nên không cần sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và quay lưng với Chúa. Dù đó là những người sang hay hèn, hạnh phúc hay đau khổ thì họ đều có lý do khước từ Chúa để sống theo ý mình.

Xin Chúa thương tha thứ cho chúng con, xin ban thêm niềm tin giúp chúng con để chúng con nhận ra Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, giúp chúng con phận định được tốt xấu trong cuộc sống lữ hành trần gian này mà trung thành gắn bó cho đến cùng. Amen.

Fiat

Trả lời