Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

Suy niệm 1:

Trung Tín Đến Cùng

Chúa nhật Lễ Lá bắt đầu tuần Thương Khó Chúa Giê-su. Đó là một Chúa Nhật vui nhưng cũng là một Chúa Nhật buồn. Vui vì lần đầu tiên vị Vua Cứu Thế được tung hô một cách công khai, một Vị Vua mà dân Do Thái trông mong sẽ đến và ở cùng họ. Nhưng đây cũng là một Chúa Nhật buồn với Chúa Giê-su, với các môn đệ, cũng như tất cả chúng ta. Với cả tâm tình, Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ lên Giêrusalem lần cuối cùng, để kết thúc một cuộc hành trình vâng phục thánh ý Chúa Cha, bằng đau khổ và cái chết để hoàn tất công cuộc cứu độ của Ngài.

Đồng thân phận là con người, chúng ta cũng cảm nhận được nỗi niềm của Chúa Giê-su với câu nói: “Nào chúng ta lên Giêrusalem”. Bởi lẽ đứng trước một cái chết, một nỗi đau khổ tột cùng, Chúa Giê-su vẫn nói một cách quả cảm và cương quyết vì yêu thương nhân loại. Ngài biết trước cái chết của chính mình nhưng vẫn bình thản, mạnh dạn tiến lên Giêrusalem, bước trên lối mòn của tình yêu để thánh ý Chúa Cha được nên trọn vẹn. Dẫu biết con đường vâng phục là khó, là đau khổ, nhục nhã, nhưng Ngài vẫn tiến bước, quên mình vì người mình yêu. Thử hỏi có ai đã mạnh đến nói với chúng ta: Tôi sẽ chết vì em, hay chết vì anh, như Chúa Giê-su đã làm không? Nhưng Chúa Giê-su, Ngài đã nói và đã làm bằng tất cả tình yêu, yêu cho đến cùng và chết cho người mình yêu.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng Con Thiên Chúa không lạ gì với những đau khổ của phận người khi bước vào trần gian. Có lẽ vì vậy mà đứng trước con đường khổ nạn, Chúa không hỏi tại sao, cũng chẳng buông lời nguyền rủa, nhưng Ngài đã bước đi và đi tới cùng với tất cả tình yêu, tình yêu dành cho Cha và cho nhân loại, và lập tức bao nhiêu đau khổ kia trở nên ý nghĩa. Con đường thập giá bổng nở hoa rộn ràng. Cây thánh giá lộng lẫy với vương miện tình yêu. Qua đó Chúa Giê-su cũng dạy cho mỗi người chúng con một bí quyết sống hạnh phúc, đó là tình yêu và tha thứ. Vì vậy, con đường mà Phụng Vụ Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta là con đường đã in dấu chân, đã thấm mồ hôi và mang cả trái tim của Thầy Giê-su.

Lạy Chúa, ước gì trên hành trình cuộc đời, đặc biệt là trong hành trình dâng hiến, từng ngày chúng con thật sự hoán cải và được hoán cải; sống đẹp lòng Chúa, chu toàn bổn phận làm người và làm con Chúa; sống hết tình, hết mình vì Danh Chúa; phục vụ và yêu thương tha nhân như Chúa đã sống, đã làm và trung tín đến cùng vì yêu thương chúng con. Chiêm ngắm Chúa chịu thương khó hôm nay, xin cho mỗi người chúng con luôn có được tâm tình của Chúa để hân hoan tiến bước vào đời, tiếp tục con đường của Ngài, con đường Tình Yêu dẫn tới Giêrusalem Thiên Quốc. Amen.

Thầm Lặng

Suy niệm 2:

TƯƠNG PHẢN

Tuần Thánh là chóp đỉnh của phụng vụ Giáo Hội trong một năm. Khai mạc cho Tuần Thánh luôn là ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Với nghi thức làm phép và kiệu lá trước Thánh lễ, Chúa Nhật hôm nay cũng mở đầu cho một chuỗi những nghi thức quan trọng kế tiếp sẽ được cử hành trong Tam Nhật Vượt Qua hay còn được gọi là Tam Nhật Thánh. Vì mang nhiều ý nghĩa như thế, nên Chúa Nhật Lễ Lá được xem là cánh cửa dẫn người Kitô hữu từng bước đi theo Chúa Giê-su trên con đường khổ nạn để chịu đóng đinh cùng Ngài trên Thập Giá và chờ đợi niềm vui Phục Sinh.

Một điều đặc biệt của ngày Chúa Nhật Lễ Lá đó là có hai bài Phúc Âm được linh mục đọc lên: một bài trước và một bài trong Thánh Lễ. Đều là Phúc Âm nhưng một bài thì được đọc là Tin Mừng, một bài thì được đọc là Bài Thương Khó. Một bài mang nội dung và những hình ảnh vui tươi nhộn nhịp bao nhiêu thì bài còn lại mang tính chất tương phản bấy nhiêu.

Chúng ta cùng điểm lại những nét tương phản ít nhiều của cả hai bài đọc:

  • Tin Mừng trước Thánh Lễ nói đến việc Chúa Giê-su khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia mà muôn dân đang trông ngóng. Dân chúng hoan hô vang dậy, trải áo dọn đường, cầm lá reo hò như đang chào đón vị vua tối cao của mình tiến vào thành nội, hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng của cả vương quốc. Mọi niềm tin, mọi hy vọng, mọi ánh mắt đều hướng về Chúa Giê-su vẽ nên một khung trời rực rỡ của vinh quang.
  • Nhưng chẳng lâu sau đó, trong Thánh lễ, bài thương khó được đọc lên: tất cả diễn ra dường như đối lập hẳn. Cũng bằng ấy những con người, nhưng lại là những tiếng hò hét rợn người, những cánh tay đồng loạt giơ lên kèm theo những âm thanh chát chúa: “đóng đinh nó đi”. Những lời khen ngợi tôn vinh ngày nào giờ lại trở thành những lời vu khống, đay nghiến và nhục mạ. Bầu trời Giêrusalem hôm ấy không còn những áng mây trắng lững lờ trôi êm đềm theo làn gió mát, nhưng thay vào đó là những đám mây xám xịt vần vũ trên bầu trời tối tăm, mặt trời khuất đi như muốn che giấu sự tủi hổ của Con Thiên Chúa khi chịu chết khổ nhục trên thập giá. Mọi hy vọng, niềm tin dường như tắt liệm, chôn vùi theo cái chết của Chúa Giê-su. Chẳng ai buồn ngước trông lên một người tử tội chịu đóng đinh trên giá gỗ. Và rồi, ánh sáng huy hoàng của Mặt Trời Công Chính là Đức Ki-tô dường như đã bị bóng tối của tội lỗi, sự chết và lòng dạ cay độc của loài người đánh bại.

Dưới góc nhìn của con người đó là sự chiến thắng của những toan tính trần thế, là sức mạnh của quyền lực sự dữ, là sự chiến bại cho những người hiền lành thấp cổ bé miệng. Nhưng dưới ánh sáng đức tin, tất cả đều không ngoài thánh ý và chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Ở đây chúng ta lại thấy sự tương phản của tình yêu Thiên Chúa và loài người để cùng nhau suy gẫm mầu nhiệm ơn cứu chuộc:

  • Để cứu con người tội lỗi lên khỏi chốn bùn nhơ tội lỗi và án phạt của sự chết, Thiên Chúa đã sai Con Một giáng trần để gánh lấy bản án thay cho nhân loại, để đổ máu ra mà giao hòa con người với Thiên Chúa.
  • Để xóa bỏ lòng hận thù trong con người, Thiên Chúa đã ban Chúa Giê-su là nguồn mạch mọi tình yêu thương.
  • Để hướng cái nhìn của con người lên chốn trời cao và xóa đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và nhân loại, Thiên Chúa đã để Con của Ngài chịu treo lên như tâm điểm của mọi sự chú ý, là chiếc thang nối trời với đất.

Mọi sự tương phản được nêu lên ở đây sẽ mãi là sự tương phản mang tính bi thương cho một kết thúc bi lụy nếu chúng ta không đặt vào đó một cái nhìn của đức tin và một niềm hy vọng, tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Lễ Lá và Bài Thương khó sẽ vẫn mãi là kết thúc cho một cái chết đau thương của Chúa Giê-su nếu ta không can đảm cùng Ngài bước tiếp đến Tam Nhật Thánh và sau đó đón chờ vinh quang Phục Sinh.

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

ĐƯỜNG THEO CHÚA

Chuyện kể rằng: Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy, …

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì – nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

Chúa Nhật Lễ Lá mời gọi chúng ta đọc lại và nhất là sống lại câu chuyện Thương Khó của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Hành trình của Chúa Giê-su không phải kết thúc tại cổng thành Giêrusalem với đông đảo dân chúng trải áo xuống mặt đường, một số khác lại chặt cành chặt lá rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô Thái Tử nhà Ða-vít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng Trời!”, nhưng là kết thúc trên đồi Golgotha với những lời nhục mạ ê chề, với cây Thập Giá ở giữa hai tội nhân.

Đoàn rước ngày Lễ Lá hôm nay mời gọi chúng ta cùng tiến bước theo Chúa. Đường vào Giêrusalem chỉ có một và rộng thênh thang, mọi người đều có thể tụ tập và chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia muôn ngả, mọi người có thể chọn cho mình một con đường đi. Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hòa nhập vào đoàn người cầm cành lá đi rước Chúa. Nhưng khi Chúa đi lên đồi Golgotha, tôi sẽ rẽ sang đường nào? Tôi sẽ rẽ sang đường phản bội như Giuđa? Tôi sẽ rẽ sang đường chối Chúa như Phêrô? Tôi sẽ rẽ sang đường trốn chạy như một số môn đệ? Hay tôi cũng hùa theo đám đông để kết án Chúa?

Hành trình của Chúa Giê-su là một hành trình gian khổ. Và danh hiệu làm Vua chỉ được chính thức ghi bằng chữ viết, và được công nhận khi Ngài bị treo trên Thập Giá. Noi gương Chúa Giê-su, và như hạt lúa được kể ở câu chuyện trên, chúng ta đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu mục nát để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ – đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai. Trước cánh đồng cuộc đời bao la này hy vọng chúng ta mỗi người sẽ có những sự lựa chọn cho riêng bản thân mình.

Lạy Chúa! Theo Chúa là dám chọn thánh giá, theo Chúa là gánh chịu nhọc lao. Theo Chúa là chấp nhận thương đau. Theo Chúa là bỏ mình vác cây thập hình. Xin Ngài, xin Ngài thương hướng dẫn con đi theo Ngài lên đồi cao Chúa lên hôm nào. Xin Ngài, xin Ngài thương giúp con kiên cường. Cho dù bao sầu thương vẫn luôn theo Ngài. (Theo Chúa – Lm. Phương Anh)

Fiat

Suy Niệm 4:

Sau bốn mươi ngày sống tâm tình sâu lắng của mùa chay, chúng ta đã được mời gọi trở về với Chúa và với anh chị em, đó là thời gian ân sủng mà Mẹ Giáo Hội muốn con cái mình tận dụng kín múc và làm mới lại các mối tương quan. Hôm nay Giáo hội cử hành Lễ Lá cách long trọng bằng việc nghi thức rước lá, tưởng niệm biến cố Đức Giê-su khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, khi đó mọi người tay cầm lá vang lời ca tụng “Hoan hô Thái Tử nhà Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Niềm vui, lời chúc tụng này dường như chóng qua khi chúng ta lắng nghe Bài Thương Khó, vì các nhân vật trong trình thật này mang đến cho chúng ta nhiều tâm tình. Và đây cũng như một lời mời gọi chúng ta hãy quay lại, cùng bước đi với Đức Giê-su trên con đường thập giá. Trong bài Tin Mừng, chúng ta không chỉ thấy sự vu khống, phản bội, ghen tương, hèn nhát của những kẻ ác hay những người chối bỏ Đức Giê-su. Hơn thế, chúng ta còn thấy sự bất công, đau khổ, sợ hãi, cô đơn và nhất là cái chết nhục nhã mà Đức Giê-su phải chịu vì yêu thương con người, và đồng thời cũng giúp chúng ta nhận ra một tình yêu cao cả mà Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại khi dâng hiến chính Con Một của mình. Quả thật, chỉ có tình yêu mới dám hy sinh tất cả, chỉ có tình yêu chân thật mới có khả năng thánh hóa mọi khổ đau, làm phát sinh giá trị cứu độ: “Lạy Cha, nếu chén này không thể qua đi được mà Con phải uống, thì xin theo ý Cha”

Thật vậy, mỗi lần chúng ta đọc Bài Thương Khó là mỗi lần chúng ta được sống lại trong từng khoảnh khắc nơi cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Chúng ta suy gẫm từng nhân vật với cái nhìn đa chiều, mỗi nhân vật là sự phản chiếu cho cuộc đời chúng ta là những người sống niềm tin vào Đức Giê-su Kitô. Nhân vật đầu tiên Tin Mừng thánh Matthêu gợi cho chúng ta là Giuđa, ông đã được Thầy yêu thương và đồng hành cùng ông trong suốt ba năm, vậy mà chỉ vì một chút lợi lộc mà ông nỡ lòng phản bội Thầy mình. Và còn rất nhiều nhân vật khác như các kỳ mục, người biệt phái, luật sĩ và đám đông – họ là những người cuồng tín kêu gào đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá. Còn Phêrô, môn đệ thân tín vì nhát đảm, sợ hãi nên ông chối bỏ Thầy. Philatô thì rửa tay rũ bỏ trách nhiệm của mình và để mặc cho các binh sĩ La Mã đánh đập, hành hạ thảm khốc Thầy Giêsu và cuối cùng treo Ngài lên thập giá. Đó là những con người đã gây ra tội ác cách đây hơn hai ngàn năm qua. Còn tôi và bạn thì sao? Nếu có chúng ta lúc đó, chúng ta giúp được gì cho Đức Giê-su, chúng ta có khá hơn Giuđa, Phêrô và những người khác không?

Lúc ấy nếu có tôi ở đó, không biết tôi có đủ can đảm như ông Simon thành Kyrênê và bà Vêrônica vượt qua đám đông đang chen lấn để vác đỡ thập giá của Đức Giê-su và lau mặt cho Ngài?! Họ đã thể hiện sự tử tế rất con người và cũng là tình yêu của họ dành cho Đức Giê-su đang khi loạng choạng bước đi giữa những con người tốt xấu lẫn lộn, thương ghét đan xen. Đứng trước đau khổ, tôi tự hỏi tại sao Ngài không chọn cho mình cách thức khác để vâng lời Chúa Cha và cứu chuộc nhân loại, mà nhất định phải là con đường của thập giá.

Chắc chắn Đức Giê-su biết cách nào tốt nhất để cứu chúng ta vì Ngài là Thiên Chúa. Thầy Giê-su đã chọn con đường thập giá là con đường duy nhất, tốt nhất để vâng phục Chúa Cha và vì yêu chúng ta đến tận cùng. Quả thật, thập giá thể hiện sự đớn đau và tủi nhục mà không điều gì sánh bằng. Thế nên, chỉ khi vác thập giá, bị đóng đinh hay ở trong “hoàn cảnh thập giá”, chúng ta mới hiểu được nỗi đau khốn cùng của kiếp nhân sinh. Vậy, khi gặp sự ngang trái, bất công hay bất cứ gian khổ nào, chúng ta hãy tin rằng không có đau khổ nào mà Chúa Giê-su đã không trải qua, Ngài biết và cảm thông tất cả. Hãy đến nương ẩn và tìm sự trợ giúp từ Ngài!

Lạy Chúa Giê-su, trong cuộc sống chẳng mấy ai thích mình đau khổ, ít ai chọn thập giá cho đời mình. Khi nghe tới thập giá, chúng con đã rùng mình khiếp sợ, vì biết rằng nơi ấy chỉ toàn là những khổ đau, muộn phiện và tang tóc. Xin Chúa cho chúng con ý thức thập giá có Ngài vác cùng sẽ trở thành thánh giá – thánh giá mang đến cho chúng con ơn cứu độ, ơn giải thoát và là nơi bộc lộ tình yêu toàn diện của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng con.

Lạy chúa! xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài Thập giá trên đường đời con đi. Lạy chúa xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang. (Con Đường Chúa Đã Đi Qua, Lm. Văn Chi)

M. Nhị Thơ

Để lại một bình luận