Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A

Suy niệm 1:

LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC PHÚC ĐÍCH THỰC

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (Mt 5, 3)

“Vạn sự vô thường, vạn sự khổ”. “Nghĩa là mọi sự đổi thay không ngừng, nên mọi sự chỉ là khổ đau. Sinh, bệnh, lão, tử. Con người sinh ra để rồi ốm yếu, già lão và cuối cùng là chết chóc. Rõ thật đời là bể khổ mà mỗi người là một cánh bèo trôi dạt trên đó”. (Bài thuyết pháp đầu tiên của Phật Thích Ca tại Bênarét).

Và trong bài giảng đầu tiên khi Đức Kitô xuất hiện trên đất Palestin, đã tuyên bố: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Có thể hiểu là lo tìm vật chất hưởng thụ và bị vật chất che khuất, để rồi lãng quên Nước Trời.

Ngay từ bài giảng trên núi, mà ta thường gọi là “Hiến Chương Nước Trời”, Chúa Giêsu đưa ra tám mối phúc, mà mỗi mối phúc là một phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giê-su và là một phương thế nên thánh.

Không ít những nhà nghiên cứu đã suy tư rất nhiều, để bàn cãi về hai bài giảng của Đức Phật và Chúa Giêsu, nhưng cũng không ai có thể hiểu hết chính xác hai bài giảng ấy.

Về những mối phúc mà Chúa Giêsu đã nói, xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường, nhưng có khi lại là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời là danh vọng, tiền tài, địa vị, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy.

Ðiều mới mẻ trong lời loan báo của Ðức Giêsu nổi bật ngay từ những lời đầu tiên của bài giảng, khi Người tuyên bố là người có phúc không phải là người giàu có, quyền thế, có ảnh hưởng, mà là người nghèo khó, khiêm tốn, nhỏ bé, có lòng trong sạch, chia sẻ và trao ban cho người thiếu thốn điều ta có: một nụ cười, thời giờ, của cải, khả năng; khi ta cho đi mọi sự vì lòng thương yêu, ta nên nghèo khó, hay nên trống rỗng, nên hư vô, được tự do, với tâm hồn trong trắng. Ðiều này làm đảo lộn cách suy nghĩ thường tình, nhất là trong xã hội đang ca tụng chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng lạc, ăn phải ngon, mặc phải đẹp, nổi tiếng giàu có là người thành công …!

Nghèo khó, đó là “tin mừng” Ðức Giêsu mang đến, tin mừng đem lại niềm vui và hy vọng cho những người cùng cực, Tin Mừng gieo tin tưởng nơi tình thương Thiên Chúa, Ðấng ở gần người bị thử thách và đau khổ. Lời loan báo niềm vui cùng ơn cứu độ đã được tóm kết trong mối thứ nhất của tám mối phúc: nó đảm bảo Nước Trời cho những nguời có tâm hồn nghèo khó.

Hạnh phúc của Chúa trái ngược với quan niệm hạnh phúc người đời, vì như thánh Phaolô đã nói: “Những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan; và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt, không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Ngài”. (1 Cr 1,27-34)

Lạy Chúa xin cho con biết sống tinh thần nghèo khó đích thực, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, là quan tâm đến anh chị em xung quanh để trao ban khả năng, thời gian mình có, hay một nụ cười sự cảm thông, như cánh tay nối dài bàn tay của Chúa giữa trần ai, dù chỉ qua những việc nhỏ bé tầm thường, nhưng với hết cả tấm chân tình thật sự của mình, và biết noi gương Chúa khi xưa như lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Đêm Canh Thức Khai Mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến: “…Hãy không ngừng tìm kiếm khuôn mặt của Ngài, đặt Ngài ở trung tâm cuộc sống của anh chị em để được biến đổi thành một ký ức sống động của Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người; Hãy để cho anh chị em bị Ngài chinh phục, mang lấy tâm tình và lối sống của Ngài; hãy để cho anh chị em được bàn tay của Ngài chạm vào, được giọng nói của Ngài hướng dẫn, được ân sủng của Ngài nâng đỡ”. (Hãy đánh thức thế giới)

 Hạt cát nhỏ

Suy Niệm 2:

PHÚC THẬT

Con người ở thời đại nào dù là văn minh hiện đại hay tiền sử tối cổ vẫn đều có một niềm khao khát chung đó là kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi giai cấp tầng lớp của xã hội, mỗi hoàn cảnh của cuộc sống hay một ý thức hệ, một tính ngưỡng sẽ mưu cầu hạnh phúc theo một cách khác nhau. Nói cách khác, con người đều hướng đến một đích điểm là hạnh phúc nhưng phương thế để đạt đến thì không hoàn toàn giống nhau. Bài tin mừng trong Chúa Nhật hôm nay cũng đề cập đến hạnh phúc nhưng có lẽ niềm hạnh phúc ấy quá khác xa với những gì mà tâm lý bình thường của con người muốn đạt đến.

Có một Đấng từ nơi Thiên Chúa đến ở với nhân loại, Ngài loan báo về hạnh phúc, về sự sống vĩnh hằng sau cái chết, về phần thưởng là Nước Trời cho những ai sống theo lời dạy bảo của Ngài. Nhưng Ngài ơi, Ngài có biết “ Tám mối phúc” cái được gọi là “Hiến Chương Nước Trời” mà Ngài nêu ra đi ngược lại với mong mỏi, khát khao và mơ ước của nhân loại về niềm hạnh phúc hay không? Đó không phải là những điều con người không thể làm được nhưng là khó ai có thể làm được theo tính cách bình thường mà không có sự trợ giúp của ân sủng và thêm vào đó là một lòng tin tưởng mạnh mẽ vào lời hứa về “Phúc thật” mà Ngài hứa ban.

Quan niệm của con người qua mọi thời đại đều nghĩ đến giàu sang, sung túc, vui vẻ, hưởng thụ, sức khoẻ, bình an là hạnh phúc cần phải có, nên ai cũng nổ lực để đạt tới. Nhưng hôm nay, lời giảng dạy trên núi cao của Chúa Giêsu đã tuyên bố “chắc nịch” rằng: Phúc cho những ai nghèo khó, thiếu thốn, ưu sầu, bị bách hại vì Nước Trời là của những người đó. Phải chăng Ngài muốn cho thế giới này ảm đạm hơn? Phải chăng Ngài gạt bỏ của cải vật chất? Phải chăng Ngài không muốn cho con người sống trong hoà bình?…biết bao nhiêu là nghi vấn cho một cuộc “giải phóng nhân loại” theo đường hướng của Ngài.

Nhưng thật sai lầm nếu chỉ hiểu “Phúc thật” mà Chúa Giêsu nói đến theo nghĩa đen hay một ý nghĩa tiêu cực. Chúa muốn con người được hạnh phúc nhưng là một niềm hạnh phúc thật, một niềm hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng là lòng tin yêu vào Thiên Chúa và cái nhìn lạc quan của con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Ở đây xin nói riêng về việc giàu có và nghèo khó.

  • Giàu có đủ đầy mà luôn nơm nớp lo sợ thì có chắc là hạnh phúc hơn việc nghèo khó mà bình yên thanh thản.
  • Giàu tiền giàu bạc mà chỉ biết giữ khư khư cho bản thân thì có chắc là hạnh phúc hơn người nghèo khó mà sẵn lòng cho đi những gì mình có.
  • Giàu có sung túc để rồi chỉ quy về của cải vật chất và bám víu vào đó thì có chắc là bình an hơn người nghèo khó mà suốt đời họ chỉ hướng về Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.

Chúa Giêsu không nêu ra Hiến Chương Nước Trời để bài trừ những ước vọng khát khao hạnh phúc chân chính nơi trần gian mà con người đang tìm kiếm với ý hướng ngay lành. Nhưng Ngài muốn con người vươn xa hơn tới một hạnh phúc thật đó là chấp nhận những hoàn cảnh không mấy “may mắn” mà họ đang ở trong đấy. Chấp nhận không phải là buông xuôi nhưng là nổ lực, là tin tưởng, là phó thác cho Thiên Chúa để rồi chính Ngài sẽ thay đổi mọi sự theo ý Ngài muốn và chính Ngài sẽ ban thưởng hạnh phúc thật là Nước Trời cho những ai dám tin và sống theo lời Ngài.

Bảo Bảo

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8)

Suy Niệm 3:

Theo các nhà tâm lý định nghĩa về hạnh phúc là: Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, thoả mãn, hài lòng, và sự đủ đầy. Khi mà hạnh phúc mang lại nhiều ý nghĩa khác nhau, nó thường được mô tả với sự liên quan về cảm xúc tích cực và sự thoả mãn trong cuộc sống.

Khi mọi người nói về sự hạnh phúc, họ có thể nói về cảm nhận của bản thân trong thời điểm hiện tại, hoặc sự đề cập chung hơn về cách họ cảm nhận về cuộc sống nói chung.( Tr. Viện Tâm Lý Viêt-Pháp)

 Và hôm nay Chúa Giê-su không đơn thuần chỉ cho chúng ta làm thế nào để xây dựng cảm giác hạnh phúc nữa mà cho chúng ta một cách nhìn, một lối đi và một xác tín mạnh mẽ về hạnh phúc thật, theo tinh thần Tin Mừng mà Ngài muốn con cái mình phải đạt được hạnh phúc đó.

Có thể nói ngày nay ít nhiều người ta lại vô tình để hạnh phúc của mình dựa trên lời nói, cách phản ứng, thái độ của người khác quyết định cho hạnh phúc của mình, để rồi cuộc sống, con tim chúng ta bị tắt nghẽn, khó thở bởi những tác động bên ngoài ấy, và làm cho cuộc đời mất đi sự tươi mới, vui sống mà Thiên Chúa muốn con người hưởng hạnh phúc, vì đó là ý định ban đầu của Ngài.

Chúa Giê-su phản tỉnh chúng ta cách chúng ta chọn lựa, tìm hạnh phúc cho mình, hạnh phúc nào thật nhất, chắc nhất và vĩnh cữu nhất, là tám mối phúc mà Ngài nói với chúng ta. Phúc thay…phúc thay… và phúc thay…

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” .

“tâm hồn trong sạch”: nghĩa là có lương tâm ngay thẳng, không gian dối, không mập mờ nửa trắng nửa đen, không một dạ hai lòng. (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Với nhịp sống ồn ào, bận rộn, lắm lúc cũng khó lòng kiểm soát được tâm hồn chúng ta, có khi do mình và có khi do người. Do mình còn nhiều sân si, còn nhiều chọn lựa không dứt khoát nửa vời, làm tâm hồn không còn thanh thoát còn vấy quá nhiều đa đoan.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết lựa chọn, dám chọn lựa dứt khoát cho đời mình. Xin cho con biết chấp nhận những thua thiệt trước mắt người đời để sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con can đảm bước theo Chúa trên con đường gồ ghề chông gai của ơn cứu độ với thập giá trên vai, với những khuyết điểm và giới hạn trong cuộc sống. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời