Chúa Nhật III Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

“Hãy theo tôi. Lập tức các ông bỏ lưới đi theo Người”

Làm sao chúng ta có được tinh thần mau mắn như các môn đệ xưa? Phải chăng các ngài đã biết và nghe Đức Giê-su giảng dạy nhiều lần, hay các ông đã mơ ước được đi theo Người. Tưởng chừng như đó chỉ là giấc mơ của những người ngư phủ này. Thưa không, chính Đức Giê-su bước đến nhìn thấy và gọi các ông. Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi Thầy Giê-su gọi và chọn mình làm môn đệ. Và nơi các ngài chỉ có sự mau mắn đáp trả lời mời gọi ấy lập tức bỏ tất cả đi theo Người.

Quả thật trong suy nghĩ của con người chúng ta không thể hiểu được tại sao trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su lại chọn bốn môn đệ đầu tiên để đặt nền tảng xây dựng Giáo Hội, đó lại là những con người xem ra không có gì nổi bật, chỉ là dân chài lưới, ít học và quê mùa. Tại sao Chúa không chọn những luật sĩ, những Pha-ri-sêu, những kỳ mục thông thái? Qua đó, chúng ta nhận ra rằng: dường như cả cuộc đời Chúa Giê-su – ý muốn của Người luôn là những nghịch lý, trái chiều với những suy nghĩ tự nhiên của con người, từ việc nhập thể đến cả những điều Người thi hành trên chặng đường mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Như vậy, cách thức Đức Giê-su chọn và nhìn mỗi chúng ta bằng ánh nhìn yêu thương và cá vị. Người không nhìn chúng ta với những vẻ bên ngoài, trái lại, nhìn vào tận bên trong tâm hồn mỗi người, và Đức Giê-su đã dùng tình yêu của Người để biến đổi chúng ta thành những tông đồ chính danh. Có lẽ, với ánh nhìn yêu thương tôn trọng đó, đã khơi lên trong lòng chúng ta niềm xác tin nơi Người, qua điều tốt ta làm, và điều đáng yêu của chúng ta thể hiện nơi tha nhân, cho dù chúng ta là ai, là những kẻ bé nhỏ hay tầm thường, thì chính quyền năng của Đức Giê-su sẽ làm nên cuộc đời chúng ta.

Chúng ta được mời gọi học nơi Chúa  Giê-su nhìn anh chị em bằng ánh nhìn tích cực đó, biết hướng về tương lai, đừng khóa chặt tha nhân trong quá khứ với những đánh giá và thành kiến của mình. Khi đó, chúng ta sẽ không thất vọng và được thay thế bằng niềm tin: tin vào Thiên Chúa, vào bản thân, tin vào anh chị em và tin vào cuộc đời. Nhờ đó, thế giới chúng ta đang sống mỗi ngày sẽ trở nên tốt đẹp hơn vì: “Thánh nhân nào cũng có quá khứ và tội nhân nào cũng có tương lai”.

Xin Chúa Giê-su biến đổi từng người trong chúng con, cho chúng con luôn biết nhìn bằng đôi mắt của Chúa, và yêu anh chị em bằng trái tim của Chúa. Amen.

Cát Hà

Suy Niệm 2:

Danh Phận Người Môn đệ

Theo lẽ thường trong đời sống, về phương diện tình yêu cũng như sự nghiệp, đến một thời điểm phù hợp, người ta phải khẳng định cho mình một chỗ đứng hoặc một danh phận hẳn hoi nào đó. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã cho Si-mon, An-rê, Gia-cô-bê và Gioan một “danh phận” mới, qua việc mời gọi họ “Hãy theo Ngài” – thái độ của các ông là ‘lập tức’ đi theo, như một sự “phải lòng” trước tiếng gọi ấy. Thật thế, các ngài muốn gắn bó đời mình bằng một danh phận người môn đệ của Đức Giê-su, các ngài biết bỏ đi những điều thuộc về riêng mình: sự nghiệp, người thân… để được thuộc về Đức Giê-su, cùng với Người loan báo ơn cứu độ cho nhân loại.

Như trong Tin Mừng thuật lại, tác giả cho chúng ta thấy sứ vụ của Gioan tẩy giả khép lại qua việc ngài bị vào tù – điều này nói lên cuộc đời của Đức Giê-su được giới thiệu bởi một vị Tiền Hô “bị nộp” và đó cũng là số phận của những ai làm môn đệ của Đức Giê-su, sẽ được mạc khải qua cái chết và sự phục sinh của Người. Vậy, sứ vụ của Gioan tẩy giả đã kết thúc được xem như lời đáp trả trọn vẹn của ngài đối với Đấng Cứu Thế. Và hôm nay Đức Giê-su bắt đầu công khai sứ vụ tại miền Ga-li-lê-a, Ngài loan báo rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Nơi đây khởi đầu cho sứ vụ và cũng là nơi Ngài hoàn tất công cuộc cứu độ nơi trần gian khi trở về bên hữu Thiên Chúa Cha.

Quả vậy, Đức Giê-su ý thức sứ mạng Chúa Cha trao phó, đồng thời Ngài nhìn thấy công cuộc này cần được tiếp nối và mở rộng bờ cõi Nước Thiên Chúa, loan Tin Mừng cho muôn dân. Thế nên, Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên để cộng tác với Ngài trong sứ vụ, là những ngư phủ: Si-mon, An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, bằng lời mời gọi “Hãy theo Tôi” và hành động đáp trả của các ông “lập tức” bước theo Đức Giê-su, ‘bỏ nghề nghiệp’ và ‘bỏ người cha’.

Lời mời gọi của Đức Giê-su, xem ra không thuyết phục nếu như xét theo tự nhiên, bởi vì một ông thầy để có đệ tử thì ông ta cũng phải hứa hẹn đủ điều, ít nữa là cho người đệ tử ấy thấy một chút về tương lai. Nhưng Đức Giê-su thì lại không có một hoạch định nào cho môn đệ của mình, và cũng chẳng có dự phóng nào cho học trò của Ngài. Vả lại, tiêu chuẩn Đức Giê-su chọn học trò lại là những anh chàng chỉ biết cái lưới và những con cá – tiêu chuẩn của Ngài thật khác lạ.

Còn phần các môn đệ, khi nghe Đức Giê-su kêu mời thay vì, các ngài có thể hỏi hoặc ra điều kiện nào đó cho việc đi theo này, trái lại các ngài chẳng thắc mắc điều gì mà còn mau mắn bước theo và bỏ lại sau lưng “nghề đánh cá’ – là điều kiện để sống, sự quen thuộc và gắn liền với cuộc đời các ngài, và nhất là bỏ cha của mình – là điều không có gì thay thế được.

Tất cả những điều đó, chúng ta nhận ra rằng: Nơi con người của Đức Giê-su có sức hút của năng quyền trong chính lời mời gọi. Và tâm thế của Ngài khi kêu gọi các môn đệ là khát khao họ dấn thân triệt để, bằng danh phận của người tông đồ Chúa Ki-tô qua sự quy chiếu, hiệp thông và ký thác đời mình cho Người. Và cuộc đời người Ki-tô hữu chúng ta cũng được mời gọi như thế, khi ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta đã mang danh phận người môn đệ Chúa Ki-tô rồi. Điều ta có thể làm ngay bây giờ là hãy sống đúng với danh phận ấy trong chính trách nhiệm và ơn gọi của chúng ta lãnh nhận.

Lạy Chúa Giê-su, xin Ngài thêm tình yêu cho chúng con, để chúng con mau mắn đáp lại tiếng gọi của Ngài, biến chúng con thành những “kẻ lưới người” như các môn đệ năm xưa trong thế giới hôm nay. Amen.

M.Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Tin Mừng Cho Mọi Người

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tất cả bắt đầu ở Galilê. Vùng đất mà người ta cho rằng không có điều gì tốt đẹp, vùng đất của dân ngoại, của bóng tối và trụy lạc. Chúa Giêsu đã đi đến nơi diệt vong này. Thế nhưng, cũng chính nơi đây Ngài mời gọi tha thiết: “Hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng. Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Quả thật, chính Thiên Chúa đến gặp và cứu chúng ta. Chúa Giê-su thông truyền tình yêu của Ngài cho chúng ta, Ngài kêu mời chúng ta loại bỏ những bất chính khiến ta rời xa Ngài.

Đồng thời, Chúa Giê-su cũng mời gọi các môn đệ đầu tiên. Tiêu chuẩn của Ngài chọn lựa không theo kiểu thế gian như những người nổi tiếng trong đền thờ, quyền cao chức trọng, hay có địa vị xã hội cao mà là từ những con người bình thường, với những công việc hằng ngày của họ. “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Và các ông lắng nghe bước theo Chúa Giêsu trong tự nguyện. Đây là sự khởi đầu của một tình yêu vĩ đại, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời của các môn đệ, các ngài đón nhận Tin Mừng vào cuộc sống của mình và được biến đổi.

Tất cả chúng ta cũng được Chúa Giê-su kêu gọi như thế. Là Kitô hữu, chúng ta đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội và được sai đi làm chứng nhân cho Tin Mừng, qua việc chúng ta hoán cải đời sống mỗi ngày, cùng noi gương những chứng nhân vĩ đại của đức tin, các vị truyền giáo không biết mệt mỏi bằng nhiều hình thức khác nhau trong Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội tại Việt Nam thân yêu của chúng ta. Như trong Sắc lệnh truyền giáo của công đồng Vaticano II số 2 nói rằng “bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”.

Vậy, chúng ta được mời gọi dấn thân loan báo Tin Mừng cho mọi người vì ý Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ. Xin Chúa cho chúng con biết quảng đại hơn khi đáp lại lời gọi của Chúa. Và xin Chúa cũng biến đổi chúng con thành những chuyên viên của sự hiệp nhất, hòa bình và hòa giải ở bất cứ nơi nào chúng con sống. Amen.

Fiat

Trả lời