Chúa Nhật II Thường Niên Năm A

Suy Niệm 1:

Nhỏ Và Lớn

Phụng vụ Giáo Hội đã bước sang một trang mới. Tiếp nối niềm vui sau mùa Giáng Sinh   mừng Ngôi Hai Con Chúa nhập thể, mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình dõi bước theo Chúa Giêsu trong công cuộc rao giảng Tin Mừng và cứu rỗi nhân loại mà cụ thể trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu được nhắc đến qua lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả với danh hiệu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian.

Một lần nữa Gioan tẩy Giả lại xuất hiện. Với tư cách là vị Tiền Hô của Thiên Chúa, ông đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan, rồi khi được mọi người biết đến với những hoài nghi về thân phận ông có phải là Đấng Messia mà muôn dân đang trông đợi hay không, ông đã khẳng khái tuyên bố : “Có người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.  (Ga 1, 30). Chỗ khác ông lại nói rằng: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”.  (Ga 3, 30). Hành động và lời rao giảng của Gioan về Chúa Giêsu đã nói lên ông thật là một vị tiên tri cao cả nhất trong lịch sử của dân Do Thái.

Là bản lề giữa Cựu Ước và Tân Ước, Gioan được nhiều đặc quyền hơn các tiên tri khác. Ngay từ khi thụ thai trong lòng bà Elisabeth cho tới khi ra mắt dân chúng, Gioan đã được chú ý, được đề cao đến nỗi có rất nhiều người nghĩ Gioan là Đấng phải đến. Nhưng Gioan tự biết chỗ đứng và quyền hạn của mình trong chương trình của Thiên Chúa, ông không dành về cho mình những thứ không thuộc về ông. Khi Đức Giêsu chưa xuất hiện, ông là tiếng hô lớn trong hoang địa, trong lòng dân chúng. Nhưng khi đến thời của Chúa Giêsu bước ra với toàn dân, ông hiên ngang giới thiệu Ngài cho mọi người được biết rồi lặng lẽ lui vào bóng tối và để rồi kết thúc sứ mạng tiền hô của mình trong ngục tối. Những tưởng đời ông đã qua đi trong âm thầm và không ai nhớ đến nhưng Chúa Giêsu đã khẳng định: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ không có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”                     (Mt 11, 11).

Qua cuộc đời nhân chứng của Gioan chúng ta thấy được rằng, đối với Thiên Chúa điều làm nên sự cao cả lớn lao của con người không phải là tự bản thân tôi đã làm được việc gì mà là Chúa đã làm được gì nơi con người bé nhỏ của tôi. Trong lịch sử Giáo hội từ thời Chúa Giêsu đến nay đã có biết bao tấm gương về sự khiêm nhường nhỏ bé trước mặt Chúa để rồi được Ngài nâng lên trong sự vinh quang trước mặt người đời qua muôn thế hệ.

  • Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha để trở thành của lễ đền tội cho nhân loại và sau cái chết trên thập giá Người được suy tôn bên hữu Thiên Chúa.
  • Mẹ Maria đã khiêm tốn nhận mình là tôi tá thấp hèn của Chúa để rồi “muôn ngàn đời sẽ khen rằng tôi diễm phúc”. (Lc 1, 48)
  • Thánh Giuse đã bé nhỏ trước ý định của Thiên Chúa để nên cha nuôi Đấng Cứu Thế.

Gần chúng ta hơn có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chọn cho mình là không có gì để Chúa trở nên tất cả. Và rồi một nữ tu dòng kín bé nhỏ ấy đã trở thành vị đại thánh, thành bổn mạng của các xứ truyền giáo. Hay như mẹ Têrêsa thành Calcutta, một nữ tu có thân hình bé nhỏ nhưng chứa đựng một trái tim có tình yêu to lớn đối với người nghèo đã làm cho cả thế giới phải rung động khi nhìn vào hành động và cuộc đời của mẹ.

Ngày nay, để trở thành một người mạnh mẽ, nổi nang trước mặt người đời theo phương diện trần gian không phải là một điều khó khăn. Nhưng để lớn lao theo ý định của Thiên Chúa không phải là điều đơn giản vì nó đòi hỏi người ta dám huỷ mình ra không để Chúa là tất cả và chỉ có thế con người mới thật lớn lao và vĩ đại. Khi cầu nguyện chúng ta cầu xin mọi sự theo ý chúng ta muốn nhưng có bao giờ chúng ta đã cầu xin : “xin cho con trở nên bé nhỏ, để con dễ nghe tiếng Chúa, để con thấy Chúa hiện diện trong hết mọi biến cố đời con”?.

Bảo Bảo

Suy Niệm 2:

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29)

 Nhớ lại thời Cựu Ước, người Do Thái có tục lệ sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam. “Aben làm nghề chăn chiên” (St 4,2) nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, “Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” lên Ngài (St 4,4).

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x. Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi khung cửa đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x. Xh12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.

Và hôm nay trong Tin Mừng, Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê-su cho chúng ta hai tước hiệu được tóm gọn trong một Mầu Nhiệm Nhập Thể: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, và Ngài cũng là Đấng xóa bỏ tội trần gian.

Trong bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói nhẹ nhàng, nhưng không lột tả hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy.

  • Ngài là Chiên của Thiên Chúa: thanh sạch, tinh tuyền
  • Đấng xóa tội trần gian: mang lấy tội lội nhân loại, và tội tỗi của mỗi chúng ta vào chính thân Người.

Có lẽ trong cuộc sống trần gian này, không một con người nào, một vĩ nhân nào và một đấng nào vô tội vừa gánh tội, làm cho người khác sạch tội và dám chết thay cho người khác. Chỉ duy mình Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta mà thôi. Nơi thập giá, Người đã hiến dâng cho Chúa Cha, cho nhân loại đến giọt máu cuối cùng, dòng máu ấy thanh tẩy vết nhơ tội lỗi của nhân loại và giao hòa Thiên Chúa với con người trong “tình yêu tự hủy hóa ra không” của Người.

Nơi tình yêu tự hủy của Con Chiên Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hãy bước theo, hãy sống và hãy cho đi tình yêu này đến anh chị em đồng loại như Chúa đã hiến tặng cho chúng ta.

Cụ thể, trong đời sống thực tại người ta có thể tự nguyện trao ban thật sự mà không tính toán, không cân, đo, đong, đếm thì chỉ có tình yêu cha mẹ đối với con cái, tình yêu của những ai có tâm hồn thiện lành muốn cống hiến, muốn hiến dâng. Cách chung cũng có chút gì đó trong sự cho đi đến người khác, có khi là vì muốn thể hiện mình, có khi là muốn người ta công nhận mình là người tốt, là người tử tế,… hay vì một lý do nào đó.

Do đó,

Xin Chúa Giê-su cho chúng ta hoàn toàn tự do yêu tha nhân như Chúa

Xin Chúa Giê-su dạy chúng con cách yêu như Chúa

Và chúng con xin hết lòng cảm tạ tình yêu của Chúa đã sống thân phận chúng con để hiểu và đón nhận chúng con như chúng con là. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 3:

ĐỂ LẠI, LÊN ĐƯỜNG BẰNG MỘT CON ĐƯỜNG KHÁC, CHÚNG TA HÃY CHÀO ĐÓN CHÚA THÁNH THẦN

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đến với Gioan Tẩy Giả. Chúng ta đừng quên rằng danh Giêsu có nghĩa là: “Chúa cứu độ”. Chúng ta thấy Người trở lại với nhân loại bị tổn thương vì tội lỗi của mình. Chính Ngài là người có sáng kiến. Điều này chúng ta thấy khi Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta rằng: Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài “yêu chúng ta trước”. Đây là cách Gioan Tẩy Giả khám phá Chúa Giêsu trong một ánh sáng mới. Khi Gioan Tẩy Giả khám phá ra : “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Chúa Kitô gánh lấy tất cả tội lỗi của thế gian để giải thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi khi Người nói rằng: “Con Người đến để tìm và cứu những kẻ hư mất”. Đấng Kitô không chỉ là một nhân vật trong quá khứ. Ngài tiếp tục tham gia cùng chúng ta ở trung tâm của cuộc sống, niềm vui và thử thách của chúng ta.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn nhắc nhở chúng ta cũng hãy noi gương Thánh Gioan giới thiệu Chiên Thiên Chúa như cho anh chị em mình đặc biệt là cho những người chưa biết Người. Giới thiệu Đức Giêsu không phải kể về một nhân vật lịch sử, nhưng phải làm chứng về Ngài. Vì thế, tất cả chúng ta phải là những người chuyển tải sứ điệp vui mừng và bình an đến cho mọi người.

Nhưng để tìm thấy Đức Kitô, chúng ta phải tìm kiếm Người hay đúng hơn là để cho Người tìm thấy mình. Ngài luôn ở bên và chỉ muốn tham gia cùng chúng ta. Nhưng chúng ta thường là những người ở nơi khác. Nơi tốt nhất để gặp Người là Thánh Thể. Đó là một món quà mà Người tặng cho chúng tôi miễn phí để duy trì sự hiện diện của Người ở giữa chúng ta là Bí Tích Thánh Thể. Càng đến gần Bí tích Thánh Thể, chúng ta càng thích nghi với Thánh Thể thì sự hiện diện và tình yêu của chúng ta càng gia tăng.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nối lại tình thân mật hơn với Chúa, ít hiếm hoi hơn, ít ngắn ngủi hơn. Xin cho chúng con biết đói Chúa, khát khao Lời Chúa. Nhờ đó, chúng con được sống với Chúa một cách thân mật, vui tươi, trong tình thân mật của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và xin Chúa giúp chúng con lan tỏa hương thơm của Chúa nơi chúng con sống, để tất cả những ai tiếp xúc với chúng con không thấy chúng con, mà thấy Chúa nơi chúng con. Amen

Fiat

Trả lời