Chúa Nhật II Phục Sinh Năm A

Suy niệm 1:

THƯƠNG TÍCH NƠI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúa Giêsu không những chết cho bạn hữu, mà Ngài còn chết cho kẻ làm hại mình, và cho tất cả mọi người chúng ta. Ngài chết trên thập giá để chúng ta được sống và sống lại để bảo đảm cho sự sống đời đời. Dù Ngài đã sống lại, nhưng thương tích cuộc khổ hình thập giá vẫn còn đó. Thương tích đó chính là dấu chỉ của lòng thương xót, và có sức mạnh chữa lành mọi thương tích của chúng ta.

Chúa Giêsu cho các Tông Đồ xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, không phải để thoả mãn tính tò mò của các ông. Nhưng qua đó, Ngài cho các ông thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thương xót nhân loại, Chúa Giêsu đã chấp nhận gánh lấy mọi hậu quả do tội lỗi con người gây nên, mà căn nguyên của các thương tích Chúa là do hậu quả sự vô ơn của con người, khi nhận ơn mà không biết đáp trả. Thương tích Chúa là hậu quả của sự phản bội, nơi các môn đệ thân tính của mình. Thương tích Chúa còn là hậu quả của những toan tính độc ác của giới lãnh đạo Do thái. Thương tích Chúa là hậu quả của tội lỗi của mỗi người chúng ta. Mỗi khi chúng ta phạm tội là chính chúng ta đóng đinh Chúa và tạo ra những vết thương trên thân thể Ngài, như lời thánh Phanxicô Assisi đã nói: “Không phải quân dữ đóng đinh Chúa Giêsu mà chính mỗi người trong chúng ta đóng đinh Chúa vì tội lỗi chúng ta”.

Vì vậy, chúng ta xác quyết thương tích Chúa chính là dấu chỉ của lòng thương xót. Vì thương xót con người, Chúa Giêsu đã chấp nhận chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, như lời thánh Phêrô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24).

Giờ đây, Chúng ta cùng nhìn ngắm, cảm nghiệm và phó thác cho lòng thương xót Chúa trong thân xác vinh hiển của Ngài, và biết Chúa đang ngày đêm trông ngóng chúng ta trở về nơi lòng thương xót của Chúa, để được Chúa chữa lành thương tích cho chúng ta: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18).

Hơn nữa, nhìn vào thương tích Chúa để biết mình cũng đang mang đầy thương tích. Thương tích của oán ghét hận thù, của so đo ích kỷ, của tính toán hẹp hòi, của tham lam bất chính, của dục vọng thấp hèn… Chỉ khi chúng ta nhìn lại, soi chiếu vào thương tích nơi lòng thương xót Chúa, chúng ta mới thấy tội lỗi đang làm cho thương tích chúng ta ngày đêm đang rỉ máu. Mỗi người hãy khiêm tốn nhìn lại chính mình, khiêm tốn để cho thương tích Chúa chữa lành thương tích của chúng ta. Chúng ta hãy chạy đến với lòng thương xót Chúa qua bí tích Giải Tội và múc lấy nguồn sức mạnh của Chúa trong bí tích Thánh Thể, hầu đón nhận được sự tha thứ và bình an của Đấng Phục Sinh.

Cuối cùng, chúng ta nhìn vào thương tích Chúa để chúng ta biết đến tha nhân. Biết bao nhiêu người cũng đang đau đớn oằn oại trong một xã hội đầy bất công, bạo lực, hận thù, đói nghèo, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh… “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Chúa sai chúng ta đến với những người đang rất cần lòng thương xót của chúng ta. Chúa sai chúng ta đến để xoa dịu, để băng bó, để chữa lành thương tích cho họ. Một ít quần áo dư thừa của chúng ta cũng đủ sưởi ấm những cơ thể rét buốt đang oằn mình chống lại thiên tai lũ lụt. Những đồng bạc tiết kiệm trong bữa ăn có thể làm no lòng biết bao nhiêu người đang đói. Những chi tiêu không cần thiết có thể xóa mù chữ cho biết bao nhiêu trẻ em không được đến trường. Những lời nói đầy thiện chí và yêu thương sẽ xóa tan hận thù chia rẽ. Những lời động viên an ủi sẽ giúp anh chị em mình bớt đi những u sầu buồn bã … Chúng ta hãy là sứ giả của lòng thương xót, hầu dẫn đưa anh em mình đến với “bệnh viện lòng thương xót”, để cho vị bác sĩ Giêsu chữa lành mọi thương tích: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Do đó, chính mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm rao truyền lòng thương xót Chúa, là cánh tay nối dài sự hiện diện của lòng thương xót Chúa cho mọi người, nhất là qua đời sống chứng nhân của mình, để tất cả mọi người, khi chiêm ngắm lòng thương xót Chúa đều được chữa lành mọi thương tích.

Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, xin thương xót và ban cho chúng con bình an của Chúa. Amen.

Lâm Trang

Suy Niệm 2:

 Sau biến cố đau thương nơi cái chết của Chúa Giêsu, tâm thế các môn đệ rất đỗi sợ hãi, nhiều ngổn ngang và bất an. Các ông lo sợ rằng tương lai sẽ về đâu khi không còn Thầy bên cạnh – lo sợ ai sẽ là người hướng dẫn để giúp các ông tiếp tục sứ vụ của Thầy, và nhất là sợ bị người ta bắt đem đi giết như Thầy mình. Do đó, khi tụ họp với nhau, các ông không dám xuất đầu lộ diện “các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”, vì đó là nỗi ám ảnh mà các môn đệ phải vượt qua. Thật vậy, thấu hiểu được tâm trạng các môn đệ, Thầy Giê-su đã hiện ra với lời chúc: “Bình an cho anh em”, để giải phóng họ khỏi nỗi sợ hãi bằng hoa trái của Thánh Thần. Và lần hiện ra này, Chúa Giê-su dần kiện toàn niềm tin của các ông: từ mức độ tin bằng giác quan kiểm chứng: “Ngài cho các ông xem chân tay và cạnh sườn” đến mức độ tin tưởng vào uy tín của người nói với mình: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Quả thật, biến cố Chúa Giê-su phục sinh là một mầu nhiệm mới mẻ vượt quá sức hiểu của các môn đệ, nhất là đối với Tô-ma, người đã vắng mặt khi Thầy Giê-su hiện ra với nhóm mười. Phải chăng chỉ có Tô-ma là người hoài nghi về việc Chúa đã phục sinh? Thưa, không riêng gì Tô-ma, các môn đệ khác đều cứng lòng tin, chẳng qua là họ không đủ can đảm để nói lên nghi vấn của lòng mình như môn đệ Tô-ma mà thôi. Thế nên, “Chúa Giêsu trách họ vì sự không tin và cứng lòng bởi họ đã không tin theo lời của những người đã từng thấy Ngài sau khi Ngài sống lại” (Mc 16,14). Thật ra, lòng tin của các môn đệ còn mông lung cũng dễ hiểu, vì chúng ta biết rằng, bao nhiêu dự tính, kỳ vọng của các ông đặt nơi Chúa Giêsu khi họ còn sống với Thầy – họ bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa Giêsu, nhưng cái kết mà họ nhận lại là cái chết thảm thương của Ngài trên thập giá; điều đó như một gáo nước lạnh giúp các ông bừng tỉnh sau những toan tính vụ lợi. Thật thế, cái chết của Chúa Giêsu thê lương bao nhiêu thì các ông cảm thấy thất vọng ê chề bấy nhiêu. Giá trị và ý nghĩa của việc đi theo Thầy Giê-su giờ đây như bị phân đôi, một là sống trọn tình vẹn nghĩa của một người môn đệ, hai là trốn chạy sau khi mọi tính toan đã bất thành!

Thế nên, giữa những tăm tối của lòng tin nơi các môn đệ, Chúa Giêsu dường như thấu suốt nỗi ưu tư của các ông. Việc đầu tiên Thầy Giê-su làm là cho môn đệ xem thấy vết thương của Ngài “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Vết thương ấy giúp các ông nhận ra Thầy của mình – xác định Ngài vẫn là người trước đó đã bị đóng đinh, và những vết thương ấy là bằng chứng Ngài đã yêu thương họ – một tình yêu biểu đạt bằng hành động chứ không nói suông. Đồng thời, những thương tích ấy còn nói lên tình yêu của Người mục tử dành cho đàn chiên yêu quý của mình. Qua đó, bài học nơi vết thương của Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, yêu là chấp nhận mang thương tích vì người mình yêu, chỉ có ai yêu thương thật lòng mới có thể đón nhận những vết thương hằn sâu trên thân thể và trong tâm hồn mình như thế. Và nhờ Chúa Giê-su tỏ lộ vết thương để Tô-ma có thể thấy và chạm vào, cũng như là một lần ông khiêm tốn để Thầy Giê-su chạm vào vết thương của lòng tin kém cỏi nơi mình – ông được chữa lành, nỗi hoài nghi nơi ông được xoá tan và đức tin của ông dần thăng tiến.

Từ vết thương tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn lại tình trạng đời mình: Đã bao lần tôi muốn cố gắng chứng tỏ bản thân cho mọi người biết rằng, nơi tôi không có sự tổn thương, thất bại hay bất kỳ một sự yếu nhược nào? Chỉ vì không muốn cho người khác thấy những yếu đuối, bất toàn và tội lụy của mình, nên tôi ẩn mình sau những nụ cười, thể hiện một phong thái đĩnh đạc cùng tạo cho mình một hào quang thánh thiện giả hình … Ai đâu biết rằng, đằng sau ánh hào quang ấy, nơi tâm hồn tôi đang chất chứa những vết thương của hoảng sợ, vết thương của chối bỏ, vết thương của phản bội và vết thương của phán xét.

Chính vì thế, hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng, việc cố tránh khỏi những vết thương do cuộc đời này mang lại là điều không thể. Quả thật, trong mọi mối tương quan nhân vị, làm sao chúng ta có thể tránh khỏi những điều làm tổn thương cho nhau, dù rằng lòng mình chẳng muốn! Thế nên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy chữa lành những thương tích ấy bằng việc học cách đón nhận nó, nhất là để cho Chúa đụng chạm và chữa lành. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến và gặp Chúa trong chính những vết thương của cuộc đời, ta mới được ơn chữa lành và biến đổi. Vì chưng, Chúa là người mang vết thương vì yêu sẽ gặp người có vết thương cần đến tình yêu của Ngài. Và chính những vết thương thánh thiện của Ngài sẽ là nguồn an ủi, nguồn can đảm và nguồn hy vọng cho chúng ta trên hành trình nên thánh.

 Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng tin của chúng con còn non yếu, dễ hoài nghi, chưa xác tín vào Ngài. Xin Chúa củng cố và chạm vào lòng tin của chúng con, như Chúa đã chạm vào lòng tin của Tô-ma, hầu chúng con cũng được Chúa chúc phúc: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Xin Lòng Thương Xót Chúa chữa lành mọi thương tổn trong tâm hồn con, để con hân hoan “sống niềm vui phục sinh” và cũng biết cách chữa lành những thương tích cho anh chị em con như Chúa chữa lành con. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 3:

Vào một ngày cuối năm 1965. Trên một chuyến máy bay đưa các Giám Mục người Mỹ trở về từ Ý sau khi đã dự Công Đồng Vatican 2, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ hành khách. Thế nhưng, trong suốt hành trình, cô tiếp viên hàng không trẻ đẹp này rất bực bội và rất mất tự nhiên vì có một người đàn ông, xem ra thiếu đứng đắn, cứ liên tục đảo đôi mắt chăm chú nhìn mình.

Càng đáng bất bình hơn, khi đó là một người đàn ông đã lớn tuổi. Cô lại càng khó chịu hơn, vì ngay sau đó cô được biết, người đàn ông ấy chính là Đức cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục thành New York, một con người nổi tiếng về khoa ăn nói, giảng dạy và đạo đức. Ngài là một Giám Mục tông đồ lừng danh nước Mỹ. Thật là quái gỡ không thể tưởng tượng! Một kẻ xem ra thiếu tư cách ấy, lại là con người của thành công, của sự nổi tiếng sao? Cô không hiểu nổi và thầm chê trách coi khinh vị Giám Mục già kia.

Đến lúc chiếc phi cơ hạ cánh, kỳ quái thật, vị Giám Mục già bị coi là “thiếu đứng đắn” kia lại không xuống cùng lúc với các hành khách. Không hiểu ngài có toan tính gì mà lại đợi mọi người trên máy bay xuống hết, chỉ còn mỗi mình ngài là vị khách xuống sau cùng. Đã vậy, khi đến cầu thang máy bay, Đức Cha Fulton Sheen còn ghé sát mặt mình vào tai cô tiếp viên hàng không nói thầm thì những lời gì đó, ngoài cô gái, chẳng ai có thể nghe thấy…

Câu chuyện đến đó, tưởng chừng kết thúc. Những tưởng sự khó chịu của cô gái tiếp viên hàng không rồi cũng trôi qua, cái nhìn tưởng như khiếm nhã của vị Giám Mục già rồi cũng chẳng còn ai nhớ, có chăng một ánh mắt dù khiếm nhã (theo như ý nghĩ của cô gái), thì cũng chỉ là một ánh mắt thoáng qua như bao nhiêu ánh mắt mà cô gái bắt gặp trong đời mình?

Không phải thế. Mọi sự không trôi đi, không mất. Bởi vào một buổi trưa, Đức Cha Futon Sheen nghe tiếng gõ cửa, và sau đó là sự bất ngờ của Đức Cha khi ngài mở cửa. Trước mặt ngài là cô gái tiếp viên hàng không trẻ tuổi có sắc đẹp mặn mà trên chuyến bay hôm nào, đã từng có ánh mắt thiếu thiện cảm với ngài.

Cô gái lên tiếng chào Đức Cha và hỏi: “Thưa Đức Cha, Đức Cha có nhớ con không?” Đức Cha Fulton Sheen từ tốn trả lời: “Cha nhớ chứ. Con chính là cô gái tiếp viên hàng không trên chiếc máy bay đưa chúng tôi trở về từ Công Đồng Vatican II”. Cô gái nói tiếp: “Vậy Đức Cha có nhớ Đức Cha đã nói nhỏ vào tai con điều gì không?” Đức Cha trả lời: “Nhớ! Cha nhớ, Cha đã khen con đẹp lắm. Và cha hỏi con rằng, có bao giờ con đã cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời kia chưa?” Cô gái sung sướng nói tiếp: “Kính thưa Đức Cha, điều Đức Cha nói đã làm con băn khoăn nhiều. Cũng chính vì điều đó mà hôm nay con đến gặp Đức Cha.

Vậy, theo ý Đức Cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?” Hơi bất ngờ, Đức Cha Fulton Sheen lặng người suy nghĩ một chút. Sau đó Đức Cha dẫn cô gái tới trước tấm bảng đồ thế giới treo trên tường, vẫn giọng nói ôn tồn, Đức Cha hỏi: “Có bao giờ con nghe nói tới một trại phong cùi nào ở Việt Nam mang tên là trại phong Di Linh chưa?” Cô gái ngước đôi mắt xanh như dọ hỏi: “Kính thưa Đức Cha, có lần con đã đọc được trên báo. Con cũng đã được nghe ai đó kể một vài chuyện về trại cùi Di Linh.”

Đức Cha dõi mắt nhìn vào khoảng xa xăm trước mặt: “Này con, cách đây chưa lâu, cha nghe nói Đức Giám mục giáo phận Sài Gòn tên là Gioan Casaigne Sanh đã từ chức Giám Mục Sài Gòn để đến phục vụ anh chị em trại phong Di Linh. Con có muốn cảm tạ Chúa bằng cách thử một lần đến trại phong Di Linh, gặp Đức Giám Mục Sài Gòn và ở lại với anh chị em bệnh phong khoảng sáu tháng không?” Quá bất ngờ trước lời đề nghị của Đức Giám Mục thành New York, cô gái không thốt lên một lời, lặng lẽ cúi chào Đức Cha rồi rút lui trong sự bàng hoàng của chính nội tâm của cô…

Một lần nữa, người ta cứ tưởng rằng câu chuyện thật nhẹ nhàng, nhưng cũng thật mãnh liệt của Đức Cha Fulton Sheen và cô tiếp viên hàng không kia đã chấm dứt. Nhưng thật lạ lùng, chỉ bằng ấy lời đề nghị nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát của Đức Cha, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô tiếp viên hàng không xinh đẹp.

Những tháng đầu năm 1966, người ta đọc thấy một bảng tin đáng khâm phục trên các phương tiện truyền thông của Sài Gòn và của Việt Nam nói chung: Một nữ tiếp viên hàng không rất trẻ, rất đẹp của một hãng hàng không Hoa Kỳ đã xin nghỉ nghề làm tiếp viên hàng không để đến trại phong Di Linh của Việt Nam, tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân phong.

Thật đẹp, đẹp làm sao. Chỉ chừng ấy lời của một vị Giám Mục khả kính thôi, tâm hồn quả cảm của một cô gái lãng du thích phiêu bồng khi chọn cho mình nghề tiếp viên, rày đây mai đó, đã có thể chấp nhận trút bỏ tất cả tương lai đẹp như chính cái vẻ đẹp của cô để sống, không phải sáu tháng, nhưng là suốt đời cho một lý tưởng cũng đẹp không kém: TẠ ƠN THIÊN CHÚA.

Chỉ chừng ấy thôi, lời của một vị Giám Mục khả kính đã biến một cô chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp thành một nữ tu. Bởi chính cô, sau một thời gian phục vụ anh chị em phong, đã tự nguyện khoác lấy chiếc áo nữ tu trong Hội Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam.

Từ nay, bước vào đời sống tu trì, Người Nữ Tu, cô gái xinh đẹp của chúng ta, hoàn toàn trút bỏ mọi vướng bận của đời thường để yên tâm sống lý trưởng cảm tạ Chúa bằng việc phục vụ anh chị em phong của mình. Người nữ tu đã từng làm tiếp viên hàng không ấy, đẹp quá. Chị đẹp, không chỉ là một sắc đẹp thân xác, mà chính là một vẻ đẹp lộng lẫy của tâm hồn. Người Nữ Tu ấy, không ai khác hơn, nhưng đó chính là Chị Louise Bannet.

Chị Louise Bannet đã tình nguyện ở lại trại phong Di Linh suốt đời. Nhưng biến cố của năm 1975 gây ra nhiều biến động, khiến Chị không thể tiếp tục ý nguyện của mình. Sau mười năm phục vụ người phong, Chị đã phải lên đường về nước. Một thời gian sau, Chị lại xin Nhà Dòng cho đi phục vụ bệnh nhân phong ở Tahiti.

Năm 1982, sau nhiều ngày bị căn bệnh ung thư quái ác hoành hành, Chị Louise Bannet đã qua đời giữa sự tiếc thương vô cùng của cộng đoàn anh chị em phong tại Tahiti. Và trong tình liên đới, cũng như trong lòng biết ơn của mình, cũng là chính lòng tiếc thương của các bệnh nhân phong Việt Nam nói chung và tất cả những ai sống tại trại phong Di Linh nói riêng.

(Sưu tầm)

Như đã làm với các tông đồ và sau đó với Tôma, Chúa phục sinh đồng hành với chúng ta trong những nút thắt trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đã thấy rằng Thôma cảm thấy khó tin vào tin mừng này. Đối với ông, điều đó là không thể. Ông đã nhìn thấy Chúa Giêsu chết trên thập giá và đã an táng. Chúng ta không cần phải mỉm cười trước sự hoài nghi của ông. Nếu chúng ta ở vị trí của ông, chúng ta sẽ không làm tốt hơn.

Chúng ta là những người thừa hưởng chứng tá của các tông đồ và chúng ta cũng được sai đi để thông truyền chứng tá ấy trong gia đình, nơi làm việc và những môi trường sống khác nhau của chúng ta. Đức tin của chúng ta chỉ thực sự sống động nếu nó tỏa sáng. Chúa chờ đợi chúng ta trong thế giới của chúng ta, nơi Ngài đã đặt chúng ta để sinh hoa trái.

Lạy Chúa, xin ở với chúng con để chúng con can đảm hơn trong việc làm chứng, nhất là làm chứng cho lòng thương xót Chúa. Xin Người gìn giữ chúng con để chúng con quảng đại hơn trong việc thực thi bác ái huynh đệ. “Chúa là Ánh Sáng, Chúa là tình yêu, xin lấp đầy bóng tối của chúng con bằng Thần Khí tình yêu của Chúa”. Amen

Fiat

Trả lời