Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A

Suy niệm 1:

HOÁN CẢI – NGAY VÀ LUÔN

Bước qua tuần đầu tiên của Mùa Vọng với lời kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, còn Tin mừng của Chúa nhật hôm nay giới thiệu cho chúng ta một gương mặt mới theo một phong cách, một lối sống hoàn toàn khác biệt với người đương thời: đó là Gioan Tẩy Giả. Ông không mới mẻ về xuất thân hay gia thế vì thật sự từ khi mới được thụ thai trong lòng bà Elisabeth cho tới khi ông được cắt bì và đặt tên thì ông đã được “nổi tiếng” (Lc 1, 5-25), (Lc 1, 57-66). Nhưng Gioan được chú ý đến là vì cách ăn mặc có vẻ “lập dị”, lối rao giảng cũng không giống các thầy dạy thời bấy giờ. Trong khi những người nổi tiếng thường tìm nơi đông đúc để tạo sự quan tâm của người khác, thì Gioan lại rao giảng trong hoang địa một nơi khô cằn đầy sỏi đá và nóng bức. Vì ông không theo kịp xu hướng của các vị Rabbi hay phải chăng cách rao giảng của ông mang một ý nghĩa khác? Ông không nhằm nói cho mọi người, nhưng ông nói cho bản thân. Lời rao giảng của ông không nhằm phô trương thân thế nhưng là tiếng lòng của một người nhiệt tâm mong chờ Nước Thiên Chúa đến. Và rồi kết quả là: “dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan”.

Trong một xã hội hiện đại, một xã hội của công nghệ thông tin thì việc thông truyền cho nhau những tin tức không còn là vấn đề của thời gian và không gian nữa mà vấn đề là trong một thế giới đầy những thông tin hỗn tạp, người ta có chọn cho mình những thông tin bổ ích, có chịu đón nhận những ý kiến đóng góp tích cực để cuộc đời mình trở nên tốt hơn không? Hay vẫn cứ ru ngủ bản thân và người xung quanh bằng lối suy nghĩ: “hiện tại như vậy là tốt lắm rồi, chẳng cần thay đổi gì thêm đâu”. Cứ thế con người ta quên đi ý thức: cuộc đời là một dòng nước chảy, nếu bạn không bơi về trước chắc chắn là sẽ bị đẩy ngược về sau. Đời sống thiêng liêng của người tín hữu cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Trước đại lễ Giáng Sinh, Mẹ Giáo Hội luôn cho con cái mình một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị tâm hồn đón chờ biến cố trọng đại này. Nhưng tự xét lại bản thân, từng Mùa Vọng cứ đến và đi…và rồi lễ Giáng Sinh cũng đến, tôi đã thật sự có được niềm vui trọn vẹn trong ngày Con Chúa giáng trần, hay chỉ là những hào nhoáng bên ngoài.  Khi những ánh đèn lung linh vụt tắt, những cửa hiệu đóng kín cửa, những hang đá được dẹp đi thì mọi việc cứ lại đâu vào đấy, lễ Giáng Sinh lại trôi vào dĩ vãng, trở thành những kỉ niệm của một lễ hội như bao lễ hội khác.

Một việc làm duy nhất để tôi và bạn giữ mãi được niềm vui, niềm hạnh phúc của việc Con Chúa giáng trần đó là ngay từ bây giờ chúng ta hãy can đảm lắng nghe, đón nhận và thực hành lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: hoán cải bản thân – ngay và luôn.

Nhưng tại sao phải ngay và luôn?

Ngay: vì thời kì đã mãn, Nước Chúa đã gần đến.

Luôn: vì hãy tỉnh thức và cầu nguyện vì chúng ta không biết giờ nào Chúa chúng ta sẽ đến.

Hoán cải – ngay và luôn cũng phải là tâm thế sống của người tín hữu trong từng ngày, vì Chúa sẽ đến với mỗi người vào giây phút cuối cùng của cuộc đời. Chúa sẽ đến, đó là điều chắc chắn. Chúng ta có được cứu hay không, đó là điều không chắc nhưng không phải là chúng ta không quyết định được. Chúa đã gởi BÀI TOÁN, đã đưa ra CÁCH GIẢI còn ĐÁP ÁN là chúng ta chọn!

Bảo Bảo

Suy niệm 2:

“Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa”. (Mt 3,10)

Trong trình thuật Tin Mừng của Thánh Matthew hôm nay nhắc hai lần về “sám hối” cho chúng ta, và trong tiếng Hy Lạp, từ sám hối “metanoia” có nghĩa một cảm xúc hối tiếc về tội lỗi quá khứ làm xúc phạm đến Chúa với anh chị em, vừa là xét mình tỉ mỉ những tội đã phạm, để xin Chúa thứ tha, đồng thời là một sự đòi hỏi hoán cải thật sự trong tâm trí và cuộc sống.

Lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả, có vẻ nghiêm khắc và quyết liệt vì là ngày Thiên Chúa thịnh nộ: “Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây”. Lời mời gọi vẫn nguyên giá trị cho cuộc đời mỗi chúng ta, đòi hỏi tôi và bạn biết phân định và chọn lựa khi chúng ta đối diện với những thực tại chúng ta đang có.

Vậy tôi và bạn phải làm gì để thể hiện lòng sám hối trong Mùa Vọng này?

  • Sám hối là khi tôi biết mở lòng ra để hiểu và cảm thông cho anh chị em chung quanh tôi.

Lắm lúc hiểu nhau không phải là dễ dàng trong cuộc sống, nhiều khi sống chung một mái nhà, sống chung một cộng đoàn, nói cùng một ngôn ngữ còn không hiểu huống chi là…với tâm tình dọn máng cỏ lòng mình cho Chúa Hài Nhi sinh ra trong đêm Giáng, tôi được mời gọi khiêm tốn thật sự để lắng nghe và hiểu anh chị em mình, tránh sự hiểu lầm về anh chị em và thay đổi sự kiêu ngạo, cái tôi của mình trong tâm hồn để có thể hiểu được anh chị em.

  • Sám hối là đừng sống vô cảm, thờ ơ với nhau (tiếng anh “indifferent” lạnh lùng, vô cảm) nghĩa là không còn thấy sự nỗi đau của anh chị em trước mặt mình, là cái gì đó làm cho mình bận lòng, xốn xang trước nỗi đau đó.

Tôi được mời gọi hãy nhìn nhận có anh chị em trong đời, có Chúa trong đời, nếu tôi không nhìn nhận hai sự hiện hữu ấy, tôi dễ tự cho phép mình phải thắng người khác.

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa biến đổi suy nghĩ, trái tim và hành động của con, vì có lúc con sám hối trên môi miệng của con mà thôi, chứ chưa thực sự sám hối trong cách hành xử của con trong đời sống hằng ngày.

Xin Chúa ban ơn hoán cải cho con, cho con biết thường xuyên điều chỉnh suy nghĩ, lời nói và hành động của con, hầu con có thể sẵn sàng chờ Chúa đến ngang qua cách con đến với anh chị em. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 3:

NGÔN SỨ

        Chúa Nhật II Mùa Vọng này cho chúng ta biết rằng kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa là đưa tất cả chúng ta trở về với Người. Đối với Ngài, đó là một ưu tiên tuyệt đối. Ngài không chỉ gọi chúng ta từ xa. Ngài đến với chúng ta bằng cách gửi cho chúng ta những sứ giả. Trong phụng vụ hôm nay chúng ta có Isaia, Phaolô và Gioan Tẩy Giả.

      Trong Tin Mừng của thánh Mátthêu, chúng ta tìm thấy một vị ngôn sứ “trong sạch và cứng cỏi”: đó là Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Điều khiến thánh sử Mátthêu quan tâm trước hết là sứ điệp ngài công bố: “Hãy hoán cải… hãy dọn đường cho Chúa”. Ngài kiên quyết nhắc lại nhu cầu “sinh hoa trái”. Sự hoán cải mà Người đòi hỏi mọi người phải được biến thành hành động. Ngài công bố sự phán xét của Đấng đến. Không có đặc quyền nào có thể giải thoát chúng ta khỏi điều đó. Là một phần của Giáo hội để được cứu thì chưa đủ. Dòng dõi từ Áp-ra-ham không phải là sự đảm bảo cho sự cứu rỗi. Sự hoán cải đích thực phải sinh ra hoa trái hữu hình. Nó phải dẫn chúng ta đến những cử chỉ chào đón, chia sẻ và liên đới…

      Lời kêu gọi này cũng dành cho mỗi người chúng ta. Nhưng hoán cải trước hết không phải là nỗ lực cố gắng trở nên tốt hơn. Điều quan trọng nhất là trao niềm tin của chúng ta cho Chúa Kitô. Với Ngài, chúng ta trở nên khác biệt. “Như người thợ cày xới đất để gieo giống, thì ân sủng của Chúa Kitô biến trái tim để ký thác hạt giống thiêng liêng vào đó”. Đây là một tin tốt lành cho chúng ta và cho cả thế giới. Chúa Kitô ở đó, ở trung tâm cuộc sống của chúng ta. Tin vui này phải được loan báo. Thế giới đang chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh nhưng nhiều người không biết Đấng là nguồn gốc của lễ Giáng Sinh. Giáng sinh là Chúa Giêsu đã đến, đến mỗi ngày và sẽ trở lại. Sống Lễ Giáng Sinh là đón Chúa Giêsu đang đến, đó là dành cho Ngài vị trí đầu tiên trong cuộc sống của chúng ta.

       Hoán cải trước hết là nhìn nhận mình là tội nhân. Sống trong tội lỗi là tổ chức cuộc sống của chúng ta không có Chúa và ở bên ngoài Ngài. Cũng là lúc ta làm tổn thương nhau. Thiên Chúa bị tác động bởi tình yêu mà Người dành cho mỗi người con của Người. Chính lúc đó chúng ta phải nghe lại lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “Hãy hoán cải!”. Và chúng ta đáp lại lời kêu gọi này bằng cách đến gặp một linh mục để xin lãnh bí tích tha tội. Khi chúng ta trở lại với Chúa, đó là niềm vui được khám phá lại, đó là lễ kỷ niệm.

      Sau khi đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta được sai đi làm sứ giả của lòng thương xót trên thế giới. Phân biệt chủng tộc, bạo lực và từ chối người khác phải bị xóa bỏ. Đây là việc san lấp các con đường và lấp đầy các khe núi. Tất cả chúng ta đều được sai đi như những sứ giả của Tin Mừng Chúa Kitô. Và Chúng ta không truyền lại nó như một phần kiến ​​thức đơn thuần. Chính bằng cách cố gắng sắp xếp toàn bộ cuộc sống của mình phù hợp với toàn bộ Phúc Âm mà chúng ta thực sự chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh.

      “ Việc tuyên khấn sống các lời khuyên Phúc Âm là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn cách hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn các bổn phận của ơn gọi Ki-tô hữu. Thật vậy, Dân Thiên Chúa không có thành trì vĩnh viễn ở đời này nhưng đi tìm một thành trì mai sau, vì thế, khi giải gỡ người tu sĩ khỏi những lo lắng trần gian, bậc tu trì đã tỏ lộ cách rõ ràng hơn cho mọi tín hữu thấy gia sản trên trời đã hiện diện ngay dưới trần gian này, vừa làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Đức Ki-tô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, lại vừa tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời” (Lumen Gentium số 44)

       Tu sĩ được mời gọi trở nên dấu chỉ ngôn sứ và làm chứng về điều quan trọng nhất của con người là Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng. Lời mời gọi này được cụ thể hóa qua chứng tá về “tình yêu cá vị đối với Đức Giê-su và người nghèo, trong họ Đức Giê-su hiện diện.” Tu sĩ sống các lời khấn trong cộng đoàn tạo nên một thế giới khác trong lòng thế giới hiện tại. Họ không chỉ cố gắng sống khác biệt trong thế giới nhưng xây dựng một thế giới khác tạo nên chứng tá cho Nước Thiên Chúa. Tuyên khấn là sự dấn thân cho thế giới, là một định hướng về toàn bộ con người, đời sống và lịch sử hướng đến sự thực hiện Nước Thiên Chúa. Sống các lời khấn không chỉ tạo nên một lối sống khác trong thế giới nhưng kiến tạo một thế giới khác. (Cha José Cristo Rey García Paredes, CMF).

Fiat

Trả lời