Chúa Nhật Phục Sinh Năm A

Suy Niệm 1:

Sự chết của Chúa Giê-su trên thập giá là mầu nhiệm Giáo Hội luôn yêu mến kính thờ. Điều đó, chúng ta đã cùng nhau suy gẫm trong suốt những ngày thánh vừa qua. Trong mầu nhiệm này, bài học đắt giá Ngài dạy chúng ta trên con đường thập giá là “yêu cho đến cùng” yêu là tự hiến – yêu là tự huỷ ra không. Đó là cung cách mà Chúa Giê-su đã yêu và mời gọi chúng ta noi theo. Chúa Giê-su dùng chính tình yêu đó để chiến thắng cái chết bằng chính sự phục sinh của Ngài. Nhờ sự phục sinh của Chúa Giê-su, chúng ta hiên ngang sống trọn thân phận làm người và làm con Chúa. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng ước vọng muốn sống tròn đầy “Niềm Tin Phục Sinh”, nhưng đôi khi chúng ta lại như Maria Madalena “bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ” nhưng lòng vẫn còn tăm tối, nước mắt chưa vơi vẫn còn ngấn lệ. Tuy vậy, trong lòng bà cũng như mỗi chúng ta vẫn ánh lên niềm hy vọng, niềm tin khi chúng ta tuyên xưng “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.

Vì thế, Tin Mừng thánh Gioan thuật lại việc đi ra mồ của Maria Madalena, Phê-rô và của người môn đệ được Chúa yêu mến. Cả ba người đều có một sự nhạy bén khác nhau trong tâm hồn mình. Thiết tưởng, Maria Madalena rất yêu mến Chúa – nhớ Chúa nên sáng sớm ra mộ viếng thăm nhưng hoảng hốt khi thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Lòng yêu mến ấy đã thúc bách bà nhanh nhẹn chạy về báo cho Phê-rô và người môn đệ kia biết, cũng như khẩn khoản nhờ hai ông tìm lại xác thầy mình “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Sự bận tâm này nói lên tình yêu chân thành của bà dành cho Chúa Giê-su, dù rằng còn nhiều chất chứa nỗi hoang mang.

Còn Phê-rô, ông chạy sau nhưng vô trước “Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Nơi Phê-rô, có lẽ giây phút ông cúi mình xuống… đã giúp ông ý thức được phận người hèn yếu của mình, khiến ông xấu hổ, đau đớn vì sự bất trung của mình đối với Thầy và xót xa chạnh lòng khi thấy khăn liệm của Thầy còn đây, mà thân xác Thầy lại không biết nơi đâu? Phê-rô yêu Chúa Giê-su nhiều – hành động “cúi mình xuống” ông giàn giụa nước mắt xin ơn thứ tha. Và bây giờ, ông cũng thật nhạy bén trước hành động thấy những khăn liệm… thấy những dây băng nhỏ, điều ông nhìn thấy diễn tả lòng biết ơn Chúa nơi ông. Quả thật, Chúa đã đón nhận sự thống hối như cơ hội cho ông tìm lại xác Chúa, cùng những công việc sau này ông sẽ làm tất cả vì Chúa.

Và người môn đệ kia vào sau dù tới trước “ông thấy và ông tin”. Người môn đệ kia là ai? Đó chính là Gioan, người môn đệ được Chúa yêu. Tình yêu của Gioan nhạy bén đến mức ông vừa thấy là đã tin, là xác tín luôn không mập mờ điều gì – vì trong tâm hồn ông, Chúa Giê-su là nhất, là Đấng ông phải gắn bó suốt cuộc đời. Người môn đệ kia là ai? Rất có thể là mỗi chúng ta, là hình bóng của những ai quyết tâm sống trung thành theo Chúa Giê-su đến cùng, cho dù là thử thách, đau thương, thiệt thòi khi phải theo Ngài.

Thế nên, Niềm Vui Phục Sinh “Chúa đã sống lại thật alleluia” mời gọi chúng ta hãy mau mắn xác tín hơn vào tình yêu của Chúa, đừng chỉ nhìn thấy những khăn liệm của thất vọng – những băng nhỏ của buồn chán, hay những đau khổ trong cuộc đời, nhưng là sống niềm vui, niềm tin, hy vọng vào Đấng là sự sống lại và là sự sống – Đấng đã và đang sống trong từng phút giây bên đời chúng ta.

Xin Chúa Giê-su Phục Sinh thương ban niềm tin cho chúng con, để tâm hồn chúng con luôn nhạy bén như Maria Madalena, Phê-rô và Gioan, biết mau mắn tìm Chúa khi đời chúng con thiếu vắng Ngài. Xin Tình Yêu Phục Sinh biến đổi mỗi chúng con, giúp chúng con không lạc lối bởi những hư danh, đam mê trần thế mà biết nhanh nhẹn trong tình yêu, để nhận ra tình thương của Chúa luôn hiện diện và luôn ôm ấp chúng con trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Xin Chúa Giê-su Phục Sinh cho chúng con có tâm hồn như thánh Gioan, dám yêu Chúa hết lòng, tin tưởng trao phó tất cả mọi sự trong tay Chúa, hầu cuộc đời chúng con trở nên lời ca tụng, ngợi khen và tri ân tình yêu Chúa không ngừng. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 2 :

VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI

« Và Con Tim Đã Vui Trở Lại » – Một bài hát thật hay với những ca từ thật ý nghĩa của nhạc sĩ Đức Huy có lẽ rất thích hợp để dùng làm dẫn chứng cho Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay. Đúng là với niềm vui to lớn, một tin mừng trọng đại mang ý nghĩa cứu rỗi cho cả nhân loại thì ngôn từ giới hạn của con người làm sao có thể diễn tả một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Thêm vào đó, việc Phục Sinh của Chúa Giê-su là do quyền năng của Thiên Chúa thì đây lại là một Mầu Nhiệm cao cả vượt ngoài trí hiểu của loài người. Nhưng tình yêu luôn có lối đi riêng của nó. Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến thế gian để dùng ngôn ngữ của loài người mà nói lên lời yêu thương của Thiên Chúa, vậy chúng ta tin rằng qua những ngôn từ đơn sơ nhưng chứa đựng nồng nàn một tình yêu mến, chắc hẳn chúng ta cũng có thể bày tỏ được tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta có thể loan báo tin mừng Phục Sinh của Chúa qua chính đời sống của chúng ta.

Trở lại với đoạn Tin Mừng hôm nay, quả thật “đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv118, 24). Những tưởng mọi việc đã kết thúc sau cái chết đau thương đầy tủi nhục của Chúa Giê-su trên thập giá. Mọi cố gắng của các phụ nữ đi theo Chúa bây giờ chỉ trông vào việc mau qua ngày Sabat để các bà đi ra thăm mồ Chúa và làm cho Chúa những nghi thức tẩn liệm mà vì gấp gáp nên chưa hoàn tất hết vào chiều hôm trước lễ Vượt Qua. Các bà ra đi với tâm trạng đau buồn, với tâm thế của những người thất vọng và với những tâm hồn dường như đã được chôn cất cùng với Chúa Giê-su.

Như lời bài hát, các người phụ nữ đang: “…tìm một con đường tìm một lối đi, ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi…”. Các bà đang đi, nhưng là đi để đến một nơi “kết thúc”, một nơi khiến ai nhìn vào cũng không khỏi chạnh lòng, một nơi của chia ly và từ biệt. Đó là ngôi mộ đá.

Các phụ nữ hơn các tông đồ là các bà con dám ra đi đến với ngôi mộ mặc dù biết là có lính canh, trong khi các ông lại nhốt mình trong căn phòng kín cửa vì “sợ người Do Thái”. Và lòng can đảm và tình yêu thương ấy đã được đền đáp một cách xứng đáng. Các bà thấy được thiên thần, các bà nghe được tin mừng Chúa Phục sinh do thiên thần loan báo và các bạn được trở nên những tông đồ đầu tiên loan báo về tin mừng trọng đại này.

“Và con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi”. Quả thật khi nhìn thấy được cảnh tượng vĩ đại ấy, các phụ nữ không khỏi sợ hãi nhưng xen vào đó lại là một niềm vui khôn tả vì biết rằng Thầy yêu quý của các bà đã sống lại và ngay chính trên đoạn đường trở về các bà lại được gặp và ôm chân Chúa.

Mỗi khát vọng khi được lấp đầy đều mang đến một hạnh phúc to lớn. Nếu là một sự thật ngoài sức tưởng tượng thì niềm hạnh phúc ấy lại càng vỡ òa hơn. Các người phụ nữ đã cảm nghiệm được trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy. Thật sự con tim của các bà đã vui trở lại, tâm hồn của các bà đã sống lại và đức tin của các bà đã được củng cố rất nhiều.

“Niềm vui chia sẻ là là niềm vui nhân đôi, nỗi buồn được sẻ chia là nỗi buồn giảm đi một nửa”. Trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su các phụ nữ đã cùng nhau chia sẻ nỗi mất mát quá lớn khi Thầy mình bị đóng đinh vào thập giá, bị giết chết và bị mai táng trong mồ. Nhưng hôm nay, cũng chính những người phụ nữ ấy đang cùng nhau chia sẻ niềm vui Phục Sinh của Chúa Giê-su và cùng nhau trở thành những tông đồ cho tin mừng ấy.

Trong cuộc sống chắc chắn chúng ta không tranh khỏi những lúc bị chôn vùi trong nấm mồ của tội lỗi, đau buồn, thất bại. Có lúc chúng ta chẳng biết làm gì để thay đổi tình trạng tệ hại của chính mình hay của người thân yêu, bài tin mừng Chúa Phục Sinh hôm nay nêu cho chúng ta mẫu gương của các người phụ nữ. Hãy chia sẻ những vui buồn thành công thất bại với người sống gần bên và hãy tín thác vào quyền năng chữa lành của Thiên Chúa. Vì với Thiên Chúa “mọi việc đều có thể”.

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

Bài Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay là một cơ sở chắc chắn cho Đức tin của chúng ta về việc Chúa đã sống lại, có nền tảng từ lời Thánh Kinh. Chúa Giêsu đã không ít lần nói xa, nói gần về việc Ngài sẽ sống lại. Điều này rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay: chúng ta sẽ không bao giờ có bằng chứng nào về sự phục sinh của Chúa Giêsu ngoài ngôi mộ trống. Tất nhiên, có những lần hiện ra của Chúa Kitô phục sinh – bốn Tin Mừng làm chứng cho điều này. Nhưng không có bằng chứng nào trong số này thực sự thuyết phục. Sở dĩ, chúng ta tin vào Chúa Kitô phục sinh là vì chúng ta tin vào chứng từ của các tông đồ, và của các cộng đoàn Kitô hữu đã được truyền lại cho chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Niềm tin vào Chúa phục sinh đòi hỏi chúng ta đưa ra những quyết định cụ thể: thoát ra khỏi “ngôi mộ” ích kỷ của chúng ta để sống yêu thương đích thực, lăn đi tảng đá ngăn cản đang giam cầm và ngăn cản chúng ta tiến bước, không để mình bị lôi cuốn bởi oán hận và trả thù nhưng để làm cho sự tha thứ và lòng thương xót chiến thắng. Chính bằng lối sống của mình mà chúng ta có thể chứng tỏ rằng Chúa Kitô đang sống và Người biến đổi những ai đón nhận ơn Phục sinh của Người.

Chính bằng cách sống như vậy mà chúng ta có thể trở thành những người mang sự sống và hy vọng. Chúa Kitô phục sinh muốn liên kết tất cả chúng ta với chiến thắng của Người trên mọi thế lực sự dữ đang tìm cách tiêu diệt con người. Tất cả chúng ta được mời gọi chọn lựa sự sống và để cho tình yêu Thiên Chúa xâm chiếm chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới mà nhiều người phải chịu đựng chiến tranh, bạo lực, hận thù và khinh thường người khác. Nhưng Chúa phục sinh chỉ yêu cầu loại bỏ khỏi trái tim chúng ta tảng đá đang giam giữ chúng ta trong bóng tối. Ngài muốn ánh sáng Phục Sinh chiếu soi khắp thế giới. Trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy trở thành chứng nhân của tin mừng này cho tất cả những người chúng ta gặp gỡ.

Lần kia Mẹ Têrêsa kể:

Một thiếu nữ đã tìm đến Ấn Độ xin gia nhập hội thừa sai bác ái của chúng tôi. Chúng tôi có một qui định là người đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Bởi vậy, tôi đã nói với thiếu nữ:

– Con đã nhìn thấy vị Linh mục dâng Thánh lễ, con đã thấy Ngài cầm Thánh Thể trong tay cách cung kính và mến yêu chừng nào, con cũng hãy đi và làm như thế nơi nhà hấp hối, bởi vì con tìm gặp được Chúa Giêsu trong thân thể của người anh em khốn khổ đó.

Người thiếu nữ ra đi. Một thời gian sau cô trở lại với một nụ cười thật tươi mà có lẽ tôi chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ nói với tôi:

– Thưa Mẹ, con đã sờ đến thân thể Chúa Kitô suốt ba tiếng đồng hồ.

Tôi hỏi cho biết sự thể đã diễn ra thế nào Cô đáp:

– Con vừa đến nhà hấp hối thì thấy người ta mang tới một cụ già vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy ông đầy những thương tích và bùn dơ hôi hám. Con đã tắm rửa cho ông thật sạch sẽ và băng bó các vết thương của ông, con biết rằng làm như thế là con đã chạm đến thân thể Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vượt qua khổ nạn và cái chết để Phục Sinh về với Chúa Cha. Xin Chúa ban sức mạnh của Ngài cho chúng con, hầu biến những hành vi, lời nói hằng ngày của chúng con thành công cụ Loan báo Tin Mừng Phục sinh và Niềm hy vọng cho con  người và thế giới hôm nay. Xin cho chúng con biết: Vượt qua ích kỉ nhỏ nhen để quảng đại yêu thương. Vượt qua tự ái, tự kiêu để tha thứ bao dung. Vượt qua đau khổ, cực nhọc để dấn thân hy sinh. Xin cho cuộc sống chúng con luôn mãi tràn đầy niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh. Amen.

Fiat

Trả lời