Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B

 Suy Niệm 1:

Cám Dỗ Cần Có Để Thử Lòng Chúng Ta

Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay năm B – thánh Mac-cô viết rất ngắn gọn, đủ trả lời cho chúng ta bốn câu hỏi chính: Ai đưa Chúa Giê-su đi vào hoang địa? Chúa Giê-su vào hoang địa để làm gì? Chiến thắng cám dỗ thì Chúa Giê-su được gì? Ra khỏi hoang địa, trở về với cuộc sống Chúa Giê-su đã làm gì?

Và câu trả lời cho chúng ta là: Chính Thánh Thần đưa Chúa Giê-su vào hoang địa. Ngài vào đó để chịu cám dỗ. Khi chiến thắng cám dỗ, Chúa Giê-su được các thiên thần hầu hạ. Trở về với cuộc sống, Chúa Giê-su bước đi trong đường lối của Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Thánh Alphongsô Liguori đã từng nói: “Người nào tin tưởng vào bản thân sẽ hư mất; người nào tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ làm được mọi sự”. Lời của thánh nhân giúp chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay.

Kinh nghiệm bị cám dỗ là một yếu tố quan trọng và cần thiết, chuẩn bị cho sứ mạng công khai của Chúa Giê-su. Đứng trước cám dỗ, Chúa Giê-su đã không ngã lòng, nhưng bình thản, cương quyết và dứt khoát hướng về phía Thiên Chúa, để chứng tỏ Người là con yêu dấu của Chúa Cha. Nếu Chúa Giê-su không chiến thắng cám dỗ, sẽ không có một Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá để đem ơn cứu chuộc cho nhân loại. Qua kinh nghiệm chiến thắng cám dỗ, Chúa Giê-su cho chúng ta nhận ra thái độ đi vào tương quan với Thiên Chúa.

Cám dỗ không thể cản bước chúng ta đi vào tương quan thân tình với Thiên Chúa, nhưng đó còn là một phép thử để xem tình yêu và lòng trung tín của chúng ta với Thiên Chúa như thế nào? Nếu chúng ta nghe theo lời dụ dỗ thì ta sẽ rơi vào bóng đêm của tội lỗi. Ngược lại, bằng thái độ khiêm tốn và lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ vượt qua cám dỗ với lòng cậy trông vào Thiên Chúa là sức mạnh nâng đỡ ta. Nhờ ơn Chúa, chúng ta vững bước trong đường lối của Người và thực thi trọn vẹn những Lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, trước cám dỗ, xin cho chúng con bình tâm và cậy trông vào ân sủng Chúa. Xin Chúa hãy đến và ở cùng chúng con trong mọi cơn gian nan, thử thách để chúng con đủ sức lướt thắng mọi cám dỗ của thế gian này. Amen.

Hoa Xuân

Suy Niệm 2:

Lòng Trung Thành

 Hoang địa là từ ngữ chúng ta thường nghe trong Kinh Thánh nhắc đến, mới nghe từ này ta có thể hình dung ra nơi có thời tiết khắc nghiệt và khô cằn, và cũng là nơi đầy hiểm nguy ‘có nhiều loài dã thú’ mà Tin Mừng hôm nay đã nói. Thế nhưng, hoang địa còn là biểu tượng một nơi dành cho những ai muốn “ẩn mình”, tìm đến sự thanh vắng của nội tâm để gặp gỡ chính Thiên Chúa. Và hôm nay bắt đầu bước vào mùa chay, Mẹ Giáo Hội cũng cho chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Giê-su được ‘thần khí thôi thúc vào hoang địa bốn mươi đêm ngày, để chay tịnh, chịu sa-tan cám dỗ’ và đã chiến thắng. Như vậy, lòng trung tín của Đức Giê-su dành cho Chúa Cha là duy nhất, đến nỗi không một thế lực nào có thể lấn lướt hay đánh lừa Ngài.

Trong bản văn Tin Mừng hôm nay, thánh Mac-cô thuật lại việc Đức Giê-su vào hoang địa có vẻ ngắn gọn, tác giả không giải thích cách thức Sa-tan cám dỗ Đức Giê-su thế nào như Tin Mừng của thánh Mát-thêu. Tuy vắn tắt, nhưng thánh Mác-cô vẫn cho chúng ta nhận ra nơi con người Đức Giê-su: không phải là sự giằng co giữa Đức Giê-su và Sa-tan, hay sự quyết liệt giữa thiện và ác, mà là sự trung tín tuyệt đối của Ngài với Thiên Chúa Cha và trung thành với sự chọn lựa của mình khi đứng trước sự xúi giục của Sa-tan. Từ sự trung thành ấy, Đức Giê-su cũng mở ra tương quan ‘sống hài hòa với các loài dã thú, được các thiên sứ hầu hạ Người’. Ở đây, như cách nào đó nói về hình bóng tiên trưng cho việc Đức Giê-su phục hồi lại sự sống, niềm hạnh phúc thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã trao ban cho tổ tông xưa, do bất trung nên đánh mất.

Quả thật, mọi lướt thắng Sa-tan của Đức Giê-su được đánh đổi bằng sự trung thành với Thiên Chúa, và trung thành với chính mình. Điều này mời gọi chúng ta: khi ta đứng trước mọi cám dỗ: Sa-tan, thế gian và xác thịt như là một lần ta kiểm chứng lại tình yêu – lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa. Một là chúng ta khước từ những hấp lực bất chính đó để thuộc về Thiên Chúa, hai là ta bất chấp nghe theo những lời dối gian của chúng mà xa lìa Người. Đó là điều cần chúng ta phân định và lựa chọn. Và sở dĩ Đức Giê-su chiến thắng mọi sự dữ vì Ngài đã biết ‘chay tịnh’ – khống chế mọi ước muốn và mọi tham vọng tầm thường của chính mình để dâng hiến cho Thiên Chúa.

Trong đời sống của người Ki-tô hữu – chúng ta đã bao lần bị Sa-tan quấy phá, cám dỗ trong tư tưởng, lời nói và việc làm của ta. Đó có thể là những lúc chúng ta sống buông thả theo đam mê xấu, chiều theo những ước muốn sai trái và nghịch lại với ước muốn của Thiên Chúa. Những lúc như thế, chúng ta sẽ làm gì, ta có nghĩ đến tình yêu, nghĩ đến lời cam kết với Thiên Chúa chăng? Hay chúng ta cứ mặc cho thần dữ lôi kéo đời ta thuộc về chúng.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương cho chúng con noi theo về lòng trung tín sắc son với Thiên Chúa. Xin Chúa soi dẫn chúng con biết can đảm vượt qua mọi thử thách, cám dỗ trong đời sống, hầu cuộc đời chúng con chỉ biết tôn thờ Chúa mà thôi. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Phụng vụ Giáo Hội đã bước sang một hành trình mới. Những nét tươi cười của mùa Giáng Sinh, hoa nến không còn và những ngày xanh tươi của mùa thường niên cũng đã qua. Thay vào đó là màu tím mang đậm chất sâu lắng của Mùa Chay, mà bắt đầu bằng nghi thức xức tro để tỏ lòng sám hối và khởi đầu cho mùa “tập luyện thiêng liêng”.

Thật vậy, Tin Mừng hôm nay cũng đã nói đến việc Đức Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ, Ngài cầu nguyện và ăn chay trong sa mạc trước khi bước vào sứ mạng rao giảng của Ngài. Điểm khác biệt của Tin Mừng Mác-cô khi thuật lại việc Đức Giêsu chịu cám dỗ, thánh sử không ghi lại toàn bộ diễn tiến câu chuyện nhưng ngắn gọn và súc tích. Qua Tin mừng này cho chúng ta thấy hai phần nội dung và ý nghĩa rất rõ rệt. Nếu trong Tin Mừng của thánh sử Matthêu và Luca nhấn mạnh đến việc ma quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu thế nào và Ngài đã chiến thắng tên cám dỗ ra sao, thì ở Tin Mừng Máccô thêm phần diễn tiến sau cơn cám dỗ – Đức Giêsu được các thiên thần hầu hạ và rồi Ngài bắt đầu đời sống công khai của mình.

Từ đó, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học đáng giá cho hành trình Mùa Chay và đời sống đức tin của mỗi chúng ta:

  • Đã là phận người, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ.
  • Chúng ta thường nghe: “Ở nhưng không là cội rễ mọi sự dữ” hay “người ở nhưng không có ngàn quỷ bao quanh”. Có lẽ không sai, nhưng qua Tin Mừng hôm nay chúng ta cần phản tỉnh hơn trước những cám dỗ có vẻ là “hợp tình hợp lý” khi chúng ta thực hiện những việc đạo đức trong cuộc sống hằng ngày.
  • Bài học từ chính Đức Giêsu, chỉ có việc sống và kết hợp với Lời Chúa mới là “vũ khí” chiến thắng được cơn cám dỗ.
  • Việc chiến đấu và chiến thắng cơn cám dỗ không phải là chuyện dễ dàng, cũng không phải là điều ta không làm được, nhưng quan trọng là chúng ta có để luật Chúa làm sự ưu tiên hay chỉ là sự lựa chọn?
  • Cơn cám dỗ là những hòn đá – chúng sẽ đè nặng và giam hãm linh hồn chúng ta nếu ta thoả hiệp hay đầu hàng. Ngược lại khi chúng ta dám chiến đấu và chiến thắng thì những hòn đá ấy sẽ là bệ phóng giúp ta tiến gần Thiên Chúa hơn.
  • Và hơn hết, chính Đức Giêsu khi mang thân phận con người – Ngài chịu cám dỗ và đã chiến thắng thì chúng ta là Kitô hữu cũng có quyền hy vọng cho một chiến thắng vẻ vang trước cơn cám dỗ khi chúng vây bủa chúng ta trong đời sống.

Bước vào Mùa Chay không phải để chúng ta mang trong mình sự trầm buồn, chán nản cho một cuộc khổ hình đau thương và một cái chết nhục nhã trên thập giá, nhưng là bước chân trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ, bước chân hiên ngang của người tông đồ theo Đức Giêsu trên đường thánh giá và bước chân đi vào cái chết của người Kitô hữu cho những đam mê yếu đuối, để rồi có được những bước chân rạng ngời vinh quang cho một cuộc Vượt Qua vào nơi đầy ánh sáng.

Bảo Bảo

Trả lời