Chúa Nhật Hiển Linh Năm A

Suy niệm 1:

ÁNH SAO GIỮA ĐỜI

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa tỏ lộ cho dân ngoại biết vinh quang của Ngài. Ba nhà chiêm tinh thấy vì sao của Vị Vua dân Do thái xuất hiện bên phương Đông, nên đến bái lạy Người. Ngôi sao dẫn đường là phương tiện Thiên Chúa dùng để hướng dẫn các vị này tìm đến Chúa và chia sẻ niềm vui với họ: “Thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, họ liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2,11)

Cuộc sống của mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình tiến về nhà Cha. Ðức Giêsu vẫn là ánh sao lạ đã và đang đi trước chúng ta. Cũng như người đi biển, để định vị được bờ, người ta phải cần đến ngọn đèn hải đăng. Chúng ta vui sướng bước theo Ngài, nghe tiếng Ngài dạy bảo. Nhưng có những lúc dường như ngôi sao ấy biến đi khiến chúng ta phải lao đao lo sợ. Điều đó cho thấy, ánh sáng chỉ đường thật quan trọng biết bao trong đời sống thường ngày của chúng ta. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta có nhận ra những ánh sao đó trong cuộc đời mình hay không?

Người ta nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt. Không, không có ai là ngôi sao xấu. Tất cả đều là ngôi sao tốt. Trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng, một vai trò nào đó. Vì thế, không ai được tự ti mặc cảm, chán nản thất vọng. Cũng không ai được tự tôn tự phụ, huênh hoang…Chúng ta hãy sống thực sự là một con người, hơn nữa, thực sự là một người con Chúa.

Trong cuộc đời con người, có biết bao ngôi sao bên cạnh mà dường như chúng ta không hay biết. Những ngôi sao đó có thể không chói sáng như chúng ta tưởng, nhưng lại giúp ích cho cuộc đời chúng ta biết bao nhiêu. Những ngôi sao đó là những biến cố, những người thân trong gia đình, là Bề trên hay Chị em trong nhà, bè bạn… và tất cả những ai đã cùng đồng hành với chúng ta trên hành trình của cuộc đời. Nhưng thử hỏi, đã bao giờ chúng ta nhìn nhận họ là những ánh sao để mà biết ơn, để mà trân trọng?

Xin Chúa ban cho chúng ta biết cảm tạ Chúa với những ánh sao hướng dẫn trong đời chúng ta dù rất nhỏ nhưng đó chính là đường hướng đưa dẫn chúng ta đến nơi bình an và là nơi có Chúa hiện diện. Đồng thời mừng lễ Hiển Linh hôm nay, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên ngôi sao để dẫn đưa người khác đến cùng Chúa. Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù, chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng, chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta là biết giữ bản thân mình luôn luôn sáng để trở nên là ánh sao dẫn dắt người khác đến với Chúa qua đời sống chứng tá của mình.

Cùng với các nhà đạo sĩ tiến về Bêlem, chúng ta cũng có những món quà để dâng tặng cho Chúa Giê-su Hài Nhi. Đôi khi món quà của chúng ta còn quí giá hơn những món quà của các đạo sĩ, bởi vì món quà của chúng ta dâng không phải chỉ là tặng phẩm trao dâng một lần như vàng, nhũ hương và mộc dược, mà chính là món quà liên lỉ của tình yêu và tinh thần phục vụ tha nhân từng ngày và từng giờ trong cuộc đời chúng ta. Amen

Ephata

Suy niệm 2:

ÁNH SAO ĐÊM TRƯỜNG

Ngôi Hai xuống thế làm người được mệnh danh là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chữ chúng ta ở đây nói đến hết mọi người trên trái đất. Vậy có phải thật là bất công nếu việc Chúa Giáng Sinh chỉ được loan báo cho người dân trong đất nước Israel, dân tộc được gọi là “dân riêng”? Không phải thế, Thiên Chúa đã dùng mọi cách thức để loan báo tin mừng trọng đại này cho mọi tầng lớp, mọi thế hệ qua bao đời.

Với dân Do Thái: lời tiên tri từ ngàn xưa đã tin báo Đấng Cứu Thế sẽ thuộc dòng dõi vua Đavit, nơi Ngài sinh ra là Bêlem thuộc xứ Giuđa. Vậy nên ai là người thuộc dân tộc ấy đều biết được sự kiện vĩ đại này. Rồi tới thời đã định, khi Con Chúa giáng trần, Thiên Chúa đã sai các thiên thần báo tin cho các mục đồng được biết, các ông đã tìm đến hang đá nơi Chúa được sinh ra tại đó, các ông đã thấy và đã tin. Vượt qua mọi biên giới, Thiên Chúa đã dùng ánh sao lạ để dẫn đường cho ba nhà Đạo Sĩ từ phương đông tìm đến bái thờ Hài Nhi Giêsu. Có một điều bất ngờ và nghịch lý ở đây: Thiên Chúa tại sao không tỏ mình ra cho các tư tế kinh sư, những bậc vị vọng đạo đời trong dân Do Thái? Vì Chúa không bày tỏ hay vì họ cố chấp không chịu đón nhận?

Lễ hiển linh mang một ý nghĩa tôn giáo sâu sắc khi vượt qua mọi định kiến thời bấy giờ: Thiên Chúa không chỉ đóng khung trong đất Israel, ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho Dân Do Thái mà cho tất cả những ai đón nhận Thiên Chúa và sống theo lời Ngài với một tâm hồn đơn sơ tín thác. Đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay nói về việc ba nhà đạo sĩ từ phương đông theo ánh sao lạ đến tìm Bêlem, chúng ta thấy được hai khung cảnh hoàn toàn khác nhau để rồi chúng cũng mang hai ý nghĩa và hai kết quả khác xa nhau.

  • Trong đêm tối tăm của thiên nhiên, cũng như đêm tối của đức tin, Ba nhà đạo sĩ đã nhận ra dấu chỉ của Chúa qua ánh sao lạ để dõi theo và tìm về Bêlem, nơi có ánh sáng thật là Con Thiên Chúa.
  • Trong khi đó tại Bêlem, trong cung điện nhà vua, nơi rực rỡ ánh đèn màu lung linh huyền ảo lại chỉ toàn những con người đóng kín lòng mình trước lời mời gọi của Thiên Chúa, đóng kín tri thức đã biết về Đấng Cứu Thế từ bao thế hệ truyền lại.
  • Với ba nhà đạo sĩ, ánh sao lạ kia là một dấu chỉ Đế Vương mới xuất hiện trên cõi trần, là một biến cố trọng đại cần phải tìm hiểu và chiêm ngắm nhưng với những bậc thông thái thời bấy giờ, những người được coi là “nắm giữ chìa khoá Nước Trời” thì việc Đấng Cứu Thế giáng sinh vẫn con nằm trong sách vở, nếu không nói là chuyện “quen quá hoá nhàm”. Họ chẳng mải mai quan tâm hay buồn nghĩ đến việc phải tìm đến chiêm ngắm và bái thờ một Đấng Messia từ bao đời trông ngóng.
  • Đối lập cuối cùng trong việc ánh sao lạ xuất hiện là: một đàng dẫn lối cho những người chưa biết Thiên Chúa tìm gặp thấy Ngài để rồi ra đi lòng đầy hoan lạc. Một đàng khác lại làm cho những ai đã biết “quá rõ” về Đấng Cứu Thế lại hồi hộp lo sợ, để rồi tìm mọi cách khử trừ “ mầm mống đế vương” này.

Qua dấu chỉ ánh sao lạ xuất hiện trên bầu trời và việc ba nhà đạo sĩ vượt ngàn dặm xa xôi đi tìm gặp Chúa Hài Nhi gợi lên cho bản thân mỗi người nhiều suy tư để rồi tự đặt cho mình những câu hỏi:

  • Liệu bây giờ giữa một xã hội phát triển không ngừng, thông tin “nóng hổi” lan tràn khắp nơi, con người ta còn kiên nhẫn nhìn lên “ánh sao lạ” mà đâu đó Thiên Chúa đã và đang gởi đến cho nhân loại để tìm về với Ngài hay không? Hay con người chỉ mải mê tự hào, tự đắc với những kiến thức những thành tựu được gọi là trí tuệ của nhân loại mà quên đi việc “kính sợ Chúa là đầu mối của khôn ngoan”?
  • Khoa học phát triển vượt bậc là một điều đáng mừng cho con người vì nó giúp nhân loại giải quyết được vô số vấn đề mà người xưa đã không chinh phục được. Nhưng cần xác tín một điều rằng: khoa học và đức tin không hề đối lập với nhau theo nghĩa “một mất một còn”, nhưng là củng cố và bổ sung cho nhau để giúp cho nhân loại đi đến sự toàn thiện theo ý Chúa. Liệu con người có dám khiêm tốn từ bỏ những hiểu biết của mình để tìm về và đón nhận thánh ý Chúa cho mọi biến cố của lịch sử nhân loại?
  • Và câu hỏi cuối cùng khi suy niệm tin mừng Chúa nhật lễ Hiển Linh hôm nay: tôi có tìm và nhận ra “ ánh sao lạ” mà Chúa đang gởi đến cho cuộc hành trình đức tin của tôi hay không?

Bảo Bảo

 Suy niệm 3:

“Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 12)

Đoạn văn trong Tin Mừng Matthêu hôm nay cho ta thấy có nhiều chi tiết: Ngôi sao lạ, các nhà đạo sĩ, vua Hê-rô-đê, … viết theo thể văn Midrash (kể cả những chi tiết huyền thoại). Và Tin Mừng Mattheu cho ta thấy một điểm son trong những điểm son “sau khi Ba Vua thờ lạy Chúa, được báo mộng đừng trở lại với Hê-rô-đê…”

“Hê-rô-đê” ở đây tượng trưng cho dục vọng, tham ô, tội lỗi và sự giả tâm, sợ mất vị trí, quyền lực, vinh quang của mình.

“Đã đi lối khác” hiểu như: thay đổi nếp sống cũ trước đây trở thành nếp sống mới, suy nghĩ mới và hoạch định mới cho tương lai đời mình.

Trên con đường đi đến Bê-lem, các đạo sĩ gặp khó khăn, cản trở, nguy hiểm, nào là đường xa thăm thẳm, vùng đất lạ, bị Hê-rô-đê đe dọa và không bảo đảm cho sinh mạng. Điều đó, cho chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của người Ki-tô hữu của chúng ta hôm nay, chắc có lẽ cũng giống hành trình của các nhà đạo sĩ năm xưa trên đường đi tìm kiếm Chúa.

Với những thay đổi của thời đại, của trào lưu, của xu hướng, chúng ta cũng không tránh khỏi những con đường nhiêu khê, thăm thẳm của đời chúng ta, lắm lúc phía trước con đường chúng ta đi là đêm tối, đêm tối của sự dữ, đêm tối của những khát vọng tầm thường nơi con người, làm chúng ta không còn thấy đâu là con đường đức tin, con đường chân lý để đến với Chúa, làm chúng ta lu mờ đi niềm tin của mình do “những Hê-rô-đê” trổi lên trong con người chúng ta, và làm cho chúng ta phai nhạt tình yêu với Chúa qua nhiều hình thức, lý do khác nhau.

Mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, mời gọi chúng ta đừng nản lòng khi phải đối diện với những đêm tối của cuộc đời, những thách thức trên con đường đức tin chúng ta đi. Giữa đêm tối cuộc đời có khi khiến chúng ta không còn thấy ánh sáng, nhưng có ngôi sao lạ sẽ dẫn đường đưa lối chúng ta như các nhà đạo sĩ, cũng lần mò trong đêm tối nhưng khi nhận thấy ánh sao họ đã bước theo đến bái thờ Hài Nhi Giê-su. Ánh sao ấy là Lời Chúa, những chỉ dẫn của Giáo Hội, của những người khôn ngoan, những người có trách nhiệm soi rọi trên chúng ta.

Lời Chúa cũng cảnh giác chúng ta, đừng ỷ vào một chút hiểu biết, một chút định kiến, một chút quyền lực và một chút tư lợi nào đó mà không lắng nghe những thẩm quyền, những chỉ dẫn.

Đặc biệt khi các đạo sĩ gặp Chúa Hài Nhi, thì không trở lại với Hê-rô-đê mà đi về lối khác. Thì chúng ta cũng được mời gọi hãy thay đổi cung cách sống, thay đổi nếp suy nghĩ, hầu có thể mang tình thương mà chúng ta được lãnh nhận từ nơi Giê-su Hài Nhi chia sẻ với anh chị em, loan báo Tin Mừng Cứu độ cho mọi người.

Lạy Chúa là ánh sáng thân thương,

Giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm, xin Chúa dẫn con đi,

 Xin Chúa dẫn con đi, đêm thì tối, đường thì xa

Xin giữ bước chân con. Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,

Chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.

Chưa bao giờ con như bây giờ, cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn dắt.

Con đã quen tự chọn và thấy con đường của mình.

Nhưng giờ đây, xin Chúa dẫn con đi. (Thánh John Henry Newman)

M. Nhị Thơ

Suy niệm 4:

NẾU CHÚNG TA ĐI MỘT CON ĐƯỜNG KHÁC THÌ SAO?

 Các bài đọc trong Chúa Nhật Hiển Linh này làm cho chúng ta hiểu rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Các bản văn Kinh Thánh hôm nay loan báo một Tin Mừng cho chúng ta: đó là sự hòa giải và tình yêu sẽ có tiếng nói cuối cùng. Các đạo sĩ từ phương Đông phát hiện ra một ngôi sao thông báo sự ra đời của một vị vua mới. Họ bỏ lại tất cả, họ bắt đầu cúi đầu trước vị Vua này. Như vậy, dân ngoại là những người đầu tiên thờ phượng Con Thiên Chúa. Đây đã là một lời loan báo về điều sẽ xảy ra sau khi phục sinh: ánh sáng chiếu soi trong đêm Bêlem sẽ chiếu tỏa đến tận cùng trái đất.

Trên đường đi, các đạo sĩ gặp các thượng tế và kinh sư. Họ biết mọi điều về Kinh Thánh. Đấng cứu thế mà họ đang chờ đợi với tất cả những lời cầu nguyện của họ phải được sinh ra ở Bêlem. Họ biết điều đó nhưng họ không lên đường, vẫn bị khóa chặt trong những điều chắc chắn đó là “niềm tin sâu sắc” của họ. Họ không cho Chúa cơ hội thể hiện như ý muốn. Toàn bộ Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa đến vì mọi người nhưng sẽ không có gì xảy ra nếu chúng ta không từ bỏ những điều chắc chắn và sự thoải mái của mình để gặp gỡ Đấng là ánh sáng của thế gian.

Thánh Mátthêu cũng nói với chúng ta về Hêrôđê. Ông là một vị vua hung bạo, mạnh mẽ và giết người. Ông ta không ngần ngại giết bất cứ ai chống lại mình, kể cả những người trong gia đình ông ấy. Khi nghe tin về vị vua vừa mới được sinh ra, ông thấy một đối thủ nguy hiểm cần phải loại bỏ. Đó là hành động đầu tiên của cuộc chiến chống lại Chúa Giêsu: sẽ giết những người vô tội. Và trong suốt nhiều thế kỷ, những người theo vị vua này sẽ bị ngược đãi, bị giết hoặc bị đem ra làm trò cười. Và làm thế nào để không nghĩ đến tất cả những người theo trào lưu thế tục và vô thần, những người làm mọi cách để loại bỏ đức tin Kitô giáo?

 Không gì có thể ngăn cản Thiên Chúa kêu gọi mọi người đến với Người. Sự cứu rỗi của Ngài được ban cho tất cả mọi người. Thông qua các Đạo sĩ đến với chiếc nôi của vị vua trẻ thơ, tất cả các dân tộc đều được kêu gọi. Ngài là Đấng muốn tỏ lòng thương xót với những người tội lỗi. Người ngoại kiều, ngoại đạo có vị trí của họ trong trái tim của Ngài. Vào chiều Lễ Thăng Thiên, chính Người đã ngỏ lời với các Tông Đồ để sai họ đi rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Do đó, lễ hiển linh này là lễ của Giáo hội hoàn vũ. Sứ mệnh của chúng ta không phải là tự cứu mình mà là kết hợp với Chúa Kitô, Đấng muốn cứu thế giới. Giống như các đạo sĩ, chúng ta đến với Chúa Giêsu để phủ phục trước Ngài và nhận từ Ngài tình yêu mà Ngài muốn đổ đầy chúng ta. Chúng ta sẽ không còn có thể bị khép kín trong giới hạn của gác chuông và giáo xứ của mình và sẽ hoàn toàn phải thoát ra khỏi nó. Nếu không, chúng ta sẽ giống như các thầy thượng tế và các người thông luật bỏ lỡ cuộc gặp gỡ với Vua Cứu Thế. Xin cho tất cả mọi người nhận ra rằng đứa trẻ được các đạo sĩ tìm thấy chính là vị cứu tinh của chúng ta. Amen

Fiat

 

Trả lời