Chính thống quảng đại

Các sách Phúc âm nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô hạn và không điều kiện, rằng Thiên Chúa không thiên vị, Ngài mong muốn cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc và ơn cứu rỗi…

Có một câu nói được cho là của Attila the Hun, nhà cai trị khét tiếng vì sự tàn bạo vào thế kỷ thứ 5, nó như thế này: Để tôi được hạnh phúc, thành công hay không không quan trọng, quan trọng là tất cả mọi người khác thất bại. Tôi không dám chắc Attila the Hun là người nói câu này, nhưng dù sao đi nữa, câu này có một bài học để chúng ta rút ra.

Các sách Phúc âm nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô hạn và không điều kiện, rằng Thiên Chúa không thiên vị, Ngài mong muốn cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc và ơn cứu rỗi, và Thiên Chúa không phân phát ơn Thánh Linh theo khẩu phần. Nếu đúng là thế, thì chúng ta cần tự hỏi mình tại sao chúng ta lại quá thường xuyên có khuynh hướng ngăn giữ Thánh Linh Thiên Chúa đến với người khác trong những phán xét của mình, nhất là những phán xét về mặt tôn giáo. Chúng ta không thấy được sự thật rằng trong chúng ta có chút gì đó của Attila the Hun.

Ví dụ như, chúng ta thiên về lối nghĩ này đến mức nào? Để tôn giáo của tôi xác thực, điều quan trọng là các tôn giáo khác phải không xác thực! Để giáo phái kitô giáo của tôi trung thành với Đức Kitô, điều quan trọng là mọi phái khác phải ít trung thành hơn. Để Phép Thánh Thể trong phái của tôi có giá trị, điều quan trọng là Phép Thánh Thể trong các phái khác vô giá trị hoặc ít giá trị hơn. Và vì tôi sống với một tinh thần thành tín liên tục trong đức tin và đời sống đạo đức, điều quan trọng là mọi người khác không sống thành tín như tôi thì không được lên thiên đàng hoặc phải ở hàng kém hơn trong thiên đàng.

Chúng ta không phải là những môn đệ đầu tiên của Chúa nghĩ theo cách này và bị Chúa Giêsu chất vấn về tâm thức theo kiểu Attila the Hun này. Thật sự, đây là phần chính trong bài học của dụ ngôn người chủ vườn quá sức rộng rãi đã trả công cho mọi người như nhau dù họ làm ít hay nhiều.

Chúng ta tất cả đều biết câu chuyện này. Một sáng nọ, người chủ vườn ra chợ và thuê người về làm vườn cho mình. Sáng sớm, ông thuê vài người, đến trưa, ông thuê vài người, khoảng giữa giờ chiều, ông thuê vài người chỉ đến làm mấy tiếng. Rồi ông trả công cho họ hậu hĩnh như nhau. Có thể hiểu được khi những người làm việc cả ngày phẫn uất, buồn bực (mặc dù họ đã được trả công hậu hĩnh), họ cảm thấy thật bất công khi những người làm ít hơn nhiều cũng nhận được thù lao hậu hĩnh như họ. Ông chủ trả lời những người phàn nàn này“Bạn à, tôi đâu có bất công với bạn. Bạn thấy khoản lương này không ổn sao? Vì sao bạn ghen tị vì tôi hào phóng?” (Matthew 20, 1-16)

Hãy để ý rằng Chúa Giêsu gọi người phàn nàn là “bạn”. Câu trả lời đó hướng đến chúng ta, những người trung thành làm việc cả ngày dài. Hãy để ý đến tông giọng nồng ấm và dịu dàng đó. Nhưng lời thách thức thì không nồng ấm và dịu dàng như vậy: Tại sao bạn ghen tị vì Thiên Chúa quá đỗi hào phóng? Tại sao với chúng ta, điều quá quan trọng là khi chúng ta làm đúng thì Thiên Chúa phải gay gắt với những người không như chúng ta? Nói thật, đôi khi tôi hình dung mình, sau khi sống cuộc đời độc thân khiết tịnh, vào thiên đàng và gặp những dân chơi khét tiếng nhất đời, rồi tôi hỏi Chúa, “Làm sao anh ta vào đây được?” và Chúa trả lời, “Bạn à, thiên đàng không tuyệt diệu sao! Bạn ghen tị vì tôi hào phóng sao?” Ai mà biết được, có khi chúng ta gặp Attila the Hun ở đó cũng nên.

Một trong những giá trị cốt lõi của một nhóm Quakers là đôi khi gọi mình là chính thống quảng đại. Tôi thích sự kết hợp của hai từ này. Quảng đại nghĩa là cởi mở, hiếu khách, cảm thương, bao dung, và hy sinh phần nào của mình cho người khác. Còn chính thống là những chân lý bất di bất dịch, là giữ những giới hạn chuẩn mực, là trung tín với những gì mình tin, và không thỏa hiệp chân lý để tỏ ra tử tế. Hai điều này thường bị xem là đối lập nhau, nhưng chúng đáng ra phải đứng cạnh nhau. Giữ lập trường chân lý của mình, giữ các giới hạn chuẩn mực của mình, và không chịu thỏa hiệp bất kỳ nguy cơ nào tỏ ra mình không tử tế lắm, đó là một nửa công thức, nhưng công thức trọn vẹn đòi hỏi chúng ta cũng cần phải tôn trọng và tử tế với đức tin, niềm tin và giới hạn của người khác.

Và nó không phải là thuyết hổ lốn không lành mạnh, nếu như người kia nắm giữ chân lý không mâu thuẫn với chân lý mà chúng ta nắm giữ, dù cho nó có thể khác biệt và có lẽ không trọn vẹn theo cách nghĩ của chúng ta.

Do đó, bạn có thể là một tín hữu kitô xác tín rằng kitô giáo là biểu đạt tôn giáo xác thực nhất trên thế giới mà không phán xét rằng các tôn giáo khác là sai. Bạn có thể là người công giáo la mã, tin chắc rằng công giáo la mã là biểu đạt chân thực và trọn vẹn nhất của kitô giáo, tin Phép Thánh Thể của bạn là sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu mà không phán xét rằng các giáo phái kitô giáo khác không phải là biểu đạt giá trị của Chúa Kitô và không có Phép Thánh Thể có giá trị. Chuyện đó không có gì mâu thuẫn cả.

Bạn có thể đúng, mà không cần tùy thuộc vào chuyện mọi người khác đều sai!

Ronald Rolheiser,

John Thái Hòa dịch

Trả lời