Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội, tôi thường đọc thấy những dòng tâm sự của nhiều bạn trẻ tuổi teen với nhiều nội dung khác nhau về nhân sinh quan trong cuộc sống. Trong đó có một chia sẻ làm tôi rất ấn tượng với câu từ ngắn gọn như sau: “Bao tiền một mớ bình yên?”. Qua câu cảm thán trên đã gợi lên trong tôi nhiều suy tư cho cuộc sống xã hội hiện đại và cả cho chính đời sống thánh hiến của một người nữ tu như tôi: “Phải chăng khi lòng người bị xáo trộn, người ta mới cần và tìm đến sự bình yên?”
Con người thời đại thường ngộ nhận về giá trị đích thực của hạnh phúc. Họ cho rằng hạnh phúc thật nằm ở những gì bản thân sở hữu được hoặc điều gì đó để cho thiên hạ ngắm nhìn rồi ra sức trầm trồ thán phục. Thế nên, hầu hết quỹ thời gian của họ trong vòng đời là chạy đi tìm cho bằng được những “hào nhoáng” ấy để rồi đến một ngày chùn chân mỏi gối, khi nhìn lại tất cả những gì đã trải qua, họ lại ngậm ngùi thốt lên câu cảm thán: “Bao tiền một mớ bình yên?”
Vậy cuối cùng bình yên là gì mà con người ai ai cũng mong muốn có được? Nó có đắt như người ta vẫn nghĩ? Nó có quá xa vời để con người không thể chạm tới? Nó có hình dáng thế nào để con người dễ dàng tìm kiếm? Và rồi nó có thật hay chỉ là những lý thuyết mà con người huyễn hoặc suy nghĩ nên?
Chắc hẳn với những câu hỏi thuộc thể loại tâm trạng thế này thì sẽ không có một câu trả lời nào là thoả đáng cho từng người trong mọi hoàn cảnh. Vậy chẳng lẽ bình yên không có thật hay sao?
Có chứ. Bình yên có thật và rất thật. Nó thật giống như khí trời mà hằng ngày, hằng giờ, hằng phút giây mà hằng tỷ người trên trái đất vẫn hít thở. Vì thế, bình yên không có hình dáng nhất định để con người dùng văn chương mà miêu tả. Bình yên không thể dùng tay mà nắm bắt để con người có thể trao cho nhau một cách dễ dàng. Bạn hãy nghĩ thử xem, chẳng ai có thể hít thở không khí dùm mình thì cũng thế, chẳng ai có thể mang lại bình yên cho bạn ngoài chính bản thân mình. Bình yên vẫn hằng hiện hữu bên cạnh bạn nhưng bạn không nhận ra cho đến khi bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng trong cuộc sống thì bạn mới đi tìm kiếm nó. Một ví dụ rất hay để minh chứng cho luận điểm trên đó là:
Bạn nhớ không, vào thời gian mà thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid hoành hành, thì điều gì mà con người mong mỏi nhất? Có phải sự bình yên đó là con người có không khí trong lành để hô hấp. Vậy mà trước khi đại dịch xảy ra chẳng ai mảy may nhớ đến điều đó. Coi điều quan trọng tối cần thiết ấy chỉ là lẽ thường ở đời. “Điều bạn coi là vô giá trị lại đến lúc trở nên vô cùng giá trị khi bạn cần đến nó.”
Suy tư đến đời thánh hiến của tôi cũng thế. Bình yên đích thực ở đây không còn hệ tại ở gì bên ngoài mà tôi đạt được hay những gì tốt đẹp mà người khác dành cho tôi. Nhưng bình yên mà đời thánh hiến của tôi cần đến chính là sự bình an trong tâm hồn. Thứ bình an mà chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27)
Qua những dòng suy tư kia, tôi xin trả lời cho câu hỏi trên là Bình yên là vô giá cho những ai đang nắm giữ và tìm kiếm nó. Thế nên, bạn hãy tập mở lòng để đón nhận tất cả những gì xảy ra xung quanh bạn hằng ngày với một thái độ tích cực và một đức tin kiên vững rằng: Thiên Chúa vẫn luôn dõi mắt và chăm sóc bạn từng phút giây.
Bảo Bảo