BÀI 8: Phương Pháp Hàng Đội

Trong số các phương pháp tự nhiên, thì phương pháp hàng đội là một trong những phương pháp hữu hiệu và được áp dụng phổ biến nhất.

Nếu là một người hoàn toàn không biết gì về phong trào hay sinh hoạt của thiếu nhi, khi nghe nói “phương pháp hàng đội” chúng ta sẽ dễ dàng liên tưởng tới hình ảnh cực kỳ nghiêm khắc, chuẩn – đều trong quân đội, rõ nét nhất là trong các buổi lễ duyệt binh của quân đội. Còn đối với chúng ta, những người đã và đang được sống trong phong trào Thiếu nhi Thánh Thể thì đều biết rõ: phương pháp hàng đội của phong trào là một phương pháp giáo dục, không mặc cho mình một chiếc áo lạnh lùng khắc nghiệt như quân đội, nhưng phương pháp hàng đội mang một phong thái mới, một ý nghĩa mới mang đậm tính Kitô giáo

  1. ĐỊNH NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH

1.Định nghĩa

Phương pháp hàng đội là hình thức thực hiện cơ cấu tổ chức cho một tập thể (Liên đoàn- Hiệp đoàn- Xứ Đoàn), trong đó tập thể này được chia thành những tập thể nhỏ, tập thể nhỏ nhất và căn bản là Đội. Mỗi Đội có một người đứng đầu là Đội trưởng, Đội trưởng được trao quyền để điều động các đoàn sinh thực hiện các hoạt động theo hoạt động chung của tập thể trên mình.

Hay: Phương pháp hàng đội là một phương pháp tổ chức, điều hành và huấn luyện. Nhằm trao trách nhiệm và quyền tự trị cho đơn vị căn bản là Đội.

  1. Đặc điểm

– Lấy đơn vị Đội làm căn bản.

– Đơn vị Đội cần phải được tự trị.

– Áp dụng nguyện tắc phân quyền – tức là Đội trưởng luôn luôn phải là người có quyền điều khiển và quyết định những vấn đề trong đội của mình.

  1. Mục đích

– Huấn luyện tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm cá nhân và liên kết với nhau để hoàn thành công việc chung của Đội.

– Giúp các em có cơ hội tự đào luyện và giúp nhau thăng tiến, qua đó các em sẽ biết đoàn kết, biết quan tâm săn sóc nhau trong tinh thần yêu thương, bác ái.

– Giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu quả cao, mọi người tham gia công việc một cách ý thức và tự nguyện.

– Giúp từng em được quan tâm và giáo dục, cảm thấy mình được tôn trọng và có ích trong hoạt động chung.

– Giúp đoàn sinh tự phát triển tài năng, năng khiếu.

II.HÌNH THỨC TỔ CHỨC

  1. Tổ chức

  1. Thành lập đội

Điều 22: Thiếu Nhi Thánh Thể được tổ chức theo hệ thống hàng đội với đơn vị căn bản là Đội gồm:

  • Từ 7 đến 10 em cho các ngành Chiên con, Ấu nhi và Thiếu nhi.
  • Từ 5 đến 8 em cho các ngành Nghĩa sĩ và Hiệp sĩ.
  • Mỗi đội được dẫn dắt bởi 1 đội trưởng và 1 đội phó.

Vì vậy, mỗi lớp sẽ được chia thành nhiều đội. Phân thành đội nam, nữ riêng biệt.

  1. Đội trưởng

– Tìm kiếm, chọn lựa những em có phẩm chất tốt, thành lập một Đội kiểu mẫu, đội do Đoàn trưởng làm đội trưởng. Sinh hoạt như một Đội chính quy với mục đích cho các em làm quen, biết rõ ràng hoạt động sinh hoạt của Đội.

– Tổ chức họp định kỳ các Đội trưởng để trao đổi và rút kinh nghiệm trong việc điều động Đội.

– Tin tưởng đội trưởng, giám sát hỗ trợ và hướng dẫn đội trưởng, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ.

– Thường xuyên trao đổi lắng nghe ý kiến của Đội trưởng, nắm bắt những ưu tư của đội trưởng, giúp các em giải toả những vướng mắc trong việc điều hành đội.

– Tổ chức các buổi họp chung các đội trưởng cùng ngành để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

– Tận dụng cơ hội cho các em làm việc tự lập, tạo điều kiện cho các em được trưởng thành, giữ uy tín cho đội trưởng trước mặt các đội viên của em. Áp dụng nguyên tắc phân quyền rõ rệt.

2. Trách nhiệm

Đội là “gia sản” của từng đội viên, là ‘sự nghiệp’ của đội trưởng, vì vậy từng thành viên phải có trách nhiệm với đội của mình.

  1. a) Đội trưởng

– Thường xuyên trau dồi kiến thức và các kỹ năng sống.

– Luôn biết phát huy hết khả năng lãnh đạo của mình, vì đội có mạnh hay không phần lớn là do tài lãnh đạo khéo léo của đội trưởng.

– Hòa đồng, công bằng, trung thực, bác ái…với tất cả đội viên của mình.

– Phải nắm rõ đội viên trong đội mình : có bao nhiêu người, tên chi, mấy tuổi, nơi sinh, con ai, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, học trường lớp nào, tính tình, tài năng v.v…

– Là anh chị cả của đội, là bạn thân của từng đội viên để chia sẻ, khuyến khích, nhắc nhủ hoặc kỷ luật nếu cần.

– Luôn thành thạo và là người đi đầu trong mọi công việc. Biết phân chia công việc cho từng người, không đứng chỉ tay năm ngón mà phải là “đầu tầu”.

  1. b) Đội viên

– Nghe theo sự hướng dẫn, điều khiển của đội trưởng.

– Phối hợp, liên kết với các thành viên trong đội tạo nên sức mạnh của Đội

-Siêng năng, có tinh thần trách nhiệm với công việc của đội.

III. LỢI ÍCH CỦA PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI

  1. Lợi ích

– Phương pháp hàng đội là một phương pháp giáo dục hay nhất để rèn luyện tính cách con người trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống.

– Tạo được sự đoàn kết, yêu thương trong đội và tạo được cho mỗi đội viên có tinh thần trách nhiệm làm đội phát triển hơn.

– Gây được tinh thần thi đua giữa các đội với nhau, đội này thấy đội kia khá hơn mình thì phải cố gắng hơn nữa để không bị kém hơn các đội khác. Thi đua chứ không ganh đua.

– Nếu các đội đều tiến thì đương nhiên cả đoàn đều tiến triển và ngày một vững mạnh hơn.

  1. Áp dụng

– Trao trách nhiệm cho đội trưởng càng nhiều càng tốt và tin tưởng vào tài lãnh đạo của đội trưởng.

– Tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện đội trưởng có đầy đủ khả năng và tài lãnh đạo.

– Tất cả mọi mệnh lệnh đều truyền đạt cho đội trưởng để đội trưởng truyền đạt lại cho các đội viên.

– Tạo cơ hội cho các đội sinh hoạt và họp đội càng nhiều càng tốt.

– Tổ chức các chương trình thi đua, các chương trình sinh hoạt dành cho các đội thường xuyên hơn.

Lời Kết

Bất cứ một đoàn thể, một tổ chức, một công ty nào, dù lớn hay bé, muốn thành công trong công việc phát triển phải có phương pháp điều hành riêng của mình. Với Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt nam, phương pháp hàng đội là một trong những phương pháp được áp dụng nhằm củng cố và xây dựng đoàn. Vì vậy, đây là phương pháp được áp dụng bền lâu, trong mọi hoạt động sinh hoạt của phong trào.

Phương pháp hàng đội chủ yếu là tự quản, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, từ trên xuống và từ dưới lên. Vì vậy,

uy tín của đội trưởng là cần thiết và quan trọng, đội trưởng như là cầu nối giữa huynh trưởng và đoàn sinh, làm cho mọi hoạt động của đoàn được luôn nhịp nhàng và ăn khớp. Điều này đòi hỏi Trưởng đồng hành không tự ý xen ngang vào các hoạt động của các em, dễ làm trật khớp các hoạt động của “guồng máy”.

Phải làm nổi bật tinh thần Kitô giáo trong mọi hoạt động, sinh hoạt…để đức tin của các em được nuôi dưỡng và lớn lên trong chính môi trường giáo dục của phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Trả lời