“Đây là ý muốn của Thiên Chúa, là anh em nên thánh:
anh em phải xa lánh hẳn tà dâm!
Mỗi người trong anh em phải biết làm chủ bản thân mình,
trong sự thánh thiện và danh dự.
Đừng buông theo dục tình đam mê,
như dân ngoại không biết Thiên Chúa.”
(1Tx 4, 3-5).
Hôn nhân là chuyện hệ trọng, liên quan đến hạnh phúc cả đời. Chính vì thế, để bước vào đời sống hôn nhân đôi bạn cần được chuẩn bị về nhiều mặt, để được thực sự tự do và chín chắn khi quyết định. Thời gian đính hôn chính là thời gian cần thiết giúp đôi bạn chuẩn bị cho mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc. “Kinh nghiệm cho thấy rằng những bạn trẻ nào được chuẩn bị chu đáo cho đời sống hôn nhân và gia đình, cách chung, sẽ thành công hơn các bạn khác[1].”
1. Những giai đoạn chuẩn bị
Việc chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình cần được thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, bao gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích[2].
1.1. Chuẩn bị xa
Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu trong gia đình. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách. Các em cần được giáo dục và đào tạo về mặt nhân bản để biết quý chuộng các giá trị nhân bản đích thực, biết làm chủ bản thân và tôn trọng người khác phái. Ngoài ra, cũng cần giúp các em hiểu hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, để từ đó các em dần dần khám phá ra ơn gọi của mình: hoặc tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì hoặc hướng về cuộc sống hôn nhân và gia đình.
1.2. Chuẩn bị gần
Việc chuẩn bị gần là một công cuộc lâu dài, bao gồm một chương trình giáo lý thích hợp. Người trẻ cần được đào sâu những vấn đề về tính dục, hôn nhân, bổn phận làm chồng, làm vợ, trách nhiệm giáo dục con cái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ có được những yếu tố căn bản giúp xây dựng một cuộc sống gia đình ổn định.
Ngoài ra, họ cũng cần học hỏi để biết làm việc tông đồ trong gia đình, sống tình huynh đệ, cộng tác với các gia đình khác, tích cực tham gia các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các sáng kiến có mục đích đem lại lợi ích cho các gia đình về mặt nhân bản cũng như về mặt đức tin.
1.3. Chuẩn bị liền trước bí tích
Đôi bạn cần đào sâu về mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo, về ý nghĩa các thủ tục và các lễ nghi phụng vụ hôn phối.
Việc chuẩn bị liền trước Bí tích Hôn phối này cần thiết cho mọi trường hợp, nhất là đối với những đôi bạn còn nhiều thiếu sót và khó khăn về mặt giáo lý và nếp sống đạo.
2. Đính hôn
Đính hôn là kết thúc giai đoạn sơ khởi của gặp gỡ, quen biết, để đưa tình yêu lứa đôi lên một mức nghiêm túc hơn và hướng đến một quyết định quan trọng là thành hôn. Lễ đính hôn là một truyền thống văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, thường có lễ dạm rồi đến đính hôn hay lễ ăn hỏi và sau cùng là lễ thành hôn hay lễ cưới. Tuy nhiên hiện nay nhiều nơi chỉ còn lễ hỏi và lễ cưới.
Lễ đính hôn công khai hóa tình yêu của hai người với họ hàng đôi bên, bà con lối xóm và bạn bè thân hữu. Từ ngày đính hôn đôi bạn có tư cách chính thức để công khai gặp gỡ tìm hiểu nhau cũng như tìm hiểu gia đình của nhau. Sau lễ đính hai bên gia đình sẽ trình với cha xứ biết để ngài hướng dẫn đôi bạn về giáo lý hôn nhân cũng như chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho việc cử hành bí tích hôn phối.
3. Tại sao cần phải có thời kỳ đính hôn?
Thời gian đính hôn là thời gian chuẩn bị. Việc chuẩn bị này là điều quan trọng, giúp cho đôi bạn chín chắn và trưởng thành khi đưa ra lời cam kết, cũng như giúp cho hôn ước của đôi bạn có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài. Hội Thánh nhắc nhở những bậc có trách nhiệm: “Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình; nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi đã sống đúng đắn giai đoạn đính hôn[3].”
Thời gian đính hôn là thời gian quý báu giúp đôi bạn có thêm cơ hội thích hợp để tìm hiểu nhau và gia đình của nhau, chứng tỏ cho nhau về tình yêu của mình, và xem thử những tình cảm ban đầu có thể trở thành tình yêu vợ chồng suốt đời không.
Thời gian đính hôn dài hay ngắn là tùy theo mức độ hiểu biết của đôi bạn về hôn nhân và gia đình, và tùy theo đôi bạn có tâm đầu ý hợp không. Nói chung, không nên vội vàng, hấp tấp; cũng không nên kéo dài quá lâu.
4. Sống thời kỳ đính hôn như thế nào?
Để cuộc hôn nhân được tốt đẹp và hạnh phúc, việc quan trọng trước hết cần phải làm trong thời gian đính hôn là gia tăng cầu nguyện, lắng nghe ý Chúa, xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn để mình có thể tìm hiểu và chọn lựa đúng đắn.
Cần học giáo lý hôn nhân để hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của bí tích hôn phối cũng như những đòi hỏi của bậc sống hôn nhân và gia đình.
Đôi bạn cần tìm hiểu nhau và gia đình của nhau để xem có hợp với nhau hay không; đồng thời cần giúp nhau sửa đổi những thiếu sót, khuyết điểm trong tinh thần khiêm tốn và biết phục thiện.
Đôi bạn cũng cần trao đổi với nhau về những vấn đề quan trọng, chẳng hạn vấn đề sinh sản và giáo dục con cái, công việc làm ăn, sử dụng tiền bạc, sống đạo, làm việc tông đồ… Bởi vì, sau khi kết hôn mà không nhất trí được với nhau về những vấn đề quan trọng, hoặc phát hiện ra những chuyện tình cảm của quá khứ bị giấu giếm, thì hạnh phúc có nguy cơ bị đổ vỡ.
Đặc biệt đôi bạn cần chứng tỏ cho nhau một tình yêu chân thành, trong sáng và chung thủy. Trong thời gian thử thách này, họ phải biết tự chủ, tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho thời gian sau ngày thành hôn. Họ phải giúp nhau sống khiết tịnh bằng một quyết tâm dứt khoát, can đảm từ chối mọi nhượng bộ dù rất nhỏ mọn và xa tránh những hoàn cảnh dễ đưa đến vấp ngã[4].
Món quà tuyệt vời nhất đôi bạn có thể dành cho nhau trong ngày cưới chính là giúp nhau giữ được sự trong trắng của thời kỳ đính hôn. Những phim ảnh và sách báo lệch lạc đã khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng không thể giữ được sự khiết tịnh và dễ buông theo bản năng. Thế nhưng, nếu có can đảm tự chủ trong những điều nhỏ mọn, họ có thể vượt thắng cám dỗ. Cụ thể là họ cần phải làm chủ đôi mắt, xúc giác và trí tưởng tượng.
Cách riêng, họ phải luôn sống trước nhan thánh Chúa trong tâm tình kính sợ, tin cậy và yêu mến. Tự sức riêng, họ thật yếu đuối nhưng Chúa luôn mạnh mẽ. Do đó, họ cần bám víu vào ơn Chúa bằng kinh nguyện. Nên nhớ rằng thời kỳ đính hôn là thời gian rất cần ơn Chúa để sự chuẩn bị mọi mặt được chu đáo. Từ đó, đôi bạn sẽ cố gắng hết sức để luôn giữ mình trong tình trạng đẹp lòng Chúa và được Ngài chúc phúc. Nếu lỡ sa ngã vì yếu đuối, họ cần mau mắn lãnh nhận bí tích tha thứ. Cả hai bên đều phải ý thức và giúp nhau đứng vững, vì hạnh phúc lâu bền của cả hai người.
Thời kỳ đính hôn vừa giúp đôi bạn chuẩn bị bước vào cuộc sống mới vừa giúp họ suy nghĩ cân nhắc thật kỹ lưỡng trước sự quyết định quan trọng cho cả một đời. Bao lâu chưa cử hành bí tích Hôn phối, họ vẫn còn có thể chia tay trong bình an.
4 GHI NHỚ :
1. H. Tại sao phải có thời kỳ đính hôn?
T. Phải có thời kỳ đính hôn:
– Một là vì hôn nhân là việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc cả cuộc đời.
– Hai là vì đôi bạn cần có thời gian để tìm hiểu về ý nghĩa, mục đích và những đòi hỏi của hôn nhân và gia đình Kitô giáo.
– Ba là vì đôi bạn cần có cơ hội để tìm hiểu về bản thân và gia đình của nhau để xem có hợp với nhau hay không.
2. H. Phải sống thời kỳ đính hôn như thế nào?
T. Trong thời kỳ đính hôn, đôi bạn cần gia tăng cầu nguyện, tích cực học hỏi về đời sống hôn nhân và gia đình, chứng tỏ cho nhau một tình yêu chân thành, trong sạch và chung thủy.
5. GỢI Ý SUY NGHĨ :
1. Người Nga có câu: “Trước khi ra trận, hãy cầu nguyện một lần; trước khi xuống tàu, hãy cầu nguyện hai lần; trước khi kết hôn, hãy cầu nguyện ba lần.” Anh chị nghĩ gì về câu nói đó?
2. Ngày nay có khá nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Theo anh chị, đâu là những nguyên nhân chính?
3. Để yêu thương, không phải chỉ muốn là đủ, nhưng còn phải học cách yêu thương. Anh chị nghĩ gì về điều đó?
6. CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa biết rõ tình yêu và thiện chí của chúng con. Chúng con đang sống thời kỳ đính hôn để chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình. Chúng con rất cần được Chúa soi sáng và hướng dẫn, hầu biết tận dụng thời gian đính hôn này để học hỏi và tìm hiểu thật chu đáo; nhờ đó cuộc sống hôn nhân và gia đình của chúng con mai sau sẽ được thành công như ý Chúa muốn. Amen
[1] GĐ 66
[2] x. GĐ 66; CBHP 21-59
[3] x. GLHT 1632; MV 49,3
[4] x. GLHT 2350; x. Education Guidance in Human Love (năm 1983), số 60-62 của Bộ Giáo dục Công giáo