Bài 5: Kỹ Năng Tổ Chức Một Chương Trình Hội Thi

BÀI 5: KỸ NĂNG TỔ CHỨC
MỘT CHƯƠNG TRÌNH HỘI THI

  1. KHÁI NIỆM
  2. Hội thi là một loại hình sinh động, hào hứng và đầy kịch tính, bởi vì nó mang tính chất đối kháng, tính chất tập thể rất cao (không chỉ liên quan đến thí sinh mà cả cổ động viên và những người tham dự).
  3. Hội thi tạo một sân chơi lành mạnh và bổ ích, lôi kéo một tập thể vào một môi trường tốt hơn, qua đó bớt đi những sân chơi không lành mạnh.
  4. Hội thi nâng cao và trang bị kiến thức cho những người tham dự (thí sinh, cổ động viên, người xem, ban tổ chức, ban giám khảo) về một vấn đề nào đó.
  5. Có những dạng thi kiến thức, sức lực, năng khiếu. Có những dạng thi tổng hợp các dạng trên. Loại hình rất đa dạng và phong phú tùy mục đích yêu cầu, đối tượng như:

– Đố vui, vui để học, chuyện nhỏ, ở nhà Chủ nhật, bảy sắc cầu vồng, kính vạn hoa, giờ thứ 9, ai là triệu phú, đấu trường 100, tìm người bí ẩn, rung chuông vàng, chúng tôi là chiến sĩ, tam sao thất bản, ai là ai, thử thách, mọi người cùng thắng…

– Trò chơi liên tỉnh: lên đỉnh Olympia, chiếc nón kỳ diệu, thế giới vui nhộn…

– Kiến thức: Việt Nam quê hương tôi, trúc xanh, hành tinh xanh, theo dòng lịch sử, rồng vàng

– Trò chơi âm nhạc, hát với ngôi sao…

– Nấu ăn, cắm hoa, làm bánh

– Thuyết trình, hùng biện…

– Thời trang, thanh lịch, hoa khôi, hoa hậu…

  1. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC
  2. Dự tính chương trình

1.1. Xác định mục tiêu: Tổ chức hội thi để làm gì?

– Để kiểm tra kiến thức?

– Để thi tuyển?

– Để thông tin, nâng cao kiến thức?

– Để giáo dục?…

1.2. Xác định yêu cầu : “Học mà chơi, chơi mà học”

Vì “Học mà chơi”, nên người tổ chức phải chuẩn bị những trò chơi, những câu đố có tính chất vui tươi, vừa sức, không căng thẳng, không bắt bí thí sinh, ai cũng có thể tham gia. Người tham dự cảm thấy thoải mái, vui vẻ không quá chú trọng đến chuyện ăn thua, dẫn đến mất đoàn kết (nên nhớ : thi đua chứ không ganh đua, ăn thua).

Vì “Chơi để mà học” nên người tổ chức phải chuẩn bị những trò chơi khác với những cuộc thi nghiêm túc, căng thẳng trong trường học. Hội thi không chỉ liên quan đến cá nhân người thi mà còn ảnh hưởng đến đồng đội, cổ động viên, khán giả, những người quan tâm : do đó, hội thi phải có bầu khí thật hấp dẫn nhờ:

– Thi đua (cá thể, tập thể); thi đua tập thể hấp dẫn hơn cá nhân.

– Câu hỏi có liên quan đến thời điểm lịch sử, thực tế đời sống, quan tâm của người tham dự.

– Sự tích cưc tham gia của người tham dự (đặt câu hỏi cho khán giả hoặc khán giả tham gia đặt câu hỏi).

– Đa dạng trong hình thức thi.

1.3. Xác định

  • Không gian (địa điểm phải phù hợp với loại hình thi).
  • Thời gian (phù hợp với đối tượng thi và khán giả).
  • Thời lượng (diễn ra trong bao lâu).
  • Khán giả và thí sinh.

BTC phải lường trước được số lượng khán giả ở mức độ tối đa, sự phấn khích hay kích động của các cổ động viên… để tăng cường công tác trật tự, bảo đảm thông thoáng, nhất là sự an toàn cho khán giả và người dự thi.

  1. 4. Xác định điều lệ cuộc thi

Cần phải rõ ràng, chính xác và cụ thể. Ví dụ:

– Đối tượng dự thi: Cá nhân, đội nhóm…

– Tuổi, giới tính, dân tộc…

– Số lượng người tham dự cuộc thi…

– Trình độ, thành phần…

– Trang phục

– Những yêu cầu khác (Phải qua vòng tuyển của cơ sở, có giới thiệu của…)

– Có bao nhiêu vòng thi, yêu cầu của mỗi vòng thi là gì ?

– Giải thưởng

– Thời gian chuẩn bị, tiến hành thi…

Điều lệ thi phải được công bố trong một thời gian thích hợp để đối tượng tham gia có thể đăng ký. Ngoài ra, việc chọn thời điểm thi để phù hợp với đối tượng tham gia cuộc thi cũng rất quan trọng.

Ví du :       Học sinh (Mùa thi: tập trung học; Mùa nghỉ hè: phân tán)

Nông dân: mùa vụ.

Không chú ý đến những yếu tố này kể như loại bỏ một số đối tượng tham gia, đưa đến cuộc thi mất ý nghĩa hoặc thất bại.

1.5. Xác định tài liệu tham khảo

Trong những hội thi nặng về kiến thức, BTC cần giới hạn tài liệu tham khảo hay phạm vi ra câu hỏi ở từng vòng thi. Ví dụ:

Những bài hát đã được phát thanh, phát hình trong thời gian từ . . .đến . . .

Những bài hát được đăng trên báo từ . . . .đến . . .

Những quyển sách a,b,c . . .

Phạm vi khu vực câu hỏi: đề tài, chủ đề…

Dĩ nhiên đây là những chương trình, những bài báo… người tham dự có thể lắng nghe, xem, tìm được. Tốt nhất là những tài liệu tham khảo đó sẽ được phát cho thí sinh. BTC có thể phát hành những câu hỏi, thậm chí cả đáp án ở tỷ lệ nhất định đối với số lượng thí sinh (300 thí sinh – 100 câu hỏi, mỗi câu đáp án đúng /4 đáp án) hoặc đưa ra những câu hỏi gợi ý, câu hỏi mở, không có đáp án.

1.6. Lập Ban tổ chức

BTC hết sức quan trọng trong một hội thi, bởi vì chỉ có sơ sót trong một khâu thì đã mang lại sự thất bại cho cuộc thi, còn BTC lại là khâu trọng yếu quyết định tất cả những khâu khác (điều lệ cuộc thi, hình thức thi, chọn ban giám khảo…). Vì thế, cần chọn một BTC đạt những yêu cầu sau :

Có uy tín: Đủ tư cách mời gọi mọi người tham gia cuộc thi.

Có kinh nghiệm: Trù liệu trước những tình huống phát sinh để đưa ra điều lệ chính xác.

Có bản lĩnh: Giải quyết những tình huống phát sinh có tình có lý, dám nhận sai sót để sửa đổi.

Khách quan, công tâm: Tạo một sân chơi công bằng, sòng phẳng.

Có thể nói BTC là khâu đầu tiên tạo ra mọi khâu khác và là khâu cuối cùng giải quyết những điều còn tồn tại của cuộc thi. Công việc của BTC rất tế nhị, tạo nền cho mọi khâu khác, tham gia vào tất cả, nhưng không xen vào công việc của những bộ phận khác (nhất là BGK), nếu có chỉ là tham mưu khi có sự cố ảnh huởng đến mục đích, yêu cầu của cuộc thi.

Trong những cuộc thi quan trọng, người ta còn có thêm Ban Chỉ Đạo gồm:

– Lãnh đạo cao nhất của tổ chức.

– Cố vấn, chuyên viên trong lĩnh vực có liên quan đến cuộc thi (nhưng vì lý do nào nào đó không bố trí vào BTC, BGK: tuổi tác, thời gian không có…).

  1. Phân tích và phân chia công việc

2.1. Công tác biên tập

– Định hướng nội dung: Xác định mục đích và yêu cầu;

– Phác họa nội dung và chọn các tiết mục.

2.1.1. Ấn định hình thức ra câu hỏi, câu đố.

Với yêu cầu “Chơi mà học”, câu đố phải có tính chất vui tươi nhẹ nhàng phù hợp với khả năng của thí sinh. Câu hỏi phải rõ ràng và đầy đủ, ngắn gọn và thực tế, chính xác và dễ hiểu. Tránh hỏi để bộc lộ trình độ người hiểu, hỏi theo chủ quan cảm tính, hỏi ai cũng biết đen câu trả lời hoặc không trả lời được, hỏi để thí sinh phải nói dối, nói theo quan điểm lập trường.

Có nhiều hình thức ra câu đố:

– Người điều khiển ra câu đố cho các đội, thí sinh theo kịch bản.

– Thí sinh rút thăm câu đố.

– Thí sinh rút thăm giám khảo và giám khảo tùy thí sinh mà ra câu đố.

– Đội đối phương ra câu đố (BTC nên kiểm tra trước nếu câu đố này có tính điểm).

– Khán giả ra câu đố.

– Mỗi đội bắt thăm một câu đố bằng nhau. Nếu câu đố dành cho đội A mà không trả lời được thì không có điểm, hoặc đội B trả lời được thì giành lấy số điểm đó (phân nửa hoặc gấp đôi).

Nên mời người có chuyên môn để ra câu hỏi, như thế thí sinh mới yên tâm và muốn tham gia cuộc thi. Các câu hỏi đặt ra phải dựa trên những tài liệu chính thống. Nhà xuất bản có uy tín. Sách giáo khoa (năm xuất bản), không nên sử dụng báo chí nhiều, nên công khai tài liệu, không mập mờ.

Nếu trong một phần thi có 10 câu kiến thức thì ít nhất phải chuẩn bị 60 – 70 câu hỏi.

2.1.2. Ấn định hình thức thi

Tùy đối tượng, điều kiện, yêu cầu của hội thi mà chọn hình thức cho phù hợp, hấp dẫn. Câu hỏi và câu trả lời được thực hiện theo những hình thức:

– Nói hoặc viết ra giấy; trên vi tính; viết bảng.

– Hát – nghe nhạc (hình thức này dễ dàng và hấp dẫn, vì bài hát đa dạng về đề tài và ngôn từ).

– Bằng năng khiếu (nên làm thể loại bài).

– Xếp chữ (cho một mẫu tự để đặt ra câu, cho một số từ để xếp một hoặc nhiều câu có ý nghĩa).

– Trò chơi ; xem tranh, ráp hình.

– Thuyết trình hoặc hùng biện.

2.1.3. Ấn định thể lệ cuộc thi

Ngoài những điều lệ chung của cả hội thi, mỗi môn lại có những thể lệ riêng. Thể lệ phải được công bố trước khi ra câu đố hoặc trò chơi. Thể lệ thi phải ngắn gọn rõ ràng, chính xác và cụ thể. Ví dụ:

– Thời gian suy nghĩ, chuẩn bị, thời gian trả lời.

– Như thế nào thì được tính điểm và không tính điểm.

– Câu hỏi có mấy ý, mỗi ý là bao nhiêu điểm.

– Khi nào được trả lời, khi nào được ưu tiên.

2.1.4. Đề xuất Ban Giám Khảo

Ban Giám Khảo là những người “cầm cân nảy mực”, đánh giá chất lượng thí sinh, có tính chất quyết định trong cuộc thi, nên việc mời các thành viên trong BGK phải được cân nhắc cẩn thận. Thành viên BGK là những thành viên có uy tín, chuyên môn, công minh, không có những liên hệ với thí sinh hoặc đơn vị dự thi.

– Trước khi thi, cần họp BGK để trao đổi về Điểm: quan điểm chấm thi, phương thức cho điểm, khung điểm cho từng môn, thậm chí từng cột điểm chi tiết cho mỗi môn, nếu có điều kiện và là một cuộc thi quan trọng, nên họp BGK trước khi thi nhiều lần để chuẩn bị bảng điểm và phổ biến cách tính điểm của BGK cho thí sinh và các đơn vị biết trước.

– Cần bố trí thư ký cho BGK để tổng hợp điểm.

Thi là một hình thức hấp dẫn và kịch tính, bởi tính chất thi đua nên dễ phát sinh tâm lý ăn thua, thí sinh thường hay khiếu nại, thậm chí dẫn đến hiện tượng mua chuộc BGK. Để tránh hiện tượng này, nên chấp nhận tốn kém để mời BGK xứng đáng, nhằm hạn chế mức tối đa những thắc mắc gây nhiều phiền phức, thậm chí có thể gây mất đoàn kết trong cộng đoàn.

2.1.5. Ấn định cách tính điểm và cho điểm

– Cách tính điểm: BGK quy định điểm tối đa, tối thiểu cho từng môn, tưng câu hỏi, có hay không điểm loại (không tham gia một môn bị điểm 0), có hay không cho điểm rưỡi. Kinh nghiệm cho thấy kết quả có nhiều thí sinh, đội thi trùng điểm thì nên cho điểm rộng (điểm 20 và cho điểm rưỡi).

– Bảng điểm: Dựa vào cách tính của BGK mà thực hiện bảng điểm cho phù hợp, thư ký của BGK cũng có những cột điểm tương tự nhưng thêm phần tên các thành viên BGK trên từng cột điểm.

Nên tổng hợp điểm phần, từng ngày, nhất là ngày mở đầu hội thi để BGK tự điều chỉnh khung điểm của mình cũng như BTC đánh giá được tình hình.

– Cách cho điểm: Đưa điểm công khai, lập tức; sau khi môn thi, tiết mục vừa xong, BGK đưa bảng điểm lên ngay. Cách này đòi hỏi BGK phải có trình độ vững vàng, phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước công luận. Nhưng có nhược điểm là không thể điều chỉnh được kết quả nếu có sai sót.

2.1.6. Ấn định giải thưởng

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta thường không có những giải thưởng lớn, xứng đáng, tuy vậy, giải thưởng cần phải có:

– Giá trị tương xứng với công sức người thi đã bỏ ra.

– Tính chất động viên tinh thần.

– Hình thức lưu lại (cờ, cúp, giấy chứng nhận) vì hiện vật, hiện kim sẽ không còn.

– Những giải phụ như người trả lời câu hỏi hay nhất, nhiều nhất, thông minh nhất…

Hình thức trao giải cần chú trọng “cách cho hơn của cho”, cách trao giải cũng chứng tỏ tầm mức của giải. Hình thức trao giải trang trọng, nghiêm túc mà hào hứng, có thể bù cho giá trị giải thưởng, bằng không sẽ làm giảm giá trị của giải thưởng. Vì thế, nên chọn người trao giải thưởng là một người có uy tín nhất, lãnh đạo cao nhất… hoặc một người mà có ý nghĩa nhất đối với giải.

Để tạo sự hào hứng, trong buổi thi chung kết, người ta thường trưng bày các giải thưởng.

2.2. Công tác dàn dựng

Lý giải kịch bản và chọn hình thức thể hiện cho cuộc họp. Ví dụ:

– Khởi động: Tự giới thiệu.

+ Thời gian : 5 phút.

+ Bằng lời hay bằng các hình thức nghệ thuật (ca múa, tiểu phẩm…).

+ Bằng các phương tiện hỗ trợ khác (hình ảnh, video…).

– Thi kiến thức: phần thi trọng tâm, rất quan trọng

Trắc nghiệm: BTC rút thăm và đọc phần câu hỏi có phần trả lời a, b, c, d

+ Thí sinh chọn một trong những câu trả lời mà mình coi là đúng.

Hỏi đáp:

+ Câu hỏi của đội nào thì đội đó trả lời (đội tự rút thăm) ;

+ Đội bạn có quyền bổ sung lấy điểm.

+ Có được hội ý không? Được đính chính không, bổ sung mấy lần (thời gian cho mỗi câu, suy nghĩ, trả lời? Ví dụ: trắc nghiệm: 30 giây; hỏi đáp: 1-2 phút).

– Thi tài năng:

+ Thời gian: 10 đến 15 phút

+ Mỗi đội thể hiện tài năng cách độc đáo, sáng tạo, vui tươi, hấp dẫn (múa, hát, kịch, hò vè, đối đáp, tấu hài, độc đáo. . . )

+ Nội dung phải bám sát chủ đề hội thi

– Thi văn nghệ:

+ Thời gian: 15 phút biểu diễn (có thể tính thêm thời gian chuẩn bị sân khấu).

+ Khống chế tiết mục (2 hoặc 3 tiết mục).

+ Số lượng diễn viên.

+ Cộng tác viên 2 hoặc 3 người.

+ Nhạc cụ: cần đơn giản.

+ Chủ đề theo cuộc thi.

– Thi tiểu phẩm:

+ Thời gian: 10 -15 phút (thời gian chuẩn bị: 2 phút).

+ Qui định số lượng diễn viên (10 – 15 người).

+ Chủ đề theo cuộc thi.

– Thi hoạt động – trò chơi:

+   Vì là dạng trò chơi trên sân khấu nên cần đơn giản nhưng tạo được sư hấp dẫn thì càng tốt.

+   Tránh có nhiều quy ước rườm rà hoặc quá nhiều vận dụng kèm theo một trò chơi (ngoại trừ trường hợp đây là một buổi thi chuyên về các trò chơi như: trò chơi liên tỉnh, vận động trường.. . .)

+   Thời gian thi càng ngắn càng tốt : 1-2 phút, tối đa 5 phút.

– Thi hùng biện (thuyết trình): thường không hấp dẫn.

+ Thời gian 5-10 phút (kể cả thời gian suy nghĩ, chuẩn bị)

+ Rút thăm câu hỏi, trả lời

+ Rút thăm BGK, BGK ra câu hỏi, trả lời.

+ Đội bạn đặt câu hỏi sau phần hùng biện của đội mình.

+ Dùng hình thức này nhằm : nghe được suy nghĩ tâm tư, nguyện vọng của đội hoặc cá nhân về một vấn đề nào đó.

+ Đề tài câu hỏi nên liên hệ với thưc tế (đạo, đời)

– Phần thi dành cho khán giả:

+ Thời gian: 5 – 10 phút

+ Tạo mối giao lưu nơi cổ động viên, khán giả

+ Câu hỏi không qúa khó

  1. Công tác của Người Dẫn Chương Trình

Người dẫn chương trình của hội thi hết sức quan trọng. Công việc của họ không chỉ là thực hiện theo yêu cầu của BTC, BGK, và của kịch bản, mà còn luôn đối mặt với những tình huống bất ngờ, tế nhị, và phức tạp. Cuộc thi có thành công, sôi nổi, hào hứng hay không tùy thuộc phần lớn vào người dẫn chương trình: quyết định tiết tấu cuộc thi, quyền ưu tiên.

Trong chương trình hội thi, người dẫn chương trình cần lưu ý đến điểm sau:

– Phải nói chữ “hết” sau khi đọc xong câu hỏi. Nên viết chư “hết” sau mỗi câu hỏi.

– Phải nắm chắc điều lệ cuộc thi; muốn thế phải trao đổi với BTC, BGK, biên tập viên và đạo diễn.

– Không được tự ý thêm thắt câu hỏi dù chỉ một từ

– Không được phê bình hay tán dương tiết mục của thí sinh.

– Là người phán quyết kết quả (khi thí sinh không trả lời câu hỏi đúng đáp án) nhưng không phải là BGK để quyết định những vấn đề phát sinh. Nếu có vấn đề không giải quyết được thì mời BGK giải quyết ngay, không nên đôi co với thí sinh.

– Không nên đùa giỡn, nói lái. . .

– Đôi khi chỉ một câu nói vụng về, một câu nói sai, một xử lý sai, một câu khen không phù hợp của người dẫn chương trình sẽ gây bất bình trong cuộc thi hoặc khó khăn cho BGK.

  1. Công tác Kỹ thuật và Tổ chức – Hậu cần

Mỗi loại hình hội thi đòi hỏi các thiết bị kỹ thuật thích hợp. Vì thế, phải bố trí những người chuyên môn để chuẩn bị và kiểm tra phần thiết bị kỹ thuật này trước khi tiến hành cuộc thi như:

– Chuông, đèn có ngắt mạch, đầu chiếu video…

– Âm thanh, ánh sáng sân khấu.

– Khu vực thí sinh dự thi, khu vực dành cho người dẫn chương trình.

– Trang trí: băngrôn, biểu ngữ, logo, sân khấu…

– Quà thưởng (gói lại đàng hoàng), hoa cho khách, nước uống…

– Các dụng cụ hỗ trợ khác.

Công tác hậu cần luôn cần thiết, nó chang những đảm bảo cho cuộc thi được tiến hành cách thuận lợi mà đôi khi còn có cả tính chất đối ngoại nữa.

III. CÁC DẠNG THI ĐỐ VUI GIÁO LÝ

Có thể nói, có rất nhiều dạng tổ chức thi đố vui giáo lý. Ở đây, chúng tôi xin đơn cử 10 dạng Thi Đố Vui Giáo Lý đã từng được thử nghiệm tại nhiều nơi. Các dạng này tương đối dễ tổ chức thực hiện vì không đòi hỏi các phương tiện, vật dụng và dụng cụ quá phưc tạp, nhưng đều có thể tự chế tác mà không tốn kém tiền bạc.

Các dạng thi đố vui Giáo Lý có thể tổ chức như sau:

  • Dạng 1: Thi kiến thức giáo lý phổ thông.
  • Dạng 2: Thi hùng biện chủ đề nhân bản
  • Dạng 3: Thi hát thánh ca.
  • Dạng 4: Thi đoán câu Kinh Thánh theo chữ cái.
  • Dạng 5: Thi vẽ tranh giáo lý.
  • Dạng 6: Thi kể truyện Kinh Thánh.
  • Dạng 7: Thi lắp ghép tranh ảnh đạo.
  • Dạng 8: Thi sáng tác và hò thơ lục bát.
  • Dạng 9: Thi ứng xử các tình huống nhan bản Kitô giáo.
  • Dạng 10: Thi diễn kịch Kinh Thánh.
  1. Thi Kiến Thức Giáo Lý Phổ Thông

Có tất cả 16 câu dành cho 16 thí sinh trong 4 Đội. Người Điều Khiển đưa ra bộ 16 tờ phiếu đánh số thứ tự từ 1 tới 16. Mời đại diện mỗi Đội lên rút 4 phiếu cho 4 người của Đội mình. Như vậy, mỗi thí sinh đều phải trả lời 1 câu, để tránh tình trạng chỉ có vài thí sinh trả lời câu hỏi.

Người Điều Khiển đọc câu hỏi số 1, thí sinh nào có phiếu số 1 sẽ trả lời đầu tiên, cứ thế cuộc thi tiến hành lần lượt theo các câu.

Dặn dò các thí sinh thật kỹ là sau mỗi câu hỏi, Người Điều Khiển sẽ nói “Hết !” khi ấy thí sinh được hỏi mới được phép trả lời, nếu vi phạm sẽ bị mất quyền ưu tiên cho các Đội còn lại.

Sau khi nghe câu hỏi, thí sinh có 15 giây để suy nghĩ. Sau đó, Người Điều Khiển sẽ mời mọi người đếm ngược thật to: 5, 4, 3, 2, 1, 0… Nếu thí sinh vẫn không trả lời được, sẽ mời các Đội còn lại. Nếu trong các Đội còn lại cũng không có ai trả lời đươc, sẽ mời đến các Cổ Động Viên.

Mỗi câu trong phần thi này nếu trả lời đúng, thí sinh được 10 điểm, nếu không hoàn toàn đúng, sẽ mời Ban Giám Khảo có ý kiến. Cổ Động Viên tham gia phải đáp trúng hoàn toàn mới được nhận quà lưu niệm.

2. Dạng Thi Hùng Biện Về Nhân Bản

Phần thi này đặc biệt chỉ dành cho các em học sinh Giáo Lý tương đối đã lớn, thường là từ lớp Kinh thánh trở lên.

Nội dung các đề thi hùng biện sẽ xoay quanh việc giáo dục nhân bản trong đời sống Ki-tô hữu của các em tùy theo từng độ tuổi. Có thể là nhắm đến:

Việc sửa lỗi các em nhỏ (như: tật chửi thề, tật ăn cắp vặt, tật nói dối, tật gây lộn đánh nhau nơi các em nam, tật nhõng nhẽo chanh chua, hay nói xấu lẫn nhau trong các em nữ…)

Việc khuyến thiện (như: lễ phép với người lớn, vâng lời cha mẹ, tôn sư trọng đạo, con trai tác phong đứng đắn, con gái ăn mặc kín đáo nết na, lịch sự với người khác giới…)

Việc cảnh giác các em lớn trước các tệ nạn xã hội (như: nạn đi xem bói, nạn nghiện ngập ma túy, nạn đua xe gắn máy, nạn tự tử, nạn tự do luyến ái, nạn phá thai, thảm kịch AIDS…)

Việc vun đắp đời sống tinh thần của người Ki-tô hữu (như: cầu nguyện, bác ái vị tha, sám hối, noi gương các Thánh…)

Việc giáo dục giới trẻ về lý tưởng (như: nỗ lực học tập, chọn nghề tương lai, ơn gọi tu trì, tình bạn, tình yêu, dự bị hôn nhân, uống nước nhớ nguồn, bảo vệ môi trường…)

Có tất cả 4 đề thi hùng biện cho 4 Đội. Để cuộc thi đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất, có thể trao tất cả cho các em trước một tuần để cả 4 Đội đều có thể họp bàn thảo ra 4 bản dàn ý hùng biện. Thế nhưng, vì không ghi chú là đề thi số mấy, các thí sinh vẫn chưa biết Đội mình sẽ bắt trúng đề thi nào trong 4 đề thi.

Vào cuộc thi, mỗi Đội sẽ cử đại diện lên rút thăm một tờ phiếu, trong đó có ghi số thứ tự đề thi từ 1 tới 4.

Người Điều Khiển đọc đề thi số 1, Đội nào có phiếu số 1 sẽ lên thi hùng biện đầu tiên, và cứ thế lần lượt đến các số kế tiếp.

Mỗi bài hùng biện của mỗi Đội chỉ được kéo dài trong 4 phút. Quá giờ, Người Điều Khiển sẽ nhắc để nhanh chóng kết thúc.

Ban Giám Khảo sẽ lượng giá về nội dung và cách thể hiện bài hùng biện của từng Đội sau khi 4 Đội đều đã hoàn tất. Số điểm tối đa cho mỗi Đoi là 50 điểm.

  1. Dạng Thi Hát Thánh Ca

Có tất cả 3 vòng thi đấu với nhau. Mỗi Đội cử ra 2 em dự thi. Trước tiên, 8 thí sinh của 4 Đội sẽ bốc thăm chọn ví trí thứ tự từ 1 đến 8. Sau đó, các thí sinh đứng vào chỗ theo đúng thứ tự ghi trong phiếu của mình, tính từ trái sang phải.

Người Điều Khiển sẽ nêu nội dung thi từng vòng đấu. Cứ lần lượt từng thí sinh theo thứ tự phải hát bài Thánh Ca theo đúng yêu cầu. Cứ mỗi lần hát trúng, mỗi thí sinh được trọn 10 điểm. Đối với cổ động viên thì được nhận một phần quà lưu niệm.

Thí sinh sau hát trùng bài Thánh Ca mà thí sinh trước đã hát thì coi như bị loại. Nếu hát không được hoặc hát sai yêu cau cũng bị loại ngay, Người Điều Khiển sẽ mời một cổ động viên lên thế chỗ, và vòng thi cứ tiếp tục cho đến người thứ 8.

Trường hợp cổ động viên hát cũng không được hoặc hát sai yêu cầu, cũng bị loại ngay, Người Điều Khiển sẽ mời 1 cổ động khác lên thế chỗ, sao cho mỗi vòng thi luôn luôn có đủ 8 thí sinh.

Các thí sinh bên trên và cổ động viên bên dưới tuyệt đối không được nhắc bài hát cho nhau. Nếu vi phạm, Đội có thí sinh được nhắc sẽ bị trừ ngay 10 điểm và bản thân thí sinh mất quyền thi.

Số điểm tổng cộng của 2 thí sinh mỗi Đội sau trọn vẹn 3 vòng thi đấu sẽ được ghi vào điểm chung của Đội mình. Nếu không ai bị loại sau cả 3 vòng, điểm tối đa mỗi Đội có thể đạt được là 60.

 Các vòng thi

Vòng 1:    Các thí sinh lần lượt hát một đoạn trong một bài Thánh Ca có nhắc đến từ “Mẹ”, chỉ về Đức Maria.

     Vòng 2: Các thí sinh lần lượt hát một đoạn trong một bài Thánh Ca co nội dung nói về Tình Yêu của Thiên Chúa.

     Vòng 3: Các thí sinh hãy lắng nghe đàn oóc-gan biểu diễn phần giai điệu của một bài Thánh Ca quen thuộc, cố gắng đoán ra là bài nào để có thể hát theo một đoạn dài.

  1. Dạng Thi Đoán Câu Kinh Thánh Theo Chữ Cái

Có 4 câu Kinh Thánh được chọn từ 4 sách Tin Mừng theo các Thánh Mát-thê, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an, được viết tắt bằng các chữ cái đầu mỗi từ. Mỗi câu được viết chữ nét to trên một giải băng giấy dài để Đội bốc thăm phải giải có thể nhìn thấy rõ từ xa.

Các Đội tuyet đối không được dùng cuốn Kinh Thánh Tân Ước để dò tìm đáp án của đề thi. Đội nào vi phạm sẽ bị trừ ngay 20 điểm và nhường quyền ưu tiên cho Đội khác.

Đầu tiên, mỗi Đội cử đại diện lên bốc thăm các phiếu có đánh so thứ tự từ 1 đến 4. Người Điều Khiển sẽ nói trước nội dung chính của câu Kinh Thánh, rồi nhờ 2 người trong Ban Tổ Chức gắn lên bảng giải băng giấy ghi câu Kinh Thánh có đánh số 1. Đội đã bốc trúng phiếu số 1 sẽ phải đoán ra nguyên văn câu Kinh Thánh. Cứ thế, lần lượt đến các câu Kinh Thánh có số thứ tự kế tiếp.

Nếu đoán trúng hoàn toàn, Đội được 20 điểm. Nếu đoán sai một phần, hoặc sai hoàn toàn, quyền ưu tiên sẽ thuộc về các Đội còn lại. Nếu Đội chỉ đoán sai trệch một chút, không ảnh hưởng gì đến nội dung câu Kinh Thánh (ví dụ: Người = Ngài; Thầy = Ta = Tôi…), Người Điều Khiển có thể coi như đã đáp trúng.

Nếu không có Đội nào đoán ra, Người Điều Khiển sẽ mời các Cổ Động Viên tham gia. Cổ động viên đoán trúng sẽ nhận được phần quà lưu niệm.

  1. Dạng Thi Vẽ Giáo Lý

Mỗi lần thi chỉ dùng có một đề thi chung cho cả 4 Đội. Mỗi Đội được phát 1 tờ giấy crô-ki kích thước 1m00 x 0m80 đã gắn bằng đinh ghim sẵn trên 1 tấm ván ép kích thước 1m00 x 1m00, ngoài ra còn có thêm 3 cây bút a-xê-tôn nét to (màu đen, đỏ và xanh), 1 cay bút chì và 1 cây thước kẻ bằng nhựa dài 0m60.

Người Điều Khiển đọc đề thi xong, ra hiệu lệnh bắt đầu, các Đội sẽ thực hiện các bức tranh của mình trong thời gian 6 phút. Nhớ đặt tên bức tranh và ghi nắn nót ở giữa và phía dưới bức tranh. Hết giờ, những Đội còn đang vẽ dở dang cũng phải dừng lại ngay.

Mỗi bức tranh sẽ được 2 người của Đội cầm hai bên, đưa cao lên để triển lãm. Đồng thời, một người khác sẽ thuyết minh ngắn gọn về tác phẩm của Đội mình trong 2 phút.

Ban Giám Khảo sẽ lên tận nơi để chấm điểm. Mỗi bức tranh có thể được tối đa là 50 điểm, gồm có: Hình thức 20 điểm, nội dung 20 điểm và thuyết minh 10 điểm.

  1. Dạng Thi Kể Truyện Kinh Thánh

Trước cuộc thi, có thể cho các em chuẩn bị ôn tập để kể một số truyện trong chương trình đã học. Nên nhắc các em một số kỹ năng về kể truyện cho sống động, lôi cuốn (như: nhập vai, đổi giọng, làm cử điệu…). Do vậy, khi thi không được dùng Kinh Thánh, chỉ dựa hoàn toàn vào kiến thức và trí nhớ.

Các Đội sẽ cử một đại diện cùng lên bốc thăm. Trong tờ phiếu có đánh số thứ tự từ 1 tới 4, và ghi rõ đề thi kể truyện nào trong Cựu Ước, hoặc trong Tân Ước, và thời gian để kể chỉ có 8 phút. Mỗi Đội về họp bàn trong 5 phút, vừa bằng thời gian một tiết mục văn nghệ được xen kẽ vào chương trình.

Người Điều Khiển mời Đội có phiếu số 1 lên đầu tiên. Đội cử ra một thí sinh thi kể truyện. Nếu kể quá thời gian quy định là 5 phút, Người Điều Khiển sẽ nhắc nhở.

Nếu không kể được ngay từ đầu, hoặc đang kể nửa chừng thì bị kẹt, Người Điều Khiển sẽ mời một cổ động viên lên thay thế.

Ban Giám Khảo sẽ lượng giá sau khi cả 4 Đội đã kể truyện xong. Nếu cổ động viên lên thay thế kể được câu truyện, sẽ nhận một phần quà lưu niệm. Điểm tối đa mỗi Đội có thể được là 30 điểm chia ra: 15 điểm cho nội dung tình tiết của câu truyện, và 15 điểm cho cách diễn tả câu truyện.

  1. Dạng Thi Lắp Ghép Tranh Anh Đạo

Chuẩn bị

Trước khi tổ chức dạng thi đòi hỏi công phu và kinh phí tương đối tốn kém này, Ban Giáo Lý phải thực hiện hoàn chỉnh những bức tranh ghép có kích thước 60cm x 80cm, có thể tháo rời thành 12 hình vuông kích thước 20cm x 20cm; hoặc 60cm x 75cm, có thể tháo rời thành 20 hình vuông kích thước 15cm x 15cm. Việc thực hiện gồm có những bước như sau:

  • Mua các tấm ván ép loại có kích thước 1,2m x 2,4m hoặc 1m x 1m, dùng cưa xả ra thành những mảnh ván hình vuông có kích thước 20cm x 20cm, hoặc 15cm x 15cm.
  • Đánh số ký hiệu trên các mảnh ván hình vuông, ví dụ: A1, A2, A3, rồi B1, B2, B3…
  • Tìm các tờ lịch ảnh đạo hằng năm, kẻ bằng bút chì một khung lưới các hình vuông kích thước 20cm x 20cm, hoặc 15cm x 15cm phía sau lưng tờ lịch.
  • Đánh số ký hiệu trên các hình vuông của tờ tranh theo 2 chiều ngang và dọc, ví dụ: A1, A2, A3, rồi B1, B2, B3… Dùng kéo cắt bức tranh rời ra. Mảnh tranh có ký hiệu A2 sẽ được thoa nước cho hơi ẩm một chút, bồi hồ khắp mặt giấy rồi dán lên mảnh ván cũng có ký hiệu là A2, vuốt mặt tranh cho phẳng và phơi khô trong bóng râm. Các mảnh còn lại cũng làm như thế…
  • Mỗi mảnh tranh khi đã thật sự khô, lại được bọc bên ngoài một lớp nhựa trong (plastic) theo kiểu bọc sách, để có thể bảo quản tranh lâu bền.
  • Đối với bộ tranh ghép kích thước 60cm x 80cm, dùng một tấm ván ép lớn hơn, khoảng 70cm x 90cm, đóng gỗ nẹp 2 x 3 viền chung quanh mặt bảng thành gờ để các mảnh tranh ghép đem lắp vào sẽ không bị rơi ra. Tất cả khung và bảng được sơn trắng cho đẹp. Đối với bộ tranh ghép kích thước 60cm x 75cm cũng làm bảng khung theo cách tương tự.
  • Trên mặt bảng ván ép đã sơn trắng, dùng bút màu axêtôn (acetone) để kẻ một khung lưới có kích thước ứng với các mảnh tranh ghép, để khi dự thi, các em biết được có bao nhiêu mảnh tranh cần phải ghép.
  • Riêng trường hợp muốn có một bộ tranh ghép tự vẽ, họa sĩ nên vẽ bằng sơn nước (peinture à l’eau) trực tiếp trên bảng ván ép có kích thước giống như loại tranh ghép đã nói ở trên. Sau đó, chia khung lưới mặt lưng, đánh ký hiệu, rồi đem cưa ván thành từng mảnh tranh rời. Cũng nên bọc nhựa để dễ bảo quản.

Thể thức

Trong cùng một cuộc thi, để được công bằng cho 4 Đội, nên dùng các bộ tranh ghép có cùng kích thước, cùng số mảnh phải ghép (loại 12 mảnh, hoặc 20 mảnh).

Mỗi Đội sẽ cử đại diện bốc thăm, các tờ phiếu sẽ có ghi số từ 1 đến 4, ứng với số ghi trên các khung tranh được dựng hơi nghiêng trên khán đài, đồng thời cũng ghi rõ nội dung tranh.

Người Điều Khiển thông báo thời gian lắp ghép tranh là 5 phút. Nghe hiệu lệnh bắt đầu, tất cả các thành viên mỗi Đội đều lên tham gia tìm các mảnh tranh rời để lắp ghép lại.

Hết thời gian, Ban Giám Khảo lên tận nơi quan sát và lượng giá kết quả của mỗi Đội. Cứ một mảnh thiếu, chưa ráp được, hoặc ráp sai vị trí, Đội bị trừ 5 điểm. Số điểm tối đa mỗi Đội có thể đạt được là 50 điểm.

  1. Dạng Thi Sáng Tác Và Hò Thơ Lục Bát

Các Giáo Lý Viên có thể đưa dạng thi này vào một cuộc Thi Đố Vui, vừa hướng về nội dung Kinh Thánh và Giáo Lý, vừa khuyến khích các em phát triển nang lực sáng tác và hò thơ lục bát, vốn một nét văn hóa dân gian đáng yêu của Việt Nam, có thể đóng góp cho việc gây bầu khí học tập và sinh hoạt Giáo Lý thêm sôi nổi hào hứng.

Có thể đưa ra 4 đề thi theo 4 cách hò căn bản (miền Bắc, miền Trung, miền Nam và hò Dô Ta, hoặc A Li Hò Lờ), mỗi Đội đều cùng làm từng đề thi, tức là theo cùng một đề tài Ban Tổ Chức đưa ra.

Không được lấy nguyên văn một câu ca dao hoặc một bài thơ lục bát đã có sẵn, nhưng phải hoàn toàn là sáng tác mới tại chỗ.

Trước tiên, mỗi Đội cử đại diện lên bốc thăm, các tờ phiếu được đánh số thứ tự từ 1 đến 4. Người Điều Khiển đọc đề thi thứ nhất, các Đội có thời gian là 5 phút để sáng tác một bài thơ lục bát có 4 câu, viết vào giấy có đề tên Đội. Hết giờ, các Đội nộp cho Người Điều Khiển.

Người Điều Khiển đọc lên bài thơ của Đội có phiếu số 1, và Đội cử ngay một em để hò 4 câu thơ ấy theo đúng điệu hò đã đề nghị trong đề thi.

Sau một lượt 4 Đội hò xong, Ban Giám Khảo lượng giá và cho điểm mỗi Đội. Số điểm tối đa một Đội có thể đạt được là 50 điểm, chia ra: bài thơ hay 25 điểm và cách hò đúng 25 điểm.

  1. Dạng Thi Ưng Xử Tình Huống Nhân Bản Kitô Giáo

Dạng thi này chỉ nên dùng với các em học sinh Giáo Lý ở các lớp kinh thánh, vì các em tương đối đã khá lớn, nhận thức được các tình huống phải ứng xử cho phù hợp với tinh thần Kitô hữu ngay nơi gia đình, trong giáo xứ và ngoài xã hội.

Thể thức

Có tất cả 4 đề thi dùng trong một cuộc Thi Đố Vui. Trước tiên, mỗi Đội cử đại diện lên bốc thăm, các tờ phiếu có đánh số thứ tự từ 1 tới 4. Người Điều Khiển đọc đề thi số 1, Đội có phiếu số 1 được họp bàn trong 1 phút, rồi cử một em lên trình bày đáp án ứng xử của Đội mình trước tình huống đề thi đã nêu ra.

Người Điều Khiển có thể mời một cổ động viên tình nguyện lên tham gia với một ứng xử khác trước cùng một tình huống của Đội vừa trình bày.

Sau một lượt 4 Đội, Ban Giám Khảo sẽ nhận xét và lượng giá từng Đội. Số điểm tối đa một Đội có thể đạt được là 50 điểm. Cổ động viên đưa ra một ứng xử hay, cũng được nhận một phần quà lưu niệm.

10. Dạng Thi Diễn Kịch Kinh Thánh

Trong phương pháp năng động Nhóm, người ta gọi đây là loại “Kịch Chạy” hoặc “Kịch Tốc Hành”, bởi từ lúc nhận được yêu cầu trong phiếu cho đến khi diễn, thời gian chuẩn bị chỉ có 5, 10 phút.

Khi diễn thể loại Kịch này, các em lại không cần phải hóa trang công phu, không cần phông màn sân khấu rôm rả. Do vậy, người chơi đòi hỏi phải có khả năng động não, tinh thần phối hợp làm việc trong ê-kíp, cùng với một số kỹ thuật diễn kịch tối thiểu.

Sau một thời gian huấn luyện, nên đưa dạng “Kịch Chạy” này vào nội dung một cuộc Thi Đo Vui Giáo Lý. Qua dịp “thử lửa” này, các huynh trưởng có thể nhận định và phát hiện một số em có năng khiếu và bản lãnh biến báo ứng phó nhanh nhạy, để sau này có thể mời tham gia vào Nhóm Kịch của giáo xứ, hoặc chú y bồi dưỡng huấn luyện thêm để có thể sẽ trở thành một huynh trưởng năng động trong tương lai.

Thể thức

Tất cả có 4 đề thi diễn kịch Kinh Thánh cho 4 Đội tham dự. Mỗi Đội được sử dụng cuốn Kinh Thánh Tân Ước.

Trước tiên, mỗi Đội cử đại diện lên bốc thăm, mỗi tờ phiếu đều có đánh số thứ tự từ 1 đến 4.

Người Điều Khiển đọc nội dung đề thi 1, có ghi yêu cầu diễn kịch theo nội dung nào, chuẩn bị trong 5 phút và chỉ được diễn trong từ 5 tới 10 phút. Đội có phiếu số 1 sẽ họp bàn ngay để kịp thực hiện. Nếu số thành viên trong Đội không đủ cho các vai diễn, có thể mời các cổ động viên trong lớp mình lên tham gia.

Trong thời gian chờ Đội chuẩn bị, Người Điều Khiển có thể cho xen kẽ một tiết mục văn nghệ trong chương trình, hoặc mời mọi người hát chung một bài sinh hoạt, chơi một trò chơi nhỏ tại chỗ.

Hết thời gian chuẩn bị, Đội sẽ cử người ra tự giới thiệu vở kịch của Đội mình, sau đó diễn ngay.

Cứ thế, lần lượt đến các Đội có các số phiếu kế tiếp. Sau khi 4 Đội đã diễn xong, Ban Giám Khảo sẽ nhận xét và lượng giá từng vở kịch và từng đội kịch. Số điểm tối đa một Đội có thể đạt được là 50 điểm, gồm có: nội dung là 25 điểm và diễn xuất là 25 điểm.

Để lại một bình luận