Bài 23: Vào Sa Mạc

BÀI 23: VÀO SA MẠC

  1. NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ SA MẠC:
  2. Sa Mạc trong tự nhiên:
  • Là nơi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt (ngày nắng nóng, đêm lạnh, gió sa mạc, …)
  • Là nơi khô cằn vì ít nguồn nước.
  • Là nơi có ít động – thực vật sinh sống.
  1. Sa Mạc trong Thánh Kinh:
  2. Kinh Thánh đã mặc cho sa mạc một tính chất và ý nghĩa khác: Trong ý định cứu độ, Thiên Chúa đã muốn dân Israel phải đi qua sa mạc (Xh 15,22-23) trong suốt 40 năm, trước khi đưa họ vào miền đất hứa, ban lề luật và ký giao ước (St 17,7) để họ trở thành dân riêng của Chúa. Sa mạc là nơi:
  • Thiên Chúa dùng để thử thách, thanh luyện dân Israel (Xh 16,1-4)[1].
  • Thiên Chúa giáo dục dân Israel.
  • Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng (Xh19,5-6)[2].
  1. Giá trị của việc Thiên Chúa đưa dân vào trong Sa Mạc:

Đi trong sa mạc, con người nhận ra mình nhỏ bé, yếu đuối, cần sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Đi trong sa mạc, con người nhận ra: chỉ có Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót và là Đấng cứu độ đáng tin cậy nhất. Mối tình của Thiên Chúa với con người là chung thuỷ: “Từ xa Ðức Chúa đã hiện ra với tôi: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31,3) và “ Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Ðức Chúa là Ðấng thương xót ngươi phán như vậy.” (Is 54,10). Từ đó, con người sám hối về sự phản nghịch của mình và trông cậy vào Thiên Chúa.

Hành trình trong sa mạc nằm trong ý định của Thiên Chúa. Trong sa mạc, Thiên Chúa chứng tỏ sự hiện hiện và quyền năng yêu thương của Ngài, là nơi để Thiên Chúa ngỏ lời với con người. Thiên Chúa không muốn dân Ngài ở mãi trong sa mạc, nhưng muốn họ phải vượt qua sa mạc để vào đất hứa: “Ta sai Thiên sứ trước ngươi. Giữ gìn ngươi khắp đường dài tiến đi. Ðưa ngươi vào đất đai kia. Nơi Ta dọn sẵn cho thì ngươi đây. (Lời hứa và chỉ dẫn vào xứ Canaan: Xh 23,20). Điều này mang ý nghĩa giáo dục trọn vẹn nhất.

Khởi đầu sứ vụ, Chúa Giê-su đã được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa 40 ngày, chịu ma quỷ cám dỗ như dân Israel, nhưng Ngài đã chiến thắng tất cả: Lời Chúa hơn cơm bánh (hoá đá thành bánh); thờ phượng 1 mình Thiên Chúa hơn tham vọng thống trị thế gian (bái lạy quỷ để cai trị thế gian); Luôn trông cậy, tín thác vào Thiên Chúa (gieo mình từ nóc nền thờ → không thử thách Thiên Chúa) (Lc 4, 1-13). Nơi sa mạc, Chúa Giê-su đã ăn chay, cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Cha. Nơi Chúa Giê-su, sa mạc đã được mặc cho một ý nghĩa mới: Thiên Chúa trung tín, nhẫn nại, hằng thương xót và chăm sóc con người; Thiên Chúa đã biến sa mạc và thời gian sa mạc thành ân huệ: cho con người trở thành dân đích thực của Ngài.

Giáo Hội hiểu rõ sa mạc là nơi cần thiết con người phải chấp nhận đối mặt với thử thách, để Chúa dạy dỗ, thanh luyện và con người phải vượt qua để bước vào cuộc sống tự do trong đất hứa nên Giáo Hội tự nhận là Giáo Hội lữ hành – dân mới của Chúa đang lữ hành trong sa mạc trần gian, đang được Chúa Giêsu chăm sóc, dạy dỗ, thanh luyện  để tiến về đất hứa mới là Nước Trời (Đề tài “Giáo hội lữ hành” được đề cập trong “Hội Thánh lữ hành, Hội Thánh của các phúc nhân và Hội Thánh của những người còn chịu thanh luyện” (Sách GLHTCG – 954) và Công đồng Vaticano 2 – Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội – Chương 7: “Đặc tính cánh chung của Giáo Hội lữ hành và sự hiệp nhất với Giáo Hội trên trời”)

  1. Sa Mạc trong Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể:
  2. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đã chọn “Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu đặc biệt được dùng để giáo dục, thánh hóa và hướng dẫn đời sống người trẻ cũng như trong các hoạt động tông đồ, xã hội” như đã được nêu rõ trong Điều 3 của Nội quy Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam đã chiêm ngắm Lịch sử cứu độ nói chung và nói riêng là cuộc lữ hành trong sa mạc của dân Chúa trong Kinh Thánh, từ đó đưa ra phương pháp giáo dục “Vào Sa Mạc” phù hợp với mục đích của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. “Vào Sa mạc” của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể giáo dục thiếu nhi toàn diện về 2 mặt:

Tự nhiên: tạo khung cảnh và bầu khí khác với thường ngày của xã hội để giáo dục Huynh trưởng và thiếu nhi, gặp gỡ nhau trong tình anh em.

Siêu nhiên: áp dụng khung cảnh Thánh Kinh thời Cựu Ước (trong Sa Mạc) để giúp Huynh trưởng và thiếu nhi tiếp cận với Chúa một cách trọn vẹn.

  1. Nội quy cũ của Tổng Liên Đoàn Việt Nam (năm 1974) – điều 57: “Thiên Chúa đã đưa dân Do Thái vào sa mạc 40 năm để huấn luyện một tôn giáo độc thần. Họ đã sống dưới mái lều, nhà tạm giữa thiên nhiên. Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam cũng dùng đường lối huấn luyện đó và xem việc “Vào Sa Mạc” là phương pháp huấn luyện đặc biệt dùng cho các Huynh trưởng trong các trại huấn luyện và cho các đoàn sinh trong những việc quan trọng.”
  2. Nội quy Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (năm 2019) – điều 15: Vào Sa Mạc “Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dẫn dân Do Thái vào sa mạc 40 năm để huấn luyện họ. Theo đường lối sư phạm này, Thiếu Nhi Thánh Thể cũng áp dụng “Vào Sa Mạc” như một phương thế huấn luyện thành viên các cấp của mình”.

Như vậy, “Vào Sa mạc” là phương thế huấn luyện rất quan trọng cho tất cả thành viên của phong trào: đoàn sinh, đội trưởng, dự trưởng, Huynh trưởng, Huấn luyện viên, Trợ tá, Trợ uý, Tuyên Uý  – những người đã chọn thiếu nhi làm đối tượng phục vụ. Tất cả phải “Vào Sa mạc” để tìm gặp Chúa, để được dạy dỗ, dẫn dắt, nuôi dưỡng trong bầu khí thánh thiêng và với tinh thần vâng phục để rồi được Chúa sai đi. “Vào Sa mạc” là một trong những phương pháp giáo dục tự nhiên của Phong trào. Đây là hoạt động huấn luyện rất độc đáo và hiệu quả của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

  1. Hình thức và thời gian Vào Sa Mạc:

Có nhiều hình thức vào sa mạc và thời gian hoàn toàn khác nhau tuỳ thuộc vào tính chất và mục đích của từng sa mạc:

(1) Sa mạc được tổ chức với những mục đích khác nhau như: họp bạn, giao lưu, du khảo, tĩnh tâm, kết thúc năm học, chuẩn bị thăng cấp – tuyên hứa.

(2) Thời gian tổ chức:

Sa mạc 1 ngày: thường được gọi là xuất du dành cho các em Ấu nhi, Thiếu nhi nhằm mục đích sinh hoạt, vui chơi, du khảo, giao lưu.

Sa mạc ngắn ngày (2 ngày – 1 đêm, từ sáng thứ bảy đến chiều Chúa Nhật): thường dùng để huấn luyện đội trưởng, Thiếu nhi, Nghĩa sỹ, Dự trưởng, Huynh trưởng cấp 1.

Sa mạc dài ngày (4-5 ngày, 1 tuần) hoặc nhiều đợt: thường được tổ chức vào dịp hè để huấn luyện Huynh trưởng cấp 2, 3.

  1. SA MẠC HUẤN LUYỆN CỦA THIẾU NHI THÁNH THỂ
  2. Định nghĩa

Sa Mạc huấn luyện là một cuộc cắm trại được tổ chức giữa thiên nhiên với mục đích huấn luyện, đào tạo những người tham dự theo một chương trình đã được hoạch định trước (trích: “Vào Sa Mạc – Sổ tay HLHT cấp 1).

  1. Yêu cầu của Sa Mạc huấn luyện của Thiếu Nhi Thánh Thể

Sa Mạc huấn luyện của Thiếu Nhi Thánh Thể phải nhắm tới và đạt được đủ 4 ý lực sống: Cầu nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Việc Tông Đồ. Mỗi ý lực sống phải giúp các Sa Mạc Sinh hiểu rõ về đỉnh cao của từng ý lực:

  1. Cầu nguyện: đỉnh cao là Chầu Thánh Thể.
  • Chầu Thánh Thể là Cầu nguyện trước Thánh Thể.
  • Mục đích Chầu Thánh Thể trong Sa mạc: đưa Sa mạc sinh đến gần Chúa Giê-su Thánh Thể để tâm sự với Chúa, nghe Chúa nói, thưa chuyện với Chúa, kiểm điểm đời sống và sám hối để xứng đáng với ơn gọi sứ mệnh HT.
  1. Rước lễ – Thánh Thể: đỉnh cao là đêm “Lửa Thiêng Thánh Thể”.
  • Cuối ngày Thánh Thể là Lửa Thiêng Thánh Thể.
  • Hình ảnh Lửa là sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể – là trung tâm, là nguồn sống và lý tưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể. Kết thúc Lửa Thiêng với nghi thức “Mang LỬA về tim” – đón Chúa Giê-su Thánh Thể vào tâm hồn.
  1. Hy sinh: đỉnh cao là “Hành trình sa mạc”.

Khi tham dự hành trình sa mạc, Sa mạc sinh được mời gọi sống tinh thần từ bỏ và vâng phục. Từ bỏ con người cũ, từ bỏ ý cá nhân, từ bỏ những tật xấu, tính ích kỷ, sự đố kỵ, tính kiêu căng, … – đó chính là hy sinh. Hy sinh trong tinh thần vâng phục qua việc Sa mạc sinh vâng phục chấp nhận thực hiện những khó khăn, thử thách (= chu toàn bổn phận) theo gương Chúa Giê-su, vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân, để hoàn toàn tín thác vào Chúa, để Chúa làm chủ và dẫn dắt đời mình. Do đó, đỉnh cao của Hy sinh trong “Vào Sa mạc” chính là “Hành trình sa mạc”

  1. Làm Tông Đồ: đỉnh cao là “Nghi thức sai đi”.

Sau khi tham dự sa mạc, các Sa mạc sinh đã học và hiểu ơn gọi Làm Tông Đồ như Chúa Giê-su đã nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16) thì Sa mạc sinh sẵn sàng đón nhận và thi hành sứ mạng Làm Tông đồ là: ĐEM CHÚA ĐẾN VỚI THIẾU NHI VÀ ĐEM THIẾU NHI ĐẾN VỚI CHÚA qua NGHI THỨC SAI ĐI

  1. Khung cảnh sa mạc:

Sa mạc được tổ chức giữa khung cảnh thiên nhiên (núi, rừng, thôn quê, …). Khi trở về với thiên nhiên, rời xa môi trường sống hằng ngày, tách mình khỏi những tiện nghi vật chất, Sa mạc sinh sẽ cảm thấy thảnh thơi, gần gũi Thiên Chúa và sẵn sàng gặp gỡ Thiên Chúa để được chiêm ngắm, trò chuyện và lắng nghe Người qua những việc: viếng Chúa, tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể. thực hiện Hoa Thiêng, …

Sa Mạc huấn luyện là nơi các Sa mạc sinh rời xa những người thân trong gia đình (ông bà, cha mẹ, anh chị em) nhưng để gặp gỡ anh chị em, bạn bè cùng lý tưởng để chung sống, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau thăng tiến trong mối dây liên kết tha nhân.

Sa Mạc huấn luyện không phải là nơi để các Sa mạc sinh họp bạn, giải trí, vui chơi, hay lửa trại thân hữu, mà là nơi để Sa mạc sinh noi gương Chúa Giê-su ăn chay, hãm mình, tiết chế bản thân để kết hơp với Chúa trong mối dây liên kết tha nhân.

Sa Mạc huấn luyện cũng không phải là trại huấn nhục – nơi mà mọi người chỉ thấy luật lệ, đe doạ, hình phạt, … mà phải là nơi để các Sa mạc sinh cầu nguyện, hy sinh, học tập và vui chơi theo sự phối hợp hài hoà giữa tinh thần sa mạc và quy luật tâm lý giáo dục, do đó, các trò chơi để huấn luyện phải mang tính giáo dục. Ưu tiên sức khoẻ của Sa mạc sinh. Từ đó sa mạc sinh cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sau mỗi Sa Mạc huấn luyện, Sa mạc sinh phải tiến thêm về mặt đức tin, kinh nghiệm gặp Chúa, vì chỉ khi người tông đồ có đủ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa thì mới có đủ nhiệt tình truyền thông Tin Mừng trong cuộc đời phục vụ của mình.

  1. Tâm tình Vào Sa Mạc

Các Sa mạc sinh phải mặc lấy tâm tình của dân Do Thái xưa: phó thác, cậy trông, tin tưởng vào sự dẫn dắt, chở che của Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm.

Gác lại những lo toan vướng bận công việc đời thường để toàn tâm, toàn ý vào sa mạc gặp gỡ Chúa, gặp gỡ anh em, qua đó chính Chúa sẽ hướng dẫn ta.

Vào sa mạc cùng hoà nhập, hiệp nhất, cùng chung một nhịp đập với anh em, với tất cả các thành viên trong sa mạc, từ Ban điều hành đến các Sa mạc sinh để ta “nạp lại pin yêu thương”, múc lấy nguồn năng lượng dồi dào nơi Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cuộc đời mỗi người là cuộc lữ hành vào sa mạc mênh mông, nhưng trong sa mạc đó, chúng ta luôn tin rằng: Chúa luôn đồng hành với ta.

  1. Nội dung huấn luyện trong sa mạc[3]

Trong Sa mạc huấn luyện, các Sa mạc sinh được học về:

Các bài khoá về căn bản lý thuyết của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Cử hành các nghi thức phụng vụ đặc biệt của Phong trào (Thánh lễ, Chầu Thánh Thể, Lãnh nhận Lời Chúa, Giải tội)

Huấn luyện thực hành: những kỹ năng cần thiết cho nghề trưởng.

Tập sống với tha nhân và sống cho tha nhân qua cuộc sống chung trong sa mạc.

Ngoài các bài khoá hoặc các nội dung chính được xây dựng theo mục đích của sa mạc, chương trình chung của sa mạc thường bao gồm những phần cơ bản sau:

  • Khai mạc (chào cờ, câu chuyện dưới cờ): để khai mạc Sa mạc và bắt đầu mỗi ngày sinh hoạt.
  • Bế mạc (đúc kết, hạ cờ).
  • Lãnh nhận Lời Chúa.
  • Thánh Lễ.
  • Giờ Thánh (Chầu Thánh Thể).
  • Các giờ thiêng liêng chung và riêng (viếng ThánhThể, sưởi Thánh Thể, canh thức, lần hạt, xưng tội, …)
  • Lửa thiêng Thánh Thể.
  • Hành trình sa mạc.
  • Tuỳ theo thời lượng sa mạc mà Ban Điều Hành sắp xếp các sinh hoạt trong chương trình cho phù hợp và đạt hiệu quả.
  1. Tổ chức
  2. Liên đoàn ra thông báo chung thời gian tổ chức sa mạc; bổ nhiệm Tuyên Uý Sa mạc, Sa mạc Trưởng, Trưởng đồng hành, Sa mạc Phó (khi huấn luyện nhiều ngành trong cùng sa mạc, mỗi ngành có một sa mạc Phó), Phụ tá Sa mạc phó.
  3. Cha Tuyên Uý sa mạc Sa mạc Trưởng, Sa mạc Phó hội ý:

Ra thông báo gửi đến các Hiệp đoàn, Xứ đoàn, về chi tiết sa mạc:

  • Thời gian và địa điểm Sa mạc.
  • Điều kiện tham dự.
  • Hành trang sa mạc, …

Thành lập Ban Điều Hành Sa mạc:

  • Ban trực: Kỹ luật – Thi đua.
  • Ban Hành chánh.
  • Ban huấn luyện.
  • Ban sinh hoạt.
  • Ban phụng vụ.
  • Ban Quản lý.
  • Ban kỹ thuật.
  • Ban Y tế – Vệ sinh.
  • Ban truyền thông.

Chuẩn bị chương trình: phải có cuộc họp của Ban điều hành để chuẩn bị xa và gần cho Sa mạc.

Chuẩn bị nhân sự: phân công, phân nhiệm rõ ràng, phù hợp năng lực, chuyên môn, đặc biệt là các huấn luyện đứng bài khóa.

  1. Trình chương trình Sa mạc lên Ban điều hành Liên đoàn góp ý, phê duyệt.
  2. Công tác điều hành trong Sa mạc: sẽ dễ dàng và hiệu quả khi chương trình đã được xây dựng hợp lý và chu đáo.
  • Sa mạc Trưởng: có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất trong Sa mạc, điều phối chung toàn bộ chương trình Sa mạc, quan tâm đến bầu khí tinh thần chung của Sa mạc để Sa mạc đạt được mục tiêu đề ra và đi đúng theo đường lối của Phong trào.
  • Sa mạc phó: hỗ trợ Sa mạc trưởng trong công tác điều hành, trực tiếp điều phối các tiểu ban, đảm bảo các tiểu ban hoạt động nhịp nhàng.
  • Trưởng trực: trực tiếp điều hành mọi sinh hoạt trong Sa mạc theo đúng chương trình và thực hiện các chỉ thị của Sa mạc trưởng và Sa mạc phó
  • Trưởng các tiểu ban: thực hiện phần vụ của mình theo sự chỉ đạo của trưởng ban và Ban điều hành.
  1. Công tác hậu Sa mạc:
  • Sa mạc trưởng và phó hoàn tất việc chấm bài (tiền sa mạc, hậu sa mạc); theo dõi, phối hợp tổ chức việc tuyên hứa, cấp chứng chỉ.
  • Trưởng ban hành chánh, quản lý gửi báo cáo tình hình sổ sách, tài chính cho Sa mạc trưởng.
  • Ban điều hành và các huấn luyện viên họp hậu Sa mạc để đúc kết, rút kinh nghiệm.

III. ÁP DỤNG THỰC TẾ ĐỂ SA MẠC HIỆU QUẢ

  1. Ban điều hành:

Tiền Sa mạc: Chuẩn bị kỹ nội dung các bài khóa và chương trình sinh hoạt.

Đúc kết hậu Sa mạc để rút kinh nghiệm.

Tạo thư viện “Vào Sa mạc”: Ban điều hành, chủ đề, nội dung chương trình sinh hoạt (Trò chơi, …), Lửa Thiêng Thánh Thể, Hành trình Sa mạc, …

  1. Sa mạc sinh:

Tiền Sa mạc: “chuẩn bị xa và đủ” để Sa mạc sinh có được tâm tình “Vào Sa mạc”

Tạo được “Khung cảnh Sa mạc” và “Bầu khí Sa mạc”.

Sa mạc sinh sẵn sàng “Ra Sa mạc” để được sai đi.

KẾT LUẬN:

“Vào Sa Mạc” là phương pháp huấn luyện đặc biệt – một trong các phương pháp giáo dục tự nhiên của Phong trào tuân theo Tôn Chỉ của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Tông Đồ, với lòng tôn sùng và cậy nhờ Mẹ Maria, noi theo gương các Thánh, nhất là các Thánh tử đạo tại Việt Nam, trong sự yêu mến và vâng phục Đức Giáo Hoàng để các sa mạc sinh trở thành những con người kiện toàn, những Ki-tô hữu hoàn hảo.

Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cần áp dụng triệt để “Vào Sa Mạc” để các sa mạc sinh có thể trở nên công cụ hữu hiệu truyền thông Tình Yêu và Sự Sống của Chúa cho các em và cho mọi người xung quanh, góp phần xây dựng xã hội, xây dựng thế giới theo tinh thần Tin Mừng. Nhờ đó, Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp tục mầu nhiệm Nhập thể và Cứu thế – đây cũng chính là lý tưởng của Thiếu Nhi Thánh Thể.

[1] Xh 16,1-4: MANNA VÀ CHIM CÚT4.        Gia-vê dạy Mô-sê luôn: Này Ta sẽ để bánh tuôn từ trời           Mưa rơi xuống cho các ngươi. Dân ra lượm lấy ngay thôi khẩu phần           Mỗi ngày lấy đủ phần ăn. Cho ngay hôm ấy diễn lần ra đây.

              Ðể Ta thử thách chúng ngay. Xem đây chúng có tuân này luật Ta

[2] “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Ðó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en.” (Xh 19,5-6)

[3] Năm 2016, Liên đoàn đưa “Vào Sa Mạc” vào trong Sa mạc 1 với mục đích giúp Sa mạc sinh hiểu để thực hành.

Để lại một bình luận