Bài 21: Lửa Thiêng Thánh Thể

Đối với Phong Trào TNTT, Lửa Thiêng Thánh Thể là:

  • Một loại hình sinh hoạt vui tươi, hấp dẫn không thể thiếu trong các sa mạc Huấn Luyện hoặc những sa mạc có qua đêm.
  • Sinh hoạt có mục đích giáo dục, kết thúc Ngày Thánh Thể trong sa mạc Huấn Luyện của Phong Trào.
  1. Ý NGHĨA CỦA LỬA

Lửa trong ý nghĩa thực tại: Lửa vẫn có trong thiên nhiên:

  • Khi trời tối, đốt lửa soi sáng đêm tối tăm – đem lại ánh sáng
  • Khi trời lạnh, người ta đốt lửa để sưởi ấm – xua đi lạnh lẽo
  • Phục vụ trong đời sống hằng ngày: nấu nướng, rèn sắt,….
  • Đốt cháy, tiêu huỷ

Lửa trong Thánh Kinh

Cựu Ước: Trong lịch sử cứu độ, lửa có một vai trò và ý nghĩa đặc biệt đối với dân Israel:

  • Chỉ sự hiện diện của Giavê Thiên Chúa: bụi gai bốc cháy
  • Chỉ sự Chúa nhận lễ vật qua ngọn lửa từ trời
  • Cột lửa soi sáng và dẫn đường cho dân Chúa

Tân Ước:

Biểu tượng Chúa Thánh Thần – ơn Thánh Chúa bầu chữa, soi sáng, thánh hoá: Thánh Thần đã đến trên các Tông Đồ và Hội Thánh dưới hình lưỡi lửa trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

Tượng trưng Lời Chúa.

Lửa trong Phụng Vụ:

Để hoàn tất Chương trình cứu độ của Thiên Chúa Đức Giêsu đã đến thế gian xua đi bóng tối của sự chết bằng ánh sáng Phục Sinh của Người.

Nến Phục Sinh à Lửa hy vọng à Đức Kitô Phục Sinh vinh hiển/

  1. MỤC ĐÍCH CỦA LỬA THIÊNG THÁNH THỂ

Nhằm giúp cho các SMS thực hiện được hai phương diện trong mục đích giáo dục của Phong Trào TNTT, qua đó họ giúp hoàn thiện bản thân trong đời sống đức tin của người TNTT nói riêng và người Kitô hữu nói chung.

Giáo dục siêu nhiên: SMS qua đêm lửa sẽ hiểu biết thêm Thánh Kinh, các giá trị đạo đức thông qua các tiết mục diễn nguyện. Qua đó hiểu Lời Chúa, gần gũi với Chúa nhiều hơn để thực hành đức tin trong đời sống đạo cá nhân. Đốt lửa Thiêng trong lòng để mọi người hợp nhất trong cùng một ngọn lửa của Thiên Chúa, Lửa Tình Yêu, Lửa Thiêng Thánh Thể.

Giáo dục tự nhiên: giúp SMS hoạt bát, linh hoạt và phát triển các khả năng ca, vũ, nhạc kịch từng cá nhân. Cả đội sẽ phải hợp tác với nhau để hoàn thành tiết mục của đội, sẽ giúp mọi người trong đội mau chóng đoàn kết, thân thiết và học hỏi nhau nhiều hơn.

III. DIỄN TIẾN CỦA MỘT ĐÊM LỬA THIÊNG THÁNH THỂ

  1. Chuẩn bị khai mạc

Tập trung: trưởng Trực tập trung các SMS và điều đông các đội quanh đống củi. Lưu ý có thể áp dụng bằng nhiều hình thức nhưng phải giữ được bầu khí yên lặng (tuỳ theo chương trình, các đội có thể hoá trang). Sau khi tập trung SMS xong là nhiệm vụ trong vòng tròn của trưởng Trực hoàn tất.

Mời Ban Điều Hành, các Trưởng và quan khách vào tham dự (BSH)

  1. Khai mạc

BSH mời Cha Tuyên Uý hoặc Cha Sa Mạc Trưởng (đã gợi ý) nói về ý nghĩa của Lửa, ý nghĩa bóng tối và ánh sáng… về sự mong đợi ánh sáng của loài người….

(Mọi người chìm trong bầu khí thinh lặng để mong chờ ngọn Lửa Thiêng)

Tất cả cùng nghe đọc một đoạn Kinh Thánh nói về lửa, ánh sáng hoặc đoạn Kinh Thánh có nội dung chủ đề của đêm Lửa Thiêng đó.

(Ta có thể diễn đoạn Kinh Thánh. Tuy nhiên nếu diễn minh hoạ thì không đọc đoạn Lời Chúa. Lưu ý: Tránh để mất bầu khí yên lặng của Nghi Thức)

Quản trò/ Quản ca cất cao bài ca “Gọi Lửa Thiêng” cho đến khi ngọn lửa được châm lên. (Hát nhanh dần). Ngọn lửa được Quản lửa mồi từ Nến Phục Sinh chạy ra giữa vòng tròn, sau đó chạy vòng quanh đống củi và trao cho người trách nhiệm trong đêm lửa đó châm lửa. Ngọn lửa bùng lên xua tan bóng đêm giữa tiếng hò reo vui mừng của mọi người

Lưu ý: Không hát bài Gọi lửa với tốc độ thật nhanh. Phải chủ động canh khi hát kết thúc lần thứ 3, ngọn lửa phải được châm vào đống củi.

Ngay sau khi ngọn lửa được bùng lên, Quản trò/ Quản ca điều khiển mọi người cùng hát – vũ bài ca “Chào Lửa Thiêng” ngay, không thực hiện bất cứ hình thức nào trước khi “chào lửa”

Sau nghi thức chào Lửa, mời người lớn nhất tuyên bố khai mạc đêm Lửa.

3. Các tiết mục diễn nguyện

Người dẫn sẽ lần lượt giới thiệu các đội theo thứ tự tiết mục đã được đăng ký và sắp xếp.

Ca, vũ, múa, trò chơi được chọn lựa kỹ lưỡng. Lưu ý dùng các trò chơi Kinh Thánh hoặc có ý nghĩa giáo dục.

Kết thúc mỗi tiết mục, người dẫn sẽ nối kết tiết mục này với tiết mục sau đó, nhằm làm cho mọi người hiểu được giá trị và nội dung tiết mục đó.

  1. Kết thúc:

Mời Cha Tuyên Úy hoặc người cao nhất nói lên ý nghĩa mang lửa về tim – rút bài học qua câu chuyện tàn lửa, đề cao ý lửa còn cháy mãi trong lòng mỗi người.

Thánh hoá cuối ngày: mời Cha Tuyên Uý ban phép lành (nếu Ngài có mặt) – cả vòng tròn đọc kinh hay ca một bài “Kinh dâng đêm”.

Với ngọn lửa thiêng trên tay, tất cả cùng hát bài “Mang Lửa về tim” nhiều lần và chậm dần cho đến khi người cuối cùng rời khỏi khu vực lửa.

Sau khi hát câu kết thúc lần thứ nhất, các đội tuần tự tách khỏi vòng tròn, di chuyển theo sự điều động của trưởng Trực.

Có hai hình thức kết thúc:

Kết thúc hẳn: khi về lều, mỗi đội quây quần nhau, cùng với ngọn nến, các thành viên chia sẻ tâm tình của bản thân cho cả đội.

Kết hợp với Chầu Thánh Thể: tất cả SMS di chuyển đến nơi Chầu Thánh Thể trong thinh lặng, tâm tình.

Lưu ý:

Quản lửa khéo léo làm cho ngọn lửa dịu lại trước khi thực hiện nghi thức mang lửa về tim (tàn lửa)

Sau câu chuyện tàn lửa, Quản lửa dùng nến hoặc đuốc mồi lửa từ ngọn Lửa Thiêng và trao cho vị cao nhất. Người ấy sẽ truyền ngọn lửa đến mọi người.

Giữ bầu khí thật trang nghiêm trong nghi thức “Mang Lửa về tim”

  1. Tóm gọn diễn tiến như sau
  • Tập trung SMS – Mời Ban Điều Hành
  • Nói ý nghĩa của Lửa
  • Đọc đoạn Kinh Thánh hoặc diễn nguyện
  • Hát gọi lửa – Ngọn Lửa được châm lên
  • Hát – vũ “Chào Lửa Thiêng”
  • Các tiết mục diễn nguyện
  • Nói lại ý nghĩa của đêm Lửa Thiêng – Đúc kết – Câu chuyện tàn lửa
  • Thánh hoá ban đêm/ Đọc kinh
  • Nghi thức Mang Lửa về tim
  • Chia sẻ – Kết thúc
  1. TỔ CHỨC MỘT ĐÊM LỬA THIÊNG THÁNH THỂ

Các bước chuẩn bị cho một đêm Lửa Thiêng Thánh Thể

  • Soạn chương trình
  • Phân tiết mục cho các đội
  • Phân công các nhân vật thực hiện phần khai mạc
  • Chuẩn bị khu vực đốt lửa
  • Chuẩn bị củi – lửa và các dụng cụ kỹ thuật
  1. Soạn chương trình
  2. Nhân sự:
  • Phụ trách đêm Lửa Thiêng
  • Trưởng Trực
  • Ban Quản lý – Ban Kỹ Thuật
  • Quản trò – Người dẫn
  • Quản Lửa
  • Ban Phụng vụ

►  Phụ trách đêm Lửa Thiêng

Thường là thành viên trực thuộc Ban Sinh Hoạt trong sa mạc (đa số là trưởng BSH), hoặc một trưởng chuyên biệt được sa mạc phó chỉ định.

Chịu trách nhiệm toàn bộ chương trình, diễn tiến trong đêm Lửa Thiêng

Chịu trách nhiệm kết hợp với các Nhân Sự để thực hiện đêm Lửa Thiêng theo chủ đề của Sa Mạc.

►  Trưởng Trực

Điều động đội hình

Phân công đội trực: Trực lửa – trực Phục vụ (kết hợp với Quản lửa)

►  Ban Quản lý – Ban Kỹ thuật

Chuẩn bị củi – vật dụng kỹ thuật Lửa (chuẩn bị xử lý các tình huống đặc biệt)

Chuẩn bị âm thanh

Chuẩn bị nến (có chắn gió nếu được) cho nghi thức “Mang Lửa về tim”

►  Quản trò – Người dẫn

Liên kết – dẫn dắt nội dung các tiết mục diễn nguyện, tóm ý các tiết mục sau khi kết thúc.

Có sinh hoạt xen kẽ, tạo bầu khí sinh động phù hợp nội dung.

Điều phối thời gian sao cho nhịp nhàng, tránh thời gian trống làm loãng bầu khí.

Nắm vững và thực hiện đúng chương trình, linh động ứng phó những tình huống xảy ra.

►  Quản lửa

Lửa vật chất: nhận đội trực lửa – trực phục vụ từ Ban Trực và điều phối việc chuẩn bị khu vực đốt lửa và chất củi.

Giữ lửa cháy trong suốt đêm Lửa.

Lửa tinh thần: phải điều khiển được ngọn lửa bùng lên trong tâm hồn mỗi người qua nội dung các tiết mục diễn nguyện và bầu khí của đêm lửa.

Đốt lên tinh thần hăng say phục vụ

►  Ban Phụng vụ

Cộng tác với người phụ trách để thực hiện nghi thức Khai Mạc đêm Lửa (Diễn nguyện khai mạc – chuẩn bị đoạn Lời Chúa phù hợp)

Thực hiện nghi thức Mang Lửa về tim (nối tiếp Chầu Thánh Thể nếu có)

  1. Chương trình

Chọn chủ đề: Thường là theo chủ đề của sa mạc. Có thể chọn theo 3 dạng chủ đề sau:

+  Trong Thánh Kinh

+  Mang giá trị Thánh Kinh

+  Mang ý lực sống: Thánh Thể, hạnh các Thánh,…..

Nội dung: có ba yếu tố cần nhớ:

+  Phù hợp với SMS: theo ngành,….

+  Khả thi về thời gian, không gian

+ Tạo sự thu hút, tránh bị nhàm chán

Thời gian:

+  Thường tổ chức vào buổi tối sau 1 ngày sống ý lực Thánh Thể

+  Tốt nhất là kéo dài từ 1-2 giờ

Kết thúc:

+  Sao cho SMS cảm nhận được ý lực đêm Lửa

+  Tạo được bầu khí tâm tình – lắng đọng

Chương trình Lửa Thiêng Thánh Thể sau khi được viết luôn phải trình bày, bàn bạc trước với sa mạc phó. Do vậy, người soạn chương trình Lửa Thiêng cần có kiến thức và phải soạn bằng cả tâm hồn của mình.

  1. Phân tiết mục cho các đội

Dựa trên chủ đề của đêm Lửa, phân công cho các Đội theo hạng mục: tuỳ theo nội dung, số lượng các Đội và thời gian mà quy định mỗi đội (hoặc ghép 2 đội) một hoặc hai tiết mục diễn nguyện.

Thời gian cho mỗi tiết mục thường là không quá 7 phút

Các đội phải nộp kịch bản bao gồm: nội dung – hình thức – thời gian – nhân sự tham gia về tiết mục diễn nguyện của Đội mình trước khi diễn ra đêm Lửa.

Những lưu ý cho SMS:

+  Mọi công việc tập luyện cho tiết mục phải được chuẩn bị xong trước giờ khai mạc đêm Lửa.

+  Trong khi đêm Lửa Thiêng diễn ra, các Đội phải giữ trật tự, tránh tình trạng kéo cả Đội ra khỏi vòng tròn để chuẩn bị tiết mục tiếp theo

+  Quản trò/ Người dẫn sẽ khéo léo thông báo thứ tự cho các Đội nắm trước.

+  Tất cả các SMS cùng tham gia và cảm nghiệm diễn nguyện.

  1. Phân công các nhân vật thực hiện phần khai mạc

Ban Phụng vụ: có hai hình thức để thực hiện phần dẫn nhập

+  Đọc Lời Chúa: một người đọc hoặc nhiều người đọc theo nhân vật

(Phải đọc chậm, diễn cảm thể hiện được tâm tình phù hợp trong buổi khai mạc Lửa Thiêng)

+  Minh hoạ hoạt cảnh:

  • Phân công nhân vật và phối hợp thật ăn ý với người dẫn
  • Cần rà soát về nội dung hoạt cảnh thật kỹ
  • Chuẩn bị đầy đủ phục trang cho nhân vật
  1. Chuẩn bị khu vực đốt lửa

Nơi đốt lửa:

  • Địa điểm rộng, phù hợp với số lượng SMS tham dự
  • Địa điểm an toàn, riêng biệt: tránh hoả hoạn, ồn ào ảnh hưởng xung quanh hoặc bị phá rối từ xung quanh
  • Tránh khu xăng, dầu hoặc nơi dễ cháy

Nơi dự phòng:

  • Phù hợp số lượng – chương trình diễn ra
  • Dự trù những trường hợp có thể xảy ra
  1. Chuẩn bị củi – lửa và các dụng cụ kỹ thuật

(Đội trực lửa và trực phục vụ thực hiện theo sự điều phối của Quản lửa)

Đội trực lửa:

  • Chuẩn bị củi khô (nếu củi ướt phải được xử lý từ trước)
  • Xếp củi theo yêu cầu
  • Các vật dụng kỹ thuật cho Lửa

Đội trực phục vụ: Dọn dẹp khu vực diễn ra Lửa Thiêng trước và sau đêm Lửa.

Cần lưu ý:

  • Quản lửa phải làm ngọn Lửa bùng lên trong phần khai mạc ít nhất từ 5-10 phút đáp ứng đủ thời gian múa Chào Lửa.
  • Thực hiện kỹ thuật Lửa nhằm nhất mạnh những đoạn chủ đích của tiết mục diễn nguyện.

1. VÍ DỤ MINH HỌA

CHƯƠNG TRÌNH LỬA THIÊNG THÁNH THỂ

Chủ đề:

“ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ DƯỚI SỰ BIẾN ĐỔI CỦA ÁNH SÁNG PHỤC SINH” (Lc 24,13-35)

PHẦN 1: GIỚI THIỆU

  1. Thời gian: Tối ngày … tháng …. năm ….
  2. Địa điểm: …
  3. Ý nghĩa: “Đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện”là chủ đề được HĐGM VN chọn để hướng đến, đồng hành và cầu nguyện cách riêng cho người trẻ. Trong tâm tình đó, cùng với niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh, Lửa thiêng Thánh Thể năm nay sẽ mang chủ đề: “Đồng hành với người trẻ đặt dưới sự biến đổi của Ánh sáng Phục sinh”. Quả thật, ngày nay, các bạn trẻ đang làm ngơ trước sự thật, vì lợi ích của bản thân mà chiều theo sự ác. Hơn thế nữa, có bạn cứng lòng tin, không tin sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế, dưới sự biến đổi của Ánh sáng Phục sinh, sẽ giúp cho người trẻ trong lúc thất vọng, chán nản, lầm đường, nỡ bước; biết quay trở lại, làm lại cuộc đời khi đón nhận được ánh sáng Tin mừng Phục sinh. Và dù cuộc sống có vất vả, các bạn vẫn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

PHẦN 2: YÊU CẦU VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

  1. Vật liệu:
  • Củi, lửa, dầu, bộc lylon, muối hột
  • Nến nhỏ dùng trong mang lửa về tim
  • Khăn bịt mắt.
  • Âm thanh: loa, micro, USB nhạc các đội tự chuẩn bị
  1. Các tiết mục:
  • Thời gian: 15 phút/ đội
  • Số lượng: 2 tiết mục/đội

Đội 1: 

Tiểu phẩm: Philatô thời đại @ [(Đức Giêsu ra trước tổng trấn Philatô (Mc 15, 1 – 15; Lc 23, 13 – 23)]. Diễn tả những bạn trẻ ngày nay đang làm ngơ trước sự thật, vì lợi ích của bản thân mà chiều theo sự ác).

Cử điệu mẫu: Nhân Chứng Giữa Đời

(https://www.youtube.com/watch?v=26QsWk-SWm0)

Đội 2: 

Tiểu phẩm: Thiên Chúa đã Chết hay còn Sống? [Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ – Tôma cứng lòng tin (Ga 20, 19 – 29)]. Diễn tả những bạn trẻ cứng lòng tin, không tin sự hiện diện của Thiên Chúa.

Múa cử điệu: Đức Kitô Đang Sống

(https://www.youtube.com/watch?v=38u9QnOBQDo)

Đội 3:

Tiểu phẩm: Quay đầu! [Hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24, 13 – 35)]. Diễn tả những bạn trẻ thất vọng, chán nản, lầm đường, nỡ bước; khi đón nhận được ánh sáng Tin mừng Phục sinh biết quay trở lại, làm lại cuộc đời.

Múa cử điệu:  Hãy Đưa Con Trở Về

(https://www.youtube.com/watch?v=6FuXZCXtfpA)

Đội 4

Tiểu phẩm: Tin và Sống! [(Đức Giêsu hiện ra ở biển hồ Tibêria; Ga 21, 1 – 14)]. Diễn tả về cuộc sống vất vả của những bạn trẻ nhưng các bạn vẫn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Múa cử điệu: Tự Hào Là Người Công Giáo

(https://www.youtube.com/watch?v=s4lwMkXVCLs)

  1. Phân công nhiệm vụ
  2. Trưởng trực

Nhiệm vụ: Điều động đội hình – phân công đội trực: trực lửa – trực phục vụ (chuẩn bị và dọn dẹp), mời quan khách.

Phụ trách: …

  1. Ban Phụng vụ 

Nhiệm vụ: Dẫn nhập và soạn những đoạn Lời Chúa liên kết với lửa, nói lên ý nghĩa của đêm lửa, tạo sự hồi hộp, lo lắng, mong đợi, háo hức chờ đón. Chuẩn bị giờ Chầu Thánh Thể sau lửa thiêng.

Phụ trách: …

  1. Quản trò

Nhiệm vụ: Dẫn dắt nội dung các tiết mục, sinh hoạt xen kẽ, tạo bầu khí và sinh động – điều phối thời gian các tiết mục sao cho nhịp nhàng, tránh nhàm chán.

Phụ trách: …

  1. Quản ca:

Nhiệm vụ: Chuẩn bị các bài hát băng reo, ca vũ, làm phong phú và thêm ấn tượng cho đêm lửa.

Phụ trách: …

  1. Quản lửa:

Nhiệm vụ: Củi, lửa, dầu, bộc lylon, muối hột, nến nhỏ dùng trong mang lửa về tim.

Phụ trách: …

  1. Ban Âm thanh – Ánh sáng:

Nhiệm vụ: Loa, micro, đầu chuyển…

Phụ trách: …

  1. Ban Quản Lý:

Nhiệm vụ: Chuẩn bị vật dụng kĩ thuật lửa

Phụ trách: …

PHẦN 3: DIỄN TIẾN CHI TIẾT LỬA THIÊNG

Sửa Soạn

  • Chuẩn bị khai mạc, Ban ánh sáng tắt hết đèn.
  • Đống củi đã xếp sẵn.
  • Trưởng trực cho các đội với y phục hóa trang, thinh lặng đứng vòng quanh đống lửa.
  • Tất cả những người đã được giao công việc vào vị trí của mình.
  • Trưởng trực: Mời khách vào vòng tròn.
  1. Khai Mạc
  2. Lời dẫn

Vào giờ thứ 6 đến giờ thứ 9, Đức Kitô bị treo trên thánh giá. Bóng tối bao phủ toàn mặt đất, động đất, thiên tai xảy ra khắp nơi. Ma quỷ hoành hành khắp mặt đất, chúng cám dỗ và giết chóc con người. Kéo con người vào hỏa ngục đời đời xa lìa Thiên Chúa. Đau khổ, bệnh tật, chết chóc, thiên tai diễn ra khắp nơi. Ma quỷ nghĩ rằng chúng đã chiến thắng. Không khí u ám bao trùm khắp nơi. Con người dường như mất hy vọng vào Thiên Chúa. Tuy vậy, vào ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết. Chính người đã phá tan đêm đen của cái chết, thắp lên ngọn nến Phục Sinh, mở ra một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên của ánh sáng Phục Sinh, ánh sáng cứu độ.

  1. Lời Chúa (Mt 28, 1 – 8)

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mattheu.

Khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.

Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Giêsu Kitô, ngợi khen Chúa.

  1. Ý Nghĩa Đoạn Lời Chúa

BSH: Chúng con xin kính mời cha Tuyên úy sa mạc nói lên ý nghĩa của đoạn Lời Chúa vừa nghe. (Dẫn dắt ý nghĩa Lời Chúa)

Khi Cha Tuyên úy nói xong, BSH tiếp tục nghi thức gọi lửa.

4. Gọi Lửa

  1. Dẫn: Đức Kitô Phục sinh không những mang lại ánh sáng cứu độ mà sau khi về trời, Người còn ban Thánh Thần cho Hội thánh. Chính Thánh Thần là ngọn lửa sống động không ngừng thánh hóa Hội thánh, để Hội thánh luôn bước theo đường lối mà Đức Kitô đã khởi xướng khi Người còn ở thế gian. Giờ phút này, chúng ta cũng hãy cầu xin Đức Kitô ban Thánh Thần của Người xuống trên mỗi người chúng ta, như xưa đã xuống trên các tông đồ.
  2. Băng reo gọi lửa: (tập trước)

BSH: (Hô băng reo)

                        Hãy đốt lên: LỬA YÊU THƯƠNG

                        Hãy đốt lên: LỬA THÁNH THẦN

                        Hãy đốt lên: LỬA PHỤC VỤ

                        Lửa thiêng ơi: XIN HÃY ĐẾN.

  1. Quản ca mở nhạc: Gọi Lửa Thiêng

Trong khi đó, Quản lửa lấy lửa từ nến Phục Sinh, châm vào ngọn đuốc. Sau đó, chạy từ trong nhà thờ đi ra trao ngọn đuốc cho cha Tuyên úy.

  1. Châm lửa (Cha Tuyên Úy)

Khi mọi người đang hát Ca Gọi Lửa Thiêng, Cha Tuyên úy nhận đuốc, đã thắp sáng từ tay quản lửa, đi một vòng đống củi. Sau khi đi được một vòng, Ngài châm lửa vào đống củi. Tiếp đến là nghi thức Chào lửa. 

  1. Chào lửa (Vũ bài chào Lửa Thiêng)
  • Quản ca mở nhạc: Chào Lửa Thiêng
  • Ban Sinh hoạt cử đội múa mẫu, đứng trong vòng tròn.
  1. SINH HOẠT VĂN NGHỆ ĐÊM LỬA THIÊNG
  2. Yêu Cầu Chung:
  3. Hình thức
  • Các tiết mục văn nghệ được chia theo đội (có 4 đội). Mỗi đội 1 tiết mục hoạt cảnh và một tiết mục ca vũ phù hợp với nội dung hoạt cảnh.
  • Xen kẽ các tiết mục của các đội có thể là các tiết mục vũ hoặc trò chơi tập thể của Ban sinh hoạt.

Chú ý:

  • Thời gian cho mỗi hoạt cảnh tối thiểu 10 phút, tối đa 12 phút.
  • Thời gian cho mỗi tiết mục vũ điệu từ 3 đến 5 phút.
  • Các diễn viên phải hóa trang phù hợp với các nhân vật trong hoạt cảnh
  • Nội dung dựa trên đoạn Kinh Thánh, các đội viết lại kịch bản sao cho phù hợp với yêu cầu được giao. Tuy nhiên, các đội không được đi quá xa với nội dung đoạn Kinh Thánh.
  1. Tiêu chí chấm điểm.
  • Nội dung (20 điểm)
  • Hóa trang (5 điểm)
  • Diễn xuất (10 điểm)
  • Tình thần đồng đội (10 điểm)
  • Thời lượng (5 điểm)
  1. Diễn Tiến Đêm Văn Nghệ
  2. Trò chơi sinh hoạt (khởi động, gây bầu khí trước khi bắt đầu)
  3. Chương trình đêm văn nghệ

Tiết mục 1: Philatô thời đại @ (Mc 15, 1 – 15; Lc 23, 13 – 23; Đức Giêsu ra trước tổng trấn Phi-la-tô; Diễn tả những bạn trẻ ngày nay đang làm ngơ trước sự thật, vì lợi ích của bản thân mà chiều theo sự ác).

Dẫn: Khi xưa Philatô là một người không có lập trường rõ ràng, dứt khoát, một người chỉ biết đến quyền lợi riêng mình…mà làm ngơ trước cái chết của Chúa Giêsu. Giờ đây, ngay thời đại của chúng ta, hình ảnh của Philatô đang tỏ hiện nơi một số bạn trẻ, vì căn bệnh vô cảm, làm ngơ trước sự thật. Các bạn trẻ này, hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “xui ai người ấy chịu”. Đó chính là thực tại đang diễn ra nơi các bạn trẻ của chúng ta. Giờ đây, xin mời cộng đoàn chúng ta cùng theo dõi tiết mục hoạt cảnh “Philatô thời đại @”.

Cử điệu mẫu: Nhân chứng giữa đời 

(https://www.youtube.com/watch?v=26QsWk-SWm0)

Tiết mục 2:  Thiên Chúa đã Chết hay còn Sống (Ga 20, 19 – 29; Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ – Tôma cứng lòng tin; Kịch diễn tả những bạn trẻ cứng lòng tin, không tin sự hiện diện của Thiên Chúa).

Dẫn: Vừa rồi chúng ta được chứng kiến hoạt cảnh Philatô thời đại @, diễn tả những bạn trẻ ngày nay đang làm ngơ trước sự thật, vì lợi ích của bản thân mà chiều theo sự ác. Giờ đây, chúng ta đến với hình ảnh của ông Tôma, một trong những tông đồ của Chúa. Ông đã cứng lòng tin, khi không tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu. Vì thế, chính Chúa hiện ra với ông Tôma và nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Thế nhưng ngày nay, Việc giữ đạo, cũng như niềm tin vào Thiên Chúa của các bạn trẻ đã giảm sút trong thời gian gần đây. Đôi khi có bạn còn đặt ra câu hoi: Tại sao lại phải tin vào Thiên Chúa. Đó chính là thực trạng đức tin ngày nay nơi các bạn trẻ. Để hiểu rõ hơn, xin mời mọi người cùng thưởng thức hoạt cảnh: “Thiên Chúa đã Chết hay còn Sống”.

Múa cử điệu: Đức Kitô đang sống

(https://www.youtube.com/watch?v=38u9QnOBQDo)

Tiết mục 3: Quay đầu (Lc 24, 13 – 35; Hai môn đệ trên đường emmau; Kịch diễn tả những bạn trẻ thất vọng, chán nản, lầm đường, nỡ bước; khi đón nhận được ánh sáng Tin mừng Phục sinh biết quay trở lại, làm lại cuộc đời).

Dẫn: Các bạn thấy sao, Thiên Chúa của chúng ta đã chết hay con sống? Thưa các bạn vẫn còn sống! Ngài chính là sự sống (Ga 14: 6), và  tất cả mọi thụ tạo đều qui hướng về Chúa Kitô (Cl 1,17). Ngay cả những người từ chối Chúa Kitô vẫn nhận được hỗ trợ từ Người vì “Thiên Chúa cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa tưới gội trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Hơn nữa, nếu Không có Thiên Chúa, con người chỉ sống đời sống vật chất. Thiên Chúa đã cảnh báo Ađam và Eva ngày họ chối Chúa, họ “chắc chắn phải chết” (St 2,17). Thật vậy, cho dù các bạn trẻ có thất vọng, chán nản, lầm đường, nỡ bước đến mức nào. Một khi các bạn ấy đón nhận được ánh sáng Tin mừng Phục sinh để biết quay trở lại, làm lại cuộc đời; thì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót vẫn luôn tha thứ và đồng hành với các bạn trên cả hành trình tiến về quê trời. Đó cũng chính là nội dung của tiết mục thứ 3 với tựa đề “Quay đầu”.

Múa cử điệu:  Hãy Đưa Con Trở Về

 (https://www.youtube.com/watch?v=6FuXZCXtfpA)

Tiết mục 4: Tin và Sống! (Ga 21, 1 – 14; Đức Giêsu hiện ra ở biển hồ Tibêria; Kịch Diễn tả về cuộc sống vất vả của những bạn trẻ nhưng các bạn vẫn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa).

Dẫn: Đã bao giờ có một ai đó nói với các bạn rằng hãy thả lưới sang phía bên phải của cuộc đời bạn, để làm một điều gì đó trái ngược lại với kinh nghiệm của bạn chưa?  Bạn đã có nghe theo lời người đó không? Rất khó phải không? Khi xưa Các ông Tôma, Náthanaen, Gioan và Giacôbê cùng với ông Phêrô đã tin vào Chúa, và làm điều trái ngược lại với kinh nghiệm của các ông. Và họ đã có một thuyền đầy cá. Trong cuộc sống ngày nay, vẫn còn một số bạn trẻ Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, các bạn nhận ra được sự hiện diện của Chúa, tìm được niềm vui và hy vọng trong Chúa. Từ đó, đem Chúa đến cho người khác, giúp mọi người luôn tin yêu vào sự Phục Sinh vinh quang của Chúa. Đó chính là nội dung của hoạt cảnh “Tin và Sống”. Xin mời mọi người cùng thưởng thức.

Múa cử điệu: Tự hào là người Công giáo

(https://www.youtube.com/watch?v=s4lwMkXVCLs)

  1. Bế Mạc
  2. Câu Chuyện Tàn Lửa
  • Nhận xét các tiết mục
  • Bài nói chuyện của Cha Tuyên Úy Sa Mạc
  1. Mang Lửa Về Tim

Dẫn: Các bạn sa mạc sinh thân mến! Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Ngọn Lửa của chúng ta đã từng bừng sáng reo vui, nhưng giờ đây chỉ còn đó than hồng rực nóng. Thật vậy, than hồng âm ỉ thì có sức nóng hơn củi đang cháy nhiều lắm. Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy hồi tâm lại đôi chút để có thể mang lửa ấy vào tim. Làm thức dậy quả tim chai đá, lạnh lùng của chúng ta. Lửa cũng là Thánh Thần, xin Thánh Thần Chúa hãy ngự mãi trong tâm hồn chúng ta. Để mỗi người chúng ta có thể can đảm như các tông đồ xưa kia, mở toang của lòng mình mà đến với tha nhân.

  • Câu chuyện tàn lửa:
  • Quản Ca mở nhạc: Mang Lửa Về Tim
  • Sa mạc sinh đứng thành vòng tròn.
  • Quản lửa mồi lửa cho các sa mạc sinh (Truyền lửa cho từng người đốt nến)
  • Hát đến lần thứ 2, Trưởng Trực điều động các bạn trong thinh lặng di chuyển Cha Tuyên úy và đoàn rước (sa mạc sinh và BTC) tiến vào nhà thờ.

 SAU ĐÓ, BẮT ĐẦU GIỜ CHẦU THÁNH THỂ.

 

Trả lời