- GHI NHỚ.
- Bí tích Giải tội là gì ?
- Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để tha các tội ta phạm từ khi lãnh Bí tích Rửa tội về sau, cùng giao hoà ta với Chúa và Hội thánh.
- THÁNH KINH.
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ ” (Ga 20, 22 – 23).
- GIẢI THÍCH.
– Ngay chiều ngày sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các Tông đồ, trao ban Thánh Thần và cho các ông quyền tha tội: “Anh em tha tội cha ai thì tội người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga, 20, 23). Lời nói trên chứng tỏ Chúa Giê-su muốn lập Bí tích Giải tội.
Bí tích Giải tội để tha tội : Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta được tha tội Tổ tông và các tội riêng, nếu có. Nhưng vì tội Tổ tông, con người trở nên yếu đuối, dễ hướng chiều về điều ác, dễ sa ngã phạm tội xúc phạm đến Chúa và Hội Thánh, làm thiệt hại cho mình và cho anh em. Biết rõ thân phận yếu hèn, tội lỗi của con người, vì thương, Chúa Giê-su đã lập Bí tích Giải tội để tha tội cho ta và giao hoà ta với Thiên Chúa, với Hội thánh và với anh em.
Chúa ban quyền tha tội: Đúng ra, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng vì không còn ở trần gian để qua hành vi, ngôn từ mà tha tội cho con người, nên Chúa Giêsu mới trao quyền cho các Tông đồ để các ông thay mặt Chúa mà tha tội cho những ai thành tâm sám hối. Hội Thánh thì trường tồn. Do đó, khi các Tông đồ khuất đi, quyền tha tội Chúa đã trao ban lại được chuyển qua người kế nghiệp, và cứ thế mà thông truyền mãi cho đến ngày nay. Kế vị các Tông đồ là các Giám mục. Các Giám mục lại chia sẻ quyền tha tội cho các Linh mục. Khi các ngài giơ tay tuyên bố trên hối nhân: “Cha tha tội cho con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thì không phải các ngài tha tội, song chính là Thiên Chúa tha thứ qua các ngài.
Muốn lãnh Bí tích Giải tội, phải làm 4 việc :
Xét mình : là nhìn lại cuộc sống đã qua xem có làm điều gì mất lòng Chúa, như : ăn gian, nói dối, nói tục, chửi thề, bài bạc, trộm cắp, say sưa, đàng điếm v.v. Mỗi thứ tội phạm khoảng mấy lần.
Ăn năn sám hối : thực tình đau buồn về những lỗi phạm và quyết tâm dốc lòng chừa, không tái phạm.
Xưng tội : Là nói cho cha giải tội những tội mình đã xét thấy một cách chân thành. Tuyệt đối không giấu giếm hay nói quanh co chữa mình.
Đền tội : Làm những điều mà cha giải tội chỉ dạy, (như đọc kinh, lần chuổi…)
(Xem BẢN XÉT MINH và CÁCH XƯNG TỘI ở cuối sách.)
- THỰC HÀNH.
Tôi quyết xa tránh dịp tội … và không bao giờ cố tình phạm tội.
- CẦU NGUYỆN.
Lạy Chúa, vì biết con yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, nên Chúa đã lập Bí tích Giải tội để tha thứ cho con. Xin giúp con luôn sống tốt, năng làm điều lành và xa tránh điều dữ. Amen.