Bài 2: Cách Thức Dẫn Lễ

BÀI 2: CÁCH THỨC DẪN LỄ

Trước hết, chúng ta cần phần biệt hai cụm từ “Chưởng Nghi” và “Người Dẫn Lễ”.

Chưởng Nghi là người sắp xếp và tổ chức cho một cử hành phụng vụ được trang nghiêm và trật tự, hầu đem lại sự sốt sắng cho cộng đoàn. Thông thường các cử hành phụng vụ lớn và quan trọng cần có người Chưởng Nghi. Nhiệm vụ của Chưởng Nghi là phải hiểu biết các tác động phụng vụ, biết bao quát vấn đề, biết phân chia công việc và luyện tập cho người khác cách chu đáo trước khi cử hành phụng vụ bắt đầu, để khi đã bắt đầu cử hành thì mọi công việc được thực hiện cách nghiêm trang và trật tự (RM 106).

Người Dẫn Lễ là người nói vài lời vắn tắt để hướng dẫn và cắt nghĩa các cử hành phụng vụ, đặc biệt là trong các Thánh Lễ có nghi thức riêng. Những lời hướng dẫn và cắt nghĩa này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước, phải vắn tắt và rõ ràng, tránh biến các lời dẫn thành diễn văn hoặc các bài giảng, hay bài suy niệm… Vị trí của người dẫn lễ đứng ở nơi thuận tiện, nhưng không được đứng nơi giảng đài (RM 105).

  1. Lời dẫn lễ

Trong các dịp đại lễ hay Chúa Nhật, lời dẫn cần thiết để giúp cộng đoàn hiểu mầu nhiệm họ sắp cử hành, hoặc dẫn ý vào các bài đọc hay các nghi thức. Cần phải phân biệt lơi dẫn khác với lời nguyện: Lời dẫn ngỏ với cộng đoàn, còn lời nguyện thì nói với Chúa; do đó nội dung và văn thể lời dẫn khác với cấu trúc của một lời nguyện.

Thông thường trong một Thánh Lễ co ba loại lời dẫn khác nhau: lời dẫn vào Thánh Lễ, lời dẫn vào các bài đọc Kinh Thánh và lời dẫn vào các nghi thức.

1. Lời dẫn vào Thánh lễ

Đây là lời dẫn tổng hợp về ý nghĩa của Thánh Lễ sắp cử hành, người dẫn lễ sẽ đọc lời dẫn này sau khi tập hát cho cộng đoàn (nếu có) và trước khi đoàn rước bắt đầu, hay trước khi hát ca nhập lễ; không bao giờ được phép đọc lời dẫn này khi chủ tế đã đến bàn thờ, bái chào và xông hương xong. Đang khi đọc lời dẫn, cộng đoàn ngồi.

Cấu trúc lời dẫn gồm ba phần:

– Câu chào: nói lên sự kính trọng đối với cộng đoàn và là câu xác định đối tượng lắng nghe lời dẫn. Câu chào có thể là: Kính thưa cộng đoàn; Kính thưa quý ông bà và anh chị em…

– Nêu lên các ý tưởng: đây là nội dung chính của lời dẫn, người dẫn lễ sẽ dẫn ra ý chính của mầu nhiệm sắp cử hành, hoặc các biến cố trong cộng đoàn, hoặc các ý hướng trong ngày lễ; vì thế, trước khi viết lời dẫn phải xác định được các ý hướng này, nếu không lời dẫn sẽ rất mơ hồ. Thể văn lời dẫn khác bài giảng hay bài suy niệm, vì thế không được viết dài lê thê, bình luận dài dòng, cần tránh các loại văn thi ca, lời văn bóng bẩy, câu văn tối nghĩa, ý tưởng ẩn dụ… ngược lại, từng câu phải rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, khi đọc lên ai cũng hiểu liền.

Lời dẫn phải làm cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy buổi cử hành liên quan đến họ, đồng thời dẫn họ đến niềm vui hân hoan bước vào Thánh Lễ.

– Câu dẫn vào Thánh Lễ: sau khi nêu lên các ý hướng mừng lễ, người dẫn lễ mời gọi cộng đoàn cùng tham dự bằng một câu dẫn vào Thánh Lễ.

Ví dụ : Lễ Khánh Thành nhà Giáo Lý.

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta qui tụ nhau nơi đây bằng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong ngày khánh thành nhà sinh hoạt Giáo lý của giáo xứ Bà Trà với Thánh lễ Tạ ơn do Đức giám mục giáo phận Phu Cường chủ sự.

“Nếu như Chúa chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126).

Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội trên nền đá tảng vững chắc là các Tông đồ. Và trên mảnh đất này, hôm nay Ngài cũng muốn cho các người thợ truyền giáo có được nơi sinh hoạt xứng đáng. Tham dự Thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý với Giáo xứ Bà Trà, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, đã cho công trình xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý của giáo xứ Bà Trà “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”, và cũng xin Chúa cho mỗi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ luôn ý thức việc sống đức tin và loan báo Tin Mừng.

Giờ đây, trong niềm hân hoan, chúng ta cùng hướng về đoàn đồng tế để chuẩn bị tham dự Hiến lễ Tạ ơn của Đức Kitô, dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại, đặc biệt là ban cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Bà Trà nhân dịp khánh thành nhà Sinh Hoạt Giáo lý hôm nay.

(Xin ban kèn trỗi nhạc) Hoặc (Xin ca đoàn hát ca nhập lễ).

  1. Lời dẫn vào các bài đọc Kinh Thánh

Lời dẫn vào các bài đọc Kinh Thánh đơn giản hơn lời dẫn vào Thánh Lễ. Vì là lời dẫn chứ không phải bài chú giải hay cắt nghĩa nên phải tránh cách nói dài dòng, quảng diễn xa xôi, lên lớp dạy đời; trái lại chỉ cần nêu lên ý chính của bài đọc, chứ không phải bình luận rồi cho một bài học áp dụng. Phần giải thích và bình luận sẽ dành cho bài giảng sau Tin Mừng. Cũng vì lý do này, người dẫn lễ chỉ viết lời dẫn cho các bài đọc, chứ không viết lời dẫn cho bài Tin Mừng. Câu văn lời dẫn phải gọn gàng, dễ hiểu, súc tích… Không bao giờ được viết lời dẫn quá dài, lê thê, thậm chí còn dài hơn cả chính bài đọc.

Cấu trúc lời dẫn này gồm hai phần: câu dẫn vào bài đọc và một hai ý chính của bài đọc này.

Câu dẫn vào bài đọc: cần thiết để người nghe biết điều gì sắp xảy ra. Không có câu dẫn, cộng đoàn rất khó xác định nội dung của lời dẫn muốn nói về điều gì. Câu dẫn có thể là: “Lời Chúa trong sách Xuất hành chúng ta sắp nghe…” ; hoặc “… những ý tưởng này được Thánh Phaolô quảng diễn trong thư gửi tín hữu Roma mà chúng ta sắp nghe sau đây”.

Nội dung bài đọc: đây là ý chính của lời dẫn, không bắt buộc phải nói hết mọi ý của bài đọc, chỉ cần nêu lên một hai ý tưởng quan trọng liên quan đến buổi lễ là đủ. Phải tránh tuyệt đối khuyến dụ hay nêu lên bài học trong lời dẫn. Ví dụ : “… Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, chính vì thế nên chúng ta cũng phải chết đi cho con người cũ của mình để được sống lại với Ngài trong đời sống mới…”; dẫn như vậy là không đúng vì đã lẫn lộn với bài giảng hay bài huấn dụ.

  Ví dụ : Thánh lễ An Táng.

Bài đọc I (Kn. 4, 7-15).

Dẫn :        Bài trích sách Khôn Ngoan mà chúng ta sắp nghe sẽ cho chúng ta hiểu rằng cái chết của con người là một điều bí nhiệm, nhưng đối với Thiên Chúa và đối với đức tin của người Kitô hữu, thì đó chính là cách mà Thiên Chúa ban ơn, thương xót đến kẻ Ngài tuyển chọn. Chúng ta cùng lắng nghe bài đọc thứ nhất.

Bài đọc II (Pl. 3, 20-21).

Dẫn :        Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Philipphê đã khẳng định: nhờ sự chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ được biến đổi thân xác yếu hèn, trở nên giống thân xác vinh hiển của Ngài để tận hưởng hạnh phúc đích thực nơi quê hương của chúng ta ở trên trời. Đó là nội dung của bài đọc thứ hai.

  1. Lời dẫn vào các nghi thức

Khi cử hành Thánh Lễ có nghi thức riêng (như Lễ Phong Chức, Lễ Cung Hiến Thánh Đường, Lễ Khấn, Lễ Thêm Sức…) nên có các lời dẫn vào các nghi thức để cộng đoàn hiểu ý nghĩa của các cử hành. Lời dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn và đúng chỗ. Cách sắp xếp lời dẫn thường theo cấu trúc của nghi thức, nghĩa là nghi thức gồm bao nhiêu phần thì người dẫn cần bấy nhiêu lời dẫn vào đầu mỗi phần. Tuy nhiên, chỉ nên dẫn ý những phần mọi người chưa quen hay ít khi tham dự, không nên dẫn ý phân mảnh, hay mỗi cử chỉ đều phải dan ý. Làm như thế có thể gọi là “xé nát phụng vụ”.

Ngoài ra, còn một số lời dẫn mang tính cach sắp xếp và mời gọi như: “Kính mời Đức Cha, quý Cha và toàn thể cộng đoàn an tọa, giờ đây Cha Chánh xứ đại diện cộng đoàn dân Chúa giáo xứ sẽ có đôi lời tri ân Đức Cha, quý Cha và toàn thể cộng đoàn” ; hoặc “Kính mời cộng đoàn đứng, giờ đây chúng ta sẽ nhận phép lành đặc biệt của Tân Linh mục trong Thánh Lễ mở tay hôm nay”…

  1. MỘT VÀI LƯU Ý ĐỐI VỚI NGƯỜI DẪN LỄ

Phải hiểu rõ về phụng vụ và hiểu rõ những nghi thức sẽ diễn ra.

Cần hiện diện trước khi Thánh Lễ bắt đầu để xem lại các khâu chuẩn bị đã ổn chưa, mặc dù đây là công việc của vị Chưởng Nghi (Ví dụ : các đồ dùng liên quan đến nghi thức như dầu Thánh, bông gòn, khăn lau tay, ghế quỳ…, và các vật dụng khác như hoa, quà, bằng khen…).

Liên hệ với vị Chưởng Nghi để nắm rõ mọi diễn tiến và nghi thức sẽ diễn ra trong Thánh Lễ (Ví dụ : Việc chào mừng, cám ơn, tặng hoa…).

Liên hệ với người phụ trách âm thanh để xem sẽ sử dụng micrô nào? (nếu là micrô không dây thì xem lại pin trong micrô có đủ sử dụng cho suốt Thánh Lễ không, tốt nhất là thay pin mới ngay từ đầu, trước khi các nghi thức diễn ra).

Tránh đi đi lại lại trước mặt cộng đoàn để làm việc này việc khác khi cử hành phụng vụ đã bắt đầu.

Khi dẫn lễ, phải có bản văn đã soạn kỹ lưỡng trươc mặt. Tuyệt đối không được nói buông dù cho đó là một nghi thức đã quá quen thuộc.

Ngoài những gì đã được chuẩn bị, người dẫn lễ cần có óc quan sát và tài biến báo để giải quyết những tình huống bất ưng có thể xảy ra, điều này đòi hỏi phải có những kinh nghiệm thực tế.

Trả lời