Ánh sáng Phục Sinh

Ánh sáng chói lòa mới mà Chúa Giêsu đem đến cho thế gian trong biến cố phục sinh cũng là một trong những điều mà lời tuyên tín Kitô giáo nhắc đến rằng “xuống ngục tổ tông”. 

Địa cầu hai lần chìm trong tối tăm. Một lần là trước thuở tạo dựng, trước khi Thiên Chúa tạo nên ánh sáng. Nhưng sau đó, có một lần còn tối tăm u ám hơn nữa, là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giữa giờ sáu và giờ chín, khi con người đóng đinh Thiên Chúa, khi Chúa Giêsu ở trên thập giá kêu lên “Lạy Chúa, lạy Chúa con, sao Ngài bỏ con!” Đó chính là bóng tối tột cùng. Để đáp lại bóng tối đó, Thiên Chúa tạo nên ánh sáng chói lòa hơn hết thảy, là sự phục sinh.

Có điều đáng chú trong cách kinh thánh mô tả về sự tạo dựng ánh sáng thuở ban đầu. Kinh Thánh mở đầu thế này: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng”. Sự kết hợp của hơi thở và lời của Thiên Chúa đã tạo nên ánh sáng đầu tiên. Người cổ đại đồng nhất sự hiện diện của Thiên Chúa với ánh sáng. Với họ, Thiên Chúa là đối lập với mọi sự tối tăm, và biểu tượng cho sự trung tín của Thiên Chúa là cầu vồng, cụ thể là ánh sáng khúc xạ, ánh sáng mở ra để bày tỏ vẻ đẹp siêu phàm nội tại của nó.

Nhưng sự tối tăm đã xuất hiện lần thứ hai. Các phúc âm nói rằng khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, dù đang giữa ban ngày, bóng tối bỗng bao trùm khắp mặt đất suốt ba giờ. Chúng ta không biết chính xác đã xảy ra chuyện gì về mặt lịch sử. Cả địa cầu chìm vào bóng tối sao? Có lẽ. Xét tận cùng, địa cầu đã đóng đinh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là sự sáng! Bất chấp chúng ta nghĩ về chuyện này theo nghĩa đen hay không, thì những gì xảy ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đó đã khơi dậy một dạng tối tăm, một sự tối tăm về tinh thần, sự tối tăm của thiếu vắng Thiên Chúa, sự tối tăm của thù hận, hoang tưởng, sợ hãi, tôn giáo lầm lạc, bạo tàn, ngẫu tượng, hệ tư tưởng và bạo lực. Đây là sự tối tăm tột cùng.

Thiên Chúa đã phản ứng thế nào với nó? Phản ứng của Thiên Chúa trước sự tối tăm trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là Ngài phán một lần nữa, “Hãy có ánh sáng!” Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là ánh sáng mới đó, ánh sáng đến cuối cùng sẽ che mờ mọi ánh sáng khác.

Có một điều đáng chú ý khi so sánh cách kinh thánh mô tả việc Thiên Chúa tạo nên ánh sáng phục sinh mới và ánh sáng thuở tạo dựng ban đầu. Phúc âm theo thánh Gioan đã có một đoạn rất khai mở tuyệt vời mô tả lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện với mọi người sau khi Ngài sống lại. Vào đêm ngày phục sinh, các môn đệ (đại diện cho giáo hội) đang tụ họp trong căn phòng đóng kín cửa vì họ sợ. Chúa Giêsu đến với họ, đi xuyên qua những cánh cửa bị khóa và đứng giữa những con người đang co lại vì sợ hãi mà nói với họ, “Bình an cho các con!” Rồi Ngài thổi hơi vào họ mà nói: “Hãy nhận lấy Thần Khí”.

Chúng ta có thể thấy sự tương đồng với sự tạo nên ánh sáng thuở ban đầu. Với tác giả phúc âm, sự lẩn trốn sợ hãi sau những cánh cửa khóa chặt chính là bóng tối của Thứ Sáu Tuần Thánh, một dạng “trống rỗng vô hình vô dạng” về tinh thần. Và Chúa Giêsu đem lại ánh sáng cho sự tối tăm đó, cũng hệt như cách ánh sáng xuất hiện vào thuở ban đầu, qua lời và hơi thở của Thiên Chúa. Những lời của Chúa Giêsu “Bình an cho các con!” chính là cách Chúa Giêsu nói “Hãy có ánh sáng!” Rồi, cũng như trong sự tạo dựng thuở ban đầu, hơi thở của Thiên Chúa bắt đầu đưa sự hỗn mang vào trật tự, thì hơi thở của Chúa Giêsu, Thần Khí, bắt đầu đem lại trật tự cho sự hỗn loạn tinh thần, liên tục biến bóng tối thành ánh sáng, thù hận thành yêu thương, cay đắng thành trìu mến, sợ hãi thành tin tưởng, tôn giáo lầm lạc thành sự tôn thờ đích thực, hệ tư tưởng thành chân lý, và sự báo thù thành sự tha thứ.

Ánh sáng chói lòa mới mà Chúa Giêsu đem đến cho thế gian trong biến cố phục sinh cũng là một trong những điều mà lời tuyên tín Kitô giáo nhắc đến rằng “xuống ngục tổ tông”. Điều này nghĩa là gì? Ngài xuống ngục nào? Nói đơn giản, ánh sáng mới của sự phục sinh (không như ánh sáng tự nhiên có thể bị chặn lại) có thể đi xuyên qua mọi cánh cửa khóa chặt, mọi lối đi bị đóng kín, mọi căn phòng không thể xuyên thấu, mọi nhóm người thù hận, mọi trầm cảm tự tử, mọi giận giữ làm tê liệt, mọi dạng tối tăm của tâm hồn và thậm chí là xuyên qua cả tội lỗi, và phả luồng hơi của sự bình an. Ánh sáng này có thể xuyên thấu cả địa ngục.

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một chuyện không hay trong tâm thức nhiều người trong một thời gian dài. Chúng ta đã đóng đinh Thiên Chúa và đẩy thế giới vào tối tăm ngay giữa chính ngọ. Nhưng Thiên Chúa đã lần thứ hai tạo nên ánh sáng, một ánh sáng không thể bị dập tắt kể cả khi chúng ta đóng đinh Thiên Chúa, mà thật sự chúng ta vẫn chưa hề ngừng việc đó! Thứ Sáu Tuần Thánh vẫn đang diễn ra hằng ngày. Nhưng trên cả kiểu ý nghĩ mơ ước và sự lạc quan tự nhiên, chúng ta đang sống trong hy vọng vì giờ chúng ta biết phản ứng của Thiên Chúa với bất kỳ dạng tối tăm tinh thần nào, Thiên Chúa có thể tạo nên sự phục sinh, ánh sáng mới, sự sống sau khi chết.

Nhà thần nghiệm Julian thành Norwich gói gọn tất cả trong câu này: “Đến cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, và mọi hiện sinh sẽ tốt đẹp”. Và Oscar Wilde thì thêm rằng, “Nếu chưa tốt đẹp, thì chưa phải là cuối cùng”. Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã đem lại ánh sáng mới vào thế gian, một ánh sáng công bố rằng ánh sáng vẫn chiến thắng bóng tối, tình yêu chiến thắng thù hận, trật tự chiến thắng hỗn loạn và thiên đàng chiến thắng địa ngục.

RON ROLHEISER, OMI

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Để lại một bình luận