Sống giữa đại dịch Covid-19, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và cách đặc biệt mỗi người chúng ta chẳng ai còn xa lạ với những từ như: giãn cách, phong tỏa, cách ly. Đây là những cách thức được dùng mong chế ngự sự lan truyền của dịch bệnh. Dù biết rằng việc cách ly là cần thiết cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng, không phải lo vì cơm nước được mang đến tận nơi và việc cách ly có thời có hạn, chúng ta vẫn không tránh khỏi cảm giác ngao ngán vì sự giới hạn của cảnh “chim lồng cá chậu”. Không gian tù túng chật hẹp đối lập với những trải nghiệm thoải mái tự do.
Bản thân Nó dù đã tiêm phòng vắc-xin và cũng rất cẩn thận giữ gìn, vậy mà cũng không tránh khỏi việc bị nhiễm bệnh. Nó phải cách ly hoàn toàn ở một nơi riêng. Với chiếc điện thoại trên tay, nó có thể tham dự Thánh Lễ online, chat với bạn bè, gọi điện cho gia đình- người thân, ngay cả thấy hình qua video chat, điều này vẫn không khỏa lấp được khoảng trống nào đó trong lòng nó. Con người ta cũng thật lạ lùng, bình thường thì có khi Tham dự Thánh Lễ một cách uể oải, mệt mỏi, phàn nàn đủ thứ …. có khi lại thích sống một cõi riêng tư với chiếc điện thoại và khi bị bắt buộc phải giữ khoảng cách với nhau lại khao khát được tham dự Thánh Lễ và mong ước được sát kề với nhau. Nó chợt hỏi: “liệu công nghệ có thể thay thế cho những cuộc gặp thể lý không? Dù có thể gặp nhau, thấy nhau qua màn hình với khoảng cách rất xa, nhưng con người vẫn mong và vẫn cần những cái bắt tay nồng ấm, những cuộc gặp gỡ thân tình, những Thánh lễ với ca đoàn, giúp lễ với lời thưa đáp sốt sắng. Vì con người đâu thể ôm trọn cái nồng ấm của nhau qua màn hình sinh động. Dù sao thì việc ngồi ăn uống chuyện trò với nhau, gặp gỡ sẻ chia niềm vui nỗi buồn cùng nhau cách trực tiếp vẫn chất và thật hơn là online.
Hai tuần sống biệt lập. Nó được chị em mang cơm đến tận nơi. Chăm lo từng bữa ăn chu đáo, bồi dưỡng, thuốc thang. Cần gì thì nó điện thoại, nhắn tin nhờ chị em giúp. Ngày ngày nó nhìn chị em đem cơm mỗi ngày 3 lần, xa xôi, rồi phải phân chia từng người, từng phòng. Rồi còn những chuyện vặt vãnh linh tinh. Đặc biệt, nơi nó cách ly gần nơi nó làm việc, ngày ngày nhìn thấy chị em nó phải làm việc nhiều hơn, nhiều giờ hơn mà không khỏi chạnh lòng. Nó thấy nhớ và mong những lúc được tham dự Thánh Lễ, hát kinh phụng vụ, ăn cơm cùng chị em… bao nhiêu dự tính, bao nhiêu công việc dở dang… Những lúc đó nó mong mình mau hết bệnh để chị em đỡ vất vả hơn và đồng thời nó cũng hiểu: nó không thể sống và vượt qua dịch bệnh nếu thiếu tình người. Tạ ơn Chúa, hoàn cảnh này giúp nó hiểu sâu và đậm hơn về tình liên đới giữa người với người. Thời gian cách ly là những tháng ngày giúp nó cảm nếm sự ngọt ngào của tình thân với những người xung quanh. Càng cảm nhận rõ và sâu hơn về những ơn ấy, nó càng thêm tri ân tình Chúa và biết ơn chị em với tất cả những gì nó được trao ban hằng ngày.
Hằng năm vào khoảng tháng 6 và tháng 7, người ta thường gọi là mùa Thánh Hiến của các Dòng tu, các Chủng viện. Để có được các phó tế, linh mục, khấn sinh khấn dòng thì tất cả các ứng sinh phải được huấn luyện một thời gian khá dài trong nơi đào tạo. Những người thụ huấn không phải tự sức mình mà phải nhờ ơn Chúa, nhờ Quý Bề Trên, thân nhân và ân nhân gần xa giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất. Và cũng song song thời gian tháng 6, tháng 7 này các Dòng tu thường tổ chức các khóa tìm hiểu ơn gọi. Bởi vì “tre già thì măng mọc”. Thật vậy, Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn chúng con được tồn tại và phát triển đến hôm nay đã 178 năm với biết bao sóng gió, biết bao thăng trầm, biết bao hy sinh của Quý Bề Trên, Quý Dì đi trước. Xin mượn lời của Đức Cố Giám Mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, viết về Hội dòng chúng con, nhân dịp Hội dòng mừng 150 năm thiết lập (ngày 14.9.1994): “…Dòng là mầm non, chiết từ Núi Sọ, trồng vào đất Cái Mơn, trong giai đoạn Hội Thánh Việt Nam đang cùng Chúa lần bước trên đường Tử Nạn (thời kỳ cấm cách), rồi phát triển trong họ đạo Cái Mơn – thời đó được kể là cái nôi truyền giáo trong vùng. Xem ra như Chúa cần nhờ con người, cũng có thể nói được là Chúa cần chị em Mến Thánh Giá để Nước Chúa được lan rộng. Hình thành trong bấp bênh, quy tụ trong khó nhọc, nhiều lần phải phân tán, nhưng cành Mến Thánh Giá vẫn len lỏi để dấn thân và lan rộng. Dòng trải qua nhiều giai đoạn phải tự lực cánh sinh vất vả lao lực bằng nghề lao động nói được là “ôm Thánh Giá để sống”.
Thật vậy, không một Hội dòng, một tổ chức, một đoàn thể nào tự phát sinh mà phải có người sáng lập cùng với sự hợp tác của nhiều người. Cũng vậy, con người khi sinh ra đã là một nhân vị và có phẩm giá làm người cũng như làm con cái Chúa, đồng thời rất cần các mối tương qua để lớn lên và phát triển. Không ai tự mình được sinh ra cũng không ai tự mình sống mà không cần người khác, không cần đến một tập thể nào như tựa đề của một bài hát sinh hoạt thiếu nhi mà chúng ta vẫn thường nghe “không ai là một hòn đảo”. Trong ca khúc “Diễm xưa”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết một câu rất triết lý: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”. Tại sao sỏi đá lại cần có nhau? Sỏi và đá không cân xứng nhau chút nào. Đá lớn, sỏi nhỏ. Những viên sỏi nhỏ phải cần tựa vào tảng đá lớn chứ. Nhưng thật lạ lùng, những tảng đá dù lớn cũng cần đến những viên đá nhỏ chèn bên dưới chân để nó vững vàng với thời gian. Đôi khi tảng đá lớn cần điểm tựa nơi viên sỏi nhỏ để đứng vững. Một dáng đá đẹp cũng cần những viên đá nhỏ đỡ nâng. Như thế, để tồn tại, sỏi đá cũng cần có nhau. “Sỏi đá cũng cần có nhau”, phương chi là con người. Người với người sống để yêu nhau như lời của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam – khi ngài phát biểu khai mạc Đêm nghệ thuật “Gánh nhau trong đời” được tổ chức lúc 19g30 ngày 27.11.2020 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh): “Đời của ai cũng là đời của tôi. Gánh của ai cũng là gánh của chúng ta. Đồng bào miền Trung cũng là đồng bào của toàn thể nhân dân Việt Nam… Đêm hôm nay không còn là đêm của riêng ai. Đêm hôm nay là đêm đồng bào. Đêm hôm nay, tất cả chúng ta, muôn lòng như một, hướng về đồng bào miền Trung”. Cùng với lời kêu gọi của Ngài qua bức thư: THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI! ngày 09/07/2021”… Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào Việt Nam khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương…”
Vâng! “Trong mọi con đường sống của nhân loại, kể cả những con đường đã được tìm kiếm và đón nhận để đáp ứng những vấn đề xã hội hiện hành, bằng những hình thức càng ngày càng mới mẻ, có một con đường trổi vượt hẳn, đó chính là con đường mang đậm nét yêu thương” và “không có một pháp chế nào, không có hệ thống luật lệ nào hay không có sự thương lượng nào sẽ thuyết phục được con người và các dân tộc sống trong sự hợp nhất, trong tình anh em và trong hòa bình, không có lý luận nào có thể trổi vượt hơn được sức thu hút của tình yêu”. (Tóm lược học thuyết xã hội các số 204 và 207).
Ban VH – TT Mến Thánh Giá Cái Mơn