Mục Vụ Tháng 5. 2022: Người Trẻ Ngày Nay Cần Được Quan Tâm Trong Hành Trình Đức Tin

Những năm gần đây sự phát triển của công nghệ thông tin, cách riêng là internet đã có những tác động làm thay đổi tất cả mọi bậc thang giá trị của cuộc sống giới trẻ. Nhiều bạn trẻ chạy theo những giá trị ảo làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, sức khỏe, tinh thần và sự phát triển hoàn thiện nhân cách. Ngày xưa, người ta nói đến “tứ đổ tường” gồm có: cờ bạc, rượu chè, trai gái… Ngày nay cũng thế “tứ đổ tường” ấy bao gồm cả truyền thông và internet.

Thật vậy, nhiều bạn trẻ dính vào game và số không nhỏ các bạn trẻ khác lao vào facebook, tiktok…. Nhiều bạn trẻ do lạm dụng nó mà đưa đến những hậu quả khôn lường, họ đã đánh mất thời giờ, học hành, tương lai bằng trò chơi, hay lướt web. Trong khi đó, các lớp Giáo lý thì vắng vẻ, nhà thờ thì thưa thớt vì họ đã có một nơi khác để đi, quán game để đến.

Quan sát Thánh lễ ngày thường nơi các họ đạo, chúng ta chỉ nhìn thấy phần đông là người lớn tuổi và một ít thiếu nhi. Vậy, người trẻ họ ở đâu? Khi được ông bà, cha mẹ nhắc nhở thì họ thưa “con phải đi học thêm, con phải đi làm thêm, đi học, đi làm về con chỉ muốn nằm…”, hay “lễ sáng sớm quá, con dậy không được”, … Và có rất nhiều lý do khác. Họ đi lễ mỗi tuần một lần vào ngày Chúa Nhật đã may mắn lắm rồi!

Nhìn vào thực trạng của giới trẻ ngày nay thì việc mục vụ trong Giáo hội rất là quan trọng. Giới trẻ chính là đối tượng mà Giáo hội địa phương cần phải dành nhiều sự quan tâm hơn. Vì nếu không quan tâm chăm sóc mục vụ kịp thời sẽ là một nguy cơ dẫn đến sự xa lìa đức tin nơi các bạn trẻ. Đối diện với thời đại này, là những Giáo sĩ, Tu sĩ hãy học và bắt chước câu nói của Chúa Giê-su: “Tôi chính là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành hy sinh mạnh sống cho đoàn chiên”. (Ga 10, 11)

Thế hệ trẻ ngày nay không hoàn toàn bỏ rơi Thiên Chúa. Nhưng họ rất cần được nghe những lời nhắn nhủ cụ thể và tốt đẹp, nhất là họ mong được trông thấy trước mắt những hành động nêu cao đức tin, những việc làm biểu lộ đức tin sống động, vừa đơn sơ, dễ cảm nhận, vừa có sức thu hút tâm tình giới trẻ.

Có một câu chuyện kể lại rằng: Đại sử gia người Đức, Godefroid Kurth thích kể kỷ niệm này: Lúc 10 tuổi, tôi học tiểu học. Chiều kia, bãi lớp, tôi ra về, nhưng vì quên một vật ở lớp, tôi lui lại lớp. Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào. Tôi tưởng không có ai. Ngờ đâu, thầy giáo tôi đang quỳ cầu nguyện, mắt ngước lên Thánh Giá. Đã hơn 50 năm rồi, mà hình ảnh này vẫn sống mãi trong trí tôi. Và hình ảnh này đã giúp tôi rất nhiều trên con đường tốt của tôi. (sưu tầm)

Vì vậy, ngày nay khi làm mục vụ nơi các họ đạo, các Giáo sĩ và Tu sĩ cần quan tâm đến việc làm sao để truyền tải được niềm vui Tin Mừng cho người trẻ, có lẽ chúng ta chưa đủ sức thu hút và chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo họ. Chẳng hạn, việc học hỏi giáo lý trong các lớp học còn quá nặng nề và cứng nhắc, làm cho người học không cảm thấy có Chúa. Những bài giảng giáo lý thiếu thuyết phục và không lôi cuốn. Lớp trẻ theo học giáo lý vì miễn cưỡng để lãnh đủ các Bí tích là xong bổn phận. Sau đó, người trẻ cho Chúa qua một bên để họ sống theo cách của mình. Thêm vào đó, mối tương quan giữa mục tử và con chiên có lẽ còn xa cách, vì cuộc sống mưu sinh cho nên việc gặp gỡ trò chuyện với giới trẻ cũng hiếm khi. Chính vì vậy, họ không cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương, và nâng đỡ của Giáo hội giữa những sóng gió của cuộc đời.

Vai trò của người mục tử rất quan trọng cho giới trẻ, người mục tử phải bén nhạy và tế nhị hơn để ứng dụng vào hoàn cảnh mục vụ của mình. Hành trang đời mục tử không vững vàng về các chuyên môn thì cũng khó mà đối phó với những vấn đề phải cập nhật thường xuyên. Một số Giáo sĩ và Tu sĩ thì tìm cách khẳng định mình trong các sinh hoạt, làm sao để mình trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người. Một số thì quá bận tâm chuẩn bị những kỹ năng cho các sinh hoạt hơn là bận tâm sống giá trị Tin mừng, quên đi chiều kích nội tâm. Cũng thế, có một số tu sĩ sẵn sàng bỏ các giờ Kinh nguyện, Thánh lễ chung của cộng đoàn để tham gia các hoạt động, phục vụ các nhu cầu bên ngoài. Chúng ta quên mất rằng điều thành công trong mục vụ không phải dựa trên phương pháp kỹ thuật và mánh lới ở đời, nhưng là nắm chặt bàn tay Chúa Giê-su, để Người dẫn chúng ta đi, hãy đặt trái tim của mình vào trong trái tim Người trong sự kết hợp mật thiết, sâu xa để cảm nghiệm và sống như Thánh Phaolô: “Tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. (Gl 2, 20)

                                                                                                                          Ban VH – TT Mến Thánh Giá Cái Mơn

Trả lời