Suy Niệm 1:
Sứ Vụ Người Môn Đệ
Hành trình sứ vụ của người môn đệ khởi đi từ việc được Chúa Giê-su mời gọi, ở với Ngài và sai đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Đó là sứ mệnh và cũng là bổn phận chính yếu của những ai làm môn đệ của Chúa Giê-su. Và để cho người môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng không còn bận tâm nhiều của cải vật chất, hay ràng buộc bởi tình cảm cá nhân nào đó, nên hôm nay Chúa Giê-su đã chỉ dẫn cho các ông hành lý mang theo là gì, cách ứng xử thế nào cho đúng với chức phận của người được sai đi và cung cách của người làm việc tông đồ.
Khi đọc bản văn Tin Mừng thánh Máccô cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su đã biết trước mọi điều các môn đệ cần gì và phải đối diện điều chi khi các ông làm chứng cho Ngài. Trước tiên, Chúa Giê-su cho các môn đệ hiểu rằng, sứ vụ loan báo Tin Mừng không chỉ nói về Chúa mà thôi nhưng còn cần đến một việc làm chứng nhân sống động, do đó Ngài đã trao “Quyền trừ quỷ” cho các ông. Điều này nhằm làm tăng sự khả tín cho lời rao giảng của các ông. Kế đến, Chúa Giê-su biết được rằng, các môn đệ vẫn còn đó những yếu đuối phận người, dễ mềm lòng trước những quyến rũ của thế gian, bởi những tiện nghi vật chất, khiến các ông phân tâm mà lãng quên bổn phận chính của mình là rao giảng Tin Mừng, vì thế Chúa Giê-su nói: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”.
Ngoài ra, Chúa Giê-su còn căn dặn các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do, thế nên họ có thể tin hay không tin Lời của Chúa đó là quyền của mỗi người. Đối với các môn đệ cũng thế, khi đi rao giảng nếu thính giả không đón nhận Lời Chân Lý, thì các ông cũng đừng buồn và nản chí, nhưng hãy làm trọn bổn phận mình là dám nói sự thật và sống thật với những điều mình rao giảng, nhất là hy vọng họ nhận ra tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa để quay về với Người.
Nhìn về góc độ nào đó trong cuộc sống hiện tại, xem ra công cuộc loan báo Tin Mừng cũng dễ dàng lan tỏa đến với những ai chưa nhận biết Chúa, qua các phương tiện truyền thông. Vì nó giúp cho chúng ta kết nối, tương tác rất nhanh chóng và thuận tiện, như ta muốn nghe một đoạn Lời Chúa, một bài giảng … chúng ta có thể search lên youtube, tiktok, hay một ứng dụng nào đó liền có ngay. Đó là những điều thuật lợi mà người môn đệ có thể dùng để hỗ trợ cho công việc truyền giáo của mình trong thời cuộc hôm nay. Tuy nhiên, Lời Chúa Giê-su hôm nay mời gọi chúng ta – là người tông đồ của Chúa, Người mong muốn ta ý thức và cẩn trọng hơn về những hành trang hỗ trợ cho sứ vụ của mình. Chúng chỉ là phương tiện giúp chúng ta đạt được mục tiêu là loan truyền tình thương của Chúa và lôi kéo mọi người trở về với Chúa. Nếu chúng ta bám víu vào những điều đó thì chúng có thể là nguy cơ khiến ta không toàn tâm toàn ý cho sứ vụ của mình.
Nguyện xin Chúa Giê-su giúp chúng con luôn thanh thoát trong mọi việc và nhẹ nhàng trong mọi của cải mà chúng con sở hữu, hầu những điều ấy trở nên dụng cụ hỗ trợ chúng con làm sáng Danh Chúa. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy Niệm 2:
Sau một thời gian huấn luyện, các môn đệ đã được nghe thấy bao việc Chúa làm và giảng dạy. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giê-su sai các ông đi thực tập truyền giáo, đã đến lúc các ông phải nói và làm như Người. Chúa Giê-su sai các môn đệ đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền chữa bệnh, xua trừ ma quỉ, và không cho các ông mang theo gì, ngoài cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người. Chúa Giê-su còn dặn bảo các ông: đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng và làm phúc cho những người ở đó. Nếu nơi nào người ta không chịu lắng nghe, đón nhận thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.
Trong cuộc sống mỗi công việc chúng ta làm đều cần có phương tiện, dụng cụ, phương thức để đạt tới mục tiêu. Trên thế giới này có biết bao nhiêu là ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên cũng có vô vàn những phương tiện thích hợp. Đối với lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất chính là mỗi người chúng ta. Vì con người chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, để qua chính đời sống của mình mà người khác có thể theo Chúa và tin yêu Chúa.
Qua Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi chúng ta có bổn phận và trách nhiệm phải thi hành sứ mạng ngôn sứ, nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giê-su như lời Người dạy: ”Các con là chứng nhân của Thầy”. Quả thậy, rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông, nhưng phải dùng cả đời sống, con người của mình để làm chứng cho Chúa. Vì vậy, mỗi người hãy sống đạo đức, thánh thiện để chúng ta mới có thể xứng đáng là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại, nếu đời sống của chúng ta cứ tà tà, thờ ơ, nguội lạnh thì chúng ta chỉ là những người “phản chứng” mà thôi.
Thế nên, chúng ta có thể nói việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất chính là ta thực hành đức tin trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nghĩa là chúng ta vẫn vững lòng tin, cậy, mến vào Chúa khi ta gặp khó khăn, đau khổ, và thử thách trong cuộc sống. Giữa những thăng trầm cuộc sống chúng ta phận người yếu đuối dễ bị cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, chúng khiến chúng ta nghi ngờ quyền năng và lòng thương xót của Chúa, để khi đó chúng ta sống xa luật Chúa, luật Giáo Hội, lười biếng đi đọc kinh, dự lễ và lãnh bí tích. Những lúc như thế, chúng ta can đảm chiến đấu và chạy đến với Chúa, ở với Chúa để Người ban ơn, nâng đỡ và giúp chúng ta có thể vượt thắng những cám dỗ, mà chu toàn bổn phận trách nhiệm làm chứng nhân cho Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con đức tin, đức cậy và lòng mến của Chúa, để chúng con không ngừng cố gắng sống đạo đức, thánh thiện mỗi ngày một hơn, để qua chính suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng con, người khác nhận ra Chúa, tin và yêu mến Chúa. Amen.
Anrê Nhật Trường