Thiên Chúa là không thể diễn tả, đó là chân lý đầu tiên chúng ta có về Thiên Chúa. Như thế có nghĩa, chúng ta không thể tưởng tượng hay định nghĩa Thiên Chúa vào trong một khái niệm.
Xét về mọi mặt, tôi nghĩ tôi đã lớn lên với một khái niệm tương đối lành mạnh về Thiên Chúa. Thiên Chúa trong tuổi thơ của tôi, Thiên Chúa tôi được học trong giáo lý, không phải là Đấng trừng phạt quá đáng, độc đoán hay phán xét. Cứ cho là Ngài hiện diện khắp mọi nơi nên mọi tội lỗi của chúng ta đều bị Ngài biết và ghi lại, nhưng xét cho cùng, Ngài công bằng, yêu thương, đích thân quan tâm đến từng người, bảo vệ chúng ta đến mức cho chúng ta mỗi người một thiên thần hộ mệnh. Thiên Chúa đó cho tôi được sống mà không quá sợ hãi và không bị những tác động méo mó của tôn giáo làm rối loạn thần kinh.
Nhưng hình ảnh Thiên Chúa này chỉ giúp chúng ta tiến được chừng đó. Không có quan niệm không lành mạnh về Thiên Chúa không có nghĩa là có được một quan niệm lành mạnh rõ ràng. Thiên Chúa mà tôi được dạy hồi nhỏ không nghiêm khắc và phán xét quá mức, nhưng cũng không quá vui vẻ, cười đùa, hài hước hay hóm hỉnh. Nhất là Thiên Chúa này không có tính dục, đặc biệt thận trọng và không nhân nhượng trong lãnh vực này. Về căn bản, Thiên Chúa này u ám, nặng nề, không phải người để chúng ta vui vẻ ở gần. Ở gần Ngài thì phải trang nghiêm và cung kính. Tôi nhớ cha phó giám tập của tôi ở Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ nói, không hề có ghi chép nào về việc Chúa Giêsu cười.
Sống với một Thiên Chúa như vậy, căn bản chúng ta phải có sức mạnh. Nhưng khi đặt nặng Ngài như thế, chúng ta không hoàn toàn hăng hái bước đi trên đường đời, và mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta chỉ có thể là trang nghiêm và cung kính.
Rồi cách đây hơn một thế hệ, trong các giáo hội và các nền văn hóa đã có một phản ứng mạnh với khái niệm này về Thiên Chúa. Thần học và linh đạo đại chúng bắt đầu sửa đổi, đôi khi còn phản ứng một cách dữ dội thái quá. Cái mà họ muốn đưa ra là một Chúa Giêsu đang cười, một Thiên Chúa nhảy múa, và dù điều này không phải là không có giá trị, nhưng nó vẫn làm chúng ta đi tìm một lời sâu sắc hơn về bản tính Thiên Chúa và ý nghĩa của điều này với sự lành mạnh và các mối quan hệ của chúng ta.
Văn học này không dễ viết ra, không phải vì Thiên Chúa không thể diễn tả, nhưng vì năng lực của Thiên Chúa là điều không thể diễn tả được. Vậy thật sự năng lực này là gì? Chúng ta hiếm khi đặt câu hỏi này, vì chúng ta xem sinh lực là một điều gì đó căn bản, không thể định nghĩa, mà chỉ có thể xem là một cái gì đó đương nhiên, hiển nhiên. Chúng ta xem sinh lực là lực nguyên thủy, nằm ở trung tâm mọi hiện hữu có sự sống hay không có sự sống. Hơn nữa, chúng ta cảm nhận được năng lực một cách rất mạnh mẽ bên trong mình. Chúng ta nhận biết sinh lực, cảm nhận được sinh lực, nhưng hiếm khi nhận ra được nguồn gốc của nó, sự phi thường, niềm vui, sự tốt lành, sôi nổi và hồ hởi của nó. Hơn thế, chúng ta hiếm khi nhận ra được điều nó nói với chúng ta về Thiên Chúa. Nó nói gì với chúng ta?
Phẩm chất đầu tiên của sinh lực là phi thường. Nó phi thường vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và điều này nói lên điều gì đó về Thiên Chúa. Một Đấng Tạo Hóa nào lại tạo ra hàng tỷ tỷ vũ trụ mà chẳng để làm gì? Một Đấng Tạo Hóa nào lại tạo ra hàng tỷ tỷ giống loài có sự sống, hàng tỷ tỷ triệu triệu loài trong đó chưa bao giờ con người nhìn thấy? Loại người cha, người mẹ nào lại có hàng tỷ người con?
Và sự tràn đầy năng lực nơi trẻ con nói lên điều gì về Đấng Tạo Hóa? Sự vui đùa của chúng gợi ý gì về điều hẳn cũng đã ẩn trong sinh lực thiêng liêng? Sinh lực của chú chó con cho chúng ta biết điều gì là thiêng liêng không? Tiếng cười, hóm hỉnh, châm biếm nói với chúng ta điều gì về Thiên Chúa?
Chắc chắn sinh lực chúng ta nhìn thấy quanh mình và cảm nhận trong chính mình đang nói với chúng ta, ẩn dưới mọi sự khác, có một nguồn năng lượng thiêng liêng, cả về thể chất lẫn tinh thần, và cội nguồn của nó là vui vẻ, hạnh phúc, vui đùa, hồ hởi, sôi nổi, riêng tư và yêu thương. Thiên Chúa là nền tảng cho sinh lực đó. Sinh lực đó nói về Thiên Chúa, sinh lực đó cho chúng ta biết vì sao Thiên Chúa tạo ra chúng ta và cho chúng ta những gì để sống cuộc sống của chúng ta.
Thiên Chúa là không thể diễn tả, đó là chân lý đầu tiên chúng ta có về Thiên Chúa. Như thế có nghĩa, chúng ta không thể tưởng tượng hay định nghĩa Thiên Chúa vào trong một khái niệm. Mọi hình tượng về Thiên Chúa đều không đủ, nhưng phải công nhận, chúng ta nên hình dung mọi chuyện như thế. Ở trung tâm mọi sự, ẩn chứa một năng lượng không thể tưởng tượng được, đó không phải là một sức mạnh vô ngã, mà là một con người, một khối óc, một trái tim tự phát yêu thương. Từ nền tảng này, con người này phát sinh ra mọi sinh lực, mọi sáng tạo, mọi sức mạnh, mọi tình yêu, mọi nuôi dưỡng, mọi vẻ đẹp. Hơn nữa, sinh lực đó, cũng như cội nguồn thiêng liêng của nó, không chỉ đầy sáng tạo, thông minh, riêng tư, và yêu thương, mà trong cốt lõi còn vui vẻ, đa dạng, hóm hỉnh, vui đùa, hài hước, gợi tình và hồ hởi. Sống trong sinh lực đó là cảm nhận một mời gọi mãi mãi ghi ơn.
Thách thức trong cuộc sống chúng ta là sống trong nguồn sinh lực đó theo cách tôn vinh vừa sinh lực vừa cội nguồn của nó. Như thế nghĩa là cởi giày trước bụi gai bốc cháy khi chúng ta tôn kính sự thiêng liêng, cả khi chúng ta liên tục được sự cho phép của nó, để trở nên mạnh mẽ, tự do, vui vẻ, hài hước, và vui đùa mà không cảm thấy mình đang trộm lửa của các vị thần.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch