Mục Vụ Tháng 05. 2024: Những Trở Ngại Cho Việc Tham Gia

ĐÂU LÀ NHỮNG TRỞ NGẠI CHO VIỆC THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO?

Sinh ra trong lòng Giáo Hội qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành thành viên chính thức của Hội Thánh, trở thành dân Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta có bổn phận và trách nhiệm cùng tham gia vào những sinh hoạt của Hội Thánh, cùng chung tay xây dựng Hội Thánh, nhưng trong thực tế thì phần đông người tín hữu thời hiện đại không thể tham gia vào những sinh hoạt tông đồ như thời Hội Thánh Tiên Khởi bởi nhiều nguyên do chi phối và tác động tạo nên tình trạng này.

  1. Về mặt khách quan

            Xã hội hiện đại của thời công nghệ thông tin, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa đã tạo nên hiện tượng di dân mạnh mẽ, tạo nên những hệ lụy tất yếu trong cuộc sống gây nên áp lực căng thẳng, mệt mỏi cho con người khiến nhiều người mất phương hướng, mất mục đích không còn chuẩn mực, niềm tin bị đánh cắp và những chủ nghĩa cá nhân, những chủ trương của các học thuyết ra đời làm cho nhiều người xa dần Giáo hội, cùng với những lối giáo dục tuyên truyền nhiều nơi, nhiều quốc gia tạo nên cái nhìn không thiện cảm, thù địch với Giáo Hội.

  1. Về mặt chủ quan

            Có nhiều người mang não trạng giữ đạo chứ không phải sống đạo và truyền đạo. Người ta chỉ bận tâm giữ đạo là tốt rồi còn việc truyền đạo không liên quan đến mình. Trích huấn từ của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng trong dịp gặp khối tông đồ giáo dân nói về các thái độ của giáo dân trong công việc phục vụ giáo xứ và tham gia vào đời sống Giáo Hội. Ngài đã chia sẻ những thái độ này:

            Thứ nhất là những người thụ động trong giáo xứ chẳng làm gì hết, sáng Chúa Nhật, chiều Chúa Nhật đi lễ, lễ xong về nhà. Rồi lâu lâu Cha sở hô hào gì đó thì bỏ tiền vào giỏ rồi thôi, chỉ lo đủ để lên Thiên Đàng thôi, nghĩa là chỉ lo cho yên thân yên phận mình, hoặc nếu có thì Cha Sở hay Hội Đồng Mục Vụ nhờ ông làm giúp tôi cái này hay Bà quét dùm tôi cái sân kia … chỉ chờ lệnh để làm mà thôi, chờ xem ai nhờ làm cái gì thì mình cũng làm một tí rồi về. Cái đó chưa được gọi là tham gia đâu, không dám dấn thân, không dám làm gì hết.

            Thứ hai: có những người ngược lại thì rất tích cực, việc gì cũng có mặt cũng xông xáo, nhưng những người này đôi khi lại rơi vào một cạm bẫy khác là “bao sân” là độc quyền, là độc tài, bắt người khác phải theo ý mình, mà họ quên rằng: Tôi có phần của tôi mà người khác cũng có phần của người khác, mình bắt người khác hoàn toàn theo ý mình thì nó không phải là tham gia, đó không phải là tinh thần của Giáo Hội.

            Rồi khi chúng ta để ý đến những công việc như vậy chúng ta lại rơi vào cạm bẫy khác, là chúng ta chỉ quan tâm tới những người làm được việc thôi, ai có khả năng thì chúng ta nhận biết, ai nổi bật thì chúng ta chơi với người ấy, còn người ốm đau bệnh tật hay những người Chúa cho khả năng ít hơn, không phải họ lười nhưng họ nhiều giới hạn thì mình không thèm chơi, mình loại người ta ra.

            Và khi mình hiểu sai trước những thực tế như thế dễ làm cho đời sống cộng đoàn chúng ta không “khỏe”, lắm tranh chấp, lắm chia rẽ.

            Sự bảo thủ, cố chấp, chậm tiến của nhiều người trong Giáo hội tự mình khép lại như những pháo đài kiên cố, không bước ra khỏi chính mình để cùng bước đi, cùng cảm nếm, cùng đối mặt, cùng tìm cách giải quyết những vấn nạn, thách đố, những nổi đau của cả nhân loại. Chúng ta biết rằng sứ mạng của Giáo Hội là muối là men để ướp mặn…nhưng để có thể chu toàn sứ mệnh đó thì Giáo hội phải đi vào trong xã hội.

            Tóm lại, do tâm thức não trạng ỷ lại, cố chấp, bảo thủ, khép mình và đòi hỏi như trong bài giảng của Đức Cha Giuse Nguyễn Năng Ngài đã chia sẻ như sau: “Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn có những mục tử nhiệt tình, giỏi hoạt động nhưng có lẽ chúng ta tìm mỏi mắt cũng không có được một linh mục nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu của anh chị em đâu, anh chị em hãy chấp nhận sự giới hạn của các Ngài, con người chúng tôi là như vậy đó, Chúa chọn chúng tôi là như vậy đó, anh chị em chấp nhận, đón nhận cái thực tế của con người linh Mục, và hãy đón nhận sự nhỏ bé giới hạn của nhau. Tất cả chúng ta đều là những viên đá sống động và tất cả đều có thể làm nên dân thánh Chúa”.

            Vậy Tham gia là gì? Tham gia là mỗi người có trách nhiệm riêng của mình và mình làm tròn trách nhiệm ấy trong sự hiệp thông với người khác thì đó là tham gia.

TYM

Để lại một bình luận