TRUYỀN GIÁO: SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI TÍN HỮU
Chúng ta đang sống giữa một thế giới văn minh phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng. Có thể nói đây là thời gian đang lên ngôi của chủ nghĩa vật chất và sức mạnh thần thiêng bị coi thường. Dường như Thiên Chúa bị lãng quên và đa phần con người sống để hưởng thụ vì đối với họ, sau cái chết thì mọi sự không tồn tại. Tôn giáo chỉ là ảo tưởng, là một thứ thuốc phiện ru ngủ làm mê hoặc lòng người. Trước những thực tại khá bi quan như thế thì đối với chúng ta là những người sống niềm tin, chúng ta phải làm gì?
Qua dòng thời gian, Mẹ Giáo Hội không ngừng kêu gọi con cái thực hiện sứ mạng của mình. Nhờ Bí Tích Rửa tội, người tín hữu chúng ta nhận lãnh được một kho tàng ân huệ vô giá là đức tin. Trãi dài năm tháng, nhờ ân ban của Thiên Chúa, cùng với sự nỗ lực của chúng ta, niềm tin được lớn lên, giúp chúng ta vui sống hạnh phúc trong ân sủng của Thiên Chúa. Vì trần gian là chốn khách đày, cuộc sống không sao tránh khỏi những thử thách, khổ đau… nhưng chúng ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc vì bên cạnh cuộc đời có Chúa luôn đồng hành. Trên Thập giá Máu và Nước của Chúa đổ ra để cứu chuộc hết thảy nhân loại, chứ không chỉ cứu chuộc cho dân riêng của Ngài. Vì muốn thông truyền Tin Mừng của Chúa để mọi người cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ, cho nên sứ mạng của Hội Thánh cũng như của mỗi người chúng ta là loan truyền Tin mừng của Đức Kitô Phục sinh.
“Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, giảng dạy cho mọi loài thụ tạo” (Mc 15,16). Đây là lệnh truyền của Đức Giêsu trao gởi cho các môn đệ trước khi Ngài lên trời. Lệnh truyền của Chúa ngày xưa vẫn luôn vang vọng, cấp bách và có giá trị mọi nơi, mọi thời. Là Kitô hữu, nhất là vị trí của một nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta cần tìm những phương thế hữu hiệu nhất để hoàn thành lệnh truyền của Ngài
Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là Truyền giáo”. Bản chất của người tín hữu là Truyền giáo. Vì thế mọi người đều có nhiệm vụ thừa sai như nhau. Tuy nhiên chức năng và hoạt động có thể khác nhau tùy nhu cầu và khả năng thực hành riêng biệt của mỗi người.
Mục đích của Truyền giáo là loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, tin vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng và là nguồn mạch yêu thương. Với tư cách là người thực hiện sứ vụ thì nhà Truyền giáo không thể làm cho người khác trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, nếu bản thân nhà Truyền giáo không là môn đệ đích thực của Ngài. Sứ vụ của nhà Truyền giáo là đem Tin mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Vì thế, để thực hiện sứ vụ cao cả nầy luôn cần những con người nhiệt thành và những chứng nhân đích thực. Là nữ tu sống theo Linh đạo và đặc sủng Dòng Mến Thánh Giá: “sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo Hội địa phương”, chúng ta phải can đảm bước ra khỏi chính mình, phải mạnh dạn lên đường dấn thân bằng việc đối thoại với khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm lạc quan tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng yêu thương.
Chúa phán: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Anh em hãy xin chủ mùa sai thợ gặt ra đồng gặt lúa đem về” (Mt 9,37-38). Đức Giáo Hoàng Phaolo VI lưu ý: con người thời đại hôm nay thích thấy chứng nhân hơn nghe lời thầy dạy. Xã hội hiện đại rất cần đời sống chứng tá của chúng ta. Nếu chúng ta không có chút nào kinh nghiệm về Thiên Chúa thì không thể nói Chúa cho người khác. Cầu nguyện là cách Truyền giáo dễ dàng nhưng hiệu quả nhất. Cần cầu nguyện nhiều, cầu nguyện cho những nổ lực của mọi thành phần dân Chúa được đơm hoa kết trái. Nếu chúng ta thiếu cầu nguyện thì không thể giúp người khác gặp Chúa. Nếu chúng ta không hăng say rao truyền Lời Chúa, thì như Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nếu người tông đồ không dám quên mình, không dám buông bỏ cái tôi hay chỉ vì tư lợi thì không thể nói cho ai nghe Tin mừng của Thiên Chúa tình thương. Người tông đồ không có đời sống đạo đức, thì lời rao truyền của họ sáo rổng, không đem lại chút hiệu quả nào.
Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, nếu không truyền giáo là tự đánh mất bản chất của mình. Vì thế mọi phần tử của Hội Thánh phải hăng say loan báo Tin Mừng. Trước hết phải hiểu biết về Chúa với lòng thành kính mến tin, siêng năng cầu nguyện, sống khiêm tốn đơn sơ và hành động theo sự hướng dẩn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều nầy: “Tôi trồng, Appôlô tưới, Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3,6). Vì thế, bổn phận gieo trồng hạt giống Tin mừng hôm nay chúng ta phải làm, còn việc vun tưới và kết quả mùa gặt thế nào là việc của Thiên Chúa. Cho nên chúng ta phải lo gieo vải, vun trồng trọn vẹn bổn phận hiện tại, còn tương lai và kết quả phó dâng cho Chúa.
PHÚT HỒI TÂM
- Nhìn cánh đồng Truyền giáo bao la của Giáo Hội, tôi có suy nghĩ và thao thức đến việc Truyền giáo không?
- Giáo phận Vĩnh Long chỉ có khoảng 200.000 giáo dân, con số quá nhỏ bé so với tổng số dân cư của 3 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và 1 phần tỉnh Đồng Tháp). Tôi có ý thức, có hy sinh cầu nguyện cho lương dân trong Giáo Phận của tôi không?
- Tôi đang được ở trong đoàn chiên của Chúa, được no đủ hồn xác hằng ngày. Tôi có chạnh lòng thương khi nhìn thấy rất nhiều người bơ vơ chưa thuộc đàn chiên của Chúa không?
- Hằng ngày, tôi có hy sinh cầu nguyện cho ý nguyện trong kinh Lạy Cha “nước Cha trị đến…” được mau thể hiện không?
- Tôi có ý thức việc mở rộng Nước Chúa là sứ vụ hàng đầu của tôi như Thánh Phaolo nói: “Thật khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Đức Kitô” không?
- Trong thôn xóm tôi, còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Tôi có thường xuyên thăm viếng, giúp đỡ, để qua việc làm của tôi, đánh động lòng họ; nhờ đó họ tin nhận Chúa không?
- Tôi có dám lên đường đến vùng ngoại biên, những nơi khó khăn để thăm người nghèo: nghèo đức tin, nghèo văn hóa, nghèo tình thương, nghèo vật chất và dám chia sẻ cho họ những gì Chúa ban cho tôi không?
- Tôi có vận dụng hết khả năng Chúa ban cho tôi: từ khối óc, con tim, lời nói, hành động để nói về Chúa cho lương dân không?
Lạy Chúa Giêsu! Xin Chúa chúc lành và hoàn tất những nỗ lực của chúng con trong việc làm cho nước Chúa lan rộng khắp nơi. Amen.
Ban Đời Sống Thánh Hiến