Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B

Suy Niệm 1:

 Chúa Ba Ngôi Ở Trong Ta

Bổn phận hàng đầu của các môn đệ chính là làm cho mọi người trở thành môn đệ của Chúa Ba Ngôi, như lời Chúa Giê-su nói “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy các con”. Đồng thời, khi các môn đệ thực hiện sứ vụ đó, Chúa Giê-su hứa sẽ không để các ông “đơn hành” nhưng có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện và hoạt động cùng với các ông, qua lời Ngài nói “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Trong khung cảnh Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su mong muốn các môn đệ thực hiện hai bổn phận quan trọng: Một là làm phép rửa cho họ, hai là dạy bảo họ tuân giữ các giới răn. Trước tiên:

  • Làm phép rửa cho họ”. Điều kiện duy nhất để chịu Phép Rửa là phải tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Và để một người tin vào Chúa cần có những người rao giảng Tin Mừng. Do đó, bổn phận chính yếu của các môn đệ là loan báo Tin Mừng trước khi con người có thể tin và chịu Phép Rửa, để trở thành người môn đệ mới của Chúa.
  • “Dạy bảo họ tuân giữ các giới răn”. Để chứng tỏ niềm tin, đòi hỏi người tín hữu cần giữ giới răn. Vì vậy, bổn phận thứ hai của người môn đệ là tiếp tục chỉ dẫn các tín hữu giữ các điều răn Chúa dạy. Và khi tuân giữ các giới răn đó, ắt hẳn người ấy sẽ được “ở lại” trong tình thương của Người.

Như vậy, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng luôn là bổn phận được ưu tiên trong cuộc đời của các môn đệ, vì nhờ sự vụ ấy con người mới có thể nhận biết Thiên Chúa là ai và nhận ra Người đã yêu thương họ thế nào?

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn hứa bảo đảm với các môn đệ rằng, “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Thật vậy, Chúa Giê-su không bao giờ bỏ rơi các môn đệ sau khi trở về với Chúa Cha, bởi vì Ngài đã ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Nên Ngôi Ba Thiên Chúa luôn hoạt động bên trong các ông. Chúa Thánh Thần giúp các ông thấu hiểu những điều Chúa Giê-su đã nói và hướng dẫn các ông am hiểu mọi sự thật về Thiên Chúa và con người. Không những thế, các môn đệ còn được Chúa Giê-su trợ giúp và bảo vệ từ bên ngoài. Chúa nhìn thấy mọi việc xảy ra nơi các ông, vì Ngài ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu những trợ giúp cần thiết cho các ông “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”. Nếu các môn đệ xác tín vào sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình, thì các ông sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì và luôn trung kiên làm chứng cho Thiên Chúa.

Qua việc Chúa Giê-su trao sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài cũng mời gọi chúng ta ý thức lại sứ mạng loan báo Tin Mừng trong đời sống đức tin của mình. Nhất là chúng ta hãy ý thức rằng, sứ vụ của ta cũng là công trình của Chúa Ba Ngôi. Nhìn lại đời sống, mọi việc chúng ta làm như những việc đạo đức, dâng thánh lễ, bác ái, truyền giáo… Tất cả việc làm ấy đôi khi ta suy nghĩ đó là bổn phận của mình, nhưng ta quên rằng đó còn là công cuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa – ba Đấng luôn sống và hoạt động cùng với chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin Người ở cùng chúng con, hướng dẫn chúng con sống đẹp lòng Chúa trong mọi lúc, hầu chúng con trở nên chứng nhân trung thành của Chúa Ba Ngôi. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Ba Ngôi Thiên Chúa

 “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

 Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là điều dễ dàng cắt nghĩa, nhưng khi nói về Mầu Nhiệm này chúng ta nhớ lại cuộc đối thoại của Thánh Augustinô và một cậu bé ngoài bãi biển, cậu ấy là Thiên Thần đã giải nghĩa và thức tỉnh thánh nhân, bởi vì là nước biển, tuy mênh mông bao la thật, nhưng vẫn là thứ vật chất, có giới hạn, mà lỗ hang của con dã tràng lại bé nhỏ không thể nào chứa nổi, huống chi là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngài đang suy nghĩ lại càng cao sâu và vô tận biết là chừng nào, so với khối óc con người quá nhỏ bé, thì làm sao ta có thể hiểu cách tường tận? Và thánh Augustinô đã kết luận: “Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được đưa về trời”.

Tuy Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm nhưng đức tin Công Giáo có dạy chúng ta rằng:

  • Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhưng không tách rời nhau. Khác biệt vì Ba Ngôi không phải là một Thiên Chúa có ba khuôn mặt khác nhau tùy lúc, nhưng là ba Đấng với những cương vị khác nhau (Cha-Con-Thánh Thần) và những phận vụ khác nhau (tạo dựng, cứu độ, thánh hoá). Ba Ngôi khác biệt nhau vì có những đặc tính riêng, nhưng không phải là ba Chúa, vì cả ba cùng chung một sự sống, một bản chất thần linh.
  • Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau vì cả ba Ngôi Vị đều là Thiên Chúa và là một Thiên Chúa duy nhất. Chúa Cha luôn ở trong Chúa Con, Chúa Con luôn ở trong Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần luôn ở trong Chúa Cha và Chúa Con.
  • Ba Ngôi bằng nhau về mọi mặt, thần tính cũng như quyền năng, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém, không Ngôi nào có trước, không Ngôi nào có sau vì cả Ba Ngôi có từ đời đời, nghĩa là hiện hữu cả trước khi có thời gian.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để chúng con tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng con. Xin Chúa Ba Ngôi cho chúng con được hiệp thông nên một trong tình yêu Chúa, hầu chúng con sống mầu nhiệm ấy cách cụ thể là lan tỏa yêu thương và sự hiệp nhất đến với anh chị em xung quanh như Chúa Giê-su nguyện xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23)

Hạt cát nhỏ

Suy Niệm 3:

 Thiên Chúa Là Tình Yêu

 “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

 Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính trong đạo Công Giáo. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng ta biết có một Thiên Chúa mà Người có Ba ngôi. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta vẫn thường nghe những câu chuyện, những cách thức để lý giải khác nhau về mầu nhiệm này theo trí tưởng tượng của con người, nhưng có lẽ không có câu trả lời thỏa đáng.

Bởi vì, đây là một mầu nhiệm thâm sâu và cao cả nhất mà trí khôn con người không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Và Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, hay một vấn đề nào đó trong cuộc sống, nhưng là Mầu Nhiệm đức tin. Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 232- 237và số 240- 242: “Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Ki-tô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi […] Và Mầu nhiệm này đã được Đức Giê-su Ki-tô mặc khải và là nguồn gốc của tất cả các mầu nhiệm khác”. Cũng theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 249-256, 266: “Hội Thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi khi tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất mà Ngài có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi vị thần linh chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, vì mỗi Ngôi vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa”.

Thiên Chúa là vĩnh cửu, hạnh phúc và sự sống bất diệt, là ánh sáng không bao giờ lịm tắt. Và Thiên Chúa còn là tình yêu đích thực. Ngài sáng tạo, cứu độ và ủy thác cho Hội Thánh được nối tiếp cho đến hôm nay, để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại. Thiên Chúa có quyền tạo dựng sự sống nơi con người nhưng cũng quyền lấy lại khi họ sa ngã. Thế nhưng, Thiên Chúa là tình yêu nên Người đã sai Con Một của mình xuống trần gian để cứu độ con người qua cái chết và sự phục sinh. Và khi Chúa Giêsu về trời, Chúa ban Thánh Thần và hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay chúng ta được mời gọi suy niệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta có thể mượn tâm tình của bài hát: “Làm dấu” như một lời quyết tâm sống với Chúa Ba Ngôi:

Đk: Con làm Dấu hằng ngày, con làm Dấu một đời. Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim com. Ôi Dấu Thánh nhiệm màu dấu ấn tình yêu. Nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa. Con làm Dấu hằng ngày, con làm Dấu một đời. Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi Dấu Thánh nhiệm màu dấu ấn tình yêu. Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. (Ns Lê Đức Hùng)

Fiat

Trả lời