Tự Yêu Lấy Bản Thân

“Tại sao lại là tôi”? Câu cảm thán dường như lột tả hết nỗi lòng của một người đang rơi vào hoàn cảnh bất ưng trong cuộc sống. Câu hỏi này được thốt lên chắc hẳn không nhằm mang ý định chờ đợi một câu trả lời từ bất cứ đối tượng nào nhưng đơn giản chỉ là muốn phủ nhận thực tại đang xảy ra với chính mình.

Giữa cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, thử thách và bấp bênh thì chẳng có nơi nào hay điều gì ở trần gian để con người nương tựa vào đó mà tìm thấy sự an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, nói như thế không hẳn là cuộc đời luôn chực chờ những mối nguy hiểm hay đẩy con người vào bước đường cùng. Nên nhớ luôn có ánh bình minh sau đêm dài tăm tối.

Nhưng vấn đề quan trọng được đặt ra ở đây không phải là việc có hay không, nhiều hay ít những con người, những hoàn cảnh, những sự việc làm chúng ta đau buồn nhưng còn là ở chúng ta. Chúng ta đón nhận và chấp nhận những điều ấy với một tâm thế như thế nào? Ai cũng sẽ phải trải qua đau khổ vì đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhưng không hẳn ai cũng sẽ đến đích điểm giống nhau cho dù họ có cùng một xuất phát điểm.

Dạo gần đây, khi lướt xem những trang mạng xã hội tôi tìm thấy những “podcast” chữa lành thật là ý nghĩa. Chẳng phải là những triết lý cao siêu nhưng đơn giản đó chỉ là “kinh nghiệm” được rút ra từ những con người từng rơi vào đau thương và đã vượt lên những đau thương ấy để rồi tìm lại được hạnh phúc cho bản thân mình.

Khi tìm hiểu những điều có thể chữa lành sự đau khổ của con người, vô tình tôi tìm được một điều không phải là mới mẻ nhưng từ lâu tôi đã lãng quên đó là “Khả năng tự chữa lành của cơ thể con người”. Thật thú vị khi tìm lại được một “kho báu” bị ẩn giấu. Cơ thể chúng ta là một cơ cấu sinh học có khả năng tự chữa lành khi bị tổn hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, đôi khi con người lại cứ “gậm nhấm” nỗi đau cho nó càng tệ hơn thay vì mở lòng ra để nỗi đau ấy được chữa lành.

Chúng ta cứ trách bầu trời sao mãi là âm u không có ánh sáng khi chính chúng ta lại mang cặp mắt kính đen để nhìn lên bầu trời? Đúng như lời của đại thi hào Nguyễn Du có viết:

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều)

Sống trong cuộc đời với biết bao con người, biết bao hoàn cảnh khác nhau, chúng ta đâu thể cầu xin Thiên Chúa giữ gìn chúng ta tránh khỏi hết mọi tai ương, đau thương, bệnh tật. Điều chúng ta cần cầu xin đó là xin Ngài ban cho chúng ta một tấm lòng quảng đại, một đức tin bền vững để chúng ta can đảm chấp nhận mọi sự trong niềm hoan lạc. Có thể cuộc đời xô đẩy chúng ta, có thể người đời gây đau khổ cho chúng ta nhưng trên hết chúng ta phải tự yêu lấy bản thân mình. Vì thật sự, chẳng có ai có thể yêu thương người xung quanh một cách chính đáng khi tự bản thân không biết yêu lấy chính mình trong một chuẩn mực hợp lý.

Khi suy tư những điều trên đây cũng là lúc tôi nhìn lại đời sống dâng hiến của chính mình. Tôi biết rằng, người nữ tu Mến Thánh Giá là người không trốn tránh đau khổ, cũng không cầu xin cho bản thân nhận được đau khổ nhưng việc nên thánh của họ là đón nhận đau khổ với một tâm thế bình an vì tin rằng chính Thiên Chúa là Đấng sẽ tìm mọi cách chữa lành cho họ, và chính họ trong sự tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa sẽ tự chữa lành cho bản thân. Từ đó, qua kinh nghiệm đau khổ mà họ đã vượt qua, người nữ tu đến với tha nhân bằng một thái độ tích cực và thanh thoát hơn, là khí cụ bình an mà Thiên Chúa gởi đến để xoa dịu đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa, chọn con đường hiến thân trong Linh Đạo Mến Thánh Giá, con biết chắc rằng từng bước con đi sẽ không chỉ toàn là hương thơm hoa hồng, nhưng còn có vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cả máu do những gai nhọn gây nên. Từng người con gặp không chỉ là niềm nở, quý mến nhưng còn là lạnh nhạt thờ ơ. Từng hoàn cảnh con được đặt vào không chỉ là thuận lợi nhưng còn là thử thách, gian nan. Từng kết quả công việc con đạt được không chỉ là thành công vang dội nhưng còn là thất bại ê chề. Những lúc đó xin cho con được tìm về nép mình trong tình yêu Chúa để được Ngài chữa lành và vỗ về yêu thương.

Bảo Bảo

Để lại một bình luận