Từ bỏ nỗi sợ

Không dễ để từ bỏ nỗi sợ, cũng không dễ để dạy người khác cách làm. Nỗi sợ chiếm giữ chúng ta, vì gần như cả đời, chúng ta có quá nhiều thứ để mất nên sợ. 

Một người bạn của tôi chia sẻ câu chuyện sau. Ông là con một trong gia đình. Năm ông ở tuổi đôi mươi, ông vẫn còn độc thân, ông gây dựng sự nghiệp thành công và sống cùng thành phố với cha mẹ, thì bỗng một hôm người cha qua đời, để lại người mẹ góa. Cả đời người mẹ sống cho gia đình và đứa con một, nên việc tinh thần bà bị suy sụp nặng nề là dễ hiểu. Phần lớn thế giới của bà đã sụp đổ, bà mất chồng, nhưng bà còn đứa con trai.

Những năm tiếp theo không phải là những năm nhẹ nhàng cho con trai bà. Thế giới của người mẹ bị tan nát quá nhiều, trừ người con một này, và anh cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề với mẹ. Bà sống nhờ những lần anh về thăm nhà. Những ngày nghỉ và kỳ nghỉ lễ, anh đều dành thì giờ để ở bên bà. Anh thương mẹ lắm, nhưng đó lại là gánh nặng ngăn cản anh có cuộc sống xã giao và được tự do quan hệ như anh mong muốn, nó cũng ngăn cản anh có vài quyết định nghề nghiệp khác nữa. Anh phải chăm sóc mẹ, phải ở bên cạnh bà. Như mọi người có thể đoán được, thời gian hai mẹ con ở bên nhau là thử thách cho lòng trung thành và bổn phận của người con trai. Nhưng từ năm này qua năm khác, anh đã trung thành. Mẹ anh đâu còn ai khác để trông cậy.

Khi sức khỏe mẹ anh bắt đầu đi xuống, bà bán nhà và dọn vào ở một khu phức hợp dành cho người lớn tuổi. Hầu hết thời gian rảnh rỗi, anh dành để đưa đón mẹ, chở bà ra miền quê hóng gió, đưa bà đi ăn trước khi chở bà về lại căn phòng nhỏ của bà. Một hôm, trong một lần đi chơi, khi anh lái xe dọc con đường quê lặng lẽ, mẹ anh phá tan sự thinh lặng bằng những lời vừa làm anh ngạc nhiên, vừa làm anh chú ý, vì đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài bà lên tiếng.

Bà nói những lời mang một tác động thật mạnh:: “Đời mẹ đã có một chuyện trọng đại. Mẹ đã từ bỏ nỗi sợ rồi. Suốt đời mẹ đã sợ đủ thứ, sợ không đúng tiêu chuẩn, không đủ tốt, sợ mình tẻ nhạt, sợ bị loại trừ, sợ cô đơn, sợ cuối cùng rơi vào cảnh đơn độc, không tiền bạc, không nhà cửa, sợ người khác nói xấu sau lưng. Mẹ đã sợ cả cái bóng của mình. Mẹ đã từ bỏ nỗi sợ rồi. Sao lại không bỏ chứ? Mẹ đã mất tất cả, mất chồng, mất địa vị xã hội, mất căn nhà, mất thân xác tuổi trẻ, mất sức khỏe, mất hàm răng, mất cả phẩm giá. Mẹ chẳng còn gì để mất nữa, và con biết sao không? Như vậy lại là tốt! Mẹ không còn sợ gì nữa. Mẹ cảm thấy tự do như chưa từng có. Mẹ đã từ bỏ nỗi sợ rồi”.

Lần đầu tiên sau một thời gian dài, anh chăm chú lắng nghe mẹ. Anh cũng cảm nhận một điều gì đó mới mẻ nơi bà, một sức mạnh mới và một khôn ngoan sâu đậm hơn mà anh muốn có. Lần tiếp theo chở bà đi chơi, anh nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ dạy con cái đó đi. Dạy con đừng sợ hãi”.

Bà sống thêm hai năm nữa, và trong hai năm đó, anh đưa bà đi dạo miền quê, đi ăn trưa, ăn tối, và nơi bà, nơi sức mạnh mới của bà, anh hấp thụ được điều gì đó mà trước đây anh không hề hấp thụ được. Khi cuối cùng bà qua đời, khi anh mất đi sự hiện diện của bà trên đời, anh chỉ có thể mô tả những năm tháng cuối đời của bà bằng câu nói kinh điển: “Mẹ tôi đã sinh tôi hai lần, một lần từ hạ giới, và một lần từ thượng giới.”

Không dễ để từ bỏ nỗi sợ, cũng không dễ để dạy người khác cách làm. Nỗi sợ chiếm giữ chúng ta, vì gần như cả đời, chúng ta có quá nhiều thứ để mất nên sợ. Vì thế, cũng dễ hiểu, gần như cả đời chúng ta khó mà không sống với nỗi sợ. Hơn nữa, đây không phải là vấn đề trưởng thành hay nông nổi, tâm linh hay trần tục. Thật vậy, đôi khi càng trưởng thành và tâm linh, chúng ta càng trân trọng sinh mạng, sức khỏe, gia đình, tình bạn hay cộng đồng, tất cả những điều này có sự mỏng manh riêng của nó và đó là điều chúng ta có thể mất đi. Chúng ta có những lý do chính đáng để sợ.

Không phải tình cờ khi mẹ của bạn tôi chỉ vượt lên được nỗi sợ sau khi bà đã mất hết mọi thứ trong đời. Thiên Chúa và tự nhiên nhận ra điều này và đã viết nó vào quá trình lão hóa chúng ta. Quá trình lão hóa được thiết kế để đưa chúng ta đến mức có thể từ bỏ nỗi sợ, vì khi chúng ta già đi, khi chúng ta ngày càng mất sức khỏe, mất tầm ảnh hưởng trên thế giới, mất vẻ đẹp hình thể, khi những người thân yêu đã qua đời, và thậm chí còn mất cả phẩm giá, thì chúng ta ngày càng có ít thứ để mất, và như thế càng ngày càng không sợ.

Đây là một trong những tặng vật cuối cùng mà tự nhiên trao cho chúng ta, sống theo cách mà người khác thấy được sự tự do này nơi chúng ta cũng có thể là một trong những tặng vật cuối cùng mà chúng ta để lại cho người thân yêu.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Trả lời