Ai là bạn đồng hành đức tin thật sự của tôi? Những người cuồng tín hèn hạ đang chiến tranh vì Chúa Giêsu, vì chính nghĩa, hay những linh hồn hiền lành bị gán mác mơ hồ hay “thời đại mới”?
Tôi làm việc và thường xuyên đi lại trong các nhóm của giáo hội, tôi thấy hầu hết những người ở đây đều trung thực, tận tâm, và sốt sắng giữ đức tin của mình. Họ không phải là những người đạo đức giả đi lễ. Nhưng điều làm tôi cảm thấy khó chịu, đó là nhiều người trong chúng ta có thể có ác ý, cay đắng, phán xét khi bảo vệ những giá trị mà họ yêu quý.
Cố linh mục Henri Nouwen là người đầu tiên nêu lên vấn đề này khi ngài đau buồn bình luận, trong số những người cay đắng và bị thúc đẩy bởi ý thức hệ mà ngài quen biết, có không ít người nằm trong các nhóm ở nhà thờ, các nơi mục vụ. Trong các nhóm này, gần như hầu hết họ giận dữ về một chuyện gì đó. Thêm nữa, trong các nhóm này, quá dễ để hợp lý hóa chuyện này chuyện kia nhân danh tính ngôn sứ, xem đó là nhiệt tâm công chính vì chân lý và luân lý của mình.
Đa số hoạt động theo cách: vì tôi thực sự quan tâm đến vấn đề công lý, giáo hội hay luân lý, tôi có thể thách thức cho một số mức độ tức giận, chủ nghĩa tinh hoa và phán xét tiêu cực. Vì tôi có thể hợp lý hóa cho lý do của tôi, dù là về giáo lý hay luân lý, nó quá quan trọng đến mức nó biện minh cho ác ý của tôi. Nói như thế có nghĩa là tôi có quyền được lạnh lùng và gay gắt, vì đây là một chân lý quan trọng.
Và thế là chúng ta biện minh cho ác ý bằng cách khoác lên tấm áo ngôn sứ, nghĩ rằng mình là chiến binh cho Thiên Chúa, cho chân lý và luân lý, trong khi thực ra, chúng ta cũng đang đấu tranh dữ dội như thế trước những vết thương, bất an và nỗi sợ của chính chúng ta. Vì thế chúng ta thường nhìn vào người khác, thậm chí nhìn vào toàn bộ những giáo hội khác với những con người chân thành đang cố sống Tin mừng, nhưng chúng ta lại không thấy được những gì họ đang đấu tranh để theo Chúa Giêsu như chúng ta, chúng ta chỉ thấy “những người lầm lỗi, những người theo chủ nghĩa tương đối nguy hại, những dân ngoại của thế hệ mới, đóm lửa tàn của tôn giáo”, hay nhẹ nhàng nhất là “những linh hồn lạc lối tội nghiệp”. Hiếm khi chúng ta nhìn dạng phán xét này đang nói gì về chính chúng ta, về sức khỏe tâm hồn và việc đi theo Chúa Giêsu của chúng ta.
Xin đừng hiểu lầm ý tôi: Chân lý thì không tương đối, các vấn đề luân lý thì quan trọng, và chân lý đúng đắn cũng như luân lý đúng đắn thì luôn mãi bị vây hãm và luôn cần được bảo vệ. Không phải mọi phán xét về đạo đức đều được tạo ra ngang nhau, và với mọi giáo hội cũng thế.
Nhưng sự thật này không áp chế mọi sự khác và cho chúng ta cái cớ để hợp lý hóa ác ý. Chúng ta phải bảo vệ chân lý, bảo vệ những người không thể tự vệ, và chúng ta phải trung thành với các truyền thống trong giáo hội của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ có chân lý và luân lý đúng đắn thì không làm chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Vậy điều gì mới làm chúng ta thành môn đệ của Chúa Giêsu?
Điều làm chúng ta thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, đó là việc sống trong Thần Khí của Ngài, trong Chúa Thánh Thần, và đây không phải là chuyện mơ hồ hay trừu tượng. Nếu muốn tìm một công thức duy nhất để xác định ai là Kitô hữu ai không, thì chúng ta phải đọc lại chương 5 Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Galat. Trong đoạn này, ngài nói chúng ta có thể sống theo tính xác thịt hoặc sống theo Thần Khí.
Chúng ta sống theo tính xác thịt khi chúng ta sống trong cay đắng, phán xét người anh em, bè phái và không biết tha thứ. Khi những thói xấu này định hình cuộc sống, thì chúng ta không được tự lừa dối mình, nghĩ mình đang sống trong Thần Khí.
Ngược lại, chúng ta sống trong Thần Khí khi cuộc sống chúng ta sống trong bác ái, vui vẻ, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Nếu những điều này không định hình cuộc sống chúng ta, thì dù chúng ta có nhiệt tâm vì chân lý, giáo lý hay công lý, thì chúng ta không nên nuôi ảo tưởng mình đang sống trong Thần Khí Thiên Chúa.
Nói thế này có lẽ rất ác, nhưng không nói có lẽ còn ác hơn: đôi khi tôi thấy những người theo thuyết Nhất Thể hay phong trào Thời Đại Mới (những người thường bị các giáo hội khác xem là mơ hồ và không biết đứng lên vì bất kỳ điều gì) lại có bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục và nhân hậu hơn những người trong chúng ta đang mạnh mẽ đứng lên vì một số vấn đề luân lý nào đó trong giáo hội, đến mức trở nên ác ý và thiếu bác ái khi chìm trong những xác quyết đó.
Về lựa chọn muốn ai là người anh em của mình, hoặc sâu sắc hơn, ai là người tôi muốn sống đời với họ, thì đôi khi chúng ta lại mâu thuẫn trong lựa chọn. Ai là bạn đồng hành đức tin thật sự của tôi? Những người cuồng tín hèn hạ đang chiến tranh vì Chúa Giêsu, vì chính nghĩa, hay những linh hồn hiền lành bị gán mác mơ hồ hay “thời đại mới”? Xét cho cùng, ai là người sống trong Thần Khí hơn?
Tôi nghĩ, chúng ta cần phải tự phê phán hơn nữa về sự giận dữ của mình, về những lời phán xét gay gắt, tinh thần ác ý, bài xích, khinh thị của mình với các con đường luân lý và giáo hội khác. Như tác giả T.S. Eliot từng nói: Cám dỗ tận cùng, cũng là phản bội lớn nhất, đó là làm điều đúng đắn nhưng lại sai lý do. Có lẽ chúng ta có chân lý và luân lý đúng đắn, nhưng sự giận dữ và những lời phán xét gay gắt của chúng ta nhắm đến những người không cùng chung luân lý và chân lý, có lẽ chính đó là điều làm chúng ta phải đứng ngoài nhà của Cha, như người anh của người con hoang đàng, cay đắng về lòng thương xót của Thiên Chúa và cay đắng với những người được Thiên Chúa thương xót, khi những người này có vẻ không xứng đáng.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch