Giáo Phận Vĩnh Long có Ba Trung Tâm Hành Hương, được các Đấng Bản Quyền Giáo Phận thành lập, nhằm mục đích cổ võ tinh thần giáo hữu trong Giáo phận học hỏi, suy niệm, noi gương Đức Mẹ và Các Thánh giúp thêm lòng yêu mến Chúa qua các Thánh và nhờ đó đời sống đức tin ngày một nâng cao hơn:
- Trung tâm hành hương Fatima: Ðịa chỉ xã Tân Ngãi, Thị xã Vĩnh Long. Đức Giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện thành lập năm 1965 để giáo dân xa gần hành hương, cầu nguyện và học hỏi về Ðức Mẹ vào 2 ngày 13-5 và 13-10 hằng năm, nhằm kính nhớ ngày kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Ðào Nha) năm 1917.
- Trung tâm hành hương Ðình Khao: Ðịa chỉ xã Thạch Ðức, huyện Long Hồ (gần phà Cổ Chiên). Tel: (070) 895-333. Đức Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu thành lập năm 1980 để giáo dân xa gần hành hương, cầu nguyện và học hỏi vào ngày 3-7, kính nhớ Thánh Philipphê Phan Văn Minh, bổn mạng địa phận và ngày 24-11 kính nhớ Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo (Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam).
- Trung tâm hành hương Ðức Mẹ La Mã, Bến Tre: Ðịa chỉ xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (cách chợ Sơn Ðốc 2km). Ðức Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục thành lập năm 1951 để kính nhớ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã làm phép lạ qua Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Họ La Mã, Bên Tre.
TRUNG TÂM LA MÃ
Bến Tre
LỊCH SỬ HỌ ĐẠO LA MÃ, BẾN TRE
Bầu Dơi là một cánh đồng rộng mênh mông đã được khai phá, chằng chịt sông rạch, với những chòm cây lưa thưa, với ít xóm nhà lá của nông dân. Bầu Dơi là ấp của làng Hiệp Hưng, tổng Bàu Phước, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre nằm phía sau một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Sơn Đốc, cách tỉnh lụy Bến Tre 24km.
Phần đông dân chúng theo Phật giáo hoặc đạo ông bà. Năm 1925 đạo Cao Đài đã lập thánh thất.
Năm 1930 hạt giống Phúc Âm mới được gieo vào vùng xa xôi này. Một người trong đó có ông Hạt và gia đình đã đến Cái Bông gặp cha Luca Sách xin tòng giáo. Cái Bông là họ đạo có từ thời Nguyễn Ánh, nằm cách Sơn Đốc 7 km.
Cha Luca Sách với sự hợp tác của thầy Phêrô Niềm đến Sơn Đốc cất một nhà dạy giáo lý. Ba tháng sau 10 gia đình gồm 50 người lớn bé được chịu phép Rửa tội. Đó là mùa gặt thiêng liêng đầu tiên trên cánh đồng Bầu Dơi. Điều tất yếu của một họ đạo là ngôi nhà nguyện, để giáo dân hôm sớm họp nhau đọc kinh và tham dự Thánh lễ một đôi lần. Giáo dân góp công, góp của xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ, mái lá vách phên, trên khu đất của ông từ Thôn. Cha sở Cái Bông tặng một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng trong khung kính đặt trong nhà nguyện.
Năm 1946 quân kháng chiến ta hô hào khẩu hiệu (tiêu thổ kháng chiến) và rút vào bưng hoặc nằm vùng giữa dân chúng. Người dân lâm cảnh khổ cực giữa 2 luồng đạn, ở cũng khổ mà đi không yên. Tỉnh Bến Tre mất, những cụ ruồng bố có đủ thủy lực không quân của quân đội diễn chinh Pháp bắt đầu diễn ra. Người dân quá sợ tìm nơi xa đồn bót để lánh nạn.
Bổn đạo Sơn Đốc cũng như những người khác đùm túm áo quần gạo muối, dắt vợ cõng con tản cư về miền Bầu Dơi, ở phía sau cách chợ Sơn Đốc 2 km. Ở đó cũng chưa gọi là yên, mỗi khi nghe có tiếng động cơ máy bay hay tàu thì không ai bảo ai, mọi người nhào xuống hầm núp… Ngày nào cũng như ngày nấy. Tình trạng kéo dài. Hết công làm ăn gì được. Kẻ bỏ đi muốn về thăm lại tổ ấm phải về ban đêm.
Giáo dân di tản vẫn không quên di ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp còn ở lại trong nhà nguyện mái lá vách phên hiu quạnh giữa hoang vu. Và một đêm mờ mịt, ông biện Hạt đánh bạo lén về viếng nhà thờ và đem tượng ảnh giấy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về Bầu Dơi. Ông Hạt ôm ảnh về nhà con mình tên là Thành để ngày đêm khấn xin Đức Mẹ thương cứu giúp. Cũng như các giáo hữu trên thế giới, giáo dân Việt Nam đặt tất cả lòng cậy trông tin tưởng vào Đức Mẹ.
Ngày tháng trôi qua giáo dân không còn mong được trở về hội họp đọc kinh sách trong nhà thờ Sơn Đốc nữa. Họ liền tiếp tay với cai tổng Sự, một người mới tòng giáo cất một nhà thờ bằng lá nhỏ, để hôm sớm có nơi kinh nguyện.
Năm 1948 Bầu Dơi lại bị một trận ruồng bố. Giáo dân lại bỏ chòi chạy nữa. Lần này chạy xa hơn, chạy thẳng lên họ Cái Sơn lánh nạn quan cơn ruồng bố. Cha sở Cái Sơn là cha Phêrô Dư.
Tình hình tạm lắng dịu giáo dân kéo về và khẩn khoản xin cha Dư nhận lãnh lo cho họ Bầu Dơi, thỉnh thoảng đến cho họ được các bí tích.
Ngày 11-11-1949 Đức Cha Phêrô Ngô đình Thục từ Vĩnh Long đến ban phép thêm sức cho họ đạo Cái Sơn, nghe biết tình cảnh giáo dân họ Bầu Dơi, ngài vượt khó đến thăm viếng và chúc lành họ đạo. Ngài bổ nhiệm cha Phêrô Dư cha sở Cái Sơn kiêm luôn họ Bầu Dơi. Đồng thời thấy tận mắt cảnh khổ của giáo dân và lòng nhiệt thành cao độ của họ đạo, Đức cha truyền đổi họ Bầu Dơi thành họ đạo La Mã, một danh xưng đầy ý nghĩa, hướng về dĩ vãng huy hoàng của Giáo hội mà cũng hàm ý hy vọng về tương lai.
La Mã danh xưng mới đi dần vào thói quen dân chúng; họ đạo Bầu Dơi trở thành họ đạo La Mã.
Sự lạ La Mã
Ngày 02-02-1950 xãy ra một vụ đụng độ lớn trong vùng. Giáo dân bỏ chạy tán loạn. Sau trận ruồng bố họ trở về thấy cảnh nhà cửa tan hoang. Nơi nhà nguyện trưng bày ảnh Đức Mẹ cùng chung số phận và ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp biến đâu mất. Theo tài liệu nghe được thì chính ông Thành từng giữ nhà thờ hay một giáo dân nào đó đã mang ảnh Đức Mẹ theo. Giữa đường gặp trận chiến ác liệt quá, vội quăng tượng Đức Mẹ xuống rạch để thoát cho nhanh (tài liệu này có người không đồng ý, nhưng chưa gặp được tài liệu chính xác hơn).
Ngày 05-5-1950 một bà già theo đạo Cao Đài tên là Võ thị Liễng hay Sáu Liễng, bì bõm theo con rạch để xúc cá, đụng phải khung ảnh nằm dưới bùn. Khung ảnh được vớt lên. Khung kiếng vẫn còn nguyên nhưng tượng ảnh đã phai màu hết, chỉ thấy sắc xám lem lét bùn và có nhiều lỗ rách. Bà già tri hô, nhiều người chạy ra xem. Ông Thành cũng đến, xin lại khung ảnh, đem về… treo ngay đầu hè để che nắng đỡ mưa. Nhà ông đã tan nát, còn ảnh tượng thì đen thui thủi… đầy bùn dơ, còn gì nữa mà kính thờ !
Ông biện Hạt cha ruột của anh Thành đến nhà thăm con, mắng con một mẻ vì bất kính. Vốn sợ tội, ông đem bức ảnh về nhà, đặt trên tủ thờ trước tấm vách lá giữa nhà.
* Ngày 07-10-1950 lại một cuộc lùng rát diễn ra bất ngờ. Theo con rạch một chiếc tàu nhỏ của Pháp tiến vào bắn phá lung tung. Ông Hạt và người con trai Út tên là Trọng chạy không kịp, vội ẩn núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Tiếng súng vừa êm, ông chạy ra trước tủ thờ để cám ơn Chúa và Đức Mẹ cho tai qua vạ khỏi. Ông khựng lại, nhà ông cũng nhưng bao nhà khác bị đạn xuyên qua tơi bời, duy chỉ có bàn thờ và tấm vách lá sau bàn thờ còn nguyên vẹn. Ông nhìn lên bàn thờ và sửng sốt: Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn 3 tháng, phai nhạt hết hình, nay bỗng dưng nổi hình lên rõ ràng xinh đẹp lạ thường. Hai cha con vừa chứng kiến một phép lạ. Ông la lên: Phép lạ ! Phép lạ ! cả xóm vừa hồi cư, mình mẩy còn ướt mèm chạy đến nhà ông Hạt. Tất cả đều nhìn thấy: Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mấy tháng trước mất hẳn hình, nay lộ rõ lại, duy 2 mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa còn lu mờ. Hai mũ triều này đến ngày 15-8-1951 lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mới lộ rõ.
Hai dì phước cũng được chứng kiến và nói với ông Hạt: “Đây là một phép lạ, khi vớt Ảnh lên mục nát mờ phai, bây giờ nổi lên rõ ràng tốt đẹp thế này, thật là Đức Mẹ thương ông lắm”.
Sự lạ đồn ra mau chóng. Giáo dân cũng như mọi người rất hồi hởi. Cha Luca Sách, cha sở Cái Bông, người trước đây đã dâng tặng mẫu Ảnh Đức Mẹ cho nhà thờ Sơn Đốc, với sự dè dặt thường lệ, đã rước Ảnh Mẹ về đặt tại nhà thờ Cái Bông cho đến ngày 20-6-1951. Trong thời gian đó, cha Phêrô Dư sửa chữa trang hoàng lại nhà thờ La Mã để rước Ảnh Mẹ về lại. Người nới rộng nhà nguyện, xây thêm nhà cha sở nhưng tất cả cơ sở đều lợp lá nghèo nàn.
Cha Phêrô Dư cha sở Cái Sơn kiêm La Mã, quyết định với phép Giám mục, tổ chức cuộc rước Ảnh Đức Mẹ từ Cái Bông trở về La Mã, với sự tham dự của giáo dân trong vùng (Ba Tri, Cái Bông, Cái Sơn). Để dọn lòng giáo dân nghênh đón Ảnh lạ, cha Fx Trần Tử Nhãn Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn được mời về giảng tam nhật và ngày kiệu Linh Ảnh về La Mã 20/6/1951. Cuộc rước được tổ chức rất trọng thể, có các tôn giáo khác trong vùng tham dự.
Ngày 20-6-1951 lúc 12 giờ trưa, mây đen nghịt trời, mưa đổ nặng hạt. Cuộc rước dự định khởi hành lúc 3 giờ. Trời vẫn mưa, nếu dời nữa thì khi đến La Mã trời sẽ tối, khách hành hương lại không thể qua đêm ở La Mã… 3 giờ bỗng trời hoang đãng. Ảnh Mẹ được đặt trên 1 chiếc xe, có hàng trăm xe đạp gắn cờ xanh trắng tháp tùng hướng về Sơn Đốc. Đến chợ, một đoàn ghe xuồng chờ sẵn, đón bàn kiệu đặt trên 1 chiếc xuồng máy. Theo sau là ghe xuồng chở khách hành hương từ từ xuôi theo con rạch, hướng về nhà thờ La Mã. Phần lớn giáo dân đi bộ đến trước, ứng trực đón bàn kiệu Đức Mẹ.
Từ ngày đó khách hành hương đổ về La Mã ngày càng đông. Với phép Đức Giám mục Ảnh Đức Mẹ được cung nghênh đi một vài nơi để giáo dân tôn vinh và kính viếng.
Ngày 15-8-1951 lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cha Phêrô Dư cung nghênh Ảnh Mẹ về họ Cái Sơn. Một tuần chính ngày được tổ chức để dọn tâm hồn, một cuộc rước kiệu xung quanh nhà thờ và bế mạc bởi một Thánh lễ.
Trong dịp này hàng ngàn người có mặt được chứng kiến Mũ Triều thiên lộ hiện ra trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Một điều lạ nữa: Khi bức Ảnh vớt lên, ảnh gắn chặt vào kiếng, có nhiều lỗ thủng. Bây giờ, chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp và các lỗ thủng cũng biến mất.
Người ta chú ý đến một bậc vị vọng đã âm thầm đến hành hương. Đó là Đức cha Ngô đình Thục, Giám mục Vĩnh Long. Ngài đi với hai linh mục ngày 12-01-1952 đến La Mã. Khi ở nhà thờ ra, ngài hỏi cha Phêrô Dư: “Trên đầu Đức Mẹ có Mũ Triều thiên từ bao giờ ? Lần trước tôi có thấy đâu ?”. Cha Phêrô Dư thuật lại câu chuyện xảy ra hôm 15-8-1951 tại Cái Sơn. Và, phải chăng trong dịp đó, Đức cha quyết định lập Ủy ban để cứu xét về “sự lạ La Mã”. Ủy ban gồm một số linh mục triều và Dòng.
Ngày 20-10-1952, Bức Ảnh Mẹ được đưa về Cái Bông và khai mạc cuộc điều tra. Những người có liên hệ được mời làm nhân chứng, những người được ơn Đức Mẹ cũng được mời bày tỏ. Hồ sơ điều tra được phúc trình về Tòa Thánh. Đức Giám mục Vĩnh Long ban huấn dụ cho phép kính viếng Ảnh Đức Mẹ hiện hình tại nhà thờ họ La Mã (Bến Tre) và tổ chức các cuộc hành hương. Đức Giám mục cũng chỉ định cha Phêrô Dư làm chánh sở ở luôn tại La Mã. Như vậy là giáo quyền đã mặc nhiên nhìn nhận sự kiện La Mã.
Giáo dân từ nhiều nơi, nhất là từ Sài Gòn “lặn lội” tìm về chiêm ngưỡng và cầu xin với Đức Mẹ, mà từ đây được mệnh danh là “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã”.
Ngay từ buổi đầu khi sự kiện được đồn ra, cha Hồng Phúc dcct đã tổ chức đoàn hành hương đầu tiên đến La Mã Bến Tre, Hiệp Hội Thánh Mẫu của trường Taberd Sài Gòn cũng tổ chức một cuộc hành hương đến kính viếng và chiêm ngưỡng sự lạ Đức Mẹ lộ hình. Một sinh viên của Hiệp Hội thời ấy và ngày nay là một bác sĩ đang hành nghề ở Los Angeles, là người có lòng sùng kính Đức Mẹ. Vừa rồi, ông đã trở về Việt Nam, viếng thăm La Mã và mang lại nhiều tài liệu và hình ảnh độc đáo mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này.
Riêng chúng tôi đã đến La Mã ba lần để kính viếng Đức Mẹ. Lần đầu vào năm 1952, hình ảnh mới lộ hiện, khuôn mặt Mẹ và Chúa Hài Đồng rất xinh đẹp, sắc sảo. Lần thứ hai, một năm sau, hai thiên thần và nếp áo buông rũ lộ hiện rõ rệt với màu sắc sống động. Lần thứ ba, trong cuộc hành hương lớn của họ Chợ Quán như sẽ nói sau.
Ông Nguyễn văn Hạt, người được chứng kiến đầu tiên là một giáo dân chất phác, “một người Israel không có gì gian dối” (Ga 1,47) có sao nói vậy. Ông thuộc nhóm người Bầu Dơi đầu tiên được biết Chúa với một đức tin mạnh mẽ, một lòng nhiệt thành tông đồ. Ông cũng đã xây dựng nhà thờ đầu tiên Sơn Đốc nơi đặt Mẫu Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và nhà thờ mái lá vách phên Bầu Dơi, nay là La Mã, nơi ảnh Đức Mẹ được an vị, sau khi phép lạ lộ hình xảy ra năm 1950.
Một tờ báo Công giáo ở Sài Gòn đã phỏng vấn ông hai lần xa nhau về sự lạ La Mã. Cả hai lần ông đều kể lại mọi chi tiết giống hệt nhau, không thêm bớt với lời văn thô sơ bình dân của ông.
La Mã trở thành một trung tâm thành kính của giáo hữu khắp nơi. Bức Ảnh Đức Mẹ được cung nghênh về an vị trong cung nhà thờ mái lá vách phên. Tuy nhiên nhiều phái đoàn từ khắp nơi luân phiên đến kính viếng. Đức Mẹ đã ban nhiều ơn hồn xác. Theo lời nhiều người thuật lại, đồng bào bên lương được Đức Mẹ ban nhiều ơn hơn bên Giáo. Họ La Mã trước đây chỉ có hơn 50 nhân danh nay đã lên quá 500. Nhiều người thuộc ấp Hương Lễ đã mời cha sở La Mã đến viếng thăm và xin tòng giáo. Ông Khá là người lái đò ai cũng biết, bị hư mắt được Đức Mẹ chữa lành, đã trở lại đạo và tiếp tục là “người lái đò đưa người sang sông của Đức Mẹ”.
Tại nơi bà Sáu Liễng người Cao Đài tìm thấy khung ảnh, một đài kĩ niệm được xây lên giữa dòng nước với hàng chữ: “nơi gặp ảnh Mẹ”.
Làn sóng hành hương tấp nập đổ về, cha sở La Mã Phêrô Dư, nhờ đó đã có phương tiện xây được ngôi thánh đường xinh xinh, dài 35m, rộng 16m với tháp cao 19m vươn lên giữa mây trời. Lễ khánh thành thánh đường La Mã cử hành trong 3 ngày 12 – 13 -14 tháng giêng năm 1957 có sự tham dự của 5 Giám mục, hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ và hàng vạn người lương giáo.
La Mã trở thành trung tâm hành hương thứ ba của Việt Nam.
La Mã ngày nay
Tuy là một trong ba trung tâm hành hương của Giáo phận Vĩnh Long nhưng chưa có chương trình tổ chức định kỳ.
Nay họ đạo La Mã Bến Tre đang được một cha Dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Hàng tuần có Thánh lễ.
Các đoàn hành hương nếu được thông báo trước cha sẽ lo liệu cho có Thánh lễ.
Thỉnh thoảng vào những dịp quan trọng các cha trong giáo hạt Bến Tre về đây đồng tế.
La Mã có bề dày lịch sử nửa thế kỷ nên có nhiều người đã biết, nay nhớ lại đã về kính viếng khá đông.
Tòa Giám mục rất quan tâm đến trung tâm này.
Đường về La Mã nay rất dễ dàng, chỉ còn 2km đường hẹp xe ôtô chưa vào được.
Ngôi nhà thờ quý vị thấy trên đây không còn được như xưa nhưng có nhiều phần đã xuống cấp, tuy được sửa chữa nhiều lần với kinh phí hẹp. Các cơ sở khác cũng đã được tạm sửa chữa để khách hành hương có thể yên tâm đến.
(Viết theo tài liệu của Lm Hồng Phúc dcct, và Lm Trần Quốc Hùng dcct hiện đặc trách Họ đạo La Mã Bến Tre)
Lm Nguyễn Văn Khải, DCCT
Trích www. chuacuuthe.com
ĐẤNG BẢN QUYỀN GIÁO PHẬN NHÌN NHẬN
Sự kiện La Mã vào năm 1950 được ghi lại trong cuốn sách nhỏ có phép in của Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục như sau:
* Ngày 1 tháng 2 năm 1950, sau cuộc ruồng bố trở về nhà, anh Thành thấy mất tượng ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đến trung tuần tháng 5, một bà lảo Cao Đài đi xúc cá gặp được cái khuôn ảnh ấy ở giữa rạch, còn đủ kiếng, nhưng ảnh đã phai màu hết, chỉ còn để lại mảnh giấy xám xám lăng nhăng vài lỡ rách. hay tin, anh Thành đến nhìn và xin lại đem về nhà đút vô kẹt vách để đó. Sau ông Hạt, là cha ruột của anh Thành đến nhà thăm con, thấy vậy sợ tội mới đem về nhà riêng để trên bàn thờ trước tấm vách đơn sơ ở giữa nhà.
* Ngày 7 tháng 10 năm 1950, một lần nữa La Mã dưới làn mưa bom đạn. Cuộc tổng ruồng dữ tợn, tiếng súng nổ như bắp rang, khói lửa mịt trời. Thiên hạ phải tản cư chạy hết.
* Ông Hạt và người con trai út tên Trọng hay tin trễ không chạy kịp, nên chịu phép, lại núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Hai cha con réo Đức Mẹ liên miên. Những viên đạn ào ào hoạt động, nhà ông Hạt như nhiều nhà khác bị đạn xuyên qua tơi bời, duy có bàn thờ và tấm vách lá sau bàn thờ là khỏi đạn thôi.
* Đến lúc tiếng súng đã im hẳn, thiên hạ bắt đầu hồi cư, hai cha con thấy mình thoát chết mừng quá, chạy ra trước bàn thờ, đọc kinh cám ơn Chúa. Vừa ngó lên bàn thờ, hai cha con sững sờ. Phép lạ, phép lạ! Ông Hạt nói: “Đức Mẹ hiện ra kìa”, ông réo lối xóm chạy lại coi sự lạ. Ai nấy vừa hồi cư, mình mẩy còn ướt mèm chạy lại nhà ông Hạt thì thấy; ảnh Đức Bà Hằng Cứu Giúp mấy tháng trước mất hẳn hình rày lộ rõ lại, duy chỉ có hai mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Giêsu là còn lu thôi. Hai mũ nầy đến ngày 15 tháng 8 năm 1951, nhằm lễ Đức Bà Mông Triệu, hai triều thiên ấy mới lộ rõ.
* Tiếng sự lạ nầy đồn ra, Cha Luca Sách, Cha sở Họ Cái Bông, với sự dè dặt rước tượng ảnh ấy về để tại nhà thờ Cái Bông đến ngày 20 tháng 6 năm 1951. Sau khi trang sức lại nhà thờ, thì bổn đạo rước Đức Mẹ trở về La Mã.”
Trước đó một năm, khi đến Bàu Dơi ban phép Thêm Sức, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục đã đặt tên mới cho nơi nầy, và gọi là La Mã.
Sau sự kiện “lạ lùng ” nầy, Đức Cha đặt Cha Phêrô Trần Hữu Dư làm Cha sở Họ mới La Mã, trước kia là Bàu Dơi, thuộc làng Hiệp Hưng, tổng Bảo Phước, huyện Ba Tri, cách tỉnh lỵ Bến Tre 24 km.
Từ đó, La Mã được nhiều người biết đến. Người hành hương đưa nhau về kính viếng ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Đức Mẹ đã ban nhiều ơn lành cho những kẻ kêu xin. Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiến, Chánh sở Bến Tre cho biết::”có những đoàn hành hương về kính viếng Đức Mẹ La Mã, cách riêng các ngày 13 mỗi tháng.”
Nguồn: Giáo Phận Vĩnh Long