Trói buộc và tháo cởi(2)

Chúng ta trói buộc bạn khi từ chối tán thành người đó gian lận trong kinh doanh để kiếm thêm tiền. Một người bạn trói buộc chúng ta khi từ chối ủng hộ những thỏa hiệp đạo đức của ta.

 

Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Những lời này của Chúa Giêsu không chỉ áp dụng cho những ai được phong chức thánh và ban bí tích hòa giải, mà còn cho bất kỳ ai ở trong thân thể Chúa Kitô. Tất cả chúng ta đều có năng lực trói buộc và tháo cởi.

Năng lực này là gì? Chúng ta trói buộc và tháo cởi cho nhau trên đời này theo cách hướng đến thiên đàng như thế nào?

Một phần của chuyện này khá dễ giải thích. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Nếu bạn là một phần trong Thân thể Chúa Kitô và bạn tha thứ cho ai đó thì Chúa Kitô tha thứ cho người đó và người đó được giải phóng khỏi tội. Như thế, nếu bạn, như một phần của Thân thể Chúa Kitô, tha thứ cho ai đó và vẫn liên kết với người đó, thì người đó được liên kết với Thân thể Chúa Kitô và qua bạn, người đó được chạm đến vạt áo Chúa Kitô, dù cho người đó có thể hiện rõ ràng như vậy hay không. Và đó là một trong những tặng vật vô giá được ban cho chúng ta trong sự nhập thể.

Nhưng còn ngược lại thì sao? Cứ cho là tôi từ chối tha thứ cho ai đó đã làm tổn thương tôi, cứ cho là tôi ôm mối thù và không chịu quên đi việc sai trái mà người đó làm với tôi, vậy là tôi trói buộc người đó vào tội lỗi sao? Thiên Chúa cũng từ chối tha thứ và quên đi, vì tôi từ chối tha thứ và quên đi sao? Thân thể Chúa Kitô hoạt động như thế nào về phần “trói buộc” trong năng lực mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta?

Đây là một câu hỏi khó, dù cho một vài điểm phân biệt sơ bộ có thể soi rọi vấn đề này thêm đôi chút.

Đầu tiên, lôgic của ân sủng, vốn cũng là lôgic của tình yêu – chỉ hoạt động một chiều. Trong ân sủng, cũng như trong tình yêu, chúng ta có thể được trao tặng nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng, nhưng ngược lại thì không. Phép tính về ân sủng không xứng đáng chỉ hoạt động một chiều. Tình yêu có thể cho bạn nhiều hơn những gì bạn xứng đáng, nhưng tình yêu không thể trừng phạt bạn nhiều hơn những gì bạn đáng nhận. Thiên Chúa cho chúng ta năng lực giải thoát cho nhau, nhưng không phải tương đương với năng lực trói buộc nhau.

Thứ hai, như tác giả C.S. Lewis nói, trong đời này, địa ngục có thể uy hiếp thiên đàng, nhưng trong đời sau thì không. Do đó, dù chúng ta có thể trói buộc nhau về mặt tâm lý và tình cảm ở đời này, nhưng Thiên Chúa không phê chuẩn những hành động này.

Khi trói buộc nhau ở đời này bằng cách từ chối tha thứ cho nhau, thì sự từ chối tha thứ đó không ràng buộc Thiên Chúa phải hành động như thế. Đơn giản là khi tôi ôm mối hận với ai đó đã xử tệ với tôi, liên tục làm cho người đó biết, họ đã làm sai, là tôi đang trói buộc người đó với tội của họ, nhưng Thiên Chúa không tán thành việc đó. Thiên đàng sẽ không đi theo sự uy hiếp về mặt tình cảm của tôi.

Nhưng những sự phân biệt này chỉ đem lại một nền tảng để hiểu vấn đề này. Vậy trói buộc một người nghĩa là gì?

Năng lực trói buộc và tháo cởi của người tín hữu kitô là năng lực trói buộc và tháo cởi trong lương tâm, trong chân lý, trong sự tốt lành và trong yêu thương. Khi tôi từ chối tha thứ cho người khác, khi tôi ôm mối hận, là tôi không hành động như Thân thể Chúa Kitô hay tác nhân của ân sủng, mà như vòng xoáy trong móc xích tội lỗi và bất lực mà Chúa Kitô cố gắng phá bỏ. Khi hành động như thế thì chính tôi mới cần được tháo cởi khỏi tội lỗi, vì tôi đang hành động đối nghịch với ân sủng. Việc tôi không tha thứ có lẽ trói buộc người kia về mặt tình cảm, giữ chặt người đó với tội của mình, nhưng nó cũng là phản đề với năng lực mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta.

Theo Kinh Thánh, chúng ta trói buộc nhau, khi trong tình yêu, chúng ta từ chối thỏa hiệp về sự thật và khi chúng ta từ chối cho người kia sự tự do giả tạo để đưa ra những lựa chọn sai lầm. Ví dụ như, cha mẹ trói buộc con cái, khi vì tình yêu mà để con cái lờ đi các giáo huấn của Chúa Kitô về hôn nhân và tình dục. Chúng ta trói buộc bạn khi từ chối tán thành người đó gian lận trong kinh doanh để kiếm thêm tiền. Một người bạn trói buộc chúng ta khi từ chối ủng hộ những thỏa hiệp đạo đức của ta.

Trong vở kịch Người của mọi thời (A Man for All Seasons) của Robert Bolt, vua Henry VIII đã nài xin thánh Thomas More chúc phúc cho cuộc hôn nhân của ông với bà Anne Boleyn. Henry đã viện đến tình bạn giữa hai người, viện đến tình người và cố ép Thomas khi nói rằng, việc ngài từ chối tán thành chính là hành động nhỏ nhen và kiêu ngạo. Nhưng Thomas vẫn từ chối tán thành. Ngài đã trói buộc Henry vào lương tâm và Henry biết mình bị trói buộc. Cuối cùng, ông đã giết Thánh Thomas vì từ chối thỏa hiệp và không chịu chấp thuận tháo cởi cho ông.

Từ khi Thiên Chúa mặc lấy xác phạm cụ thể, ân sủng đã có một chiều kích con người hữu hình. Thiên đàng đang quan sát thế gian, và đang nhận lấy những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta làm ở đây, nhưng không bị trói buộc bởi những gì xấu xa mà chúng ta làm ở đây.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Trả lời