Trái bơ ngon, bổ, nhưng ai không nên ăn?

Báo tuổi trẻ Việt Nam

Trái bơ được coi là loại quả giàu dinh dưỡng, vị béo ngậy khiến nhiều chị em cho rằng ăn bơ có nguy cơ tăng cân. Thế nhưng các chuyên gia cho hay một số bằng chứng cho thấy bơ có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm cân, ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư.

Ăn bơ giúp giảm cân

Theo lương y Phùng Tuấn Giang, chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, trái bơ là loại quả giúp giảm cân, cải thiện vóc dáng nếu chúng ta sử dụng đúng cách.

Hiện nay, chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo lành mạnh là giải pháp thúc đẩy quá trình giảm cân. Bơ là loại trái cây giàu vitamin, khoáng chất và chất béo tự nhiên không bão hòa.

Trong trái bơ cũng chứa nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, khi ăn có cảm giác no lâu hơn và hạn chế những cơn đói.

“Cụ thể, chất béo, chất xơ trong bơ làm tăng cảm giác no và tăng kích thích tố giúp chúng ta ăn ít hơn, lâu bị đói, đồng thời ngăn ngừa ăn quá nhiều, ăn vặt và nghiện đường.

Đó là một lý do tại sao tăng axit béo không bão hòa đơn trong chế độ ăn uống có liên quan đến việc quản lý cân nặng tốt hơn và cải thiện chỉ số BMI”, lương y Giang giải thích.

Theo lương y Giang, hiện chế độ ăn ít chất béo có nguy cơ dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng, tăng đột biến insulin, các vấn đề sinh sản và vấn đề liên quan đến tâm trạng. Bởi vậy, khi ăn kiêng giảm cân cần bổ sung chất béo như trong quả bơ và các loại hạt.

Tuy nhiên, bơ cũng là loại trái cây có lượng calo nhiều hơn các thực phẩm khác. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều sẽ khiến hàm lượng calo nạp vào cơ thể tăng lên, dẫn đến tăng cân.

“Chỉ khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, bơ là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho một chế độ ăn uống cân bằng. Ăn bơ 2 lần mỗi tuần hoặc ăn mỗi ngày lượng vừa đủ (khoảng 100-130g) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe”, lương y Giang chia sẻ.

Bơ giúp ngăn ngừa ung thư

Theo thông tin từ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy MUFA trong quả bơ giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Đối với các loại ung thư khác, nghiên cứu lâm sàng còn hạn chế.

Cụ thể, thành phần dinh dưỡng của bơ tùy thuộc vào giống bơ, thổ nhưỡng, mùa, độ trưởng thành của cây.

Trong giống Persea Americana được nghiên cứu, thì 100g cùi bơ P. Americana có 15g chất béo, chủ yếu là MUFA và PUFA, 8,5g cacbonhydrate và 2g protein.

Trung bình 100g bơ cung cấp khoảng 160 kcal, 14% nhu cầu kali hằng ngày cho cơ thể. Ngoài ra, tách chiết từ cùi, hạt, lá bơ cũng cho ra các chất có hoạt tính chống oxy hóa, chống các tế bào ung thư như carotenoid, phenolics, dẫn xuất furanone…

Các dòng tế bào ung thư bị ức chế bởi các chất chiết xuất từ bơ (lá, vỏ, cùi, hạt) đã được chứng minh trong ống nghiệm bao gồm: ung thư vú, ruột kết, gan, phổi, thanh quản, bệnh bạch cầu, thực quản, miệng, buồng trứng và tuyến tiền liệt.

Các chất chiết xuất theo các cơ chế khác nhau tác động lên quá trình phân chia của tế bào, góp phần vào hoạt động chống ung thư của cả quả bơ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy các chất chiết xuất từ lá, vỏ, hạt có khả năng chống oxy hóa cao hơn so với cùi. Tuy nhiên các chất chống oxy hóa này cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu độc tính và hiệu quả trên người.

Ai không nên ăn bơ?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù bơ là loại trái cây mang lại nhiều dinh dưỡng, thế nhưng trong một số trường hợp nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này.

Với những người mắc bệnh về thận không nên ăn quá nhiều bơ vì trong bơ chứa nhiều kali, sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không nên ăn quá nhiều bơ, bởi có thể gây ảnh hưởng đến sữa khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy chất dầu trong bơ như estragole, anethole có thể gây ảnh hưởng đến gan. Vì vậy, những người đang gặp vấn đề về gan cũng nên hạn chế loại trái cây này.

Mặc dù không phổ biến, nhưng cũng có một số người bị dị ứng bơ, gây ra các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa.

Trả lời