Thứ Tư Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời

Chết Là Một Bắt Đầu

 

“Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”

Người ta thường ví: sống là một cuộc hành trình vạn dặm. Có người chọn đi về phía hào quang của danh vọng, người lại dành cả thanh xuân để đuổi theo tình yêu, cũng có người quẩn quanh mãi trong một vòng lập không lối thoát vì chưa tìm ra được chân lí cho cuộc đời, và có những người chọn một cách sống riêng- sống đời tận hiến cho Thiên Chúa và mọi người. Nhưng chung quy lại, dù đi đâu về đâu, mọi sinh vật trên thế gian này đều có cùng một điểm đến _ là cái chết.

Đứa bé nào cũng mở mắt chào đời bằng tiếng khóc, phải chăng nó biết rằng: đời là bể khổ, hết khổ là hết đời. Ngày xưa người ta than trách tạo hóa rằng, tại sao họ không thể tránh được bốn bậc thang “sinh-lão-bệnh-tử” để mãi mãi trường sinh bất tử như mong muốn của Tần Thủy Hoàng, nhưng xã hội hôm nay, được an hưởng tới tuổi già rồi mới chết, lại là mong ước của bao nhiêu người. Vì cái chết đến với nhiều lí do hơn, bất ngờ hơn, không chừa độ tuổi nào và càng không “rảnh” để hỏi ai đã sẵn sàng hay chưa! Kiếp người là thế, ngắn ngủi mong manh như một tiếng thở dài và vùn vụt lướt qua như bóng câu ngoài thềm.

Bước vào dòng từ thuở thiếu thời non dại, đến lúc sung mãn nhất của tuổi trẻ, nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn trong dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng mà bất khuất, vượt bao gian khó và chẳng ngại hi sinh để phục vụ anh chị em đồng loại trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. Sức tàn lực kiệt, tóc bạc da nhăn, đôi mắt mờ dần và đôi chân rã rời, dù tình yêu và sự nhiệt thành vẫn đang rực cháy trong lòng, nhưng chị em chấp nhận lui về làm hậu phương để ngày đêm dâng lời cầu nguyện cho thế hệ Nữ tu tiếp bước. Soi gương ở cái tuổi lục tuần có lẽ làm người ta phải giật mình, nhận ra mình đã già và thời gian còn ngắn ngủi, chị em cùng lớp lần lượt ra đi, nhanh như mặt trời rơi xuống nước, niềm thương tiếc chen lẫn với sự lo âu, mãn nguyện, đợi chờ. Đợi đến một ngày khi tiếng chuông quen thuộc vang lên, tiếng chuông đã ăn đời ở kiếp với bao lớp người, tiếng chuông thúc giục chúng ta chỗi dậy tham dự thánh lễ khi hừng đông còn đang ngủ, tiếng chuông hoan hỷ chúc mừng ngày chị em bước lên Thánh cung khấn ước, thề nguyện sắt son với tình yêu dâng hiến, và cũng là tiếng chuông ấy sẽ vang lên lần cuối cùng, cách thành kính và đặc biệt nhất, dành riêng cho chính mình vào giờ Chúa đã định. Tiếng chuông da diết hòa vào dòng người đưa tang tiễn đưa linh cửu ta ra nơi mộ phần, dấu chấm hết cho kiếp người rong ruổi dặm trường.

 “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ/ Con trở về lòng đất cũng trần truồng/ Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi/ Người muốn sao nên vậy/ Xin chúc tụng Đức Chúa”.

Cái chết có lẽ không quá đáng sợ như cái tên của nó. Nhưng có lẽ điều làm người ta hãi hùng nhất là trạng thái “ngừng sống”. Dẫu tin rằng chết sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng trong Chúa và triều thần thánh, nhưng thẳm sâu trong lòng, người ta vẫn thích chọn đau khổ mà được sống tiếp còn hơn trở về bụi đất – nơi chúng ta bắt đầu. Người ta ước đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến một tram hai mươi tuổi dễ dàng với những bài thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe. Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử..v..v, sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.

 Nhưng nếu đã không tránh được cái chết, thì ta nên chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tử thần như thế nào?

Chuyện kể rằng:

Có một Bà lão ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Hôm nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói: “Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.” Hóa ra, “đi chết” cũng như đi du lịch vậy, hành trình nào cũng cần có kế hoạch chuẩn bị. Điểm đến bên kia cuộc đời lưu hành thứ tiền tệ nào? Liệu rằng mọi thứ ta tích góp ở đời này còn hạn sử dụng tới đời sau chăng? Vậy thì hơn nhau ở miếng ăn, tranh nhau ở một hai lời nói có nghĩa lý gì.

 “Lạy Chúa con biết đời là ảo ảnh

Là phù hoa nối tiếp phù hoa

Cuộc vui nào rồi cũng sẽ trôi qua

Cái còn lại là hương tàn khói lạnh

Tiền của đời là kho tàng bất hạnh

Sao lòng con vẫn ham muốn cuồng si

Đời bon chen trong cơn lốc được gì?

Tom góp lắm, cuối cùng là tang tóc

Ôi lạy Chúa, con là đồ ngốc

Tiếng gọi nào thức tỉnh lòng con?

Khi tiếng chuông đưa tiễn một linh hồn

Con thanh thản đợi chờ về cõi phúc”.

Maria Hồng Gấm

Trả lời