“Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi. Và Người nói với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. (Lc 23,42-43)
Suy Niệm 1:
Mừng lễ Đức Giê-su Ki-tô là Vua Vũ Trụ như khép lại năm Phụng vụ theo Giáo hội ấn định. Tin Mừng thuật lại cho chúng ta thấy vẻ đẹp của một vị vua không thuộc vương quốc trần thế mà là một vị vua của vương quốc Nước Trời.
Theo dòng chảy cuộc đời, biết bao là sự tăng tiến của khoa học kỹ thuật số, ngày càng làm cho con người ngày nay có nhiều chọn lựa, có nhiều cách thức để họ thăng tiến bản thân cũng như có nhiều thách đố để họ phân định cho mình làm sao có một cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc và bình an nhất.
Có khi cuộc sống lắm sắc màu cùng những chuyện không đâu, vụn vặt làm cho đời chúng ta đánh mất đi giá trị chân thật, niềm hạnh phúc, bình an thật sự. Hôm nay người trộm lành đã nhận ra và bày tỏ với Đức Giê-su: “Giê-su ơi”. Nơi dáng vẻ của Đức Giê-su trên thập giá không khiến ông sợ hãi, khép mình trước cái chết của chính mình nhưng biết buông mình cho Đức Giê-su quyết định số phận còn lại của đời ông: “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Ông tin vào lòng trắc ẩn của Đức Giê-su, và muốn hiệp thông cùng Đức Giê-su trong vương quốc Vĩnh Cữu của Ngài.
Sống tâm tình như người trộm lành, biết đánh giá đúng về mình, biết trách nhiệm những việc mình làm và nhất là sẵn sàng mở lòng để tình yêu của Đức Giê-su đụng chạm đến trái tim đầy thương tích của chúng ta do những điều không tốt đã làm và những tổn thương xảy ra trong cuộc sống cùng tội lỗi bao phủ đời chúng ta.
“Giê-su ơi” – lời ngọt ngào của ông trộm lành cho chúng ta nhận thấy nơi Đức Giê-su là
- Vị Vua dịu hiền và khiêm nhường
- Vị Vua của lòng thương xót
- Vị Vua thống trị bằng con tim chứ không phải lý trí
Lạy Chúa Giê-su là Vua tình yêu, xin ban cho con tấm lòng mến yêu danh Ngài bước đi giữa đời gieo niềm tin mới. Ôi Vua Giê-su, xin Ngài thương nhân loại chúng con vẫn còn lầm than dưới thế, xin qui tụ về sống bên Vua Tình Yêu (Bài hát LM. Thái Nguyên)
M. Nhị Thơ
Suy niệm 2:
Per Crucem Ad Lucem – Qua Thập Giá Đến Vinh Quang
Các bộ phim truyền hình của Trung Quốc luôn được đầu tư công phu, hình ảnh sống động, diễn viên hút hồn khán giả. Có những bộ phim đã từ rất lâu nhưng vẫn để lại dư âm trong lòng khán giả từng xem. Hoàn Châu Cách Cách 1998, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Bao Thanh Thiên … Khi xem những bộ phim này chúng ta thấy: “vua” là một nhân vật đầy uy quyền, với trăm ngàn người hầu hạ, với cung điện nguy nga, y phục lộng lẫy, với cuộc sống vượt trên mọi người. Danh hiệu vua thực chất chỉ là một cách gọi những người đứng đầu trị vì một quốc gia thời phong kiến, mà về sau được gọi bằng danh xưng khác như: tổng thống, thủ tướng, quốc trưởng, chủ tịch nước v.v…
Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Kitô Vua vũ trụ, một danh xưng đầy quyền năng nhưng ai cũng biết suốt đời Ðức Giêsu chẳng có vẻ gì là một ông Vua. Vì Ngài xuất thân từ một gia đình nghèo, sinh ra nơi hang bò lừa, sống bằng nghề thợ mộc, và sau cùng chấp nhận cái chết ô nhục, đau thương, phải chôn nhờ nơi phần mộ của người khác. Phụng vụ Lời Chúa năm C diễn tả cho chúng ta một vị Vua: Đức Giêsu bị đóng đinh, bị bêu xấu, đối tượng của những lời nhục mạ và chế nhạo. Vị Vua mà chúng ta tôn thờ không phải ở trên ngai vàng, nhưng cái ngai ấy chính là “Thập giá”. Thập giá là một hình phạt cao nhất, một án phạt nặng nhất dành cho tội nhân của người Do Thái, nhưng Vua Giêsu đã chọn lấy, dù Người vô tội. Từ cổ chí kim và mãi mãi, duy nhất trong lịch sử loài người, không có một cảnh tưởng nào hãi hùng, khinh khiếp bằng cảnh tượng Thập giá. Nơi đó, đã thỏa mãn cơn điên loạn, sự độc ác, sự căm thù, sự ích kỷ, sự nhỏ nhen thâm độc nhất của loài người.
Vinh quang Thiên Chúa không dừng lại nơi Thập giá, mà là vinh quang của Thiên Chúa chính là sự Phục Sinh của Đức Kitô. Thập giá, nơi biểu lộ tình yêu, chứ không phải nơi biểu lộ quyền năng. Thập giá, nơi biểu lộ án phạt mà nhân loại phải chịu. Con người đã dùng thập giá để bêu xấu, để loại trừ Chúa Giêsu Kitô, nhưng lại chính đó là dấu chỉ Thiên Chúa dùng để thiết lập và mạc khải vương quyền của Chúa trên cả mọi sự. Chúa Giêsu Kitô là Vua, Ngài làm vua bằng tình yêu thương và để gieo rắc khắp nơi tình yêu thương đó.
“PER CRUCEM AD LUCEM”: một câu mà chúng ta thường thấy khi bước vào bất cứ một nhà dòng mang tên MẾN THÁNH GIÁ cùng với câu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian.” Là người môn đệ theo sát Đức Kitô theo linh đạo Mến Thánh Giá, chắc chắc rằng mỗi người phải tập từ bỏ tật xấu, những gì thuộc về thế gian như: tìm kiếm dễ dãi, tiện nghi vật chất, an toàn cho bản thân, thỏa mãn các đam mê để đi tìm sự thanh thoát trong đời tu bằng sự khó nghèo thực sự, sẵn sàng vâng lời, đón nhận những nghịch cảnh, trái ý, có khi cả những thua thiệt, để có thể cảm nhận sâu xa niềm vui đích thực của người sống đời thánh hiến là ân ban chứ không phải là một sự đổi chác, mua bán để được Nước Trời bằng những giá trị vật chất đời thường.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đến thế gian và sống trọn phận người, đã biết sự vất vả nhọc nhằn của kiếp nhân sinh chúng con. Giờ đây, Ngài ngự bên hữu Chúa Cha, xin cho mỗi lần nhìn lên Thập Giá chúng con được thêm sức mạnh, để những khó khăn gian khổ không làm cản bước chúng con tiến về quê hương vĩnh cửu. Xin cho cuộc sống chúng con trở nên dấu chỉ Nước Trời nơi trần gian này. Amen
Fiat