Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên C

Suy Niệm 1:

KHOẢNG CÁCH NÀO XA NHẤT?

 Buổi tối, trước khi ngủ, cháu tò mò hỏi ông và ông trả lời cháu trong yêu thương:

– Ông ơi, hôm nay cháu học, mùa hè mặt trời mọc từ sớm, lại chói chang đến tận chiều tà, Hạ chí có phải là ngày dài nhất trong năm?

– Ô, không! Ngày dài nhất là ngày không có niềm vui.

– Cháu nghe người lớn nói “tối như đêm ba mươi”. Vậy đêm tối nhất có phải là đêm ba mươi không?

– Không phải đâu cháu à. Đêm tối nhất là đêm không còn niềm hy vọng.

– Nơi sâu nhất có phải là lòng đại dương không vậy ông?

– Không đâu cháu, đáy biển sâu nhất là rãnh Mariana ở Thái Bình Dương đo được sâu hơn 11km. “Nào ai lấy thước mà đo tấc lòng”. Lòng người không đo được, vậy đó mới là nơi sâu nhất.

– Vậy khoảng cách xa nhất, có phải là khoảng cách từ trái đất tới sao Hỏa không ông?

– Khoảng cách giữa người với người mới là khoảng cách xa nhất.

(Nguồn: trithuccuocsong)

Câu chuyện trên vẫn còn, nhưng ta dừng tại đây để thấy: Khoảng cách giữa người với người mới là khoảng cách xa nhất.

Câu chuyện trên cho ta suy nghĩ về một khoảng cách. Khoảng cách giữa người phú hộ giàu có và anh Lazarô nghèo. Khoảng cách đó chẳng có bao xa! Họ ở gần nhau lắm, chỉ cách nhau một cánh cổng thôi, nhưng cánh cổng đó khép kín, khiến hai người tuy rất gần nhưng lại rất xa!

Khoảng cách xa nhất chắc có lẽ là cách lòng. Bởi lòng người rạn nứt, vô cảm, dửng dưng thì cũng ví như “biển trời cách mặt”, không có đại lượng nào có thể dùng để đo được cả! Vậy nên con người phải thương nhau, thương nhau thì không còn khoảng cách nữa!

Thực tế cho ta thấy, những Lazarô nghèo khó trong cuộc sống của ta hôm nay, họ muốn đến gõ cửa nhà chùa, nhà tu để xin giúp đỡ, tại sao vậy? Bởi vì họ biết các Sơ, các Sư, những người tu trì không hẳn giàu về vật chất, nhưng lại giàu tấm lòng, và chắc chắn Lazarô này sẽ được giúp đỡ ít nhiều khi đến gặp họ.

Nếu ta có một tấm lòng, ta sẽ cảm nhận được điều đó. Ta sẽ vui, sẽ hạnh phúc mỗi khi có dịp san sẻ với người nghèo, với những ai cần ta giúp đỡ; nếu ta có một trái tim yêu thương và tin Chúa Giê-su đến với ta trong hình dáng của một người nghèo, một người cần ta giúp, ta sẽ tự nhủ lòng rằng: Thà thương lầm còn hơn bỏ sót! Ta sẽ không nỡ lòng nào để họ đến với ta mà phải về tay không; ta sẽ không lớn tiếng với họ nhưng nhẹ nhàng, ân cần, lắng nghe tiếng nói, và nhu cầu của họ; ta sẽ sẵn lòng chia sẻ cho người nghèo ít tiền, ít nhất số tiền đó đủ để họ có thể mua được một ổ bánh mì lót dạ!

Trở lại với Tin mừng, người phú hộ kia chẳng mai bị phạt đời đời không phải vì ông giàu đâu! Bởi vì giàu thì không có tội! Ai cũng muốn làm giàu để lo cho mình, cho người thân của mình có được đời sống ấm no hạnh phúc, và mỗi người phải ra sức làm việc để kiếm tiền lo cho lo nhu cầu chính đáng của thân xác và giúp thực thi bác ái với những anh chị em kém may mắn hơn mình, đó là điều chính đáng! Chúa không cấm điều đó.

Nhưng tội ở đây là nhà phú hộ kia đã đóng cửa lòng mình trước đau khổ của anh chị em chung quanh. Sự giàu có cộng với vô cảm khiến ông khép kín lòng mình với Thiên Chúa – Ngài là nguồn suối hướng về anh chị em. Ông đã khép lòng mình lại. Và cuộc sống của ông xem ra chỉ để hưởng thụ vật chất với những lạc thú trần gian. Để rồi cuối cùng, ông quên mất một Thiên Chúa quyền năng với đời sống vĩnh cửu! Trong tương quan với tha nhân, sự giàu có và vô cảm làm cho ông không nhìn thấy người nghèo, người khổ ở ngay cổng nhà mình! Đó là khoảng cách xa nhất đã được nói trong Tin mừng: “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16,26)

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng một tình yêu bao la và cho con nhưng không những ân huệ! Xin cho con biết tạ ơn Chúa về những ân huệ được nhận lãnh, và xin cho con biết bổn phận của con tiếp tục trao những ân huệ ấy cho người khác, những người cần con cách này, cách khác trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con quả tim nhân hậu của Chúa, để con biết mở rộng cõi lòng mình, xóa bỏ ngăn cách để đến với anh chị em của mình. Yêu thương họ với một lòng bác ái vô vị lợi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tấm lòng của Chúa, con để con dễ dàng đến với tha nhân, nghe tiếng nói của họ, thấy họ, chạm tới họ, và giúp đỡ họ. Amen.

Hoa Xuân

Suy Niệm 2:

“Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,26)

Trong dụ ngôn Chúa Nhật tuần trước dạy cho chúng ta biết cách sử dụng của cải trần gian sao cho đúng, thì dụ ngôn Chúa Nhật tuần này trình bày mặt trái của sự giàu có qua câu chuyện về một người đã sử dụng của cải mình cách sai lầm. Đây là dụ ngôn của riêng Luca, gồm ba cảnh: Mở màn, hai nhân vật xuất hiện: một giàu, một nghèo.

Người thứ nhất, mặc dù là nhân vật chính, lại không được nêu tên: “một viên phú hộ kia”, nghĩa là mỗi người đều có thể nhận ra chính mình nơi ông. Kẻ thứ hai thì lại có một cái tên gọi, chuyện hy hữu trong tất cả những dụ ngôn của Đức Giêsu, và là một cái tên có nghĩa biểu tượng: “Lazarô”, có gốc từ chữ “Ê-lê-a-da”, nghĩa là “Thiên Chúa phù trợ”.

Không chỗ nào nói Lazarô là một con người nhân đức, anh chỉ được giới thiệu là “một người nghèo”, “người nghèo” nói chung. Cũng vậy, không một chỗ nào nói rằng viên phú hộ kia là một kẻ “ác ôn”, rằng ông đã vơ vét của cải một cách mờ ám, rằng ông đã chiếm đoạt, đã bóc lột một cách bất chính, đã lợi dụng hay ngược đãi Lazarô.

Dụ ngôn trong Tin Mừng chỉ lưu ý chúng ta ở chỗ ông đã không ngó ngàng gì tới “người nghèo khó nằm trước cổng nhà mình”, ở đây chúng ta chứng kiến cảnh trái ngược trớ trêu của hai thế giới sát bên nhau.

Giữa hai thế giới đó, chỉ có một “ngưỡng cửa”, một ranh giới, ngày càng được đào sâu một cách vô hình, được nới rộng cho tới một lúc tấm màn của cảnh một được buông xuống với cái chết đồng thời của cả hai nhân vật: “Thế rồi người nghèo nàn chết… ông nhà giàu kia cũng chết”.

(Chú giải của Fiches Dominicales)

Trước sự ngăn cách, bất ổn của một người nghèo và một người giàu trong Tin mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giê-su không lên án những ai giàu có, nhiều của cải, nhưng Chúa Giê-su mở ra cho ta thấy cái kết sai lầm của cách thức ta chọn cách sống thiếu quan tâm, ngó lơ trước nỗi đau và nhu cầu cấp bách của anh chị em bên cạnh ta.

Nhà phú hộ đã có lụa là gấm vóc, đã có những bữa tiệc linh đình, đẳng cấp và có cả những thú cưng ở xung quanh bàn ăn để ăn mụn bánh vụn, nhưng ông không có tình thân hữu, không có tình láng giềng và đặc biệt không có lòng thương cảm, lòng trắc ẩn cần phải có trong nhân cách con người.

Trong cuộc sống hiện nay, sau hai năm, toàn thế giới đều bị vết sẹo của đại dịch Covid 19 để lại cho kinh tế toàn cầu, và làm rõ hơn khoảng cách giữa các quốc gia giàu và quốc gia nghèo, nới rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Và từng ngày, từng giờ có dịp ra đường, đi đây đi đó đôi mắt nhìn thấy những cảnh đời khốn khó, lầm than trong từng gia cảnh của mình. Người thì đói nghèo về thể chất, người thì đói khổ về tình thần…mọi khía cạnh của kiếp người.

Thực tế hơn, sát bên cạnh tôi còn đâu đó những con người, những tâm hồn không nghèo về vật chất nhưng nghèo về tâm lý, nghèo trong cách đối nhân xử thế, nghèo kiến thức, nghèo về đức tin.v.v.. mà họ cần tôi hộ trợ, quan tâm, san sẻ những gì tôi có. Tôi có làm được điều đó không? Hay tôi cũng ngoảnh mặt làm ngơ, thấy như không thấy, và xem họ như là kẻ vô hình. Từ đó, chắc cái kết của tôi sẽ không hơn không kém nhà phú hộ trong dụ ngôn. Là “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,26)

Xin Chúa Giê-su cho con đừng chỉ lo cho mình, khép lại chính mình, vì khi đó con không thấy tha nhân ở gần con và cần con. Xin Chúa Giê-su mở đôi mắt, đôi tai và con tim con, để con biết cảm nhận, biết lắng nghe, biết rung cảm trước mọi hoàn cảnh cuộc đời của anh chị em, hầu mai sau con cùng với anh chị cùng sum vầy ở nơi mà Chúa đã hứa ban cho chúng con trong ngày sau hết. Amen.

M. Nhị Thơ

 

Trả lời