Sức khỏe: Ngủ trưa tác động thế nào đến não

Ngủ trưa ngắn 20-30 phút có thể cải thiện tâm trạng, nâng cao khả năng nhận thức và tỉnh táo hơn vào buổi chiều.

Nhiều người thường không nghỉ trưa để có thêm thời gian làm việc. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, ngủ trưa là cách chống lại tình trạng thiếu ngủ ở một số người và đem đến những lợi ích đáng kể cho não.

Thể tích não lớn hơn

Nghiên cứu năm 2023 của Trường Đại học Cộng hòa (Uruguay), Đại học College London (Anh) và Trường Y Harvard (Mỹ) trên khoảng 39.000 người, độ tuổi trung bình 57, cho thấy người ngủ trưa thường xuyên có mối liên quan đến tổng thể tích não lớn hơn. Bộ não của họ cũng trẻ hơn 2,6-6,5 tuổi so với não của những người không thường xuyên ngủ trưa.

Theo tác giả nghiên cứu, bộ não của chúng ta co lại tự nhiên khi già đi, nhưng quá trình này xảy ra nhanh hơn ở người mắc bệnh thoái hóa thần kinh và suy giảm nhận thức.

Nâng cao hiệu suất

Ngủ trưa giúp nâng cao năng lực học tập và hiệu suất làm việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy giấc ngủ ngắn trong ngày có tác dụng tăng cường chức năng của vùng đồi thị, một khu vực quan trọng để hình thành trí nhớ và lưu giữ thông tin.

Ngủ trưa còn cho phép các vùng não được phục hồi, từ đó có thể ngăn ngừa sự mất ổn định trong mạng lưới của nó.

Tốt cho người thiếu ngủ

Người trưởng thành cần ngủ khoảng 8 giờ mỗi đêm nhưng nhiều khảo sát cho thấy phần lớn chúng ta thường ngủ ít hơn con số này. Với người bị thiếu ngủ, giấc ngủ ngắn có lợi vì phần nào bù đắp tình trạng thiếu ngủ, dẫn đến tăng mức năng lượng và hiệu suất nhận thức.

Tâm trạng thoải mái

Giấc ngủ ngắn vào giờ trưa làm giảm mức độ hormone gây căng thẳng, thúc đẩy thư giãn, hỗ trợ điều chỉnh lượng cortisol trong cơ thể. Nghiên cứu năm 2023 của Trường Đại học Quốc gia Singapore cho thấy giấc ngủ ngắn 10-60 phút cải thiện tâm trạng tích cực và bớt buồn ngủ đến 4 giờ sau đó.

Tăng khả năng ghi nhớ

Suy giảm nhận thức làm tăng đáng kể nguy cơ phụ thuộc và chất lượng cuộc sống kém ở người lớn tuổi. Nghiên cứu năm 2017 trên gần 3.000 người ở Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên của Trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho thấy người ngủ trưa 30-90 phút có khả năng nhớ từ và vẽ hình tốt hơn so với người không ngủ trưa hoặc ngủ trưa lâu hơn 90 phút.

Các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên ngủ trưa trong khoảng thời gian 20-30 phút. Sau khi ngủ trưa, nếu bạn thức dậy lảo đảo trong một khoảng thời gian ngắn thì nên ngừng thói quen này. Thay vào đó, bạn có thể dành giờ nghỉ trưa để tập thể dục, giúp dễ ngủ sớm vào ban đêm.

Nguồn: vnexpress.net

Trả lời