Sống tử tế làm cho ta khỏe mạnh

Hãy tưởng tượng trên một con đường làng bẩn thỉu, đồng quê chung quanh khô hạn, chỉ vài cây nhỏ khẳng khiu, quặt quẹo trên vùng đất khô cằn. Một người đàn ông nằm trên vệ đường, anh ta bị thương nặng. Bọn cướp đánh đập anh tàn nhẫn và đã lấy sạch tiền của anh. Nếu không ai giúp đỡ, anh sẽ chết. Thực ra, có hai người đồng bào của anh đi ngang qua, nhưng họ cho rằng mình quá bận để ra tay giúp đỡ. Và kìa, có người thứ ba đang đi đến. Người này không cùng dân tộc với người bị nạn, thậm chí, anh ta đến từ một đất nước đang có chiến tranh với anh chàng bị cướp bóc này.

Thay vì bỏ đi luôn, người thứ ba này đã dừng lại. Người đàn ông này có lòng tử tế. Anh đã vực người bị nạn lên lưng lừa. Đưa anh ấy về nhà, băng bó các vết thương và chăm sóc sức khỏe cho anh. Người đàn ông này đã bất kể người bị nạn là dân của nước nào, ông thấy một người bị thương và ông ra tay cứu giúp.

Đó là một câu chuyện trong Kinh Thánh Công giáo, có tên gọi là ‘Người Samaritanô nhân lành’. Câu chuyện dạy người Kitô hữu phải sống tử tế, ngay cả với kẻ thù của mình. Hầu hết các tôn giáo đều có những câu chuyện tương tự, hầu hết các đạo giáo đều dạy chúng ta phải tử tế với nhau. Những điều này giống như điều răn, được đưa ra với nhiều lý do. Nhưng bạn có bao giờ biết đến một lý do khoa học, tại sao mà con người nên sống tử tế chưa? Người tử tế sẽ cảm thấy hạnh phúc. Và thậm chí, tuổi thọ của họ còn kéo dài nữa!

Chúng ta đang nói về khía cạnh khoa học của việc sống tử tế.

Phần lớn, người ta biết sống tử tế sẽ cảm thấy vui, giúp đỡ người khác sẽ khiến mình cảm thấy tích cực; và khi tặng cho ai một món quà, ta sẽ nếm trải hạnh phúc như mình là người được nhận. Nhưng hầu như trong lịch sử loài người, người ta không thể giải thích tại sao. Giacomo Rizzolatti, một khoa học gia người Ý, nghiên cứu về hoạt động của não bộ. Vào thập niên 1980, ông và những đồng nghiệp tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn về ứng xử tử tế. Rizzolatti dùng phương pháp nội soi cắt lớp, để khảo sát những bộ óc của khỉ. Khi một con khỉ hành động một điều gì đó, não bộ sẽ cho thấy hoạt động này.

Và rồi, Rizzolatti đã khám phá ra điều kỳ diệu. Đôi khi, những con khỉ quan sát lẫn nhau. Khi quan sát, bộ não của chúng cũng làm việc. Nhưng, chúng có cùng một phản ứng như những con khỉ mà chúng đang quan sát. Khi một con khỉ giơ tay ra, não bộ của con khỉ đang quan sát dường như cũng làm y như vậy. Nó không đưa tay ra, nhưng bộ não của nó có trải nghiệm y như nó đang giơ tay ra. Chỉ những phần đặc biệt của não thể hiện điều này. Rizzolatti gọi chúng là thần kinh gương. Không lâu sau, ông và đồng nghiệp của mình cũng có cùng kết quả trên cơ thể con người.

Thần kinh gương rất quan trọng trong khoa học về sự tử tế. Chúng là thành phần của não, chúng cho thấy người khác cảm nhận gì. Chúng cho phép chúng ta đồng cảm. V.S. Ramachandran, một khoa học gia về thần kinh học, đã nói trên tạp chí Greater Good, lý do tại sao thần kinh gương quan trọng trong sự đồng cảm.

“Những thần kinh gương này liên quan đến sự thấu cảm trong đau đớn. Để cảm nhận thực sự nỗi đau của bạn, tôi cần trải nghiệm nỗi đau đó trong chính bản thân mình. Đó là những gì các thần kinh gương đang thực hiện. Chúng giúp tôi cảm được nỗi đau của bạn. Tôi cảm nhận vài điều như là chính tôi bị tổn thương trực tiếp. Đó là căn bản của sự thấu cảm”.

Đồng cảm là bước đầu tiên của sự tử tế. Nó khiến chúng ta biết, khi nào người khác đau buồn hay tổn thương. Chúng ta biết, thần kinh gương giúp ta cảm nhận nỗi đau của người khác. Nhưng thần kinh gương cũng cho phép chúng ta cảm nhận, khi nào người khác hạnh phúc. Khi ta thấy người khác cười, ta thường nở nụ cười. Khi ta đối xử tử tế với người khác, chúng ta cũng cảm nhận được hạnh phúc của họ.

Như vậy, niềm hạnh phúc mà chúng ta nhận được khi sống tử tế, đồng thời cũng ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của chúng ta. Khi chúng ta hạnh phúc, não bộ của chúng ta sẽ thải ra một chất hóa học, gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Một vài chất dẫn truyền thần kinh làm cho ta sợ hãi hay giận dữ. Nhưng trong hoạt động tử tế, chất này lại thải ra những tác động tích cực. Nó khiến chúng ta cảm nhận tốt về mối quan hệ của mình và tự tin hơn. Đồng thời, nó tác động đến thân xác chúng ta. Oxytocin là một chất dẫn truyền thần kinh, được đào thải trong suốt hoạt động tử tế. Oxytocin ngăn ngừa căng thẳng. Nó cũng làm hạ áp lực máu. Marcie Hall là một bác sĩ nhi khoa ở Bệnh viện Đại học Ohio ở Hoa Kỳ, đã nhắc đến những ích lợi của chất dẫn truyền thần kinh này trong trang mạng Healthy@UH.

“Sự tử tế thực sự bảo vệ trái tim bạn. Nó cung cấp hệ thống chiến đấu cho bệnh tật trong cơ thể bạn, nó tạo ra năng lượng, nó làm giảm các cơn đau đớn, nhức mỏi. Nó có thể mang lại một cuộc sống lâu dài. Thực vậy, bạn cũng có thể cảm thấy hạnh phúc, trong tiến trình sống tử tế”.

Sự tử tế và đồng cảm cũng rất quan trọng đối với xã hội loài người. Chúng giữ các mối tương giao mạnh mẽ. Cảm nhận tích cực chúng ta nhận được từ sự tử tế, khiến chúng ta muốn giúp đỡ người khác. Và điều này thúc đẩy nhiều nhóm người khác nhau làm việc chung với nhau. Không có sự đồng cảm, cộng đồng nhân loại sẽ rất khác. Thậm chí, họ có thể không tồn tại!

Một lý thuyết nổi tiếng được diễn tả như “kẻ sống sót phù hợp nhất”. Ý niệm này dựa trên một học thuyết của Charles Darwin. Học thuyết này cho rằng, người mạnh nhất, khỏe nhất sẽ là người sống sót. Nhưng Helen Riess không đồng tình với ý kiến này. Riess là chủ nhiệm một chương trình, dạy người ta cách sử dụng và phát triển sự thấu cảm. Bà đã viết một bài về Khoa học của sự Thấu Cảm, trong đó bà giải thích vì sao con người có sự thấu cảm.

“Tại sao bộ óc của con người được thiết kế theo cách này? Nếu cuộc đời chỉ là kết quả cho những ai “thích hợp nhất thì tồn tại”, chúng ta chỉ có những con người chiến đấu. Chúng ta sẽ không quan tâm đến việc đón nhận những khó khăn, đau khổ. Khả năng nhìn người khác khổ sở cho phép chúng ta cảm nhận và thấu hiểu nỗi đau của họ. Những đau đớn bản thân chúng ta trải qua, thường tác động giúp chúng ta sống tử tế hơn. Sự tồn tại của con người tùy thuộc vào việc giúp đỡ lẫn nhau. Sống tử tế làm giảm mọi khó khăn, đau khổ của người khác và của chính mình”.

Tử tế không chỉ là những việc làm tốt đẹp bạn làm cho người khác. Tử tế là yếu tố giúp chúng ta trở nên con người. Không có nó, chúng ta sẽ không thể làm việc với nhau, sẽ không muốn làm việc cùng nhau. Henry James, một tác giả Anh-Mỹ nổi tiếng, ông viết nhiều sách khám phá những trải nghiệm của con người. Năm 1902, qua bài nói chuyện với một gia đình trẻ, ông nói những lời khôn ngoan sau đây:

“Có ba điều quan trọng trong một đời người. Trước hết là sống tử tế. Thứ đến là sống tử tế. Và cuối cùng là sống tử tế”.

Bạn có nghĩ sống tử tế là quan trọng không?

Nguồn: Why being kind can make you healthy?

https://spotlightenglish.com/society/why-being-kind-can-make-you-healthy/


Maria Trần Thị Kim Danh chuyển ngữ

 Nguồn: https://www.songtinmungtinhyeu.org

Để lại một bình luận