Phần III – Đức Maria Trong Đời Sống Giáo Hội

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

PHẦN III. ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Trong phần vừa rồi, chúng ta đã nghiên cứu sự tiến triển đạo lý về đức Maria trải qua lịch sử Giáo hội, từ thời các Giáo hội cho tới thời cận đại. Những tín điều vừa nói cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa đức Maria với đức Kitô, cách riêng khi xét tới mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc.

Trong phần này, chúng ta sẽ bàn tới mối liên hệ giữa đức Maria đối với Hội thánh. Trước hết, chúng ta sẽ nghiên cứu những khía cạnh đạo lý của mối liên hệ ấy (chương 10). Tiếp đến, chúng ta sẽ duyệt ra ý nghĩa thần học của những hình thức tôn kính mà Giáo hội dành cho đức Maria: phụng vụ, những kinh nguyện tư, các hình thức đạo đức (chương 11). Chương 12 nói tới vai trò của đức Maria trong đời sống thiêng liêng của mỗi tín hữu.

Chương 10. VAI TRÒ CỦA ĐỨC MARIA ĐÓI VỚI GIÁO HỘI

Kinh thánh và truyền thống không những là đã trình bày chân dung và chức vụ của đức Maria (đặc biệt là trong mối liên hệ với Chúa Kitô), nhưng còn nói tới đức Maria trong mối liên hệ đối với Hội thánh: khi được Chúa phó thác làm mẹ của các môn đệ; hoặc khi cầu nguyện với các môn đệ trong nhà Tiệc Ly; hoặc ở những đoạn mà đức Maria đựơc coi như biểu tượng của dân Chúa (thiếu nữ Sion) để tiếp nhận giao ước mới. Thần học trình bày mối tương quan giữa đức Maria với Hội thánh dưới ba đề mục sau đây: 1) Người là mẹ thiêng liêng của Giáo hội. 2) Người chuyển cầu cho Giáo hội. 3) Người là hình ảnh của Giáo hội.

I. Sứ mạng làm mẹ thiêng liêng của đức Maria

Từ Công đồng Vaticano II (Hiến chế về Hội thánh số 61), các Giáo hoàng (Phaolo Vi và Gioan Phaolo II) đã nói nhiều tới chức phận của đức Maria được Chúa ủy thác làm mẹ thiêng liêng của Giáo hội. Ngày 21 tháng 11 năm 1964, khi ban hành hiến chế về Giáo hội đã được công đồng Vaticano II biểu quyết, Đức Thánh Cha Phaolo VI đã tôn xưng đức Maria là “Mẹ của Giáo hội” (Mater Ecclesiae), nghĩa là “mẹ của tất cả Dân Chúa, mẹ của các tín hữu cũng như của các chủ chăn”. Từ đó tước hiệu này được quảng bá sâu rộng. Đức Gioan Phaolo II, ngoài những bài giảng, diễn văn, huấn từ, đã khai triển đề tài này trong thông điệp “Redemptoris Mater”.

Dĩ nhiên, ơn gọi đầu tiên của đức Maria là nhận làm mẹ của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người: không những mẹ theo nghĩa thể chất (cưu mang, sinh đẻ) nhưng cả về nghĩa tinh thần (giáo dục thành người, giáo dục về cách sống đạo). Tuy nhiên, việc làm mẹ của đức Giêsu không chỉ giới hạn vào con người ấy xét như là cá thể. Thực vậy đức Giêsu còn là Vị Cứu thế nhân loại nữa; vì vậy khi nhận làm mẹ của Đấng Cứu thế, đức Maria cũng nhận trở thành mẹ thiêng liêng của hết những người được đức Kitô cứu chuộc nữa. Điều này không phải chỉ là một suy đoán của chúng ta, nhưng chính Chúa Giêsu từ trên thập giá đã muốn như vậy (Gioan 19, 26-27). Tóm lại, khi nói tới sứ mạng làm mẹ của đức Maria, thì ơn gọi ấy bao hàm vừa là (a) việc làm mẹ của đức Giêsu về thể xác; và vừa là (b) mẹ về phần tinh thần của đức Giêsu và của toàn nhiệm thể của Ngài. Công đồng đã gọi đức Maria là “mẹ trong hệ ơn thánh” (LG 61). Ta không nên hiểu tiếng “mẹ” theo nghĩa bóng (tình cảm) mà thôi; giữa Người với các tín hữu có một mối dây liên kết sánh được như mối dây của tình mẹ con thực, tức là do sự sinh hạ: Người sinh ra chúng ta trong ơn thánh khi cộng tác với sứ mạng của Chúa Cứu thế.

Do đó, phần nào đức Maria đã trở thành mẹ của các Kitô hữu khi nhận làm mẹ của đức Kitô. Chức phận làm mẹ thiêng liêng lại còn nổi bật hơn nữa từ lúc được Chúa Kitô ủy thác. Cũng như lịch sử ơn cứu chuộc không kết thúc tại thập giá nhưng còn tiếp diễn cho tới ngày cánh chung thế nào, thì Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục cộng tác với đức Kitô trong suốt thời đại của Giáo hội như vậy: Đức Maria tiếp tục vào công cuộc tái sinh các linh hồn vào Nước của Chúa, đặc biệt qua lời chuyển cầu, qua sự giáo dục đức tin. Giáo hội nhìn lên đức Maria để học hỏi cách thức thi hành chức vụ làm mẹ: lòng nhiệt thành sinh ra những con cái đông đảo cho nước Trời qua việc cầu nguyện, loan báo Phúc âm, dậy dỗ về các nhân đức.

Một hình ảnh được các vị Giáo hoàng gần đây sử dụng là đức Maria “ngôi sao truyền giảng Tin mừng” (Phaolo VI, tông huấn “Loan báo tin mừng” 8/12/1975, số 82). Người là mẫu gương cho Giáo hội trong việc loan báo tin mừng, (a) bởi vì Người đã thực sự tham gia vào công tác truyền giáo vào hồi khai nguyên của Giáo hội; (b) bởi vì lòng nhiệt thành yêu mến nhân loại với tình mẹ; (c) vì đời sống hợp với tinh thần Phúc âm: cuộc sống của mẹ là bài giảng hùng hồn của giáo huấn của Chúa Giêsu.

II. Đức Maria cộng tác với Chúa Cứu thế.

Như chúng ta đã thấy, khi chấp nhận lời sứ thần truyền tin, đức Maria không phải chỉ nhận làm mẹ của cá nhân đức Giêsu mà là nhận làm mẹ của Đấng Cứu thế. Nói khác đi, việc chấp nhận làm mẹ của đức Giêsu bao hàm cả việc chấp nhận thông dự vào công cuộc cứu chuộc của con mình. Xem ra thánh Phaolo (Galata 4,4) đã gắn liền hai khía cạnh ấy khi viết rằng đức Kitô sinh ra bởi người nữ vì cứu chuộc nhân loại. Dù sao đi nữa, kinh tin kính đã gắn liền việc Ngôi hai nhập thể sinh bởi trinh nữ Maria với chủ đích cứu chuộc “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”.

Sự cộng tác của đức Maria vào chương trình cứu chuộc nhân loại có thể nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
1) Dĩ nhiên, tiên vàn phải nhận rằng đức Maria cũng cần được đức Kitô cứu chuộc như bao nhiêu con cái loài người. Chúng ta đã nói tới điều này khi bàn về tín điều Vô nhiễm nguyên tội.

2) Chúng ta có thể nói tới sự hợp tác của đức Maria vào công cuộc cứu chuộc theo nghĩa sơ đẳng nhất, đó là: phàm ai sống trong ơn nghĩa Chúa thì sớm muộn gì ơn đó cũng ảnh hưởng tới tha nhân. Do tình liên đới trong gia đình nhân loại, mọi hành vi tốt hay xấu của một cá nhân đều có ảnh hưởng tốt hay xấu cho cả cộng đoàn xã hội. Chúng ta cũng đã thấy rằng các ơn mà Chúa ban cho đức Maria (thí dụ ơn vô nhiễm nguyên tội) không phải chỉ nhằm tô điểm cá nhân Người cho thêm duyên dáng, nhưng mà qua sự đón nhận của Người ơn thánh của Chúa sẽ được thông tới cho tha nhân.

3) Những cấp độ vừa nêu trên đây được thần học gọi là cộng tác với ơn cứu chuộc cách “thụ động” (redemptio passiva), nghĩa là qua việc đón nhận ơn cứu chuộc, để cho ơn thánh Chúa tác động nơi mình. Thần học còn nói tới sự cộng tác cách “tích cực” nữa (redemptio activa), trong hai giai đoạn: a/ vào lúc thành hình, tức là chính lúc đức Kitô thực hiện công cuộc cứu chuộc; b/ vào lúc áp dụng, nghĩa là sau khi đức Kitô đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Tương ứng với hai giai đoạn đó, các nhà thần học nói tới hai chức vụ của đức Maria: a/ đồng công cứu chuộc; b/ trung gian các ơn. Phải hiểu thế nào về hai chức vụ ấy.

A. Đức Maria đồng công.

1/ Không ai chối được rằng đức Maria đã hợp tác với đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc nhân loại. Sự thuận nhận ấy được biểu lộ ngay từ buổi truyền tin, qua suốt những chặng đường đi theo đức Kitô trong sứ mạng của Ngài cho tới Thập giá, cùng chia sẻ những đau đớn với Chúa. Dưới chân Thập giá, đức Maria đã chấp nhận sự đau khổ không những khi thấy con mình phải chết, nhưng Mẹ cũng chấp nhận những đau khổ vì ích lợi của những môn đệ được Chúa trao làm con.

2/ Có thể gọi đức Maria là Đấng “Đồng công cứu chuộc” hay không?
a) Ngay từ thế kỷ thứ 2, một số các giáo phụ đã đối chiếu đức Maria như Eva mới: cũng như Eva đã cộng tác với Adong trong việc đưa nhân loại tới chỗ diệt vong như thế nào, thì đức Maria cũng đã cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc như vậy. Sang thế kỷ thứ 10, xuất hiện từ ngữ “Redemptrix” áp dụng cho đức Maria. Nhưng nhận thấy từ ngữ ấy không chỉnh, nên khoảng giữa thế kỷ 15-17, người ta phải sửa lại là “corredemptrix” (đồng cứu chuộc, hay đồng cứu thế). Mặc dầu từ đó đến nay tiếng “corredemptrix” (hoặc: con-redemptrix; co-redemptrix) được sử dụng nhiều nơi (Việt nam dịch là “đồng công”); tuy nhiên không thiếu người tỏ ra dè dặt muốn tránh, xét vì tư tưởng khá hàm hồ. Thực vậy, tuy rằng khi chỉ nhúng tay tí xíu với người khác vào công việc nào đó thì cũng có thể nói là “đồng” rồi (đồng lõa, đồng mưu, đồng phạm); nhưng khi gán tiếng “đồng” vào một chức vụ thì phải hiểu hơn kém ngang nhau 50% (đồng chủ tịch). Do đó nếu gọi đức Maria là “đồng cứu chuộc” khi có lẽ người ta không chỉ hiểu rằng Người chỉ nhúng tay cách nào đó, mà là cùng chia sẻ ngang hàng với đức Kitô trong công cuộc lập công cứu chuộc. Vì lý do đó mà Tòa thánh rất dè dặt trong việc sử dụng từ ngữ này. Cho đến nay, nó chỉ được nhắc tới 3 lần trong các văn kiện của Tòa thánh. (1) Năm 1908, Bộ Nghi lễ đã chấp thuận thỉnh nguyện của bề trên Tổng quyền Dòng tôi-tớ đức Bà được cử hành lễ kính Bảy sự đau đớn của Đức Mẹ vào chủ nhật thứ ba trong tháng chín, “ngõ hầu tăng gia lòng mộ mến với Đấng từ bi đồng cứu chuộc nhân loại” (quo vero eiusdem Virginis Perdolentis cultus augeatur, et fidelium pietas gratique animi sensus magis magisque foveantur eraga misericordem humani generis Conredemptricem: ASS 41, 1908, p.409). (2) Ngày 12/8/1913, Bộ Thánh vụ cho phép thêm danh đức Maria vào kinh ngợi khen trước đây dành riêng cho Chúa Giêsu: “Laudetur Jesus et Maria, hodie et semper”, với lý do để tôn kính đức Maria, đấng đồng cứu chuộc của chúng ta (AAS 5,1913, p.364). (3) Một năm sau đó, cũng bộ Thánh vụ đã ban ơn tiểu xá 100 ngày khi đọc kinh phạt tạ đức Mẹ Maria trong đó có câu “Đầng đồng cứu chuộc loài người” (AAS 6,1914, p.108). Đức Pio XI đã dùng tước hiệu này vài lần: + trong lời nguyện đọc nhân dịp kết thúc năm thánh cứu chuộc 1933 (Osservatore Romano 1/12/1933); + trong dịp tiếp kiến các người hành hương từ Vicenza (1/12/1933); tiếp kiến các Hiệp hội thánh mẫu Tây ban nha (25/3/1934); diễn văn truyền thanh bế mạc năm thánh cứu chuộc tại Lourdes (28/4/1935). Các Đức Giáo hoàng kế tiếp không dùng tiếng đó nữa. Từ thập niên 40, các nhà thần học đã cố gắng tìm ra những từ ngữ đỡ hàm hồ hơn, thí dụ: “socia”, “collaboratrix”, vì muốn nêu bật vai trò chính yếu của đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc. Đức Maria không phải là một nguyên tố cứu chuộc song hành (“đồng cứu chuộc”) với đức Kitô, nhưng luôn luôn lệ thuộc vào Chúa. Thực vậy, như đã nhắc lại trên đây, đức Maria cũng cần hưởng nhờ ơn cứu chuộc do đức Kitô mang lại, và chính vì được cứu chuộc như vậy mà Đức Maria đã có khả năng để hợp tác với Đức Kitô, đáp lại tình yêu của Chúa. Khuynh hướng này đã ảnh hưởng tới Công đồng Vaticano II. Khi mô tả sự cộng tác của đức Maria vào hiến tế của đức Kitô, hiến chế Lumen Gentium số 58 diễn tả như sau: “Người đã cùng chịu đau khổ dữ dằn với con một mình, và đã kết hợp với hy lễ của con mình với tâm tình người mẹ, vui lòng chấp nhận sự sát tế của hy lễ do mình sinh ra” (vehementer cum Unigenito suo condoluit et sacrificio Eius se materno animo sociavit, victimae de se genitae immolationi amanter consentiens); sang tới số 62, công đồng viết thêm: “Đức Trinh nữ diễm phúc, từ muôn thuở đã được Chúa Quan phòng tiền định làm mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với sự nhập thể của Ngôi Lời: khi còn tại thế Người đã tỏ ra như là Mẹ sán lạn của Đấng Cứu thế, và đã là cộng tác viên quảng đại hơn ai hết (singulariter prae aliis socia) và là tôi tớ khiêm nhường của Chúa. Khi mang thai, khi sinh ra, khi nuôi nấng, khi dâng đức Kitô trong đền thờ cho Chúa Cha, khi cùng chịu khổ với Con mình chết trên thập giá, đức Maria đã hợp tác với công cuộc của Đấng Cứu thế cách vô song (operi Salvatoris singulari prorsus modo cooperata est). Ta có thể ghi nhận rằng công đồng đã dùng tiếng “socia”, và coi sự cộng tác của đức Maria từ khi thụ thai cho tới thập giá.

B. Đức Maria trung gian các ơn.

Bây giờ chúng ta bước sang giai đoạn hai của công cuộc cứu chuộc, nghĩa là áp dụng hậu quả của ơn cứu chuộc của đức Kitô. Thực ra sự phân biệt này dựa trên phương pháp lý luận cho dễ hiểu; chứ trên thực tế thì chỉ có một ơn cứu chuộc duy nhất, khởi đầu và hoàn tất nơi đức Kitô. Trong giai đoạn áp dụng ơn cứu chuộc, không ai phủ nhận rằng đức Maria giữ một vai trò nào đó qua nhiều hình thức khác nhau:

1/ Người trở nên mẫu gương cho chúng ta bắt chước, dấu chỉ cho niềm hy vọng của Giáo hội.

2/ Người chuyển cầu cho chúng ta còn trên đường lữ hành. Ta đã thấy Người thực hiện chức phận này giữa lòng Hội thánh tiên khởi, khi hợp với các thánh tông đồ cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đến (Công vụ tông đồ 1,14).

3/ Ngoài hai chức phận vừa nói (có thể áp dụng cho tất cả các thánh), ta có thể nói tới vai trò nào khác đặc biệt của đức Maria hay không? Thực vậy, các thánh trên trời cũng làm gương cho chúng ta bắt chước, cũng cầu nguyện cho chúng ta. Thậm chí ta cũng có thể nói được rằng giữa lòng Hội thánh lữ hành, ta cũng có thể học hỏi từ tấm gương của nhiều anh chị em tín hữu, và không thiếu lần ta cũng nhờ họ cầu nguyện cho chúng ta. Đành rằng Đức Maria thánh thiện hơn các thánh khác và gần gũi Chúa Kitô hơn ai khác, cho nên gương sáng và lời cầu của Người nói được là “đáng giá” hơn; nhưng thử hỏi Người có vai trò nào khác nữa hay không? Đây là ý nghĩa của tước hiệu “trung gian”.

4/ Thực ra, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã ý thức vai trò chuyển cầu đặc biệt của đức Maria, vì vậy đã có những kinh nguyện hướng về Người. Vào thời cận đại, đức Hồng y Mercier, giáo chủ Malines (Bỉ) đã đứng ra cổ động tước hiệu “Trung gian các ơn” (Mediatrix omnium gratiarum). Từ năm 1921, Hồng y đã xướng lên phong trào xin Đức Thánh Cha tuyên bố thành tín điều. Vào năm 1922 Tòa thánh đã cho phép các giáo phận bên Bỉ được cử hành lễ phụng vụ kính Đức Maria trung gian các ơn; dần dần các giáo phận khác và các Dòng tu cũng được phép kính lễ ấy. Tại công đồng Vaticano II có tới 300 nghị phụ xin tuyên bố tín điều. Nhưng công đồng đã tỏ ra hết sức dè dặt. Hiến chế Lumen Gentium số 62 chỉ ghi nhận lòng tôn kính mà các tín hữu dành cho đức Maria khi kêu nài như là “Trạng sư, Phù hộ, Nâng đỡ, Môi giới” (Propterea B. Virgo in Ecclesia, titulis Advocatae, Auxiliatricis, Adiutricis, Mediatricis). Công đồng chỉ ghi nhận sự kiện, nhưng không muốn định tín, tuy không quên lưu ý rằng các tước hiệu vừa nói không được thêm bớt gì vào ưu phẩm và hậu quả của đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất.

5/ Ngày nay thần học tỏ ra dè dặt đối với tước hiệu này vì những lý do sau: a) Có lẽ chúng ta chưa khai thác đủ tất cả nội dung gói ghém trong tiếng trung gian của đức Kitô: đức Kitô không phải chỉ là trung gian trong công cuộc cứu chuộc (1Tm 2,5), mà còn là trung gian trong công cuộc tạo dựng nữa (Ga 1 và Col 1). Liệu có thể nói tới đức Maria làm trung gian cả trong chương trình tạo dựng hay không? b) Ngày nay, ngừơi ta hiểu ơn cứu chuộc một cách toàn diện hơn, bao hàm sự giải phóng toàn diện con người: không những là giải phóng khỏi tội lỗi, mà còn giải phóng khỏi những điều kiện làm hạ giá nhân phẩm (nghèo đói, dốt nát, bất công), những điều kiện gây ra hận thù bóc lột giữa người với người. Duy chỉ có đức Kitô mới có thể thực hiện sự giải phóng toàn diện đó. c) Trong quá khứ, vai trò trung gian của đức Maria không thiếu lần bị hiểu một cách lệch lạc, xét vì Chúa Giêsu được trình bày như thẩm phán nghiêm khắc giận dữ. Vì vậy mà chúng ta phải chạy đi lạy van năn nỉ Mẹ Maria van xin cho quan tòa nguôi giận! Chúng ta quên rằng đức Kitô tiên vàn là Đấng Trung gian, bầu cử cho chúng ta (thư gửi Hi bá).Ngoài ra chúng ta cũng không nên quên vai trò của Chúa Thánh Thần được Kitô sai đến làm Đấng An ủi, Trạng sư cho chúng ta.

6/ Có thể nói rằng từ công đồng Vaticano II trở đi, tiếng “trung gian” đã biến khỏi những tước hiệu dành cho đức Mẹ. Cho tới năm 1987, nó lại xuất hiện trong thông điệp “Thân mẫu Đấng Cứu thế” (tựa đề của phần thứ ba, cách riêng ở số 38-41). Tuy nhiên đức Gioan Phaolo 2 không nói tới vai trò của đức Maria làm “trung gian các ơn”, nhưng bàn tới “sự trung gian của người mẹ” (mediatio materna): theo nghĩa chặt thì duy chỉ có đức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với loài người; theo nghĩa rộng thì tất cả chúng ta có thể làm trung gian cho nhau qua lời chuyển cầu. Đức Maria giữ một vị trí trung gian riêng biệt với tư cách là mẹ: Người là mẹ của hết mọi tín hữu và của mỗi người tín hữu. Sự trung gian của đức Maria có tính cách tùng phục (subordinata) vào sự trung gian của đức Kitô: Người cộng tác vào công việc cứu chuộc của đức Kitô; và ngày nay khi chấp nhận làm mẹ các tín hữu, Người làm trung gian qua lời khẩn cầu, qua sự ân cần lo lắng đến phần rỗi của các con cái mình. – Những văn kiện của Giáo hội về sự cộng tác của đức Maria vào chương trình cứu chuộc: Hiến chế về Hội thánh số 52-59; Thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế số 38-47; Sách Giáo lý Hội thánh công giáo số 968-970.

7/ Dù sao đi nữa, chân lý này mang theo nhiều hệ luận thực tiễn cho các tín hữu: a/ một đàng, mỗi người tín hữu cần tỏ ra lòng tín thác con thảo đối với Người mẹ của mình trong ơn thánh; b/ đàng khác, các tín hữu (cũng như toàn thể Giáo hội nói chung) cần noi gương đức Maria về lòng nhiệt thành cộng tác vào công cuộc cứu chuộc. Sự cộng tác này có thể thực hiện bằng nhiều cách thức: đón nhận tiếng gọi của Chúa không chút dè giữ; cầu nguyện; hy sinh; chứng tá cho Chúa bằng đời sống và lời nói.

III. Đức Maria hình ảnh của Hội thánh.

Mối tương quan giữa Đức Maria với Hội thánh còn chặt chẽ hơn nữa thì hiến chế về Hội thánh của công đồng Vaticano II trình bày Người không những như là mẫu gương, như là mẹ, mà còn là hình ảnh và hiện thân của Hội thánh (typus Ecclesiae, số 63). Đề tài này có thể được phân tích dưới nhiều khía cạnh.

1) Đức Maria đại diện cho Hội thánh (nhân loại mới) khi chấp nhận giao ước mới. Tuy rằng lời truyền tin của thiên sứ Gabriel hướng đến cá nhân của đức Maria, và kêu gọi sự thỏa thuận cá nhân của Người, nhưng ta cũng có thể nói rằng lời đáp lại “Xin Vâng” của Người mang chiều kích tập thể. Đức Maria đã để cho Thiên Chúa đi vào lịch sử của nhân loại, cắm lều giữa nhân loại. Do đó, ta có thể ví Đức Maria không những như là “cửa Thiên đàng” mà còn là “cửa nhân loại”, vì đã đồng ý để Thiên Chúa đến gặp gỡ nhân loại (x. Gl 4,4). (Luận cứ này đã được thánh Tommasô nói tới ở Summa Theologiae III, q.30, a.1, c.: Expectabatur consensus Virginis loco totius humanae naturae).

2) Sứ vụ của đức Maria và sứ vụ của Hội thánh trùng hợp, đặc biệt ở vai trò làm “mẹ” và “trinh nữ”. Hội thánh cũng thi hành chức phận làm mẹ (Gl 4,26) trong việc sinh sản con cái vào đời sống thần linh (nhờ lời giảng, bí tích, cầu nguyện, hy sinh). Hội thánh cũng phải “trinh khiết” vì là “hôn thê” của đức Kitô (x. Ep 5,25; Kh 21,2), cần phải giữ lòng trung tín với Chúa. Dĩ nhiên cả hai cùng chia sẻ chức vụ làm “tôi tớ Chúa”, phục vụ kế hoạch cứu rỗi của Chúa: “Hãy làm như lời Chúa dạy” (Ga 2,5).

3) Đức Maria là phần tử tiêu biểu của Hội thánh. Như đã thấy trong chương trước đây, khi bàn về tín điều vô nhiễm và mông triệu, thần học muốn nhìn chúng không phải chỉ như là hai đặc ân ban cho cá nhân đức Maria, nhưng còn muốn vạch ra chiều kích Hội thánh nữa.
a/ Một đàng, cả hai được ban cho đức Maria để phục vụ chương trình cứu rỗi nhân loại.
b/ Đàng khác, cả hai tiêu biểu cho Hội thánh lý tưởng tương lai: Hội thánh nguyên tuyền không tì ố nhăn nheo; Hội thánh vinh hiển chia sẻ sự toàn thắng của đức Kitô trên tội lỗi và cái chết.

Chương 11. LÒNG TÔN KÍNH DÀNH CHO ĐỨC MARIA TRONG GIÁO HỘI

Từ lâu đời, các Kitô hữu đã thực hành (ra như bộc phát) những hình tức đạo đức khác nhau để tỏ lòng tôn kính đức Maria. Nhưng có thể nói được là mãi gần đây, thần học mới bắt đầu suy tư về lý do và ý nghĩa của lòng tôn kính ấy, đặc biệt là trong phụng vụ.

I. Lịch sử.

Xét theo lịch sử, thì phải nói rằng những lễ phụng vụ đầu tiên của phụng vụ Kitô giáo được dành để kính nhớ cuộc Tử nạn và Phục sinh của đức Kitô (hằng tuần vào các ngày chúa nhựt và hằng năm vào lễ Vượt qua). Chung quanh lễ Chúa Phục sinh dần dần họp thành một thời gian chuẩn bị (mùa chay) và một thời gian kéo dài (50 ngày cho tới lễ Hiện xuống). Dần dần (từ thế kỷ thứ 3), bên cạnh việc kính nhớ mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô, phụng vụ cũng tưởng niệm các thánh tử đạo, tức là những tín hữu đã công khai tuyên xưng đức tin và hiến mạng sống vì đức Kitô. Nói cách khác, liền với việc cử hành mầu nhiệm của Thập giá và sự Phục sinh của đức Kitô, phụng vụ đã tôn kính những người đã bắt chước Thầy mình, họa lại nếp sống và sự hy sinh của Thầy mình.

Chu kỳ kính mầu nhiệm Nhập thể của đức Kitô xuất hiện muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ IV. Một đàng vì muốn thánh hóa lễ kính thần mặt trời (Sol invictus) của dân Rôma nhân ngày đông chí; đàng khác, vì muốn chống lại những phái lạc giáo chối bỏ thiên tính hoặc nhân tính của đức Kitô. Họa theo lễ phục sinh, dần dần lễ Chúa Giáng sinh cũng kèm theo một thời kỳ chuẩn bị (mùa Vọng) và một số lễ kế tiếp (Hiển linh, hiến dâng trong đền thờ). Việc cử hành mầu nhiệm nhập thể tuy đặt trọng tâm nơi chính đức Kitô, nhưng không thể nào bỏ qua được người đã sinh ra Chúa. Vai trò của đức Maria được nổi bật dần dần khi phụng vụ đọc lại các đoạn Phúc âm của đức Kitô, hoặc trong thời gian chuẩn bị của Mùa vọng, cũng như vào chính ngày lễ Giáng sinh. Từ công đồng Êphêsô (431), chân dung của đức Maria lại càng nổi bật hơn nữa, với những thánh điện dâng kính, những thánh ca và thánh thi, cũng như những ngày lễ kính riêng Đức Mẹ (ngoài những lễ kính chung với Chúa Giêsu, như lễ truyền tin, lễ dâng con trong đền thờ), thí dụ: lễ sinh nhật và qua đời của đức Maria. Đức Maria cũng được tưởng nhớ trong thánh lễ cùng với các thánh tử đạo.

II. Lý do và ý nghĩa thần học.

Công đồng Vaticano II và nhất là đức Phaolo VI đã thúc đẩy các nhà thần học hãy tìm hiểu những lý do biện minh cho việc tôn kính đức Maria: công cuộc nghiên cứu này không phải chỉ có tính cách tự vệ nhằm trả lời cho những công kích những hành vi tôn kính dành cho đức Maria (mà họ cho là lạc đạo), nhưng cũng nhằm bảo đảm cho những việc tôn kính đức Maria được tinh tuyền khỏi những lệch lạc.

A. Trong những văn kiện căn bản của Huấn quyền dùng làm nền tảng cho công cuộc suy tư thần học, ta có thể kể đến:

(1) Công đồng Vaticano II.

– Hiến chế về Phụng vụ số 103 bàn về sự hiện diện của đức Maria trong năm phụng vụ, đã giải thích lý do sâu xa của việc Giáo hội tôn kính đức Maria: bởi vì Người đã kết hợp khăng khít với công cuộc cứu chuộc của Con mình. Nếu mục tiêu của phụng vụ là diễn lại việc chúc tụng thờ phượng Thiên Chúa vì công trình cứu độ nơi đức Kitô, thì có lý mà dành một chỗ cho đức Maria trong đó, xét vì Người đã hợp tác với đức Kitô để chu toàn công trình cứu chuộc từ lúc Nhập thể cho tới mầu nhiệm Vượt qua.

– Hiến chế về Hội thánh số 66-67: về việc tôn kính đức Maria trong Hội thánh. Số 66 rảo qua nguồn gốc của việc tôn kính ấy và sự phát triển từ sau công đồng Êphêsô (431); nền tảng của tâm tình bộc phát ấy có thể tìm thấy nơi chức vụ của đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng như từ chỗ Người đã thông phần vào các mầu nhiệm của đức Kitô. Số 67 vạch ra vài nguyên tắc có tính cách mục vụ, đặc biệt là lấy các việc phụng vụ làm tiêu chuẩn cho các việc đạo đức khác.
– Sắc lệnh về Hợp nhất số 15: về việc sùng kính đức Maria trong các giáo hội Đông phương.

(2) Đức Phaolo VI.

Quan trọng hơn cả là tông huấn “Marialis cultus”. Văn kiện trình bày một đề tài căn bản là: đức Maria mẫu gương cho Giáo hội trong việc cử hành sự thờ phượng Chúa. Trước tiên, Người là mẫu gương qua những tâm tình nội tại (tin, cậy, mến) đưa tới việc tôn thờ Chúa. Thứ đến, Người là mẫu gương qua những thái độ căn bản của việc tôn thờ, tỉ như: lắng nghe Lời Chúa (virgo audiens, số 17), cầu nguyện (virgo orans, số 18), trao ban dâng hiến (virgo pariens, offerens, số 19-20), phụng sự (21). Người còn nên gương mẫu trong việc liên kết giữa phụng tự với đời sống thường nhật, giữa sự lắng nghe lời Chúa và tuân hành thánh ý Ngài. Văn kiện (số 38) cũng lưu ý đến vài khuynh hướng lệch lạc năng xảy ra trong khi thực hành các việc tôn kính đức Maria: a) cảm tình ướt át, nghĩa là chỉ dựa theo tình cảm bồng bột chứ không dựa trên sự hiểu biết đứng đắn về chức phận của đức Maria, và cũng ảnh hưởng gì tới việc sống đạo; b) mê tín, nghĩa là dễ tin theo những lời đồn đại về phép lạ, hoặc chỉ để ý đến hình thức bề ngoài nhưng không đi sâu vào đức tin.

(3) Bộ Phụng tự: Tuyển tập những bài lễ kính đức Maria (Collectio missarum de Beata Maria Virgine: 15/8/1986);, và những văn kiện nhân dịp cử hành năm Thánh mẫu 1987-1988 (Orientamenti e proposte per la celebrazione dell’Anno mariano: 3/4/1987).

B. Từ những văn kiện kể trên, chúng ta có thể trình bày vài điểm thần học căn bản sau đây về ý nghĩa của việc tôn kính đức Maria.

1) Lý do đầu tiên là vì Người đã kết hợp khăng khít với công cuộc cứu chuộc của Con mình. Thực vậy, trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, đức Maria đã cùng chịu đau khổ với Ngài và đã kết hợp với hy lễ hiến tế; trong cuộc Phục sinh của Chúa Kitô, đức Maria đã được trào vui; khi Chúa đã lên trời rồi thì đức Maria đã kết hợp với các môn đệ để xin ơn Chúa Thánh Thần; và nay ở trên trời bên cạnh Chúa Kitô, Mẹ vẫn tiếp tục công cuộc chuyển cầu ngõ hầu hết mọi người được cứu rỗi. Bởi thế, mỗi khi kết hợp với đức Kitô để cử hành phụng vụ thờ lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, Giáo hội cảm thấy liên kết với đức Maria nữa, xét vì Mẹ luôn khắng khít với đức Kitô và với Hội thánh. Giáo hội cũng cảm thấy sự hiện diện của đức Maria bên cạnh mình để chiêm ngắm các mầu nhiệm của đức Kitô từ khi Nhập thể cho đến khi phục sinh khải hoàn.

2) Thứ đến, bởi vì Người là mẫu gương cho ta trong việc phụng thờ Chúa. Thực vậy, khi cử hành phụng vụ, Giáo hội:
– lăng nghe và cẩn thủ Lời Chúa, giống như đức Maria đã tiếp đón (x. Lc 1,38) và ghi giữ trong lòng (x. Lc 2,19.51);
– ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa, khi tưởng nhớ những công trình cứu rỗi mà Ngài đã thực hiện cho nhân loại, giống như đức Maria trong ca khúc Magnificat (x. Lc 1,46-55);
– tỏ bày đức Kitô cho loài người và mang Ngài đến cho họ, giống như đức Maria đã mang Đấng Cứu thế đến cho Gioan tẩy giả (x. Lc 1,39-45) và tỏ bày cho các mục đồng (x. Lc 2, 15-16) và các đạo sĩ (x. Mt 2,11);
– cầu xin van lơn ơn cứu rỗi cho nhân loại, giống như thân mẫu của Chúa Giêsu ở Cana đã chuyển cầu cho đôi tân hôn ở Cana (x. Ga 2,1-11), và trong nhà Tiệc ly đã cùng với các Tông đồ cầu khẩn xin hồng ân Thánh Thần (x. Tđcv 1,14);
– sinh sản và nuôi nấng đời sống ơn sủng nơi các tín hữu, nhờ Thánh Thần tác động trong các bí tích, cũng tựa như trinh nữ Nadaret đã sinh hạ Con Thiên Chúa bởi phép Thánh Thần (x. Lc 1,34-35), và nuôi nấng bú mớm (x. Lc 11,27).
– dâng hiến đức Kitô cho Chúa Cha và cùng với đức Kitô tự hiến cho tình yêu Chúa, lặp lại những cử điệu của Thân Mẫu khiêm tốn và quảng đại đã dâng hài nhi Giêsu trong đền thờ (x. Lc 2,22-35) và trên núi Calvario đã kết hợp với tâm tình mẹ hiền với Hy lễ của Con, chấp nhận hiến tế của lễ do lòng mình đã sinh ra (LG 58).
– khẩn nài Chúa đến (x. Kh 22,10) và tỉnh thức chờ đón Lang quân (x. Mt 25,1-13), giống như đức Trinh nữ đang chờ đợi dưới nhiều dạng thức: tựa hồ thiếu nữ Sion mong chờ Đấng cứu-tinh đến; tựa hồ người mẹ mong chờ ngày con ra đời; tựa hồ đồ đệ mong chờ Thánh Thần được đổ xuống, tựa hồ phần tử của Hội thánh mong đợi cuộc hội ngộ vĩnh viễn với đức Kitô mà cuộc phục sinh lên trời hồn xác của Người là hình ảnh tiên báo.
Dĩ nhiên đức Maria cũng là mẫu gương của sự tôn thờ Thiên Chúa cách toàn diện, nghĩa là không phải chỉ khi đọc kinh cầu nguyện, mà qua suốt cuộc đời, khi tuân theo ý Chúa, khi thực hiện bác ái với tha nhân. Từ đó đức Maria cũng trở thành mẫu gương cho ta về các nhân đức căn bản của người Kitô hữu: tin yêu và trông cậy, khiêm nhường khó nghèo, thinh lặng và lắng nghe, mến Chúa và yêu người …

NHỮNG HÌNH THỨC TÔN KÍNH ĐỨC MARIA

Từ những nguyên tắc vừa nói trên đây, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của những hình thức tôn kính đức Maria: một đàng là tưởng nhớ đến Người đang khi cử hành mầu nhiệm đức Kitô của phụng vụ; đàng khác, là những hình thức đạo đức tỏ bày lòng hiếu thảo của tín hữu đối với Mẹ hiền, cũng như nhờ Người chuyển lời cầu lên cùng Thiên Chúa.

Mục I. Trong phụng vụ.

Phụng vụ nhắc tới sự hiện diện của đức Maria vào những cơ hội khác nhau: khi cử hành các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, cũng như dọc theo năm phụng vụ, hoặc trong chu kỳ kính mầu nhiệm đức Kitô hay qua các ngày lễ của niên lịch.

A. Việc cử hành các bí tích.

Chúng ta chỉ dừng lại ở bí tích Thánh Thể, trung tâm của các bí tích khác cũng như của toàn thể phụng tự Kitô giáo. Các lễ điển Đông phương lẫn Tây phương đều nhắc tới đức Maria trong Thánh lễ: không những khi nhắc nhớ tới công trình cứu chuộc trong kinh Tiền tụng, hoặc khi kính nhớ đức Trinh nữ giữa hàng các thánh, nhưng đặc biệt là khi cử hành chính thân thể của Chúa Giêsu sinh bởi lòng đức Maria, hoặc khi kết hợp với Người dâng Hy lễ lên Chúa Cha. Ngoài ra, đôi khi kinh nguyện Thánh Thể cũng cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên bánh rượu để biến chúng thành Mình và Máu của Chúa Giêsu cũng như xưa kia đã xuống trên lòng đức Trinh nữ Maria để nặn ra thân hình của đức Giêsu.

B. Năm phụng vụ

Trọng tâm của năm phụng vụ là mầu nhiệm đức Kitô. Tuy nhiên xét vì đức Maria đã thông phần đặc biệt vào mầu nhiệm của đức Kitô, cho nên phụng vụ cũng nhắc tới Người khi cử hành mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt qua của Chúa Cứu thế.

1) Mùa Vọng.

Trong Mùa này, Giáo hội mừng việc Chúa đến (Adventus, trong tiếng latinh có nghĩa là: đến): việc Chúa đến với loài người trong biến cố Nhập thể cũng như việc Chúa sẽ đến vào thời cánh chung. Tâm tình mà phụng vụ muốn gây ra nơi các tín hữu là sự tỉnh thức, mong chờ hy vọng. Đức Maria được giới thiệu như một mẫu gương của tín hữu tỉnh thức cầu nguyện đón chờ đức Kitô với tâm tình âu yếm và hân hoan. Đừng kể lễ trọng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội vào ngày 8 tháng 12, phụng vụ tưởng nhớ đến Trinh nữ đặc biệt trong tuần trước lễ Chúa Giáng sinh (17 – 24 tháng 12). Cách riêng vào Chúa nhật thứ IV mùa Vọng, các bài đọc và lời nguyện nhắc tới thân mẫu của Đấng Cứu thế nhiều lần. Qua các bản văn phụng vụ, chúng ta có thể học nơi Đức Maria lòng tin thác đón nhận Lời Chúa, tâm tình chiêm niệm thinh lặng chuẩn bị chờ Chúa đến, tuy dẫu không quên sự ân cần tới tha nhân, theo gương đức Mẹ đi thăm viếng Bà Ysave.

2) Mùa Giáng sinh.

Mùa Giáng sinh mời gọi các tín hữu hãy hân hoan đến thờ lạy Chúa Cứu thế giáng trần, chia sẻ cuộc sống làm người với chúng ta. Chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn vì Chúa đã thương ra, đã làm người giống chúng ta để đưa chúng ta về làm con cái Chúa.

+ Trong chính ngày lễ Chúa Giáng sinh, Giáo hội chúc mừng bà mẹ trong khi thờ lạy Chúa Cứu thế. Đề tài ấy được lặp lại trong ngày bát nhật, tức là lễ trọng kính đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa, đấng đã ban cho nhân loại nguồn sự sống, đấng đã sinh hạ Thái tử của Hòa bình. Phụng vụ cũng ca ngợi đức Maria vừa là mẹ vừa là trinh nữ, cũng như những nhân đức tin cậy, thờ lạy Chúa.

+ Trong lễ Hiển linh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Chúa tỏ mình cho muôn dân, và nhận thấy đức Maria như tòa của Đấng khôn ngoan, trỏ Chúa Cứu thế cho các đạo sĩ thờ kính.

+ Trong lễ Thánh gia, Giáo hội chiêm ngắm sự thánh thiện tỏa ra ở nhà Nadareth qua cuộc sống của Chúa Giêsu, đức Mẹ và thánh Giuse.

3) Mùa Chay.

Con đường của Giáo hội tiến về lễ Phục sinh có thể ví với con đường đức tin của đức Maria, người môn sinh trung tín của Chúa, cẩn thủ chiêm niệm lời Chúa (x. Lc 2,19-51), và trung tín kiên trì dưới chân Thập giá (x. Ga 19,25-27). Mẹ trở nên mẫu gương cho chúng ta bền chí khi bị thử thách, can trường kể của giữa đêm tối, phó thác cho bàn tay Chúa dẫn dắt kể cả khi phải hy sinh những mối tình cao thượng trong trắng nhất như Mẹ đã dâng hiến Con thánh thiện của mình. Chúng ta cũng tin tưởng nơi sự hỗ trợ của Mẹ đứng gần bên thập giá Chúa, ký thác cho Mẹ những ưu tư buồn phiền cay đắng của ta, để đóng góp vào chương trình cứu chuộc nhân loại.

4) Mùa Phục sinh.

Niềm hoan lạc của Giáo hội vì Chúa đã sống lại và vì Chúa ban Thánh Thần xuống có thể coi như sự kéo dài niềm vui của Đức Mẹ vì thấy Con mình đã chiến thắng tội lỗi và tử thần, cũng sự kéo dài buổi cầu nguyện của Mẹ với Giáo hội tiên khởi để cầu xin Thánh Thần xuống trên Giáo hội.

C. Niên lịch phụng vụ.

CÁC LỄ KÍNH ĐỨC MARIA TRONG NĂM THEO LỊCH PHỤNG VỤ RÔMA

Niên lịch phụng vụ Rôma, được cải tổ sau công đồng Vaticano II và được ban hành ngày 14/2/1969 đã dành ra 15 lễ kính Đức Maria trong toàn Hội thánh. Các lễ ấy có thể được phân theo cấp như sau:
(1) Bốn Lễ trọng: Mẹ Chúa Trời, Truyền tin, Mông triệu, Vô nhiễm. – (2) Ba Lễ kính: Dâng con, Thăm viếng, Sinh nhật. – (3) Bốn Lễ nhớ bắt buộc: Nữ vương, Đau khổ, Mân côi, Dâng mình. – (4) Bốn Lễ nhớ nhiệm ý: Lộ đức, Mẫu tâm, Carmêlô, Cung hiến đền thờ Đức Bà cả.

Cũng nên biết là hai lễ Dâng Con và Truyền tin được coi là lễ của Chúa. Thực ra, chúng ta có thể thấy một số lễ của Đức Mẹ ra như muốn đi song song với lễ kính Chúa.
+ Truyền tin (Chúa Giêsu thụ thai trong lòng mẹ) – Vô nhiễm nguyên tội;
+ Sinh nhật của Chúa Giêsu – sinh nhật đức Mẹ ;
+ Dâng Chúa trong đền thờ – đức Mẹ dâng mình vào đền thờ;
+ Lễ Thập giá Chúa – Sự đau khổ của đức Mẹ;
+ lễ Phục sinh và lên trời của Chúa – Mông triệu.
+ Thánh tâm Chúa – Mẫu tâm.
+ Chúa Kitô vương – Đức Maria Nữ vương.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày vắn tắt nguồn gốc và ý nghĩa của mỗi lễ. Nói chung, thì nhiều lễ kính nhớ một biến cố của cuộc đời Đức Mẹ đựơc Kinh thánh nói tới (Truyền tin, Thăm viếng), hoặc một tín điều (Mẹ Thiên Chhúa, vô nhiễm vv). Vì thế không cần phải dài giòng để giải thích ý nghĩa của chúng. Các ngày lễ được xếp theo thứ tự các tháng trong năm. Nói chung thì tháng nào cũng có 1 lễ kính Đức Mẹ, ngoại trừ tháng 4 không có ngày nào; bù lại thì tháng 8 có tới 3 ngày.

1/1: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời (lễ trọng)
Từ lâu đời, đức Maria đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Tất cả các Giáo hội đều kính nhớ Đức trinh nữ Maria mỗi ngày trong Kinh nguyện Thánh Thể dưới tước hiệu này (memoriam venerantes …gloriosae semper Virginis Mariae, Genetricis Dei et Domini nostri Iesu Christi). Trong năm phụng vụ, tước hiệu này được tưởng nhớ đặc biệt vào dịp lễ Chúa Giáng sinh. Trong lịch của Giáo hội Rôma, người ta đã đọc thấy trong nhiều sách hát (antiphonarium) ghi ngày 1 tháng 1 là “Natalis Sanctae Mariae” (thế kỷ VIII), với những lời nguyện, đáp ca tán dương chức làm mẹ Thiên Chúa của đức Maria. Trong lịch của Giáo hội Byzantium, từ thế kỷ thứ V, người ta đã cử hành vào ngày 26 tháng 12 lễ kính nhớ vị sinh hạ Thiên Chúa (Mneme tes Theotokou: memoria Dei Genitricis). Tuy nhiên, mãi tới năm 1931, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Êphêsô, Đức Piô XI mới truyền cho toàn thể Hội thánh mừng lễ Mẹ Thiên Chúa mỗi năm vào ngày 11 tháng 10. Thế nhưng, vì ngày 11 tháng 10 thiếu nền tảng lịch sử lâu đời, cho nên lịch cải tổ sau công đồng Vaticano II đã ấn định vào ngày bát nhật lễ Chúa Giáng sinh như đã ghi trong các sách phụng vụ cổ thời, để ca ngợi vai trò của đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc: chính nhờ Người đã nhận làm mẹ mà đức Giêsu mà nhân loại nhận được nguyên ủy của sự sống. – Ngoài ra, từ năm 1968, đức Phaolô VI đã thiết lập ngày thế giới hòa bình vào đầu năm dương lịch, ngõ hầu, hợp với lời chuyển cầu của đức Maria, nhân loại được nghe tin vui bình an (Lc 2,14) mà vị Thái tử hòa bình đã mang lại cho trần thế.

2/2: Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh (lễ kính)
Sách “Hành trình của chị Egeria” (Itinerarium, khoảng năm 390) đã ghi nhận việc cử hành tại Giêrusalem lễ “Bốn mươi ngày sau lễ Hiển linh” (Quadragesima de Epiphania) vào ngày 15 tháng 2 (Nên biết là bên Đông phương lễ Giáng sinh và Hiển linh là một, mừng vào ngày 6/1). Vào ngày đó các tín hữu đi kiệu để kính nhớ việc tiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, dựa theo trình thuật Phúc âm thánh Luca. ĐGH Sergiô I (687-701) đã du nhập lễ này vào Rôma với danh nghĩa “Hipapanti” (có nghĩa là “gặp gỡ”: Chúa Giêsu đi gặp cụ Simêon và bà Anna trong đền thờ), và ấn định vào ngày 2 tháng 2, 40 ngày sau Chúa giáng sinh . Cho đến thế kỷ X, các sách phụng vụ bên Tây không đả động chi đến sự thanh tẩy của đức Mẹ; vì thế lý do này được du nhập vào sau. Từ năm 1960, lễ này được coi là lễ kính Chúa. Tục lệ làm phép và kiệu nến có những nguồn gốc khác nhau. Một trong những lý do ấy có tính cách thực tiễn: tại Rôma, việc rước kiệu từ nhà thờ thánh Ađrianô (ở Foro Romano) về đền thờ Đức Bà Cả diễn ra ban đêm, cho nên cần phải thắp đuốc. Từ thế kỷ thứ X, bên Pháp, lễ nghi làm phép nến và rước kiệu mang một ý nghĩa mới: đèn sáng tượng trưng cho Chúa Kitô, ánh sáng thế gian. Lịch phụng vụ hiện hành đề cao việc dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, tiên báo việc dâng hiến mai sau trên thập giá; tuy nhiên đức Maria cũng góp phần tích cực trong việc dâng hiến đó, bởi vì chính Mẹ đã bồng con vào đền thờ để dâng cho Chúa Cha. Từ năm thánh 1975 tới nay, Bộ Tu sĩ tổ chức buổi lặp lại lời khấn cho tất cả các tu sĩ tại đền thờ thánh Phêrô, thường do chính Đức Thánh Cha chủ tọa.

11/2: Đức Mẹ Lộ đức
Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Bernadette 18 lần (11/2 – 16/7/1858) tại Lộ đức ở hang Massabielle. Lễ kính được đức Piô X du nhập vào lịch Rôma vào năm 1907. Bản văn phụng vụ nêu bật tước hiệu “Vô nhiễm nguyên tội” (như đức Mẹ đã tỏ ra cho Bernadette ngày 25/3), để xin ơn cải hoán, chỗi dậy từ tình trạng tội lỗi sang đời sống mới.

25/3: Truyền tin (lễ trọng)
Khởi nguồn từ bên Đông phương, lúc đầu mầu nhiệm Truyền tin, nhập thể được mừng chung với lễ Chúa Giáng sinh. Dần dần, lễ Giáng sinh được mừng long trọng, để phản ứng lại lạc giáo Nestôriô. Từ đó, biến cố Truyền tin được tách ra và mừng vào một ngày riêng, 9 tháng trước khi Chúa ra đời. Lễ này được tiếp nhận vào Rôma từ thế kỷ VII dưới tước hiệu “Annuntiatio Domini” (Sự truyền tin của Chúa). Các lịch ở bên Đông đều coi đây là lễ kính Chúa; mãi tới thế kỷ XI-XII nó mới mang sắc thái là lễ của Đức Mẹ (“Annuntiatio Sanctae Mariae”). Lịch phụng vụ hiện hành trở về với danh xưng cổ điển. Chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa nhập thể nhằm cứu chuộc loài người. Phụng vụ chú trọng tới việc đức Kitô vào đời vì tuân phục Chúa Cha (x. Dt 10,7); đồng thời cũng chú ý tới đức Maria đã đón nhận Lời Chúa với lòng tin sâu xa (Lc 1,38) và cưu mang Ngài cách âu yếm trong lòng. (Cũng nên biết là vào thời Trung cổ, bên Âu châu, vài nước bắt đầu năm mới vào lễ Truyền tin có lẽ vì kề với ngày xuân phân).

31/5: Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét (lễ kính)
Để xin ơn kết liễu cuộc phân ly giữa các Giáo hoàng, vào năm 1389 đức Urbano VI đã ghi vào ngày 2 tháng 7 lễ kính Đức Maria thăm viếng. Dòng Phanxicô đã mừng lễ này ngay từ năm 1263 (tổng tu nghị họp tại Pisa). Lịch cải tổ sau công đồng Vaticano II đã dời lên ngày 31 tháng 5 cho hợp với thứ tự thời gian (nghĩa là trong khoảng cách giữa việc truyền tin cho đức Mẹ và sinh nhật thánh Gioan). Đàng khác, đây cũng là dịp tốt để kết thúc tháng kính Đức Mẹ.

Thứ bảy sau lễ Thánh tâm Chúa Giêsu: Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ
Lòng sùng kính Trái tim Mẹ Maria được phổ biến từ thế kỷ thứ XVII (Thánh Gioan Eudes, +1680), và bành trướng sau những lần Đức Mẹ hiện ra tại Paris (năm 1830 rue du Bac, ảnh vảy làm phép lạ với hình trái tim), và Fatima (1917). Sau khi đã dâng hiến thế giới cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ (vào ngày 31/10/1942 qua đài phát thanh hướng về Fatima, kế đó và vào ngày 8/12 tại đền thánh Phêrô), Đức Piô XII đã thiết lập lễ phụng vụ vào ngày 4/3/1944, cử hành hằng năm vào ngày 22 tháng 8 (bát nhật lễ Mông triệu). Lịch cải tổ sau công đồng đã dời lên ngày thứ bảy liền sau lễ kính Thánh Tâm Chúa.

Trong văn chương của nhiều dân tộc, trái tim là cơ quan tượng trưng cho tình yêu. Nhưng trong Kinh thánh “trái tim” là biểu hiện của tất cả con người, xét vì là nơi thâm sâu nhất và là mạch của sức sống. Do đó, trái tim tượng trưng cho đời sống nội tâm, cho tình yêu, cho ý chí. Vì thế trái tim của đức Maria đáng được gọi là “cung điện” của Chúa, vì đã được cung hiến hoàn toàn cho tình yêu của Chúa. Cũng vậy con tim ấy “vô nhiễm” bởi vì không hề phạm tội. Con tim ấy là nơi lắng nghe, suy gẫm và tuân hành Lời Chúa (x. Lc 2,18.51); con tim “hiền lành và khiêm nhường” theo gương đức Kitô (x.Mt 11,29), nhưng không kém phần can trường khi chấp nhận những đau đớn thử thách như lữơi gươmg đâm thâu (x. Lc 2,35). Con tim trong trắng ấy đáng được chúc phúc vì được nhìn thấy nhan Chúa (Mt 5,8).

16/7: Đức Mẹ núi Cát-minh
Carmêlô là tên một ngọn núi mà, theo tục truyền, Dòng Carmêlô được thiết lập, chuyên vào việc chiêm niệm dưới sự bảo trở của đức Maria. Lễ kính này do các tu sĩ dòng đặt ra khoảng năm 1376-1386, và được đức Bênêđictô XIII du nhập vào lịch Rôma vào năm 1726.

5/8: Cung hiến thánh đường đức Maria
Đức Thánh Cha Libêriô (352-366) đã khởi xướng công cuộc xây cất một vương cung thánh đường kính Đức Mẹ ở Rôma trên đồi Esquilinô. Từ thời đức Sistô III (432-440), lễ cung hiến ngôi thánh đường này được cử hành vào ngày 5/8 sau khi công đồng Ephêsô công bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (431). Vào thế kỷ XIII lưu truyền về việc Đức Mẹ hiện ra để chỉ chỗ cất thánh đường đã đưa tới việc gọi lễ này như là “kính Đức Mẹ xuống tuyết”. Nhà thờ Đức Bà Cả là thánh điện quan trọng nhất bên Tây phương dâng kính Đức Maria.

15/8: Đức Mẹ lên trời (Lễ trọng)
Vào thế kỷ thứ V, tại Giêrusalem người ta đã mừng lễ kính Đức Mẹ vào ngày 15 tháng 8. Sang thế kỷ thứ VI lễ này được phổ biến khắp Đông phương dưới tứơc hiệu “Đức Mẹ an giấc” (Dormitio Dei Genitricis: Koimesis tes Theotoku), và đựơc du nhập sang Rôma hồi giữa thế kỷ thứ VII cũng dưới tước hiệu đó. Sang thế kỷ thứ VIII lễ này mang danh là “Đức Maria được cất về trời” (Assumptio B. Mariae). Tín điều đức Mẹ hồn xác lên trời được đức Piô XII công bố năm 1950. Lễ trọng này mừng việc đức Maria được Thiên Chúa đem hồn xác về trời, chia sẻ hạnh phúc với đức Kitô phục sinh; đồng thời cũng gợi lên niềm hy vọng cho Hội thánh lữ hành khi nhìn ngắm tiêu đích của mình.

22/8: Đức Maria, Nữ vương (Lễ nhớ).
Từ lâu đời, nhiầu bài thánh ca đã hướng lên đức Maria dưới tước hiệu Nữ vương (thí dụ: “Salve Regina, Reginae coaeli, Ave regina coelorum); trong kinh cầu Đức Mẹ, lời cầu khẩn “Nữ vương” được lặp lại nhiều lần dưới nhiều tước hiệu khác nhau.

Thế nhưng, lễ Đức Maria Nữ vương thì mới được đức Piô XII thiết lập vào năm 1954, (để đánh dấu năm Thánh mẫu kỷ niệm bách chu niên của việc tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội), với thông điệp “Ad caeli reginam” ngày 11/10/1954. Lễ này được ấn định cử hành vào ngày 31 tháng 5. Cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau công đồng đã đời lễ nhớ sang ngày 22 tháng 8 để làm nêu bật hơn sự gắn liền tước hiệu Nữ vương của đức Maria với việc mông triệu thăng thiên: chúng ta chiêm ngắm đức Maria, Nữ hoàng ngồi bên cạnh Vua thiên triều để cầu bầu cho chúng ta như Thái hậu. Thực vậy, chức Nữ Vương của đức Maria được gắn liền với vai trò làm mẹ và chuyển cầu. Có lẽ nên hiểu tước “Nữ vương” theo nghĩa là “Thái hậu” (bà mẹ của Đức Vua), hơn là Hoàng hậu hay Nữ hoàng. Hơn thế nữa, cũng như đức Kitô đã giải thích vương triều Thiên Chúa theo nghĩa phục vụ chứ không phải thống trị, chúng ta cũng hiểu được rằng vinh quang của đức Maria không dành để củng cố thế lực nhưng là nhằm để thực thi lòng ân cần săn sóc đối với anh chị em còn trên đường lữ hành.

Ý nghĩa của tước hiệu “Nữ vương” được phụng vụ giải thích trong phần dẫn nhập vào bài lễ như sau. Có ít là bốn lý do để đức Maria đáng mang tước hiệu Nữ vương: lòng khiêm nhường; chức phận làm mẹ; vai trò chuyển cầu; hình ảnh vinh quang của Hội thánh. (1) Đức Maria là Nữ vương trên trời bởi vì khi còn ở dưới thế, Người là tôi tớ khiêm nhường của Chúa. Theo như lời của chính Chúa đã dạy :ai hạ mình xuống thì sẽ được nhấc lên” (Lc 14,11). Cũng như Chúa Cha đã tôn vinh đức Kitô vì đã hạ mình cho đến chết trên thập giá (Pl 2,6-11), thì Ngài cũng nhắc người nữ tì hèn hạ lên trên các thiên thần. (2) Đức Maria là Nữ vương vì là thân mẫu của Vua cứu thế, Đấng “ngự trên tòa vua Đavit đến ngàn đời” (Lc 1,32-33). Bà Ysave đã chúc tụng Người là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1,41-43). (3) Đức Maria là Nữ vương bởi vì ở bên cạnh đức Vua vinh hiển trên trời để cầu bầu cho nhân loại. Khi còn tại thế, Đức Maria đã đồng lao cộng tác với đức Kitô vào sự cứu chuộc trong đau khổ; ngày nay Người cũng chia sẻ vinh quang với Chúa để cầu xin cho hết mọi người được hửơng nhờ ơn đó. (4) Đức Maria là Nữ vương vì là người tiên phong cho Hội thánh mai hậu, cũng được gọi vào chia sẻ vinh quang của con cái Chúa trong nước trời (Kh 5,10), lãnh triều thiên vinh quang (1Pr 5,4), triều thiên công chính (2Tm 4,8).
8/9: Sinh nhật đức Trinh nữ Maria (lễ kính)

Lễ kính Đức Mẹ vào ngày 8/9 bắt nguồn từ Giêrusalem, tại nhà thờ cung hiến “nơi Đức Maria chào đời” (basilica sanctae Mariae ubi nata est), nay được gọi là nhà thờ thánh Anna (tục truyền là nhà của thánh Gioakim và Anna. Vào thế kỷ thứ VII, nhà thờ nghi lễ Bizantinô ở Rôma mừng ngày này như là lễ Sinh nhật Đức Mẹ (Nativitas Sanctae Mariae). Vào thời Trung cổ, lễ này được mừng rất trọng thể, với tuần bát nhật. Lịch cải tổ sau công đồng Vaticano II đã gộp lại vào ngày 8/9 lễ mừng sinh nhật đức Mẹ và lễ kính danh thánh Maria (trước đây mừng vào ngày 12/9). Phụng vụ chào mừng ngày sinh nhật của đức Maria như là buổi ló dạng hừng đông của ơn cứu rỗi (bởi vì ngày xuất hiện của Đấng Cứu thế đã gần kề).

15/9: Đức Mẹ sầu bi (lễ nhớ)
Vào năm 1667, Dòng các Tôi tớ Đức Bà được đức Clêmentê IX cho phép mừng lễ kính “những sự đau đớn của Đức Mẹ” vào chúa nhật thứ ba tháng 9; trước đó vài nơi đã mừng lễ Đức Mẹ sầu bi vào ngày thứ 6 trong tuần Thương khó (Mùa chay). Năm 1814, đức Piô VII đã ghi lễ thng 9 vào lịch chung Giáo hội để tạ ơn vì được giải thoát khỏi sự giam cầm của hoàng đế Napoléon. Vào năm 1913, đức Piô X chuyển ngày lễ sang 15/9, nghĩa là kề với lễ kính Thánh Giá. Sau công đồng Vatican II, lịch phụng vụ chỉ còn giữa một ngày kính “Đức Mẹ sầu bi” (thay vì tước hiệu cũ: “những sự đau đớn của Đức Mẹ”) vào tháng 9, và bỏ ngày thứ 6 tuần Thương khó. Việc Đức Maria thông dự vào công cuộc cứu chuộc của đức Kitô qua sự đau khổ (Lc 2, 33-35) được biểu lộ rõ rệt dưới chân Thập giá, khi mọi sự đã hoàn tất và Gioan nhận lấy đức Maria từ Chúa Giêsu làm mẹ của mình (Ga 19, 25-27).

7/10: Đức Mẹ Mân côi (lễ nhớ)
Lễ này được thiết lập vào năm 1573 để tạ ơn chiến thắng quân Hồi giáo ở Lêpantô (7-10-1571); lúc đầu lễ này được mừng trong Dòng Đaminh và tại những nhà thờ nào có thiết lập Hội Mân côi. Mãi đến năm 1716, để ghi nhớ một cuộc chiến thắng khác (lực lượng công giáo đẩy lui quân Thổ nhĩ kỳ tại Peterwarođinô, gần Vienne, 5-8-1716), Đức Clêmentê XI cho mừng lễ này vào đầu chủ nhật tháng 10 trong toàn Hội thánh. Năm 1913 ngày lễ được ấn định vào ngày 7 tháng 10. Nhờ lời chuyển cầu của đức Maria chúng ta có thể thông dự vào cuộc đời, sự tử nạn và phục sinh của đức Kitô.

21/11: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ (lễ nhớ)
Nguồn gốc của lễ đức Mẹ dâng mình trong đền thờ là việc cung hiến thánh đường kính đức Mẹ tại Giêrusalem (năm 543), được cất bên cạnh đền thờ. Tuy rằng thánh đường đã bị tàn phá từ mấy thế kỷ, nhưng lễ đức Mẹ dâng mình vẫn được cử hành trong toàn thể Đông phương. Lễ này được du nhập vào lịch của điện Giáo hoàng bên Avignon năm 1373. Năm 1568, lễ này bị Đức Piô V gạch khỏi lịch Rôma vì thấy nguồn gốc sự tích Đức Mẹ “tiến lên đền thờ” dựa theo một ngụy thư (tục gọi là Phúc âm nguyên thủy của thánh Giacôbê). Nhưng đức Sistô V lại tái nhập vào năm 1585, sau khi đã loại bỏ những chi tiết truyền kỳ trích từ tác phẩm vừa kể. Các bản văn phụng vụ hiện tại chỉ nói đến đức Maria như là kẻ đầy ơn nghĩa với Chúa, và do đó trở thành đền thờ của Chúa.

8/12: Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (lễ trọng)
Chứng tích đầu tiên về lễ kính “bà thánh Anna, mẹ của thân mẫu Thiên Chúa, có thai” (de conceptione S.Annae, matris Dei Genitriciscử hành ở Bisănziô vào ngày 9 tháng chạp) là một bản văn của Andrea de Creta (+740). Lễ thụ thai của trinh nữ Maria được du nhập qua Âu châu vào thế kỷ thứ IX. Năm 1476 Đức Sixtô IV truyền ghi vào lịch Rôma. năm 1476. Từ khi tuyên bố tín điều vào năm 1854, lễ này đổi tên từ sự thụ thai của bà thánh Anna thành là “Thụ thai Vô nhiễm” (Immaculata Conceptio).
——————————–
Ngoài những lễ và nói được ghi trong lịch chung của Sách Lễ Rôma, lịch riêng của các Dòng tu hay của các Giáo hội địa phương còn thêm những lễ khác, hoặc kính dưới các tước hiệu khác. Vài thí dụ: ngày 8 tháng 5, nhiều Dòng tu và địa phương kính lễ Đức Mẹ trung gian các ơn; ngày 24 tháng 5: Lễ Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu (Auxilium Christianorum), một tước hiệu được quảng bá nhờ Dòng thánh Gioan Bosco. Cũng như phụng vụ đã dành ngày 11 tháng 2 để nhớ đức Mẹ hiện ra ở Lộ đức, nhiều nơi cũng dành ngày 13 tháng 5 hoặc 13 tháng 10 để nhớ đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Trong hợp tuyển các Bài lễ kính Đức Maria, chúng ta gặp thấy những tước hiệu sau đây trong Mùa thường niên:
A) Mười một tước hiệu rút từ Kinh thánh, nói lên mối liên hệ giữa đức Maria với Giáo hội: 1) Mẹ của Chúa (Lc 1,42). 2) Phụ nữ (Đàn bà, Eva) mới. 3) Danh Maria. 4) Tôi tớ Chúa. 5) Đền thờ của Chúa. 6) Tòa Đấng Khôn ngoan. 7) Hình ảnh và Mẹ của Giáo hội (ba bài lễ). 8) Trái tim vô nhiễm. 9) Nữ vương vũ trụ.

B) Chín tước hiệu nói lên sự cộng tác của đức Maria vào việc thăng tiến đời sống thiêng liêng của các tín hữu:
1) Mẹ và trung gian các ơn.
2) Mạch cứu rỗi.
3) Mẹ và cô giáo tinh thần.
4) Mẹ chỉ bảo đàng lành.
5) Căn nguyên của sự vui mừng.
5) Nâng đỡ và bảo vệ đức tin.
6) Mẹ của tình yêu đẹp đẽ.
7) Mẹ của hy vọng.
8) Mẹ của sự hợp nhất.

C) Tám tước hiệu nói đến sự chuyển cầu của đức Maria:
1) Nữ vương và mẹ của lòng thương xót.
2) Mẹ của Chúa quan phòng.
3) Mẹ của sự an ủi.
4) Cứu giúp các tín hữu.
5) Giải thoát những nô lệ.
6) Sức khỏe cho các bệnh nhân.
7) Nữ vương hòa bình.
8) Cửa thiên đàng.
—————————
Mục II. Những việc đạo đức khác.

I. Những kinh nguyện cổ truyền:
– 1) Kinh Trông cậy.
– 2) Kinh Kính mừng
– 3) Kinh Truyền tin.
– 4) Kinh Lạy Nữ vương.
– 5) Kinh Hãy nhớ.
– 6) Kinh cầu Đức Bà.
– 7) Ave Maria stella.
– 8) Kinh Mân côi.

II. Vài hình thức đạo đức kính Đức Mẹ:
– 1) Ngày thứ bảy.
– 2) Tháng Đức Mẹ.
– 3) Áo Đức Mẹ.
– 4) Hành hương về đền thánh Đức Mẹ.

NHỮNG KINH NGUYỆN KÍNH ĐỨC MẸ.

Thần học về các kinh nguyện hướng lên đức Maria.

Trên nguyên tắc, các kinh cầu nguyện phải nhắm đến Thiên Chúa (theo định nghĩa: cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Chúa). Thoạt đầu, tất cả các lời nguyện của Kitô giáo đều hướng tới Chúa Cha, tuy rằng Tân ước cũng ghi lại những lời nguyện hướng tới đức Kitô (thí dụ lời cầu của thánh Têphanô ở tông đồ công vụ 7,59, hay các thánh ca trong sách Khải huyền). Những ý tưởng cầu nguyện hướng đến đức Maria xuất hiện muộn hơn, dưới những dạng khác nhau.

1) Trong kinh nguyện phụng vụ. Tuy rằng lời nguyện vẫn hướng đến Thiên Chúa, nhưng đức Maria được nhắc đến vì gắn liền với một biến cố cứu rỗi. Thí dụ: trong kinh nguyện Thánh Thể (kinh Tiền tụng: Lạy Chúa là Cha chí thánh…, trong ngày lễ của thánh nữ Maria, trọn đời đồng trinh, chúng con cùng ca ngợi, chúc tụng và tung hô Cha…); hoặc kinh Tổng nguyện ngày 1 tháng giêng: Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày đức Trinh nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu thế, Chúa đã tặng ban cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho chúng con được nhờ lời Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, vì chính nhờ Đức Mẹ chúng con mới đáng nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con.).

2) Cùng hợp lời với đức Maria để tán dương Thiên Chúa, khi lặp lại kinh “Magnificat”. (Theo một số nhà chú giải Kinh thánh, Luca đã lấy lại bản kinh này từ phụng vụ của Giáo hội nguyên thủy).

3) Hình thức thứ ba hướng về đức Maria. Trước là dưới hình thức chúc tụng, ca rao, lấy từ các bản văn Kinh thánh: Hãy vui lên, Maria (Lc 1,26)!; Chị thật có phúc hơn mọi người nữ (Lc 1,42)! Phúc cho chị vì đã tin (Lc 1,45)! Hình thức này đưa đến các kinh Kính mừng, và trường ca “Akathistos” của các Giáo hội Đông phương.

4) Từ lời chúc tụng, tâm tình gửi gắm nài nỉ xem ra khá tự nhiên: Mẹ thật là có phúc, Mẹ được Chúa thương đặc biệt, xin hãy chuyển cầu cho chúng con.

Chúng ta đã xét tới hình thức thứ nhất trong khi nói tới kinh nguyện phụng vụ. Những hình thức còn lại phản ánh qua một số kinh nguyện cổ điển, phát xuất từ hai động lực chính sau đây: a) hợp với đức Maria để ca khen Thiên Chúa vì những việc trọng đại đã thực hiện nơi người tôi tớ khiêm nhường, và từ đó tới hết mọi người; b) ký thác cho đức Maria những lời khẩn nài ngợi khen, xét vì Người rất gần gũi với nhân loại trong đức Kitô. (Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo, số 2675).
Chúng ta hãy bàn qua lịch sử và nội dung của những kinh nguyện phổ thông kính Đức Mẹ: Kinh Trông cậy. Kinh Kính mừng. Kinh Truyền tin. Kinh Lạy Nữ vương. Kinh Hãy nhớ . Kinh cầu Đức Bà. Ave Maria stella.

KINH CHÚNG TÔI TRÔNG CẬY.

I. Lịch sử.

Theo các sử gia, đây là kinh nguyện cỏ truyền nhất mà các tín hữu dâng lên đức Maria. Trước đó, tất cả các câu kinh lời nguyện đều hướng lên Thiên Chúa; nhưng với kinh này, người tín hữu cầu xin với đức Trinh nữ Maria, thụ tạo đẹp đẽ nhất của Thiên Chúa. Cho đến gần đây, truyền thống coi đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả (590-604) là tác giả của kinh này, ít là bản văn bằng tiếng latinh (Sub tuum praesidium). Nhưng vào năm 1917, thư viện John Rylands ở Manchester (Anh quốc) đã mua được một thủ bản của kinh này bằng tiếng Hy lạp viết trên giấy cỏ chỉ (papyrus); nhờ vậy mà người ta đã có thể xác định lịch sử của nó cách chính xác hơn. Theo các nhà sử học, kinh này được soạn ra vào giữa thế kỷ thứ ba (khoảng 260-270) hay đầu thế kỷ thứ tư.

Bản dịch Việt ngữ “chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời…” không sát với nguyên văn lắm, và vì thế tối nghĩa. Sách “Các Giờ kinh phụng vụ”, tr.1299 đã dịch lại như sau: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ. Nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phước!” (Sub tuum praesidium confugimus, sancta Dei Genitrix; nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus, sed a periculis cuntis libera nos semper, Virgo gloriosa et benedicta)

Tuy nhiên nguyên bản của Hy lạp hơi khác với bản latinh, theo đó tiếng “semper” không gắn với động từ “libera” (xin hãy luôn cứu thoát), nhưng gắn với tính từ “virgo” (trọn đời đồng trinh). Vì thế xin tạm dịch như sau: Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con ẩn náu dưới sự che chở và lòng từ bi của Mẹ. Xin đừng khước từ những lời khẩn cầu của chúng con trong cơn gian nan, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi cơn nguy khốn. Ôi Đấng trọn đời đồng trinh, Ôi Đấng được chúc phúc!

II. Ý nghĩa

Bản kinh ngắn ngủi này chứa đựng rất nhiều tín điều liên quan đến đức Maria, cho dù chưa được Giáo hội công bố vào thế kỷ thứ ba. Tín điều quan trọng hơn cả là danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix: Theotokos), chân lý căn bản về chức năng của đức Maria trong chương trình cứu rỗi. Kế đến là hai danh xưng trích từ Phúc âm “đồng trinh” (virgo) và “đựơc chúc phúc” (benedicta). Thêm vào đó là một danh hiệu được trình bày cách ám tàng: “Mẹ của lòng khoan nhân” (Mater misericordiae).

Người ta không rõ tác giả này là ai. Điều đáng để ý là tác giả không cầu nguyện cho bản thân mình nhưng là nhân danh cộng đoàn tín hữu qua việc dùng đại-từ ở số nhiều (“chúng con”). Cộng đoàn đang trải qua một cơn thử thách, đang gặp gian nan nguy khốn. Cơn gian truân ấy có thể là nguy hiểm về phần xác (loạn lạc, chiến tranh, đói kém ..), nhưng cũng có thể là nguy hiểm về phần hồn (cuộc bách hại, cuộc chiến đấu cho sự sống còn của đức tin ..). Dù thế nào chăng nữa, các tín hữu chạy đến với Mẹ với tất cả niềm tin tưởng. Họ tìm sự ẩn náu nơi lòng từ bi của Mẹ. Họ chắc rằng Mẹ sẽ không từ chối lời cầu xin của họ: “xin cứu thoát chúng con” (libera nos)!. Lời kêu cứu này đã làm nêu bật vai trò của đức Maria trong chương trình cứu chuộc.

Nên biết là Đức Gioan Phaolo II đã dựa vào kinh này để quảng diễn bản kinh phó thác cho đức Maria tại Fatima ngày 13 tháng 5 năm 1982, nhất là lời van xin cuối cùng “xin cứu thoát chúng con”!

KINH KÍNH MỪNG.

I. Lịch sử.

Tuy kinh Kính mừng rất phổ thông trong Giáo Hội công giáo, nhưng xét về lịch sử thì nó không phải là kinh nguyện cổ kính nhất dâng kính Đức Maria. Lịch sử của nó khá dài giòng, bởi vì nó kéo dài tới 16 thế kỷ. Kinh Kính mừng gồm có hai phần:

1) phần đầu là lời chúc tụng, trích từ những lời chào mừng Mẹ do miệng của sứ thần Gabirel và của bà Ysave; 2) phần thứ hai là lời khẩn nài, xin Mẹ Maria cầu bầu.

Phần đầu được trích từ Phúc âm theo thánh Luca chương 1 các câu 28 và 42. Tuy nhiên, các tín hữu chỉ gộp lại hai lời chúc tụng ấy vào thế kỷ thứ V, dĩ nhiên là với dạng ká co dãn. Thí dụ bản kinh còn lưu hành ở nghi thức Bizantin: “Kính mừng, trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, đầy ơn phúc. Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ, và hoa trái bởi lòng mẹ được chúc phúc, bởi vì Mẹ đã sinh ra Đấng cứu chuộc linh hồn chúng con”. Cũng vào thời này, danh xưng Maria được thêm vào lời chào của thiên sứ (Kinh mừng Maria, đầy ơn phúc). Còn tên thánh Giêsu thì được thêm vào lời chúc tụng của Bà Ysave (và Giêsu con lòng bà ..) vào khoảng thế kỷ 13. Dù sao, cho đến thế kỷ 13, kinh Kính mừng chấm dứt với phần chúc tụng trích từ Phúc âm. Nhiều công đồng địa phương hoặc Dòng tu đã truyền đọc kinh này trong cách thánh đường của họ.

Phần thứ hai bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 14, lúc đầu với công thác ngắn ngủi trích từ kinh cầu các thánh (Thánh Maria, cầu cho chúng tôi). Về sau, mỗi địa phương hoặc dòng tu thêm thắt vài danh hiệu của đức Mẹ hoặc kể lể vài hoàn cảnh của các tín hữu; vì thế mà mỗi nơi đọc kinh Kính mừng một khác. Mãi tới khi đức Piô V công bố sách nguyện cải tổ theo ý định của công đồng Trentô (năm 1568), thì Tòa thánh mới ấn định một hình thức nhất định trong toàn thể Giáo hội.

II. Ý nghĩa.

Trải qua lịch sử, đã có rất nhiều tác giả viết lên những trang bất hủ để chú giải kinh Kính mừng, nhất là phần chúc tụng. Nó nói lên tất cả thiên chức và vinh dự tột điểm của đức Trinh nữ Maria. Mẹ là đấng đầy ơn phúc, Đấng đã được Thiên Chúa chiếu cố đặc biệt, luôn sống trong ơn nghĩa với Chúa, không chút tì ố tội lỗi. Mẹ rất gần gũi với Thiên Chúa vì đã mang Đức Giêsu trong lòng. Chính vì tin tưởng rằng Mẹ dào dạt ơn sủng, thánh thiện, thân mật với Thiên Chúa, cho nên người Kitô hữu mới bộc lộc tâm can của mình trong phần thứ hai của kinh Kính mừng. Ý thức rằng mình là người tội lỗi, không đủ sức chống trả các chước cám dỗ, người tín hữu van xin Mẹ cứu giúp nhờ lời cầu nguyện của Mẹ. Người tín hữu gửi gắm tất cả định mạng cho Thân mẫu của Chúa Cứu thế, xin Mẹ cầu bầu cho đựơc cứu rỗi, không những chỉ trong vài đôi lúc nguy nan nhưng là luôn luôn, trong hiện tại và nhất là khi bước sang cõi sống bất diệt.

Tóm lại trong hai phần của kinh kính mừng, chúng ta thấy có hai đặc tính của các kinh nguyện Kito giáo: a) ca ngợi chúc tụng (vì những hồng ân Chúa đã thực hiện nơi đức Maria); b) cầu khẩn, nhờ đức Maria dâng lời chuyển cầu cho chúng ta.
(Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo chú giải kinh Kính mừng ở các số 2676-2677)

Kinh Kính mừng trở thành phổ thông nhất trong các kinh mà các tín hữu đọc để kính Đức Mẹ. Như ta biết, ít khi các tín hữu đọc một kinh Kính mừng rời rạc: tối thiểu là kèm theo kinh Lạy Cha và kinh Sáng danh. Một tục lệ khác là đọc ba kinh Kính mừng, hoặc xen vào kinh Truyền tin và kinh Mân côi.

BA KINH KÍNH MỪNG.

Tục lệ đọc ba kinh kính mừng được quảng bá rộng rãi nhờ tích của chị Matilđê Hackenborn, dòng Xitô (k.1240-1298). Chị thuật lại rằng đức Mẹ đã hứa với chị là nếu ai trung thành mỗi ngày đọc 3 kinh kính mừng kính Chúa Ba Ngôi, thì vào lúc lâm chung Mẹ sẽ đến bên giường giúp đỡ xua đuổi các chước cám dỗ. Thị kiến của Matilđê được thánh Gertruđê ghi lại trong tác phẩm “Liber specialis gratiae”, một sách best-seller thời Trung cổ. Tuy nhiên, có rất nhiều vị thánh đã đọc và quảng bá thói tục đó tuy chẳng tin gì vào thị kiến của Matilđê. Thí dụ ngay từ thế kỷ 13, thánh Antôniô Padova quen đọc ba kinh kính mừng để xin đức Mẹ ơn được thanh khiết trong tư tưởng, trong con tim và trong thân xác. Vào thời cận đại, trong số nhiều vị thánh đã cổ động việc đọc ba kinh kính mừng ta có thể ba vị thuộc Dòng Chúa Cứu thế: Alphongsô, Giêrarđô, Clêmentê. Thậm chí có nhiều vị Giáo hoàng còn du nhập vào các sách phụng vụ nữa; thí dụ đức Piô V theo gương Dòng Camalđôli và Phanxicô, đã truyền đọc ba kinh kính mừng trước khi xướng kinh thần vụ; đức Lêô XIII đã truyền đọc 3 kinh kính mừng sau Thánh lễ; cả hai thói tục này mới bị bỏ với việc duyệt lại sách lễ và sách nguyện sau công đồng Vaticano II. Một hình thức khác nữa là đọc 3 kinh kính mừng trước khi lần chuỗi Mân côi: vì vậy mà ở đầu các tràng chuỗi, ta thấy lòng thòng một dây gắn tượng thánh giá với 5 hạt: một hạt đọc kinh lạy Cha, ba hạt đọc 3 kinh kính mừng, và 1 hạt đọc kinh Sáng danh. Trong khi mà kinh Truyền tin cử hành mầu nhiệm nhập thể, kinh mân côi kính nhớ mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc, thì có tác giả muốn coi việc đọc ba kinh kính mừng để kính ba ngôi Thiên Chúa vì những hồng ân đã ban cho đức Maria. Nhưng cũng có thể nói ngược lại như thế này: ta đọc ba kinh kính mừng để nhờ đức Maria làm cửa ngõ dẫn ta tới cùng Ba Ngôi Thiên Chúa. Dĩ nhiên, không ai cấm thêm những ý chỉ khác nữa, thí dụ xin đức Mẹ đến giúp ta “là kẻ có tội, bây giờ và nhất là trong giờ lâm tử”.

KINH TRUYỀN TIN

Cơ cấu của kinh Truyền tin như chúng ta đọc ngày nay không phải thành hình đồng loạt vào một lúc. Lịch sử của nó kéo dài qua nhiều giai đoạn. Ta có thể lấy khởi điểm là việc cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể. Vào thế kỷ thứ V, nghĩa là vào hồi mà các tín hữu còn mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể và giáng sinh vào cùng một ngày 25 tháng chạp, thì thánh Lêo Cả đã nói như sau: “Mỗi ngày và mỗi giây phút, Mẹ đồng trinh vẫn còn trưng bày việc Chúa Cứu thế giáng-sinh trước tâm trí những tín hữu nào suy gẫm các mầu nhiệm thánh. Khi linh hồn nhấc lên để ca ngợi Chúa Tạo thành, dù khi tâm hồn xao xuyến van nài, dù khi hân hoan ca khen, dù khi dâng hiến hy sinh, thì không có chi có khả năng thu hút cặp mắt thiêng liêng và đức tin hơn là mầu nhiệm của Con Thiên Chúa sinh từ Cha và hiện hữu từ nguyên thủy với Cha đã sinh ra bởi một người nữ … Tâm trí chúng ta dán chặt vào, ra như thấy sờ sờ trước mắt, cuộc đối thoại giữa thiên sứ Gabriel với đức Maria đang ngơ ngác, cũng như việc thụ thai do quyền năng của Thánh Thần được hứa sẽ diễn ra cách lạ lùng và cũng được tiếp nhận với đức tin một cách lạ lùng. (In Nativitate Domini Sermo VI, 1: CCL 138, p.125). Như thế thì ta thấy rằng thánh Lêo Cả đã khuyến khích việc chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, một thói tục đã được thực hành rồi. Thế nhưng, ngoài việc chiêm ngắm trong tâm trí, các tín hữu còn nhắc nhớ qua câu kinh nữa, bằng cách lặp lại lời chào của thiên sứ Gabriel, tục gọi là kinh Kính mừng. Bên các Giáo hội Đông phương, từ thế kỷ thứ 6, lời chào của sứ thần “Ave” được quảng diễn thành một trường thi chào đức Maria “Akathistos”, với 156 câu Ave. Nhưng đây chỉ là những vết sơ khởi về việc tưởng niệm mầu nhiệm truyền tin và nhập thể. Dù sao thì cũng nên biết là từ thế kỷ thứ VI, các tín hữu đã ghép thêm lời chào của thiên thần Gabriel (kính mừng Maria) với lời chúc tụng của bà Ysave (bà có phước lạ hơn mọi người nữ).

1) Kinh kính mừng khi giật chuông

Tuy nhiên, phải chờ tới thời Trung cổ mới thấy những tài liệu về kinh Truyền tin, gắn liền với những tập tục khác kèm theo. Các đan viện Xitô có thói quen giật chuông khi mặt trời lặn, trùng vào lúc các đan sĩ kết thúc kinh cuối ngày (Completorium) khi quỳ gối hát kinh Lạy Nữ vương và kinh Kính mừng. Bắt chước các đan viện, nhiều nhà thờ chánh tòa hay giáo xứ cũng giật chuông vào ban chiều để nhắc nhở các tín hữu hãy ngưng công chuyện đồng áng và chuẩn bị trở về nhà. Khi nghe tiếng chuông, các tín hữu cũng theo gương các đan sĩ đọc kinh kính Đức Mẹ, cụ thể là ba kinh kính mừng, để kính nhớ sự Nhập thể, bởi vì người ta cho rằng thiên thần truyền tin cho đức Mẹ vào ban chiều. Các tu sĩ Dòng Phanxicô, tuân theo nghị quyết của tổng hội năm 1269, đã truyền bá thói quen đánh chuông chiều và đọc ba kinh Kính mừng. Tục lệ này càng đi sâu rộng vào dân gian khi mà chính Đức Thánh Cha Gioan XXII (+1334) ban ân xá cho những ai quỳ gối đọc ba kinh kính mừng khi nghe chuông chiều, và chính Ngài du nhập tập tục đó vào Rôma vào năm 1327. Nhưng trước đó không lâu (nghĩa là cuối thế kỷ 13), vài nơi còn giật chuông vào cả ban sáng nữa, báo hiệu bắt đầu một ngày mới, trùng vào lúc các đan sĩ nguyện giờ Nhất (Prima) kính nhớ Chúa Phục sinh. Nhưng đó là chuyện của các đan sĩ; phần giáo dân thì vốn đã quen đọc 3 kinh kính mừng khi nghe chuông chiều rồi, cho nên bây giờ nghe tiếng chuông ban sáng họ cũng đọc ba kinh kính mừng, để cầu khẩn Người mà họ chào kính như là “Sao mai, rạng đông, rạng rỡ như mặt trời”. Còn tập tục đọc kinh Truyền tin vào ban trưa thì trễ hơn. Theo các sử gia, thì trước đây, có vài nơi đã giật chuông vào 12 giờ trưa ngày thứ 6 để kính nhớ Chúa Giêsu chịu tử nạn trên thập giá. Vào năm 1456, ĐTC Callistô III (bulla Cum his superioribus annis), truyền mỗi ngày phải giật chuông trong khoảng từ giữa 3 giờ trưa và ban chiều, và đọc 3 kinh lạy Cha – 3 kinh kính mừng, để xin Chúa gìn giữ châu Âu cho khỏi bị quân Thổ-nhĩ-kỳ xâm chiếm. Vài năm sau, vua Louis IX bên Pháp muốn đánh chuông vào 12 giờ trưa để nhắc nhớ các tín hữu đọc 3 kinh kính mừng cầu xin ơn thái bình thịnh vượng. Sáng kiến của nhà vua được đức Sistô IV tán thưởng và ban ơn xá cho ai đọc ba kinh kính mừng để cầu cho hòa bình (vào năm 1475).

2) Ba kinh kính mừng và Kinh Truyền tin

Như vậy thì nguồn gốc của kinh Truyền tin là việc đọc ba kinh kính mừng khi nghe chuông nhà thờ giật vào lúc chiều, sáng và trưa. Nhưng mà từ chuyện đọc ba kinh kính mừng dần dần nảy ra hai tục lệ khác nhau: (a) Một tục lệ đọc ba kinh kính mừng như một việc đạo đức riêng biệt, và (b) một thói tục khác chêm ba câu Phúc âm vào sau mỗi kinh Kính mừng, thành kinh Truyền tin như ngày nay. Ba câu ấy trích từ Luca 1,26.38 và Gioan 1,14, và kết thúc với lời nguyện của bài lễ Truyền tin. Hình thức này hoàn tất vào thế kỷ thứ 16, và người ta thấy bản kinh trong một quyển sách giáo lý xuất bản ở Venise (Italia) năm 1560. Từ một tục lệ do lòng đạo đức bình dân, kinh Truyền tin được Tòa thánh phê chuẩn và cho in vào phu trương của các sách nguyện từ năm 1570 trở đi. Năm 1724, đức Beneđictô XIII ban ơn đại xá cho ai quỳ gối đọc kinh Truyền tin suốt một tháng khi nghe chuông nhà thờ đổ ba lần mỗi ngày. Từ đó nói được là kinh Truyền tin trở thành phổ thông trong toàn thể Giáo hội latinh. Nhưng mà sự tiến triển chưa chấm dứt. Năm 1742, đức Beneđịctô XIV truyền rằng vào các ngày chúa nhật, thì các tín hữu đứng chứ không quỳ gối; và trong mùa Phục sinh thì thay thế kinh truyền tin bằng kinh “Lạy Nữ vương thiên đàng”. Năm 1815, đức Piô VII ban thêm ân xá cho ai thêm 3 kinh sáng danh để tạ ơn Chúa Ba Ngôi vì những hồng ơn ban cho đức Maria. Và để cổ động cho việc đạo đức này, vào năm 1884, đức Lêo XIII cho phép những ai không thuộc kinh Truyền tin được thay thế bằng 5 kinh kính mừng. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm đức Mẹ hiện ra ở Lộ đức, Đức Piô XII đã xướng kinh Truyền tin qua làn sóng của đài phát thanh Vatican ngày 11/2/1958. Vị kế nhiệm, đức Gioan XXIII đã du nhập thói tục đọc kinh Truyền tin ở quảng trường thánh Phêrô mỗi trưa chúa nhựt trước khi ban phép lành Tòa thánh.

3) Ý nghĩa kinh Truyền tin

Kinh Truyền tin tuy ngắn ngủi nhưng gói ghém các chân lý căn bản của Kitô giáo. Trước hết là chân lý Ngôi Lời nhập thể: Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Hơn thế nữa, trong lời nguyện kết thúc, kể cả mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh cũng được nhắc tới. Nói khác đi, khi đọc kinh Truyền tin, chúng ta không những tưởng nhớ mầu nhiệm cứu rỗi nhưng chúng ta còn cầu nguyện xin ơn được thông hiệp vào mầu nhiệm ấy nữa.

Ngoài ra, khi đọc kinh Truyền tin, chúng ta cũng chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công đã thực hiện nơi Trinh nữ Maria nữa: Thiên Chúa đã đổ tràn trên Mẹ tất cả mọi ơn phúc, đã biến Mẹ thành cung điện của Ngài do quyền năng của Thánh Thần.

Sau cùng, khi đọc kinh Truyền tin, chúng ta cũng ca ngợi Mẹ Maria, bởi vì nhờ hai tiếng “Xin vâng” mà Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của loài người. Chúng ta xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta cũng biết quảng đại hợp tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Việc hợp tác này không phải chỉ được thực hiện qua các công tác vĩ đại mà còn qua việc chu toàn bổn phận thường ngày. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ giật vào lúc sáng, trưa, chiều, chúng ta hướng lòng lên cùng Chúa để dâng công việc chúng ta sắp khởi sự hoặc đang làm hay đã kết thúc, để xin Chúa chúc lành, thánh hóa chính bản thân chúng ta và sinh ích cho tha nhân.

———————————–
KINH LẠY NỮ VƯƠNGI. Lịch sử

Từ thế kỷ XIII, người ta đã tranh luận về tác giả của kinh này. Truyền thuyết gán cho bốn tác giả khác nhau: thánh Phêrô Mêzonzô (giám mục Compostela bên Tâybannha, 986-100); tu sĩ Hermanno (thuộc đan viện Reichnau bên Đức, +1054); Ađêmarô Monteil (giám mục Le Puy, +1098), và thánh Bernarđô. Nên biết là ngày nay không còn ai theo giả thuyết gán cho thánh Bernarđô nữa. Dù sao, bản văn nguyên thủy không hoàn toàn giống như bản văn mà chúng ta đang sử dụng. Bản kinh bắt đầu bằng lời chào như sau: Salve, Regina misericordiae (Kính chào Nữ vương của lòng nhân ái). Tiếng “Mẹ nhân ái” (mater misericoridae) được thêm vào sau. Trong phần kết thúc, theo bản văn nguyên khởi thì kinh này chấm dứt với những lời: O dulcis Maria. Về sau, người ta mới thêm tiếng “trinh nữ” (O dulcis, virgo Maria). Ngoài ra nhiều thủ bản thế kỷ XII còn mang một điểm khác biệt nữa: thay vì gọi Đức Mẹ là sự sống và sự ngọt ngào (vita, dulcedo) thì người ta đọc là nỗi ngọt ngào của sự sống (vitae dulcedo). Lối đọc này xem ra hợp với thần học hơn bởi vì Chúa Kitô mới thực là sự sống của chúng ta, còn đức Maria trở nên sự ngọt ngào cho cuộc sống nhờ lời cầu nguyện, an ủi, khuyến khích của người mẹ.

II. Ý nghĩa

Ngay từ hồi thế kỷ XII, nhiều tu sĩ đã hát kinh này trên giường hấp hối khi phó linh hồn cho Thiên Chúa. Cũng từ thế kỷ XII, dòng Cluny dùng kinh này trong các buổi rước kiệu kính đức Mẹ, còn Dòng Xitô thì dùng làm tiền xướng để hát Magnificat lễ Đức Mẹ lên trời. Sang thế kỷ XIII kinh này được phổ biến rộng rãi hơn. Năm 1218, tổng hội của dòng Xitô truyền đọc kinh này trong công hội sau kinh sáng: các đan sĩ phải phủ phục đang khi lâm râm đọc kinh này. Người ta không rõ lý do của biện pháp ấy; xem ra nó mang hình thức thống hối đền tội. Các tổng hội của dòng Xitô vào năm 1221 và 1228 lặp lại lệnh truyền ấy, với ý chỉ cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo hội. Từ năm 1226, dòng Đaminh hát kinh này mỗi buổi tối, kết thúc các giờ kinh phụng vụ trong ngày. Nó không còn mang tính cách thống hối nữa, nhưng với cung điệu vui tươi của bài ca mà đoàn con tạm biệt mẹ trước khi lên giường đi ngủ. Đến năm 1249, dòng Phanxicô cũng hát kinh Lạy Nữ vương vào giờ kinh tối, và tập tục này được du nhập vào Sách nguyện Rôma năm 1350 dưới thời đức Clêmentê VI.

Ngoài ra từ thế kỷ XII, nhiều văn sĩ và nhà giảng thuyết đã dùng ngòi bút hoặc tài hùng biện của mình để chú giải kinh này; đó là chưa kể bao nhiêu nhạc sĩ thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau đã đặt bản kinh này trên môi miệng các tín hữu không những ở thánh đường mà còn cả khi làm việc hoặc các buổi trình tấu văn nghệ. Tuy nhiên, giây phút cảm động nhất có lẽ là tập tục của vài dòng tu tiễn đưa người tu sĩ bước sang cõi sống vĩnh cửu với bài ca này, đúng như lời nguyện ước: “sau cuộc lưu đày này, xin Mẹ hãy tỏ cho chúng con đức Giêsu, hoa trái phúc hậu của lòng Mẹ”.

Bố cục của bài kinh khá đơn giản, và có thể chia ra làm ba phần. 1) Phần thứ nhất kể ra các tước hiệu của đức Maria: “Nữ vương; Mẹ rất khoan nhân; Sự sống, bởi vì Mẹ chứa đầy ơn thánh ban sự sống siêu nhiên; Sự dịu ngọt và hy vọng, bởi vì nơi Mẹ chúng ta tin chắc có thể tìm gặp một người cầu bầu cho chúng ta. Nên biết là danh hiệu “Trạng sư” (Advocata) đã được gán cho đức Maria ngay từ thế kỷ thứ II (thánh Irêneô, Adversus haereses V, 19, 1). 2) Phần thứ hai có tính cách kể lể, trình bày những thống khổ của nhân loại dưới thế do hậu quả của tội lỗi; đồng thời mong đợi ơn cứu thoát, nhất là vào lúc lìa đời. 3) Phần cuối kết thúc với những danh xưng giống như phần đầu. Điểm đáng lưu ý, như đã nói trên đây, là bản văn hiện hành đã thêm tiếng “mẹ” ở đầu và “trinh nữ” ở cuối: đức Maria vừa là mẹ vừa là trinh nữ. Do đó, kinh này không những chỉ gồm những lời van lơn kể lể nhưng còn muốn gồm tóm các điểm thần học liên quan tới đức Maria nữa.

—————————

KINH HÃY NHỚ

Đây là một kinh ngắn mà nhiều người đã thuộc lòng. Gọi là kinh “Hãy nhớ” là vì trong nguyên bản latinh, nó bắt đầu bằng tiếng “Memorare” (xin hãy nhớ).

Lạy Thánh nữ đồng trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự áy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ vương trên hết các kẻ đồng trinh. Xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi, Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhậm lời con cùng. Amen.

Tục truyền vẫn cho rằng thánh Bernarđô (1090-1153) là tác giả của kinh này. Thực ra, trong một bài giảng nhân lễ kính Đức Maria hồn xác lên trời, thánh nhân có thốt lên những lời sau đây: “Ôi, Nữ trinh hồng phúc, lòng nhân từ của Mẹ sẽ tắt lịm nếu có ai nhớ rằng mình đã kêu cầu Mẹ trong lúc nguy khốn mà không được toại nguyện! (Sileat misericordiam tuam, Virgo beata, si quis est qui invocatam te in necessitatibua suis sibi meminerit defuisse: Sermo IV de Assumptione: PL 183, 428). Tuy nhiên, pải chờ tới 3 thế kỷ sau, thì tư tưởng vừa nói mới được quảng diễn thành kinh mà chúng ta đọc ngày nay. Tài liệu đầu tiên ghi lại kinh Hãy nhớ là tập “Antidotarius animae” (Linh dược của linh hồn) của tu sĩ Nicôla Salicetô (dòng Xitô) xuất bn ở Strasbourg nam 1489. Trong tập ấy, kinh Hãy nhớ được lồng trong một kinh dài hơn dâng lên Đức Mẹ với những lời như sau:

Ôi Trinh nữ Maria rất dịu hiền, con phủ phục cả xác cả lòng dưới chân thánh thiện của Mẹ, van nài Mẹ dạy con biết xin điều chi mà Mẹ muốn cho con xin và Con của Mẹ sẵn sàng nhậm lời. Con không xứng đáng được ân huệ nào hết và không đáng được Mẹ thương đoái, bởi vì những tội lỗi của con. Ôi Mẹ chí thánh, con không đáng được Mẹ lắng ngeh và được Con của Mẹ đoái nhậm lời. Tuy nhiên, ôi Đấng khoan hậu, xin đừng xua đuổi kẻ kêu van Mẹ và muốn cải thiện đời sống, bởi vì Mẹ luôn giơt ay ân sủng cho kẻ van lơn Mẹ. (Đến đây là phần của kinh Hãy nhớ). Ôi đấng rất khoan nhân, xin hãy nhớ rằng xưa nay cha từng nghe có người nào chạy đến xin Mẹ che chở và khẩn cầu Mẹ cứu giúp mà không được nhậm lời. Với lòng tin tưởng ấy, con ẩn náu nơi Mẹ, ôi Trinh nữ Maria, con chạy tới Mẹ, con đến cùng Mẹ, con run rẩy rên siết đứng trước mặt Mẹ. Ôi trinh nữ vẹn tuyền, xin đừng ẩn mặt tránh xa con là người tội lỗi, nhưng xin hãy nhìn đến con.

Không bao lâu sau, kinh Hãy nhớ được tách ra khỏi phần đầu, có lẽ tại muốn rút ngắn lại cho dễ nhớ dễ đọc. Kinh ấy được quảng bá sâu rộng nhờ linh mục Claude Bernard (1586-1641), nguyên là một luật gia giầu có ở Dijon bên Pháp, nhưng sau đó đã bán hết cơ nghiệp để phục vụ người nghèo. Cha Bernard đã kể lại rất nhiều ơn lại, nhất là ơn trở lại, do việc đọc kinh Hãy nhớ.

Xét về nội dung, chúng ta thấy kinh này có nhiều điểm giống như kinh “Chúng con trông cậy”. Nó diễn tả lòng tin tưởng tuyệt đối của một người con đối với đức Maria, người mẹ quyền năng và lân ái. Người con tin tưởng rằng mẹ mình không bao giờ bịt tai trước lời kêu xin của mình, đồng thời người con cũng chắc chắn rằng không có gì có thể ngăn cản được lòng yêu thương dạt dào của bà mẹ mình hằng sẵn tay cứu giúp.

KINH CẦU ĐỨC BÀ

A. Tại sao gọi là kinh cầu?

Tiếng “kinh” nguyên gốc Hán có nghĩa là sách (thí dụ Ngũ kinh, Thánh kinh), rồi dần dần được mở rộng đến lời chép ở trong sách đó, nhất là những lời cầu nguyện. Từ đó ta có “sách kinh”, nghĩa là sách chứa đựng những kinh nguyện. Tâm thức thường tình của con người đọc kinh là “mong ước, van xin” các vị thần linh điều gì đó, vì thế mà hai tiếng “kinh” và “cầu” thường đi liền với nhau. “Cầu” có nghĩa là tìm, kiếm, xin, mong, cậy; và đôi khi chúng ta cũng gặp thấy nó trong ngôn ngữ hàng ngày: cầu cứu, cầu hòa, cầu mong, cầu cạnh, cầu may, cầu tài. Do đó phải nói rằng kinh nào thì cũng là kinh cầu hết, chứ chảng có kinh nào mà “không cầu”. Tuy nhiên, không rõ từ bao giờ, tại Việt Nam, người ta đã dành tiếng kinh cầu để dịch tiếng “litaniae” từ la ngữ. Có lẽ người ta đã dịch “litaniae” là kinh cầu là tại vì trong đó cứ lặp lại lời thưa “cầu cho chúng tôi” sau mỗi câu xướng. Thế nhưng điều này chỉ đúng cho kinh cầu kính Đức Maria hay là các thánh, còn trong kinh cầu kinh Thánh tâm thì lời thưa là “thương xót chúng tôi”. Xét theo nguyên ngữ, trước đây có người đã nghĩ rằng litaniae bởi động từ “litare” có nghĩa là: dâng một hy lễ cầu may. Nhưng ngày nay các học giả cho rằng litaniae gốc từ tiếng hy lạp “lité” có nghĩa là lời khẩn nài. Nhưng mà hình thức đặc biệt của litanie là các lời khẩn nài ấy được móc nối với nhau thành từng chuỗi theo hình thức đối đáp; nghĩa là một người (thí dụ ca viên) xướng lên một ý nguyện, cộng đoàn đáp lại với một lời cầu: “xin Chúa nghe lời chúng con, xin Chúa nhận lời chúng con”; hoặc: “xin Chúa thương xót chúng con”. Hình thức cầu nguyện này rất cổ điển, và ta thấy dấu vết trong thánh lễ ở phần nhập lễ (Xin Chúa thương xót chúng con, xin Chúa Kitô thương xót chúng con), hoặc ở phần lời nguyện giáo dân (Xin Chúa nhậm lời chúng con); còn trong phụng vụ giờ kinh, thì sau công đồng Vaticano II, người ta cũng đã tái lập hình thức các “lời cầu” (preces) ở cuối giời kinh sáng và kinh tối. Dần dần bên cạnh những lời khẩn cầu dâng lên Chúa (supplicationes), các tín hữu còn thêm những lời van xin (invocationes) hướng tới các thánh: người ta tuyên dương công nghiệp của các vị, và xin các vị hãy cầu bầu cho mình. Rồi từ đó nảy ra kinh cầu các thánh, tuy cần thêm rằng trong kinh cầu các thánh xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 trở đi, thì chúng ta thấy người ta đã kết nạp cả hai phần: a/ một phần van xin, bằng cách kêu van các thánh trên trời (“cầu cho chúng tôi”), với danh sách các vị càng ngày càng dài ra; b/ phần thứ hai thì gồm bởi những lời khẩn cầu dâng lên Thiên Chúa, vì những mầu nhiệm cứu chuộc của đức Kitô và công nghip của các thánh, thương cứu chữa Hội thánh khỏi các tai ương (Xin Chúa nhậm lời chúng con, xin Chúa cứu chữa chúng con, xin Chúa lắng nghe chúng con).

Theo các sử gia, thì kinh cầu Đức Bà thoát thai từ kinh cầu các thánh. Thực vậy, thay vì xướng kinh “thánh Maria, cầu cho chúng tôi” như các vị thánh khác, thì các tín hữu kéo dài các tước hiệu của Người ra: “Mẹ Chúa Trời, Mẹ đồng trinh”, vân vân, tới lúc mà người ta thấy rằng các tước hiệu ấy đủ làm thành một kinh cầu biệt lập (từ thế kỷ thứ 12 trở đi). Từ thế kỷ thứ 16 trở đi, con số các kinh cầu tăng gia, không những là với những hình thức khác nhau của kinh cầu các thánh hay kinh cầu đức Bà, nhưng còn có những kinh cầu dành cho các mầu nhiệm Chúa Cứu thế, kinh cầu thánh danh Chúa Giêsu, kinh cầu ông thánh nọ bà thánh kia. Dĩ nhiên, không thiếu người la hoán lên là “loạn kinh cầu”. Vì thế mà dưới thời Đức Giáo hoàng Clemente VIII, Bộ Thánh vụ năm 1601 đã chặn lại hết các thứ kinh cầu, chỉ trừ kinh cầu các thánh và kinh cầu đức Bà theo phương thức đã được phê chuẩn. Quyết định của đức Clementê VIII còn được Tòa thánh lặp lại vào những năm 1727 (Beneđictô XIII), 1757 (Bênêđictô XIV) và 1897. Tuy nhiên, nhiều giáo phận và Dòng tu vẫn tiếp tục lưu hành hay soạn thêm kinh cầu, dưới danh nghĩa là chỉ để đọc tư riêng. Tuy nhiên phải hiểu tiếng đọc riêng có nghĩa là không đọc chung ở nhà thờ chứ không có nghĩa là đọc chui, đọc lén. Chính vì vậy mà một số kinh cầu được quảng bá khá rộng rãi, và dần dần đã được Tòa thánh phê chuẩn: thí dụ kinh cầu kính thánh danh Chúa Giêsu (bị cấm năm 1640, sau đó được làm ngơ năm 1862 và được chuẩn y năm 1886). Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ra đời dưới nhiều hình thức khác nhau ngay từ thế kỷ 17 – 18 sau khi Chúa hiện ra với thánh nữ Margarita Maria, nhưng chỉ được đức Leo XIII châu phê vào năm 1899. Kinh cầu thánh Giuse được chuẩn y dưới thời đức Pio X năm 1909.

B. Kinh cầu Đức Bà

Trước khi đi vào nội dung, nên lưu ý tới câu nguyện từ ngữ: Tại sao lại gọi đức Maria là đức Bà? Trong tiếng Việt, “bà” vừa có ý chỉ người phụ nữ nói chung (đàn ông, đàn bà), nhưng vừa dành riêng cho các phụ nữ cao niên (bà cụ, bà nội, bà ngoại). Thế thì tại sao gọi đức Maria là “đức Bà”? Thưa là tại vì dịch vụng về từ tiếng Pháp “Notre Dame”. Nên biết rằng trong xã hội cổ truyền, không phải tất cả các phụ nữ đều được gọi là “dame” tiếng Pháp (hay là “lady” tiếng anh). Để gọi chung các bà, thì có tiếng femme hay là woman. Còn “dame” (hay “lady”) danh riêng cho các phụ nữ quý tộc: các mệnh phụ, phu nhân, công nương. Nó đối lại với ông hoàng, lãnh chúa (seigneur, lord). Sự đối chọi này còn rõ hơn nữa trong các tiếng Italia và Tây ban nha (Signore – signora; senor – senora). Đó là điều thứ nhất đáng ta lưu ý, trong các ngôn ngữ Âu châu, khi gọi đức Maria là đức bà thì người ta không có ý coi Người như một bà cụ đâu. Điều thứ hai: thế thì tại sao gọi Người là Notre Dame, Our Lady, Nostra Signora, Nuestra Senora? Tục lệ này ra đời từ thế kỷ thứ 13, bắt đầu từ tiếng latinh “Domina nostra”. Chúng ta biết rằng đức tin công giáo đã tuyên xưng đức Kitô là “Chúa chúng tôi” (Dominus noster Jesus Christus), đức Maria được đặt kề đó như là Domina nostra, mà đã có người dịch ra tiếng Việt là “Chúa bà chúng tôi”. Theo các sử gia, khởi đầu tục lệ gọi đức Maria là “chúa bà” không phải do một quan điểm thần học bàn về mối liên lạc giữa đức Kitô với mẹ Maria, nhưng chỉ là một phản ứng lại tập tục thời Trung cổ. Vào thời đó, nhiều nông dân đến xin thần phục lãnh chúa để xin được bảo vệ che chở; có những thanh niên thì đăng ký làm hiệp sĩ để phục vụ đánh giặc cho một ông hoàng; nhưng cũng có những chàng trai si tình hơn thì dâng hiến trái tim cho một tiểu thư mà họ coi như là “nữ hoàng của lòng anh” (lẽ ra phải nói nữ hoàng của lòng em mới đúng). Một số kitô hữu muốn bắt chước tục lệ đó, và cũng dang trót con tim cho một nữ hoàng, nhưng không phải là một tiểu thư kiều diễm nào mà là chính đức Maria. Vì thế mà họ trao tặng cho Người tước hiệu là: bà chúa, bà hoàng, tôn nương. Tác giả nổi tiếng hơn cả mở màn cho phong trào này là thánh Bênarđô.

Có điều lạ là trong tiếng latinh, người ta không gọi là “kinh cầu đức Bà”, nhưng là “kinh cầu đức trinh nữ Maria” (Litaniae de beata Maria Virgine). Trải qua lịch sử đã có tới 25 kinh cầu kính đức Maria. Hình thức mà chúng ta thường đọc được gọi là “kinh cầu Loretô”, vì được dùng ở nhà thờ kính đức Mẹ ở Loretô, miền Trung nước Italia, từ thế kỷ thứ 16. Như đã nói trên đây, từ thế kỷ thứ 18, các thứ kinh cầu đã bị dẹp hết chỉ trừ kinh cầu Lorêtô. Nhưng mà nhiều Dòng vẫn sử dụng những hình thức cổ truyền của mình một cách âm thầm, thí dụ như Dòng Đaminh có kinh cầu Đức Mẹ riêng, dài hơn kinh cầu Lorêtô nhiều. Như vừa nói, trong tiếng latinh, người ta gọi là kinh cầu đức Mẹ chứ không phải là Đức Bà. Và ta nhận thấy, có 5 loạt các tước hiệu kính đức Maria: 1) loạt thứ nhất gồm ba tước hiệu căn bản của Người, trích từ kinh cầu các thánh: Thánh Maria (sancta Maria), Mẹ Thiên Chúa (Dei Genitrix), tuyệt đối đồng trinh (virgo virginum); 2) loạt thứ hai gồm 10 lời kêu cầu dưới danh hiệu là “Mẹ” (mater); 3) loạt thứ ba gọi đức Maria là “trinh nữ” (Virgo; gọi “đức Nữ” là sai); 4) loạt thứ bốn gồm danh hiệu gắn với “đức Bà” thì cũng trật nữa, bởi vì tiếng latinh không có, mà gọi thẳng luôn tước hiệu, thí dụ: “Tòa Đấng khôn ngoan, cầu cho chúng tôi”. Đại khái, những tước hiệu này đề cao các nhân đức của đức Maria và mối liên hệ với Dân Chúa. 5) Loạt thứ năm gồm những tước hiệu gắn với “Nữ vương” (hay nữ hoàng, hoàng hậu: Regina). Nên biết là lúc đầu, các lời kêu cầu hướng lên đức Maria “Nữ vương các thiên thần và các thánh trên trời”; dần dần nhiều tước hiệu khác đã được thêm vào, đặc biệt là trong thế kỷ 19 và 20. Thí dụ: “Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông” và “Nữ vương hồn xác lên trời” được thêm vào sau khi hai tín điều được công bố; “Nữ vương rất thánh Mân côi” được đức Lêo XIII truyền thêm vào vào năm 1883; còn câu “Nữ vương hòa bình” thì được xen vào trong thời thế chiến thứ nhất (1917).
Sau công đồng Vaticano II, bộ phụng tự đã soạn một mẫu kinh cầu Đức Mẹ đi kèm theo lễ nghi gắn triều thiên lên các ảnh tượng (Ordo coronandi imaginem B.M.V., 1981). Một số Dòng tu hay Giáo hội địa phương cũng soạn mẫu kinh cầu dựa theo các tước hiệu Kinh thánh, các tước hiệu của công đồng Vaticano II, vânvân.

AVE MARIA STELLA

Ở Việt nam bài hát bình dân nhất kính đức Mẹ có lẽ là “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian ..”. Trong phụng vụ các giờ kinh, thì bài thánh thi dành cho các lễ kính Đức Mẹ cũng được khởi đầu với tước hiệu “Sao biển” (Maria stella). Theo thánh Giêrônimô (+420), nhiều người đương thời đã giải thích rằng tên Myriam tiếng Do thái có nghĩa là sao biển. Dù thánh Giêrônimô không tán thành lối giải thích ấy nhưng thuyết đó cứ tiếp tục bành trướng, có lẽ vì phần nào có thể ví đức Maria là sao biển theo nghĩa bóng: Mẹ đã mang đức Kitô, ánh sáng của muôn dân, mặt trời công chính. Ngoài ra, trong Cựu ước, một phụ nữ tên là Myriam đã theo sát ông Moisen trong cuộc hành trình của dân Israel vựơt qua biển Đỏ.

Không biết ai là tác giả của thánh thi này. Có người cho là thánh Bernarđô; nhưng vị thánh này sống vào thế kỷ thứ XI, đang khi mà người ta đã đọc thấy một thủ bản của bài thơ này từ thế kỷ thứ IX. Lúc đầu có lẽ nó được soạn ra để dùng vào lễ Truyền tin, nhưng sau đó phụng vụ đã đặt vào phần chung các lễ kính Đức Mẹ.

Thánh thi gồm 7 đoạn, kể cả phần kết chúc tụng Chúa Ba ngôi. Bản dịch từ Phụng vụ giờ kinh (trang 1393):
1. Kính chào Mẹ là Sao Bắc đẩu, / Đấng mệnh danh Hiền mẫu Chúa Trời, / Chói lòa trinh khiết gương soi, / Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung.
2. Khi nhận tiếng “Kính mừng” vinh dự / Gáp-ri-en thần sứ tặng ban, / Chữ “Eva” Mẹ đảo vần / thành “Ave” gửi bình an cho đời.
3. Xin cởi dây trói người tội lỗi, / Mở mắt ai tăm tối đui mù, / Đuổi xa hoạn nạn rủi ro, / Đổ tuôn hồng phúc tựa hồ mưa sa.
4. Xin chứng tỏ Mẹ là từ mẫu / chuyển lời cầu đạt thấu Hoàng Thiên, / Tòa cao Thánh Tử uy quyền / Vua Trời Cứu thế đã nên người trần.
5. Ôi Trinh nữ siêu phàm khôn ví! / Ôi hiền hòa tuyệt thế Nữ Trinh! / Cứu đoàn con khỏi tội tình / trở nên thanh khiết hiền lành từ đây.
6. Xin giúp sống chuỗi ngày trong trắng, / Mẹ dẫn đường là chẳng phải lo, / Mai ngày gặp Chúa Giêsu, / Vui mừng hưởng phúc thiên thu chan hòa.
7. Lạy Thiên Chúa Ngôi Cha từ ái, / Lạy Ngôi Con quảng đại vô lường, / Thánh Thần trải rộng tình thương / Ba Ngôi hiển trị thiên đường quang vinh.

Đọan thứ 1 nêu cao các tước hiệu của đức Maria: “kính chào, ngôi sao biển, Mẹ Thiên Chúa mà vẫn trọn đời đồng trinh, cửa hạnh phúc của thiên đàng”. Đức Maria được gọi là cửa thiên đàng bởi vì qua Mẹ mà Ngôi Hai xuống trần; đàng khác nhờ lời chuyển cầu của Mẹ mà bao ơn thánh bởi trời được đổ tràn xuống cho nhân loại. (Cửa thiên đàng: cửa để Thiên Chúa xuống trần gian; cửa để cho nhân loại tiến lên tới Chúa).

Đoân thứ hai sử dụng một lối chơi chữ trong tiếng Latinh bằng cách tráo đổi hai chữ “Ave” và “Eva”. Qua tiếng “Ave” (lời truyền tin của thiên sứ Gabriel) Mẹ Maria đã đánh dấu một i đoạn mới của ơn cứu rỗi, xóa nhòa giai đoạn đen tối của tội lỗi khởi đầu với tội của bà Evà. Tác giả bài thánh thi coi đặc trưng của ơn cứu rỗi là ơn hòa bình; bơi thế xin đức Mẹ cầu bầu ngõ hầu nhân loại đừng bao giờ thiếu ơn đó: xin củng cố chúng con trong hòa bình.

Đoạn 3 tiếp tục xin các ơn thiêng liêng khác: giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi, khỏi mù lòa tâm hồn, khỏi hế mọi sự dữ; đồng thời xin Mẹ cầu bầu cho được các ơn lành như sẽ kể trong đoạn 5 và 6. Trước đó, trong đoạn 4, với giọng điệu nũng nịu, tác giả nại đến danh nghĩa chính của đức Maria, nền tảng của mọi hy vọng: “Người là Mẹ”. Người đã được đức Kitô từ trên thập giá đặt làm mẹ của nhân loại; vì vậy, xin hãy săn sóc đoàn con của mình. Nhưng trước đó, Người là mẹ của Đấng Cứu thế, vì thế Người rất có thần thế để cầu bầu cho nhân loại.

Những ơn chính kể ra trong đoạn 5 và 6 là: ơn hiền lành khiêm nhường, ơn thanh khiết, họa theo gương Mẹ, đấng trọn đời đồng trinh, đấng nhận mình là tớ hèn của Thiên Chúa. Hai ơn thanh khiết và hiền lành đảm bảo nước Thiên đàng mai sau, như lời Chúa hứa: “Phúc hco người hiền lành vì họ sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp; phúc hco người có tâm hồn thanh tịnh vì họ sẽ thấy mặt Chúa”. Tác giả đã khởi đầu bài thánh thi bằng việc kêu cầu Mẹ là sao biển, và kết thúc bằng việc xin cho cuộc lữ hành được an toàn tới bến.

Đoạn 7 là phần chúc tụng Thiên Chúa, giống như tất cả các thánh thi dùng trong phụng vụ.

KINH MÂN CÔI.

I. Lịch sử

Lịch sử của sự thành hình kinh Mân côi kéo dài từ thế kỷ 12 cho đến thế kỷ 16. Vào thế kỷ 12, việc đọc kinh Kính mừng được phổ biến bên Tây phương. Dĩ nhiên, các tín hữu đã bắt đầu lặp lại lời thiên sứ Gabriel chào kính đức Mẹ từ lâu đời (thậm chí cả trong kinh phụng vụ với những tiền xướng hoặc ca hiệp lễ); nhưng từ thế kỷ 12 mới nảy thói tục đọc một tràng 150 kinh kính mừng, dựa theo tục lệ nơi vài đan viện cho phép các đan sĩ không biết đọc được thay thế kinh nhật tụng bằng 150 kinh Lạy Cha (thay vì đọc 150 thánh vịnh). Dù sao thì vào thời ấy, kinh kính mừng chỉ gồm có lời của thiên sứ Gabriel và lời của bà Ysave. Nói khác đi, kinh Mân côi chỉ dài bằng nửa kinh chúng ta đọc ngày nay, bởi vì phần thứ hai của kinh Kính mừng chỉ thành hình trong những thế kỷ 14-15. Mặt khác, các đan sĩ cũng không đọc một mạch 150 kinh Lạy Cha, nhưng họ chia thành 3 phần tương ứng với những giờ kinh phụng vụ. Dựa theo tục lệ ấy, vào thế kỷ thứ 14, đan sĩ Henricô Kalkar (dòng Chartreux) cũng chia “bộ thánh vịnh Đức Mẹ” thành 15 chục; ở đầu mỗi chục thì thêm kinh Lạy Cha. Cũng vào thời này mà nảy ra truyền thuyết về việc Đức Mẹ ban tràng hạt cho thánh Đaminh; truyền thuyết này được tu sĩ Alain de la Roche O.P. (Alanus a Rupe, 1428-1475) quảng bá. Thực ra kinh Mân côi (hiểu như là việc đọc 150 kính mừng) đã ra đời trước thánh Đaminh (1170-1221); nhưng thánh Đaminh và các tu sĩ của Dòng đã có công phổ biến, không những trong khi giảng thuyết nhưng còn qua những hiệp hội thánh mẫu. Dù sao thì mãi chờ tới thế kỷ 15 người ta mới kèm theo việc suy gẫm các mầu nhiệm Phúc âm kèm theo việc đọc kinh kính mừng. Vào khoảng những năm 1410-1439, đan sĩ Đôminicô Prussia (dòng Chartreux, ở Cologne) đã đề nghị một hình thức mới để đọc “thánh vịnh Đức Mẹ”: thay vì đọc 150 kinh kính mừng thì rút còn 50 thôi, nhưng mà mỗi kinh kính mừng sẽ được kết thúc với một đoạn văn Phúc âm ngắn tưởng nhớ các mầu nhiệm của đức Kitô: 14 câu nhắc tới cuộc đời ẩn dật; 6 câu nhắc tới đời công khai; 24 câu tưởng nhớ cuộc tử nạn; và 6 câu kính nhớ cuộc khải hoàn của Chúa và Mẹ Maria. Sáng kiến của Đôminicô Prussia được nhiều người tán thưởng, và người ta đếm tới 300 câu được gắn vào kinh Kính mừng. Người đã có công truyền bá kinh Mân côi rất nhiều là tu sĩ Alain de la Roche nói trên, qua việc giảng thuyết và các hiệp hội. Từ nay, “thánh vịnh đức Mẹ ” được đổi tên thành “vòng hoa hường trinh nữ Maria” (rosarium có nghĩa là: vòng hoa hường, “rosa”), và cải tổ lại việc đọc kinh: vòng 150 kinh được chia thành 3 phần; mỗi phần dành cho việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn của đức Kitô, Vinh hiển của Chúa Kitô và của Mẹ Maria. Vào năm 1521, một tu sĩ đồng dòng, cha Albertô da Castello, đã đơn giản cách đọc kinh bằng việc phân chia ba mầu nhiệm lớn thành 15 mầu nhiệm nhỏ. Vào năm 1569, Đức Thánh Cha Piô V, cũng dòng Đaminh, đã xác định việc đọc kinh Mân côi với sắc chiếu Consueverunt romani pontifices (17-9-1569). Cũng chính đức Piô V đã thiết lập lễ Mân côi để kính nhớ việc chiến thắng đạo quân Thổ nhĩ kỳ ở vịnh Lepantô (7-10-1571) nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Mân côi. Tiếp theo đó, rất nhiều Giáo hoàng (đặc biệt là đức Lêo XIII với 12 thông điệp và 2 tông thư) đã cổ động khuyến khích việc đọc kinh Mân côi và ban nhiều ân xá kèm theo. Sau những lần đức Mẹ hiện ra ở Lộđức và Fatima, việc đọc kinh Mân côi càng được đẩy mạnh hơn nữa. Đài phát thanh Vatican truyền thanh kinh Mân côi mỗi ngày; và đức Gioan Phaolo II đã muốn chủ sự buổi đọc kinh vào mỗi thứ bảy đầu tháng.

II. Ý nghĩa và giá trị

Trong tông huấn “Marialis cultus” đức Phaolo VI đã vạch ra những giá trị của kinh Mân côi như sau: đó là một kinh nguyện dựa trên Phúc âm; giúp cho việc chiêm niệm; sát với kinh nguyện phụng vụ.

Ta có thể tóm lại những đặc điểm chính của kinh Mân côi như sau:
1) Kinh nguyện đơn giản. Kết cấu của nó là những kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh, mà người Kitô hữu nào cũng thuộc lòng. Kinh Mân côi thích hợp cho những người đơn sơ bình dân, và dành cho những tâm hồn mang tinh thần khó nghèo của Phúc âm.

2) Kinh nguyện chiêm niệm. Tuy đơn giản, nhưng kinh Mân côi mang một nội dung phong phú, bởi vì đi đôi với việc đọc kinh, người tín hữu được mời chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của đức tin Kitô giáo: mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Vượt qua. Việc lặp đi lặp lại những câu kinh tạo ra sự thanh thản nội tâm để có thể nhìn ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.

3) Kinh nguyện huấn giáo. Chính vì chú trọng vào những mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo, nên việc xướng lên các mầu nhiệm hoặc giải thích chúng là cơ hội để học hỏi và đào sâu thêm những chân lý căn bản của đức tin, và đáp lại cũng với tâm tình thuận nhận tin yêu.

4) Kinh nguyện đi sát với cuộc đời. Khi cùng với đức Maria rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và của đức Mẹ qua những chặng đường từ Nazareth, Bêlem, Giêrusalem, qua những biến cố vui thương buồn, người tín hữu gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, trộn lẫn vui buồn, âu lo hy vọng.

5) Kinh nguyện thanh luyện tu đức. Nhờ việc chiêm ngắm cuộc đời của đức Kitô và đức Maria, người tín hữu học đòi những nhân đức của các vị, cố gắng họa cuộc đời của mình theo gương của các vị.

6) Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ. Những mầu nhiệm Mân côi, dựa vào Phúc âm, đặc biệt là về mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua, chuẩn bị tâm hồn tín hưũ cử hành sốt sắng các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, tưởng niệm cuộc tử nạn và sống lại của đức Kitô.

III. Những hình thức canh tân.

Nhờ phong trào Kinh thánh, phụng vụ cũng như sự nghiên cứu lịch sử, từ sau công đồng Vaticano II đã có nhiều sáng kiến canh tân việc đọc kinh Mân côi.

1) Việc xướng mầu nhiệm có thể kéo dài với việc đọc một đoạn Kinh thánh liên hệ.

2) Phần thứ nhất của kinh Kính mừng có thể thay đổi với mỗi mầu nhiệm. Thí dụ như trong mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui, kinh Kính mừng sẽ có thể mang những hình thức sau: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Đấng mà Mẹ đã thụ thai do quyền phép Chúa Thánh Thần gồm phúc lạ” (hoặc: Đấng đến để cứu nhân loại khỏi tội lỗi).

3) Cử hành Lời Chúa. Sau khi đọc Lời Chúa, sẽ có phần huấn giáo, kế đến là đọc một chục kinh Kính mừng, và tiếp theo là dâng những ý chỉ cầu nguyện (Lời nguyện giáo dân). Mỗi buổi cầu nguyện như vậy chỉ giới hạn vào một mầu nhiệm, nhất là khi có liên hệ với Mùa phụng vụ (Mùa Vọng, Giáng sinh, hoặc Mùa chay – phục sinh).

4) Thay đổi các mầu nhiệm.

a) Mùa vui. Những mầu nhiệm của cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu: Hiển Linh; Tiệc cưới Cana.
b) Mùa thương: Sự thành lập bí tích Thánh Thể (mở đầu cho mầu nhiệm Vượt qua. (Hai mầu nhiệm đánh đòn và đội mạo gai có thể nhập làm một).
c) Mùa mừng: Đức Maria cầu nguyện với các môn đệ trong nhà Tiệc Ly (xen giữa mầu nhiệm Chúa Lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống); Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang, hoàn tất lịch sử cứu rỗi.

CHƯƠNG 13. VÀI CHIỀU HƯỚNG MỚI CỦA THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA

Như đã nói ở đầu, từ công đồng Vaticano II, thần học về đức Maria đã chuyển hướng rất nhiều, thí dụ như: dựa vào thánh kinh nhiều hơn; nêu bật hơn mối tương quan giữa đức Maria với đức Kitô và với Hội thánh; duyệt lại lòng tôn kính đối với đức Maria dựa theo vai trò của Người trong lịch sử cứu rỗi. Tuy nhiên, chưa có thể nói rằng thần học về đức Maria đã hoàn tất. Còn một vài chiều hướng chỉ mới manh nha và còn cần đựơc khai triển thêm. Trong chương này, chúng tôi xin phác họa ra vài chiều hướng còn đang được nghiên cứu. Đại khái, chúng ta có thể nói tới một chiều hướng đối thần (đức Maria với Chúa Thánh Thần), một chiều kích nhân bản (đức Maria với nữ tính và văn hóa), một chiều kích Hội thánh (đại kết).

Mục I. Đức Maria với Chúa Thánh Thần

Cho đến nay, thần học đã nghiên cứu mối tương quan giữa đức Maria với Chúa Kitô và với Giáo hội. Nhưng người ta nhận thấy rằng cần phải xét tới mối liên hệ với Chúa Thánh Thần nữa.

A. Kinh thánh

Tân ước nói đến mối liên hệ giữa Đức Maria với Chúa Thánh Thần vào lúc Ngôi Lời nhập thể và vào lúc khai sinh Hội thánh.

Cả thánh Matthêo lẫn thánh Luca đều nhìn nhận rằng việc Chúa Giêsu thụ thai trong lòng đức Maria là do quyền năng của Thánh Thần (Mt 1,18.20; Lc 1,35). Còn sách tông đồ công vụ thì thuật rằng sau khi Chúa Kitô lên trời, các môn đệ trở về Giêrusalem để chờ mong Chúa Thánh Thần hiện xuống, đồng tâm tha thiết cầu nguyện cùng với Đức Maria. Như vậy, Đức Maria đã hợp tác với Thánh Thần trong buổi khai sinh Chúa Giêsu cũng vào buổi khai sinh Hội thánh.

B. Truyền thống.

Các tín biểu cổ điển nếu nói tới mối liên hệ giữa Đức Maria với Chúa Thánh Thần khi diễn tả cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu: “bởi phép Chúa Thánh Thần, đức Kitô đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”. Lúc đầu, các giáo phụ nói đến tác động của Chúa Thánh Thần để giải thích vì sao đức Maria tuy là mẹ nhưng vẫn đồng trinh. Nhưng chẳng bao lâu, nhiều giáo phụ đã đào sâu hơn ảnh hưởng của tác động của Thánh Thần nơi đức Maria. Tác động trực tiếp hơn cả ắt hẳn là sự thánh hóa. Thực vậy, vai trò thánh hóa vốn đường coi như độc hữu của Thánh Thần (Spiritus Sanctus): Thánh Thần chạm tới đâu thì vật ấy nên thánh! Khi áp dụng vào đức Maria, thần học ra coi như một hậu quả đương nhiên là Thánh Thần cần phải biến đổi tâm hồn của đức Maria thành cung điện xứng đáng để đón tiếp Ngôi Lời. Ngoài ra, theo thần học cổ điển, Thánh Thần được ví như tình yêu nối kết giữa Cha và Con; do đó mà các nhà thần học cũng rút ra kết luận là hậu quả của tác động Thánh Thần nơi đức Maria là tiêm nhiễm tình yêu cho Người, để có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng.

Tiến thêm một bước nữa, thánh Phanxicô Assisi gọi đức Maria như là “hôn thê của Thánh Thần”. Thực ra tước hiệu này không được phổ biến cho lắm. Tước hiệu “cung điện của Thánh Thần” (sacrarium Spiritus Sancti: LG 53) quen thuộc hơn.
Tuy nhiên, các Giáo hội chính thống và Tin Lành xem ra có lý khi họ trách thần học công giáo đã gán cho đức Maria những chức phận lẽ ra thuộc về Chúa Thánh Thần, thí dụ khi gọi Người là “trạng sư, bầu cử” (một chức phận của Thánh Thần, Paraclitus: Đấng An ủi, trạng sư theo Ga 14,16.26; 15,26; 16,7). Đức Maria cũng được coi như trung gian giữa đức Kitô với loài người (per Mariam ad Jesum), đang khi mà Tân ước coi Thánh Thần mới thực là trung gian: theo Ga 16,7.14-15 Thánh Thần sẽ nhắc nhớ cho các môn đệ nhớ lời của đức Kitô; Thánh Thần sẽ làm đức Kitô hiện diện với các môn đệ. Thực ra, trong quá khứ thần học đã nói rất ít về vai trò của Thánh Thần trong đời sống của Hội thánh và của các tín hữu, vì thế mà đã gây ra những lệch lạc vừa nói.

C. Từ công đồng Vaticano II

Sau công đồng Vaticano II, và nhất là kể từ tông huấn “Marialis cultus” (số 26), thần học cố gắng đặt lại mối tương quan giữa đức Maria với Thánh Thần, không những là xét trong tương quan hỗ tương mà còn xét đến tác động của cả hai trong đời sống Hội thánh. Cũng nên biết rằng ngoài các nhà thần học, phải kể phong trào canh tân Thánh Linh (renouveau charismatique) trong số những thành tố đã đóng góp vào việc suy tư về mối tương quan giữa đức Maria với Chúa Thánh Thần (Xem lá thư của đức Phaolo VI gửi hồng y L.J. Suenens 13-5-1975: AAS 67,1975, 354-359).

1/ Phong trào canh tân Thánh linh.

Họ chú trọng cách riêng đến sự hiện diện của đức Maria trong nhà tiệc ly để cùng với các thánh tông đồ cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo hội. Đức Maria trở thành mẫu gương cho Hội thánh trong 3 điểm sau đây:

a) Trong ngày Truyền tin, Thánh Thần đã đáp xuống trên đức Maria để uốn nắn nên nhân tính của đức Kitô; và đức Maria đã thuận cho Thánh Thần tác động nơi mình. Trong nhà tiệc ly, Hội thánh tiên khởi cũng học nơi đức Maria biết ngoan ngoãn cho Thánh Thần tác động. Hội thánh cần bắt chước đức Maria trong việc thinh lặng cầu nguyện, xin Thánh Thần dậy bảo và uốn nắn họa theo Lời, ngõ hầu có thể lên đường trao giảng Lời ấy cho muôn dân.

b) Đức Maria chắc chắn cũng được thông dự vào ơn “lưỡi lửa” như các tông đồ (Cv 2,4). Ơn lưỡi lửa tiên vàn cần được hiểu như là lời cầu nguyện tập thể (Cv 2,11). Dù sao, đức Maria đã hành xử linh ân ấy khi xướng lên bài ca “Magnificat” (Lc 1,46-56) sau khi đã nhận lãnh Thánh Thần (Lc 1,35). Một tác dụng đặc biệt của Thánh linh nơi chúng ta là ơn cầu nguyện (Rm 8,26): sự hiện diện của đức Maria giữa Giáo hội tại nhà tiệc ly nhắc nhở chúng ta chân lý đó. Qua bài ca Magnificat, chúng ta khám phá những đặc tính cỉa lì nguyện chân chính: sự tuân theo ý Chúa; sự vui tươi và tin tưởng nơi tình yêu của Chúa; sự quan tâm với những thành phần thấp bé trong xã hội.

2/ Vài suy tư thần học.

Một số nhà thần học đã thử đề nghị vài chiều hướng suy tư về mối liên hệ giữa đức Maria và Thánh Thần, tuy không phải lúc nào cũng được tán đồng:

a) Đức Maria hôn thê của Thánh Thần. Như đã nói trên đây, ý tưởng này xuất hiện trong thần học tây phương từ thế kỷ 13 với thánh Phanxicô Assisi. G. Philips cũng như R. Laurentin thấy rằng từ ngữ này khá hàm hồ, vì có thể đưa tới ý tưởng Chúa Thánh Thần kết hôn với đức Maria để sinh ra đức Kitô (đề tài “Hieros gamos” đọc thấy trong một số thần thoại)! Tân ước không hề dùng hình ảnh hôn nhân cho Chúa Thánh Thần, song chỉ áp dụng cho mối tương quan giữa đức Kitô và Hội thánh (Ep 5,25-33; 2 Cr 11,2; Mt 9,15; 25, 1.5-6).

b) Đức Maria “đồng lao” với Thánh Thần. Thần học Đông phương quan niệm rằng khi người nào để cho Thánh Thần hướng dẫn, thì họ trở nên “đồng lao” (syn-ergheia: cùng năng lực), cùng với Thánh Thần để tác động. Điều này đã xảy nơi đức Maria, khi Người cùng tác động với Thánh Thần trong công cuộc sinh ra Chúa Giêsu. Cha D. Bertetto kéo dài tới toàn thể cuộc đời của đức Maria, để xét đến tất cả những hoạt động của Người dưới tác động của Thánh Thần: khi cầu nguyện lẫn trong các hành vi nhân đức. Dĩ nhiên, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính, còn đức Maria hợp tác như dụng cụ.

c) Đức Maria phản ánh của Thánh Thần. Như đã nói trên đây, nhiều tác giả đã trách thần học công giáo cổ điển đã dành cho đức Maria những chức phận thuộc Thánh Thần (An ủi, Trạng sư, Môi giới). Dù lời chỉ trích ấy đúng, nhưng việc trao trả lại cho Thánh Thần những chức phận vừa nói không có nghĩa là từ nay đức Maria bị gạt ra bên lề. Thực vậy, ta có thể nói rằng đức Maria phản ánh vài đặc tính cố hữu của Chúa Thánh Thần, thí dụ như: (+) về hoạt động thầm lặng kín đáo (Chúa Thánh Thần hoạt động kín đáo, ta chỉ nhận biết Ngài qua những công hiệu, chứ không nhìn thấy Ngài xuất hiện; đức Maria cũng giữ vai trò như vậy giữa lòng Hội thánh, điển hình là tại nhà Tiệc Ly); – (+) về tình yêu đón tiếp trao ban (giữa lòng Ba Ngôi, Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Cha và Con; đức Maria cũng giữ vai trò như vạy giữa lòng Hội thánh, tình yêu săn sóc của bà mẹ).

d) Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo lồng mối liên hệ giữa đức Maria với Thánh Thần trong bối cảnh của lịch sử cứu rỗi, đặc biệt là ở các số 721-726. (i) Thánh Thần đã chuẩn bị cho đức Maria trở thành thánh điện cho Chúa ngự. Tác động ấy gọi là sự thánh hóa: đức Maria trở thành kẻ đầy ơn sủng. Không những đức Maria luôn luôn sống trong ân nghĩa với Chúa (sủng trạng), nhưng trót đời của Người biểu lộ rằng “tất cả là hồng ân”: Thiên Chúa chọn kẻ nghèo hèn khiêm tốn để đổ tràn ơn phúc. (ii) Thánh Thần đã tác động nơi đức Maria cách phi thường qua mầu nhiệm nhập thể, khi thánh hóa lòng đức Maria để trở nên mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu. (iii) Chính nhờ đức Maria mà Thánh Thần mang loài người đến kết hợp với Chúa Giêsu, bắt đầu từ những tâm hồn bé mọn như các mục đồng, kế đến là các đạo sĩ, ông Simêon và bà Anna. (iv) Kể từ khi Chúa lên trời, đức Maria hợp với Giáo hội để xin Thánh Thần đến thánh hóa Hội thánh. Đức Maria rất thánh, một kiệt tác của Thánh Thần, là điển hình của sự thánh thiện của Hội thánh (x. số 965; 967).

e) Sau cùng, có thể thêm rằng chính khi nhìn ngắm việc Đức Maria hợp tác với Thánh Thần mà Mẹ trở thành gương mẫu cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Đời sống thiêng liêng (hay đời sống tinh thần: vita spiritualis) có nghĩa là: đời sống theo Thánh Thần, để cho Thánh Thần hướng dẫn (xem Rm 8,1-38; Gl 5,22-25).

Kết luận bổ túc.

Sau khi đã xét mối tương quan giữa đức Maria với đức Kitô và mối tương quan với Thánh Thần, cần phải bổ túc thêm một chi tiết để hoàn bị chiều kích đối thần: “đức Maria với Chúa Cha”, hoặc “đức Maria với Chúa Ba Ngôi”. Thần học Trung cổ đã diễn tả mối tương quan của đức Maria với Chúa Cha như là “ái nữ” của Cha (filia nobilissima). Dĩ nhiên từ ngữ “tôi tớ Chúa” (nữ tì) cũng đựơc áp dụng về Chúa Cha. Hiến chế về Hội thánh của công đồng Vaticanô II đã diễn tả mối tương quan với Ba ngôi như sau: “mẹ của Con Thiên Chúa, ái nữ của Chúa Cha, đền thờ của Thánh Thần” (Genitrix Dei Filii, praedilecta filia Patris necnon sacrarium Spiritus Sancti: số 53).

———————–
Mục II. Phụ nữ tínhKhông nói ai cũng biết rằng đức Maria là một phụ nữ, và được ca ngợi là “có phúc hơn hết các phụ nữ”. Tuy nhiên, có lẽ trong quá khứ ít khi các nhà thần học đã đào sâu khía cạnh nữ tính của đức Maria (trừ khi đề cao chức phận làm mẹ hay là đức trinh khiết).

Khi phong trào đấu tranh cho nữ giới (féminisme) ra đời, thì đức Maria không được đếm xỉa tới. Ngược lại là đàng khác, phong trào đấu tranh cho nữ giới cho rằng đức Maria đã được dùng như chiêu bài để đàn áp phụ nữ, khi trình bày chân dung của một thiếu phụ đoan trang, nhu mì, chỉ biết phục tùng, bảo sao nghe vậy, suốt đời quanh quẩn ở xó bếp. Phong trào nữ quyền muốn tìm một mẫu phụ nữ khác, dám ăn dám nói, dấn thân vào công tác xã hội, bày tỏ tinh thần xung phong sáng tạo …

Phải thú nhận rằng, lúc đầu phong trào tranh đấu cho nữ quyền không chiếm được thiện cảm của Giáo hội, và vì thế kể cả những đòi hỏi chính đáng của họ cũng không được đếm xỉa đến. Phải chờ tới giữa thế kỷ 20, thì đức Gioan 23 mới nhìn phong trào đó như một “dấu chỉ thời đại” (thông điệp “Hòa bình trên thế giới” 11/4/1963, phần I). Từ đó, thần học mới chú ý tới vai trò của phụ nữ và nhất là về phẩm giá của phụ nữ. Cần phải một thời gian dài mới có thể nhìn nhận sự bình đẳng nhân phẩm giữa nam giới và nữ giới (Thánh Phaolo đã chẳng nói rằng các bà phải tùng phục các ông đó sao? Eph 5,22). Cần phải vượt lên trên nhiều thiên kiến, để có thể khám phá rằng cả người nam lẫn người nữ đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (sách Sáng thế 1,27). Tuy nhiên, đồng thời với sự bình đẳng về phẩm giá, sớm muộn gì cũng phải đặt ra vấn đề liên lạc hỗ tương giữa hai phái. Thực vậy, không ai chối cãi được rằng hai phái không hoàn toàn giống nhau (nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu có chuyện khác phái nữa!); câu hỏi được đặt lên như thế này: hai phái khác biệt nhau ở chỗ nào? tại sao có sự khác biệt? sự khác biệt ấy có ý nghĩa gì? đâu là những đặc tính của nam giới, và đâu là đặc tính của nữ giới?

Đức Phaolo VI đã chấp nhận những thách đố mà phong trào nữ quyền đặt ra cho thần học về đức Maria. Trong tông huấn “Marialis cultus”, Ngài đồng ý rằng một vài lối trình bày chân dung của đức Maria với tính cách ủy mị không còn hợp thời nữa. Đặc biệt là ở số 37, đức Phaolo VI đã lưu ý về vài đặc điểm nữ tính cần được nêu bật. Ngày nay, phụ nữ muốn tham gia vào đời sống xã hội. Vì thế cần phải trình bày đức Maria như một người đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào chương trình cứu rỗi của cả nhân loại. Sự thuận nhận tuân theo ý Chúa không có nghĩa là thụ động, ù lì, để mặc cho thời cơ. Đức Maria đã tỏ ra dũng cảm, phấn đấu trước những trắc trở của cuộc đời, khi phải đương đầu với cảnh khó nghèo, di cư. Đức Maria không phải chỉ là một phụ nữ ru rú trong xó nhà, nhưng là một người biết chia sẻ những cảnh vui buồn của tha nhân, nhất là kiếp sống của giới nghèo. Đức Maria không giữ lấy khư khư đứa con cho riêng mình, nhưng chấp nhận hiến dâng con mình vì ích lợi của nhân loại. Sau cùng, đức Maria đã đồng ý để trở thành bà mẹ thiêng liêng của cả Giáo hội, chăm sóc cả một đám đông vô kể.

Đức Gioan Phaolo II, trong thông điệp “Thân mẫu Đấng Cứu thế” số 46, cũng vạch ra nơi đức Maria vài đặc tính của nữ giới như sau: “khả năng trao ban hết mình vì tình yêu; sức mạnh chịu đựng những sầu muộn; trung thành vô bờ bến và tận tụy không biết mệt; khả năng dung hợp trực giác với những lời nâng đõ và khuyén khích.” Nhất là trong tông thư “Phẩm giá phụ nữ”, đức Gioan Phaolo 2 không ngừng đối chiếu đức Maria với những suy tư về phụ nữ. Kinh thánh đã chẳng gọi đức Maria là “người phụ nữ” đó sao (Gl 4,4)? Đức Maria là tượng trưng của chiều kích phụ nữ của Giáo hội: Giáo hội phải học nơi Người cách thức để trở nên Mẹ và trinh nữ, hiền thê của đức Kitô (số 25). Đức Maria tượng trưng cho chiều kính tình yêu và thánh thiện trong Giáo hội, một chiều kích không thua kém gì chiều kích tông đồ và truyền giáo (số 27). Nói khác đi, đức Gioan Phaolo 2 đã muốn làm nêu bật hai chiều kích của Giáo hội: a) chiều kích Phêrô, biểu thị của cơ cấu và hoạt động truyền giáo; b) chiều kích Maria, biểu thị của tình yêu và sự thánh thiện. Trong hệ thật của ơn sủng, chắc chắn sự thánh thiện và tình yêu chiếm chỗ quan trọng hơn tất cả các đặc sủng khác (1Cr 13,13).

————–

Mục III. Hội nhập văn hóa.

Ta có thể coi chiều hướng nữ tính như là một cố gắng trình bày đức Maria theo nhãn giới của tâm thức thời đại (cách riêng tại Âu Mỹ). Cũng trong chiều hướng đó, thần học về đức Maria cũng cần phải biết hội nhập vào những tâm thức, những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Ta có thể nhận thấy một thí dụ tại Mỹ châu latinh, khi mà thần học giải phóng cũng viết một chương về đức Maria, đặc biệt khi phân tích kinh Magnificat, mà có người đã không ngần ngại định nghĩa như là “tuyên ngôn giải phóng”, khi đức Maria tuyên bố rằng Thiên Chúa bênh vực người cô thân cô thế chống lại sự áp bức của những người cậy thần cậy thế.

Dĩ nhiên, ta cũng có thể nói một cách tương tự về việc hội nhập văn hóa tại các lục địa khác, nhất là khi đối chiếu với các khuôn mặt của các nữ thần trong các tôn giáo, hoặc các anh thư trong lịch sử của các dân tộc. Nên biết là Hồi giáo cũng dành một chỗ đứng quan trọng cho đức Maria.

———————-

Mục IV. Chiều hướng đại kết.

Trước công đồng Vaticano II, nhiều người công giáo cho rằng một điểm khác biệt không nhỏ giữa các Giáo hội Tin lành với Giáo hội công giáo chính là lòng tôn kính Đức Maria: bên Tin lành im lặng về đức Maria! Cảm tưởng đó có phần nào đúng. Hậu nhiên, con đường đối thoại đại kết sớm muộn gì cũng phải đề cập tới đức Maria. Tuy nhiên, đối thoại như thế nào? Có người thì chủ trương rằng cuộc đối thoại chỉ có kết quả khi mà mỗi bên nói thẳng nói thật, cho dù sự thật mất lòng. Người khác thì chủ trương rằng khi trình bày sự thực cũng cần phải tránh đụng chạm, thương tổn đến đức ái. Một khuynh hướng nữa thì đưa ra thuyết “hệ trật các chân lý” (hierarchia veritatum): không phải tất cả các tín điều đều có giá trị như nhau; có những chân lý tuyệt đối căn bản của đức tin Kitô giáo, đòi hỏi tất cả mọi người phải tin nhận (thí dụ chân lý về một Chúa Ba Ngôi, về đức Kitô là Thiên Chúa và là người); còn có những chân lý khác có thể coi là thứ yếu, thí dụ các chân lý về đức Maria. Cuộc đối thoại đại kết phải đi từng chặng một, từ những chân lý chính yếu cho tới những chân lý thứ yếu.

Trên thực tế, các cuộc đối thoại đại kết về đức Maria đã tiến hành với những phương pháp khác nhau. Một phương pháp là nghiên cứu lịch sử đưa tới các cuộc ly khai của nhóm cải cách. Cách riêng, khi nghiên cứu các tác phẩm của Lutêrô, ta thấy ông đã viết những trang rất sâu sắc về đức Maria. Điều mà nhóm Tin Lành chỉ trích là những đường lối tôn sùng đức Maria một cách lệch lạc, coi Người ngang hàng với Chúa (với những bàn thờ không kém chi bàn thờ kính Chúa), hoặc chỉ biết cầu khấn van lơn xin Mẹ cứu rỗi mà chẳng tin cậy chi tới công nghiệp của đức Kitô! Dù sao thì cuộc đối thoại với anh em Tin lành đã giúp ích không nhỏ cho chính Giáo hội ít là ở hai điểm sau: a) khi bàn tới đức Maria, cần phải đi trở về nguồn gốc Kinh thánh, chứ không thể chỉ dùng lý trí suy diễn những đặc ân mà chúng ta muốn gán cho Mẹ; b) lòng tôn kính đức Maria cần dựa trên đạo lý lành mạnh, chứ không thể chiều theo tình cảm ướt át. Dù sao, như đã thấy, việc trở về với Kinh thánh đã cho thấy bức chân dung khác của đức Maria, người được chúc tụng vì đã tin vào Lời Chúa, đã trở nên môn đệ của Chúa.

Tuy nhiên, càng đi sâu vào cuộc đối thoại với các Giáo hội Tin lành, người ta nhận thấy rằng sự khác biệt quan điểm về vai trò của đức Maria lệ thuộc vào những nguyên tắc thần học căn bản khác nữa. Nói đại khái, thần học về đức Maria lệ thuộc phần lớn vào nguyên tắc sự cộng tác của con người vào ơn thánh của Chúa. Phía Tin lành đề cao vai trò tuyệt đối của ơn thánh trong kế hoạch cứu rỗi, và con người hoàn toàn thụ động. Còn phía công giáo quan niệm rằng chính ơn thánh Chúa ban cho con người khả năng cộng tác với Chúa vào công cuộc cứu rỗi. Chính vì thế mà đức Maria đã được mời gọi cộng tác với đức Kitô không những trong việc cứu rỗi linh hồn mình mà cả trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại nữa.

Mặt khác, cuộc đối thoại đại kết không phải chỉ dành cho các Giáo hội Tin lành. Giáo hội công giáo cũng đối thoại với các Giáo hội chính thống nữa. Tuy nhiên, đối với các Giáo hội này, không có những khó khăn lớn chung quang đức Maria. Hơn thế nữa, như đã thấy trong lịch sử các tín điều và các lễ phụng vụ, ta phải nhận rằng lòng tôn kính Đức Maria phát hiện từ Đông phương trước, rồi kế đó mới du nhập vào Tây phương. Họ chỉ đặt vấn đề liên can tới việc tuyên bố hai tín điều về đức Maria vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời. Giáo hội chính thống chủ trương rằng một mình Đức Thánh Cha không thể tuyên bố tín điều được, nhưng cần phải có công đồng quy tụ tất cả hàng giám mục thế giới. Một hậu quả cụ thể của công cuộc đối thoại với các Giáo hội chính thống là việc lưu ý tới gia sản phụng vụ và tu đức của các Giáo hội Đông phương. Nếu các Giáo hội latinh đã dùng tràng chuỗi Mân côi hay kinh cầu để tỏ lòng tôn kính đức Mẹ, thì các Giáo hội Đông phương cũng có kinh “Akathistos” (nguyên ngữ có nghĩa là: không ngồi; bởi vì cộng đoàn phải đứng đang khi nghe và hát, tựa như khi công bố Phúc âm). Đây là một bản trường ca, do một tác giả vô danh đã soạn hồi thế kỷ thứ VI, gồm 24 đoạn, chia thành hai phần: a) trong phần đầu (đoạn 1-12), tác giả ôn lại những cảnh Phúc âm của Luca và Matthêo, từ lúc Truyền tin cho tới khi dâng Chúa trong đền thờ; b) phần thứ hai (đoạn 13-24) tuyên xưng những chân lý đức tin về đức Maria: thụ thai đồng trinh, mẹ của Thiên Chúa, mẹ thiêng liêng của các tín hữu.

Trong thông điệp “Thân mẫu Chúa Cứu thế” (Redemptoris Mater), Đức Gioan Phaolo II đã dành những số 29-34 cho chiều kích đại kết. Trước đó, trong tông thư “Lòng tôn kính đức Maria” (Marialis cultus, số 32-33), Đức Phaolo VI cũng quan tâm đến chiều kích đại kết khi bàn đến phương pháp nghiên cứu thần học cũng như trong cách thực hiện lòng tôn sùng đức Maria.

CHƯƠNG 14. ĐỨC MARIA TRONG SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Thay cho kết luận của quyển sách này, chúng tôi xin trình bày Đức Maria dựa theo Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo. Như đã nói ở nhập đề, từ công đồng Vaticano II, thần học đã thay đổi phương pháp khảo luận về đức Maria. Chúng ta có thể thấy hậu quả của sự chuyển hướng ấy trong Sách Giáo Lý trình bày đức tin của Hội thánh Công giáo được xuất bản 30 năm sau ngày triệu tập công đồng.

Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo được chia thành bốn phần: Phần thứ nhất, sự tuyên xưng đức tin. Phần thứ hai nói tới phụng vụ và bí tích dưới tựa đề “sự cử hành mầu nhiệm đức Kitô”. Phần thứ ba, đời sống luân lý đạo đức, mang tựa đề là “đời sống trong đức Kitô”. Sau cùng, phần thứ bốn dành cho việc cầu nguyện. Cả bốn phần ăn khớp với nhau: cùng một đức tin được tuyên xưng, cử hành, sinh sống. Nếu ai đặt câu hỏi: “Đức Maria được bàn tới trong phần nào?”, chắc là câu trả lời tự phát sẽ là: trong phần thứ nhất, về các mầu nhiệm đức tin. Nhưng sự thực không phải như vậy: Đức Maria hiện diện trong cả bốn phần. Nói thế có nghĩa là có lẽ bức ảnh về đức Maria mà quyển GL muốn phác họa là “mẫu gương của người tín hữu”, người đã sống trọn niềm tin, đức tin diễn tả ra cuộc sống và việc cầu nguyện. Chúng ta hãy rảo qua một vòng toàn bộ quyển GL thì sẽ thấy.

I. Phần thứ nhất: Tuyên xưng đức tin.

Trước khi đi sâu vào nội dung của đức tin công giáo dựa theo tín biểu các thánh tông đồ, Sách Giáo lý đã dành một tiết để trình bày bản chất của đức tin dưới tựa đề: “Tôi tin, chúng tôi tin”. Tin vừa có tính cách cá nhân (tôi tin) vừa có tính cách cộng đoàn (Chúng tôi tin). Nói cách vắn tắt, tin có nghĩa là đáp lại mạc khải của Thiên Chúa, suy phục Thiên Chúa với tất cả lý trí, ý chí và tất cả cuộc sống. Đức Maria đã trở nên mẫu gương đức tin cho mỗi Kitô hữu cũng như cho cả cộng đoàn các tín hữu. Thực vậy, ở số 144, khi giải thích việc tin như là suy phục Lời Chúa chân thật, sách GL viết rằng: “Kinh thánh cho ta thấy một mẫu gương của sự suy phuc nơi Abraham. Trinh nữ Maria đã thực hiện sự vâng phục ấy cách hoàn hảo hơn ai hết”. Hai số 148 và 149 đã quảng diễn đức tin của đức Maria, được chúc tụng là kẻ có phúc vì đã tin. Từ khi nghe lời sứ thần truyền tin cho tới cuộc thử thách chót khi chứng kiến Con mình chết trên thập giá, đức tin của Mẹ Maria không hề bị lung lay; Người không hề ngừng tin rằng những lời Chúa hứa sẽ hoàn thành. Vì thế Giáo hội kính Người như sự thực hiện tinh ròng nhất của đức tin. Điều đó còn được lặp lại ở đ. 165, khi đức Maria được đề cao như là chứng nhân của đức tin kể cả giữa lúc tăm tối khi chứng kiến Con mình chịu chết. Sang đ.273, sách GL lại còn đề cao một lần nữa đức Maria như là mẫu gương của lòng tin nơi quyền năng của Thiên Chúa, vì “không có gì mà Chúa không thể làm được” và “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”.

Đ.273 vừa trích dẫn đã đưa chúng ta vào nội dung của đức tin, vì nằm trong phần tuyên xưng lòng tin nơi Chúa Cha toàn năng. Dĩ nhiên, đức Maria được nhắc tới nhiều hơn nữa dọc theo lịch sử cứu rỗi. Trọng tâm của lịch sử là sự nhập thể của Con Thiên Chúa. Kế hoạch này đã được Chúa Cha xếp đặt từ muôn thuở, và cũng trong chương trình ấy, Ngài đã chọn đức Maria làm Mẹ của Con mình. Khi giải thích lời kinh Tin kính: “Đức Kitô được thụ thai do tác động của Thánh Thần và sinh bởi Trinh nữ Maria”, sách Giáo Lý đã dành các số 484-507 để nói tới vai trò của đức Maria trong công cuộc nhập thể, với những đặc ân vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh. Dĩ nhiên, tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng đức Maria đã đón nhận ơn gọi ấy qua lời “Xin vâng” đáp lại thiên sứ Gabriel. Như đã nói trên đây, qua việc đáp lại “xin vâng” đức Maria trở nên mẫu gương đức tin cho ta. Tuy nhiên, ta đừng nghĩ rằng lòng tin ấy chỉ phát biểu một lần là hết. Sách GL đã trình bày đức tin của Mẹ Maria không phải như một tác động mà như là một cuộc hành trình: cuộc hành trình đức tin với Chúa Giêsu và với Giáo hội.

A. Cuộc Hành trình đức tin của đức Maria với Chúa Giêsu khởi đầu với lời “Xin vâng” của buổi Truyền tin. Sách GL đã bình luận tới biến cố này ở nhiều chỗ khác nhau: số 148; 484; 490; 494; 965; 2617; 2674. Từ đó, Người bắt đầu lên đường, qua những trạm chính: Giuđêa để thăm viếng bà chị họ; Bêlem, Giêrusalem, Nadaret, Cana, và sau cùng là Golgota. Những chặng đường ấy đã được sách Giáo lý ghi lại và chú giải. 1/ Cuộc hành trình đi Giuđêa để thăm bà Isave được nói tới ở các số 148; 495; 523; 717; 2676-2677. Đức Maria được chúc tụng là “kẻ có phúc vì đã tin vào Lời Chúa”; được tuyên xưng là “Mẹ của Chúa tôi”; việc đức Maria đi thăm viếng bà Isave cũng còn được ví như cuộc gặp gỡ giữa Cựu ước với Tân ước; ví như việc Thiên Chúa đến thăm viếng Dân Ngài; và là hình ảnh của Hội thánh truyền giáo. 2/ Chặng kế đó là Bêlem, nơi Người đã hạ sinh Chúa Cứu thế: Người là mẹ khi đón nhận Lời Chúa bằng đức tin trước khi là mẹ vì ban thân thể cho Chúa (số 506). 3/ Tiếp theo là việc dâng con trong đền thờ (số 529), khi mà Mẹ được loan báo là sẽ phải dâng hiến một lần nữa trên thánh giá, như lưỡi gươm đâm thâu qua lòng. 4/ Những năm sống với Chúa tại Nadareth là thời gian thinh lặng, cầu nguyện, làm việc (số 532-534); đó cũng là thời gian để đức Maria tâm niệm lời Chúa, để nghiền ngẫm trong lòng; bởi vì qua cảnh lạc mất Chúa trong đền thờ, Mẹ đã nhìn nhận rằng mình chưa hiểu hết đường lối của Chúa (số 534). 5/ Biến cố tại Cana được ghi lại ở số 2618 để nói tới vai trò của đức Maria như là kẻ cầu thay nguyện giúp trong đức tin. 6/ Cuộc hành trình của đức Maria với Chúa Giêsu đạt tới tột đỉnh ở Golgota, nơi mà Mẹ đã chứng tỏ đức tin không hề nao núng trước mọi thử thách (số 149), nơi mà Mẹ đã kết hợp mật thiết vào mầu nhiệm của sự đau khổ mang giá trị cứu độ (số 618).

B. Tuy nhiên, nếu cuộc hành trình đức tin của đức Maria với Chúa Giêsu kết thúc tại Golgota, thì cuộc hành trình với Giáo hội vẫn còn nối tiếp. Dựa theo giáo huấn của công đồng Vaticano II, sách Giáo lý đã dành các số 963-972 để nói về đức Maria như là Mẹ của Giáo hội, mẹ trong đức tin và ơn sủng. Người khởi sự cuộc hành trình với Giáo hội từ chân Thập giá khi đức Kitô trao cho Người làm mẹ các môn đệ. Đức Maria đã hiện diện với Giáo hội sơ khởi khi cầu nguyện trong nhà Tiệc ly cho tới lúc về trời, và Người còn tiếp tục chức vụ làm mẹ trong ơn thánh qua lời chuyển cầu cho Giáo hội lữ hành.
Mặt khác, chúng ta biết rằng kinh Tin kính được phân phối dọc theo lịch sử cứu rỗi, qua những chặng: tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Ta cũng có thể gắn đức Maria với những giai đoạn chính của dòng lịch sử đó: số 411 đã nhìn thấy đức Maria nơi người nữ tiên báo ở đầu sách sáng thế. Số 64 đã liệt Người vào chuỗi những phụ nữ nuôi dưỡng lòng hy vọng vào ơn cứu rỗi hứa cho dân Israel. Đấng Cứu tinh ấy tên là Giêsu, sinh bởi trinh nữ Maria, như ta thấy ở các số 435; 437; 452; 456; 466; 467; 469-470. Sau cùng mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần với đức Maria được nói tới nhiều lần, thí dụ ở các số 484-486; 717; nhất là 721-726.

II. Phần thứ hai: Cử hành đức tin.

Trong phần dành cho phụng vụ và bí tích, Sách GL nhắc tới đức Maria như là thành phần của Giáo hội dâng lời ca ngợi Thiên Chúa (số 1138; 1187), và đồng thời Người cũng được tôn kính đặc biệt xét vì mối liên kết chặt chẽ với đức Kitô (số 1161; 1172; 1192; 1195). Trong một chương nói về bí tích Thánh thể, số 1370 viết: Giáo hội dâng Hy tế của đức Kitô trong niềm hiệp thông với rất thánh Trinh nữ Maria cũng như các thánh nam nữ. Trong Thánh Lễ, Hội thánh cùng với đức Maria ra như đứng dưới chân Thập giá, kết hợp với hiến lễ và lời cầu khẩn của đức Kitô.

III. Phần thứ ba: Sống đức tin.

Ngay trong phần mở đầu của phần này, khi trình bày đến các mối phúc thật, Sách GL đã nhắc tới đức Maria như Người đã sống những chân phúc ấy và đã hưởng những phần thưởng Chúa hứa ban (đ.1716), cách riêng Người đã sống tâm tình của người nghèo theo Phúc âm. Đó là chưa kể tới những lời chúc phúc mà Kinh thánh dành riêng cho đức Maria, thí dụ: “phúc cho kẻ tin rằng Lời Chúa sẽ ứng nghiệm” (Lc 1,45); “từ nay đến muôn đời các thế hệ sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48); “phúc cho lòng đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú … phúc cho ai lắng nghe lời Chúa và tuân hành” (Lc 11,27-28). Cũng vậy, khi sang phần các nhân đức, thì ngoài việc trình bày đức Maria như gương mẫu đức tin như đã thấy trên đây (số 148-149; 494; 506), sách GL còn trình bày Người như mẫu gương của sự thánh thiện (số 2030), của việc tôn thờ Thiên Chúa (số 2097).

IV. Phần thứ bốn: Đức tin cầu nguyện.

Có hai tiết mục chính liên can tới đức Maria: 1/ Đức Maria là gương mẫu của một tín hữu cầu nguyện với tất cả lòng tin quảng đại dâng hiến, qua những chứng tích đọc thấy trong Tân ước: khi Truyền tin, lúc xướng kinh Magnificat, tại Cana, trong nhà Tiệc ly. (số 2617-2619.2622). Từ đó, ta có thể học nơi Người cách thức cầu nguyện, cũng như chính Chúa Giêsu đã được bà mẹ dạy cách cầu nguyện hồi thiếu thời (đ.2599). 2/ Lời các tín hữu hướng lời cầu lên Mẹ Maria, hay nói đúng hơn, Giáo hội kết hợp với đức Maria để cùng với Người tán dương những kỳ công mà Chúa đã thực hiện nơi Người, và ký thác cho Người những lời khẩn nài và ngợi khen. Sách GL đã dành các số 2673-2678;2682 cho đề tài này, trong đó ta gặp thấy một bản chú giải kinh Kính mừng ở số 2677-2678.

Kết luận

Có thể rút từ chính tông hiến “Fidei Depositum” mà ĐTC ban hành Sách Giáo Lý. Ở số 3, đức Maria được nhắc tới bởi vì Người được gắn liền với trung tâm của đức tin công giáo,tức là: “mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong lòng trinh nữ Maria”. Và ở phần kết luận, Đức Gioan Phaolo II đã ký thác cho đức Mẹ toàn thể công cuộc huấn giáo của Giáo hội, bởi vì Người là một kẻ tin (credens) và cầu nguyện (orans).

THÁNH MẪU HỌC
NHẬP ĐỀ

– Ý nghĩa. Phương pháp khảo luận thần học về Đức Maria
Phần I. ĐỨC MARIA TRONG KINH THÁNH
Chương 1) Những đoạn văn cổ nhất của Tân ước: Phaolo; Marcô.
Chương 2) Đức Maria trong Phúc âm Matthêô.
Chương 3) Đức Maria trong Phúc âm Luca.
Chương 4) Đức Maria trong các tác phẩm của Gioan và Tông đồ công vụ.
Chương 5) Những hình ảnh về đức Maria trong Cựu ước.
Chương 6) Những truyền kỳ về đức Maria.
Phần II. ĐỨC MARIA TRONG TRUYỀN THỐNG CỦA GIÁO HỘI
+ Nhập đề: Lịch sử sự tiến triển đạo lý về đức Maria.
Chương 7) Đức Maria trong các tác phẩm của các giáo phụ.
Chương 8) Đức tin của Giáo hội cổ truyền: đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh.
Chương 9) Hai tín điều cận đại: Vô nhiễm nguyên tội – và hồn xác lên trời.
Phần III. ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Chương 10) Vai trò của đức Maria đối với Giáo hội.
Chương 11) Lòng tôn kính mà Giáo hội dành cho đức Maria: 1/ Nguyên tắc thần học và các hình thức Phụng vụ. 2/ Những kinh nguyện kính Đức Mẹ. 3/ Những việc đạo đức bình dân.
Chương 12) Đức Maria trong đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu. Dâng mình, tận hiến.
Chương 13) Những đường hướng mới của thần học về Đức Maria.
Chương 14) Đức Maria trong sách Giáo Lý Hội thánh công giáo


Thư tịch.
S. DE FIORES – S. MEO (a cura), Nuovo Dizionario di Mariologia, Paoline, Cisinello Balsamo 1986 (2a ed.). O. DA SPINETOLI, Maria nella Bibbia, Ediz. Dehoniane, Bologna 1988. W. BEINERT, Il culto di Maria oggi. Teologia – Liturgia – Pastorale, Paoline, Roma 1985 (2a ed.). AA.VV., Maria nella celebrazione del Mistero di Cristo, in: “Rivista liturgica”, 75 (1988), 3-142. R. LAURENTIN, Breve trattato su la Vergine Maria, Paoline, Cisinello Balsamo 1990 (8a ed.). C.I. GONZALEZ, Mariologia. Maria, Madre e Discepola, Piemme, Casale Monferrato 1988. S. DE FIORES, Maria nella teologia contemporanea, Roma, Centro Madre della Chiesa 1991 (3a ed.). AA.VV., Maria nel catechismo della Chiesa Cattolica, Roma, Centro Madre della Chiesa, 1993.

Trả lời