Nữ Vương Hòa Bình

Trong kinh cầu Đức Bà quen đọc ở trong các nhà thờ, tước hiệu Regina Pacis được dịch là “Nữ vương ban sự bình an”. Tước hiệu này mới được thêm vào kinh cầu do Đức Beneđictô XV vào hồi thế chiến thứ nhất (5/5/1917, thư gửi Hồng y Gasparri; xem Leges Ecclesiae I, col.58-59), để kêu gọi toàn thể Giáo hội cầu xin ơn hòa bình cho thế giới.

Thiết tưởng cũng nên nhắc qua một sự kiện trường hợp nữa, Đó là cũng vào tháng 5 cùng năm ấy, Đức Mẹ Maria hiện ra với ba trẻ tại Fatima. Vào sáng hôm đó, ba em đã đi dự Thánh lễ  và được cha sở cho biết ý nguyện của Đức Thánh Cha. Vì thế không lạ gì mà Luxia đã hỏi Đức Mẹ: Mẹ có thể nói cho con biết chiến tranh sắp kết liễu hay không?

Tuy rằng tước hiệu “Nữ vương hòa bình” mới được xen vào kinh cầu vào đầu thế kỷ 20, nhưng các tín hữu đã biết tới danh hiệu này từ xa xưa rồi: bằng cớ là những ngôi nhà thờ đã được cất lên dâng kính “Nữ vương hòa bình” hoặc “Đức Mẹ hòa bình”, đặc biệt để khấn xin ơn hòa bình trong những thời kỳ chiến tranh, loạn lạc. Chúng ta sẽ xét tới nền tảng thần học Kinh thánh của tước hiệu này; kế đó chúng ta sẽ phân tích bản văn phụng vụ kính Đức Maria Nữ Vương hòa bình.

I. Thần học Kinh thánh

Tại sao Đức Maria Được gọi là Nữ Vương hòa bình? Ta có thể kể ít là hai lý do sau đây:

1) Vì Người đã sinh ra Đức Kitô, vua hòa bình, và đã cộng tác với Đức Kitô “hòa bình của chúng ta”.
2) Vì Người là gương mẫu của kẻ kiến tạo hòa bình.

1) Đức Maria với Đức Kitô, vua hòa bình.

A. Đức Maria mẹ đã sinh hạ thái tử hòa bình mà Isaia đã tiên báo (9,5).
Đức Kitô được gọi là “hòa bình của chúng ta” (Ep 2,14) lặp lại lời tiên tri Mikêa (5,4); Ngài đến để rao giảng và thực hiện hòa bình (Ep 2, 15.17)

Trong xã hội Do thái, mỗi khi gặp nhau thì người ta chào: “Shalom” (bằng an, hòa bình), cũng như dân mình gặp nhau thì chào hỏi: anh chị có mạnh giỏi không? Dĩ nhiên tiên vàn lời chúc “bằng an”muốn nói lên tư tưởng là giữa đôi bên không có gì hiềm khích hận thù với nhau hết. (Đây là cũng là ý nghĩa của cử chỉ bắt tay trong xã hội hiện đại: tôi xòe tay ra cho anh thấy là tôi không có cầm khí giới trong tay!).
Nhưng ngoài cái ý nghĩa sơ đẳng đó, lời chúc “bằng an” trong phong tục Do thái còn bao hàm nhiều điều khác nữa: chúc bằng an (hay hòa bình) có nghĩa là chúc cho được sức khỏe, an mạnh, thành công, thịnh vượng. Tóm lại tất cả mọi thứ hạnh phúc mà con người mơ ước đều gói ghém trong tiếng “hòa bình”. Dù sao đi nữa, kinh thánh coi hòa bình như là một hồng ân của Thiên Chúa, sẽ được đổ trào xuống dân tộc vào thời Đấng Cứu thế, như ta đọc thấy ở sách các sứ ngôn: Isaia gọi Đấng Cứu thế là Thái tử hòa bình (Is 9,5), Mikha nói rằng chính Ngài là hòa bình của chúng ta (Mik 5,4), vì Ngài sẽ thiết lập giao ước hòa bình (Hs 2,18-25; Ed 34,25-31; Is 42,5 và 53,5); thời của Đấng Cứu thế sẽ là thời mà các dân tộc không còn chém giết nhau nữa, nhưng thiên hạ sẽ mài gươm giáo thành lữơi cày (Is 2,4); sẽ là thời của công bình thịnh vượng (Tv 72,7).

Thế nên không lạ gì mà Luca đã đặt vào bài ca của các thiên thần vào lúc Chúa Giêsu giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hòa bình dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14). Nhân dân thành phố Giêrusalem tung hô Ngài như là Đấng đến nhân danh Chúa, Đấng hòa bình trên trời và vinh quang trên chốn cao vời (Lc 19,38).

Thực ra, hòa bình mà các ngôn sứ loan báo sẽ xảy ra vào thời Đấng Cứu thế được thực-hiện viên mãn với công cuộc giao hòa trong cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Như ta đã biết, sau khi phục sinh, Ngài đã hiện ra với các tông đồ và chúc cho họ “bằng an cho các con”! (Lc 24,36; Ga 20,19.21.26) Ngài để lại sự “bằng an mà thế gian không thể ban được” (Ga14,27). Thánh Phaolo đã tóm lại ơn cứu chuộc mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta vào từ ngữ “hòa giải” (Ep2,14-17; xc. Rm 5,10; 2 Cr 5,18; Cl 1,20-22).
Hòa giải khi dẹp bỏ những thù nghịch giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, và giữa con người với chính mình. Sứ điệp của Phúc âm được định nghĩa là “Tin mừng của hòa bình” (Cv 10,36; Ep 6,15).

Họa theo lời chúc của Đức Kitô cho các tông đồ sau Phục sinh, các tín hữu Kitô giáo tiên khởi cũng cầu chúc cho nhau được ơn hòa bình mỗi khi gặp gỡ nhất là khi cử hành phụng vụ: “Nguyện xin ơn sủng và hòa bình của Thiên Chúa và của Đức Kitô Chúa chúng ta ở với anh chị em”. Công thức chúc tụng “hòa bình và ân sủng” có thể gặp thấy ở lời mở đầu và và kết thúc của các lá thư của thánh Phaolo (Rm 1,7; 1Cr 1,3; 2Cr 1,2; Gl 1,3; 6,16; Pl 1,2; Cl 1,2; 1Tx 1,1; 2Tx 1,2; 1Tm 1,2; 2Tm 1,2; 2Pr 1,2; 2Ga 2; G̣ 2).

B. Tuy nhiên Đức Maria được gọi là Nữ vương hòa bình không phải chỉ vì người đã sinh ra vua hòa bình. Tước hiệu không phải chỉ được gán cách danh dự (con làm vua thì phong cho mẹ làm thái hậu!). Đức Maria đã cộng tác tích cực với Đức Kitô trong công cuộc hòa giải, qua việc thông dự vào hiến tế của Đức Kitô. Trong Phúc âm, ta thấy cả hai vai trò ấy gắn chặt với nhau.

Trong ngày truyền tin, sứ thần Gabriel đã loan báo cho Đức Maria ý định của Thiên Chúa muốn chọn người làm mẹ của vị Cứu thế (Lc 1,31; Mt 1,21). Khi dâng con vào Đền thờ, cụ già Simêon loan báo rằng con trẻ sẽ nên ánh sáng cho muôn dân, và “một lữơi gươm sẽ đâm thâu lòng bà mẹ” (Lc 2,35). Đức Maria sẽ cũng chia sẻ số phận như con mình, chịu đau khổ vì tha nhân: những lời tiên tri về nói về Chúa Cứu thế sẽ bị “đâm thâu” (Is 53,5; Tv 22,17.21; Dcr 12,10) cũng được áp dụng cho bà mẹ. Lời tiên báo của Simêon được Gioan tả lại trong cảnh Đức Maria đứng dưới chân Thập giá của Con mình vào “giờ” của Chúa (Ga 2,4; 19,25-27), để hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Tuy nhiên, xem ra thánh Gioan không cho đó là tột đỉnh của chức vụ của Đức Maria mà chỉ coi đó như là khởi điểm. Thực vậy, từ lúc ấy, Đức Maria bắt đầu chức vụ mới, chức vụ làm mẹ các môn đệ của Đức Kitô, chức vụ chuyển cầu thay cho nhân loại (Ga 2,3) và nhắn nhủ nhân loại hãy giao hòa với Thiên Chúa: hãy làm điều Ngài dạy bảo (Ga 2,5) (Ta có thể đọc thấy sứ điệp tương tự trong những lần Đức Mẹ hiện ra ở La Salette, Lourdes, Fatima)

2) Đức Maria là người kiến tạo hòa bình

Chúng ta có thể thêm một tư tưởng nữa. Đức Maria là Nữ vương Hòa bình theo
một nghĩa dấn thân: Người thật đáng liệt vào hàng những kẻ kiến tạo hòa bình, một chân phúc của Phúc âm (Mt 5,9).

Chân phúc này không phải chỉ dành cho những tâm hồn hiền lành đằm thắm, nhưng nhất là cho những người gắng sức xây dựng hòa bình, cổ võ sự hòa giải thân thiện giữa loài người với Thiên Chúa, cũng như giữa các cá nhân, gia đình, dân tộc.

Thực vậy, tuy hòa bình là một hồng ân của Thiên Chúa chứ không tùy thuộc vào sự cố gắng của con người, nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ kêu gọi con người hãy tiếp nhận hồng ân cách thụ động như kiểu há miệng chờ sung, mà là tích cực “xây dựng” (hay kiến tạo) hòa bình. Không có gì mâu thuẫn trong hai điểm ấy cả, bởi vì trong số các chân phúc, ta thấy có những chân phúc đòi hỏi con người hãy lãnh nhận với tâm tình nghèo khó tin tưởng (phúc cho người có tâm hồn nghèo, người than khóc: Mt 5,3-4), nhưng cũng có thứ chân phúc đòi hỏi con người phải hành động, qua việc yêu thương giúp đỡ tha nhân (phúc cho kẻ có lòng thương xót, cổ võ công lý hòa bình: Mt5,7.9). Kiến tạo hòa bình qua việc yêu thương, tha thứ, nhẫn nhục; tìm cách gieo rắc hòa thuận với hết mọi người (2Cr 13,11; Rm 14,19; 2Tm 2,22; Dt 12,14; Gc 3,16-18), tìm cách cho tình thương ngự trị ở những nơi còn bị xâu xé vì hận thù. Kiến tạo hòa bình là một phương thế để thực thi giới răn mới của Phúc âm (Mt 25,31-46), giới răn của yêu thương tha thứ, qua việc giúp đỡ dành cho hết mọi người (Mt 5,38-42), cách riêng với kẻ thù nghịch với mình (Mt 5,38-42), đi bước trước để làm hòa với người xích mích (Mt 5,23-24) đi tìm cách đưa người lầm lạc trở về đường chính (Mt 18,12-15). Những người cư xử như vậy thưc đáng mang danh là con Thiên Chúa (Mt 5,9), bởi vì họ họa theo gương của Cha trên trời (Mt 5,45).

Trong Tân ước, ta có thể gương mẫu của Đức Maria kiến tạo hòa bình khi người đi thăm bà Isave: Người mang thái tử hòa bình trong lòng, và khi chào thăm “hòa bình” (shalom) bà chị họ thì Gioan đã nhảy mừng. Đi tiệc cưới Cana, Đức Maria đã để ý săn sóc tới những ưu tư của tha nhân; Người đứng ra làm môi giới giữa nhân loại với Đức Kitô. Trong nhà Tiệc ly, Đức Maria đã quy tụ lại các môn đệ của Đức Kitô, tản mác sau khi Thầy bị bắt, về lại làm hòa với nhau, và cầu xin Thánh Thần hợp nhất xuống trên Giáo hội, nhờ đó tất cả có thể sống “một con tim và một linh hồn”.

II. Phụng vụ

Trong “Hợp tuyển những bài lễ về Đức Mẹ” (Collectio Missarum de Beata Maria Virgine) do Bộ Phụng tự phát hành ngày 15/8/1986, có một bài lễ mang chủ đề Trinh nữ Maria Nữ vương hòa bình (số 46), với lời chú giải như sau:

“Thánh lễ này kính nhớ sự hợp tác của Đức Maria vào công cuộc hòa giải, vào nền hòa bình giữa Thiên Chúa với nhân loại mà Đức Kitô đã khôi phục.

1) Trong mầu nhiệm cứu chuộc, người nữ tì khiêm tốn của Chúa, khi đón nhận lời truyền tin của thiên sứ Gabriel, đã cưu mang trong lòng đồng trinh Chúa Giêsu, thái tử của hòa bình, Đấng đã trao trả lại cho chúng ta ơn hòa bình nhờ việc nối kết đất với trời.

2) Trong mầu nhiệm tử nạn, Đức Maria đầy lòng tin đã can trường đứng kề bên thập giá, nơi mà Con Chúa đã giao hòa trời với đất trong máu của Ngài, vì phần rỗi chúng ta.

3) Trong mầu nhiệm Hiện xuống, Đức Maria cũng hợp ý với các tông đồ, trông chờ Thánh Thần của hợp nhất và hòa bình, của hoan lạc và yêu thương.

Khi kính nhớ Đức Maria nữ vương hòa bình, cộng đồng tín hữu van nài Chúa, nhờ lời trinh nữ chuyển cầu, ngõ hầu Giáo hội và nhân loại được ban:

+ tinh thần bác ái: xin cho mọi người được khắng khít với nhau trong dây bác ái, nhờ có Thánh Thần bác ái được đổ trên chúng ta;

+ ơn hợp nhất và hòa bình: xin cho Hội thành trở nên một gia đình duy nhất trong tình huynh đệ, ngõ hầu chúng ta thành những người kiến tạo hòa bình mà Đức Kitô đã để lại.

+ tình thế được yên ổn như lòng mong ước.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, trong Con một của Cha, Cha đã mở cho nhân loại nguồn mạch hòa bình; nhờ lời Đức trinh nữ Maria cầu bầu, xin hãy ban cho nhân loại được hưởng sự yên ổn như mọi người mong ước và cầu khấn, ngõ hầu tất cả họp thành một gia đình duy nhất trong mối dây của tình yêu huynh  đệ.

Bài Sách thánh

1) Isaia 9,1-3.5-6 (nói về kỷ nguyên hòa bình khi Đấng Cứu thế ra đời).
2) Đáp ca: Tv 84,9-14. 3) Luca 1,26-38 (Thiên sứ báo tin cho Đức Maria làm mẹ của Đức Giêsu, Chúa Cứu thế, Con của Đấng Tối cao, thuộc dòng vua Đavit, thực hiện vương quốc thái bình).

Kinh Tiền tụng

Lạy Cha, chúng con chúc tụng tạ ơn Cha vì khi tưởng nhớ đến Đức trinh nữ Maria chúng con được chiêm ngắm biết bao kỳ công mà Cha đã thực hiện

nơi Người. Người là nữ tì khiêm tốn đã đón nhận lời truyền tin của thiên sứ Gabriel và đã cưu mang trong lòng trinh khiết vị thái tử của hòa bình, tức là Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng con. Người là bà mẹ trung tín đã kiên trì đứng cạnh

thánh giá, nơi mà Con của Cha hoàn tất việc cứu rỗi chúng con và đã giao hòa trời và đất trong máu của mình. Người là môn sinh đích thực đã học hỏi hòa bình nơi Đức Kitô, và đã cùng với các thánh tông đồ cầu nguyện chờ đợi Đấng An ủi mà Cha đã hứa, tức là Thánh Thần của sự hợp nhất và hòa bình, của hoan hỉ và yêu thương. Hợp với các thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát ca vinh quang Cha rằng: Thánh Thánh Thánh.

(Hoặc: vì thế, chúng con xin Cha đổ Thánh Thần tình yêu xuống trên chúng con, để chúng con được sống hòa bình mà Đức Kitô đã ban, và trở nên những người kiến tạo hòa bình trên thế giới).

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

Để lại một bình luận