Những Tuyên Xưng Đạo Lý Về Đức Maria

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

CHƯƠNG SÁU: NHỮNG TUYÊN XƯNG ĐẠO LÝ VỀ ĐỨC MARIA
Trải qua lịch sử Giáo hội đã tuyên bố bốn tín điều về đức Maria: Mẹ Thiên Chúa; trọn đời đồng trinh; vô nhiễm nguyên tội; hồn xác lên trời. Nói đúng ra, bốn chân lý đức tin ấy không phải chỉ liên hệ tới cá nhân của Người, nhưng còn nói lên vai trò của Người trong công cuộc cứu chuộc của đức Kitô. Hai tín điều đầu tiên gắn Người với mầu nhiệm nhập thể; hai tín điều còn lại đặt Người trong tương quan với mầu nhiệm cứu chuộc. Hai tín điều đầu tiên đã được Giáo hội tuyên xưng từ thời cổ; hai tín điều còn lại mới được tuyên xưng vào thế kỷ 19 và 20.
Mỗi tín điều sẽ được phân tích dưới ba khía cạnh:
1/ nền tảng kinh thánh;
2/ lịch sử thành hình;
3/ ý nghĩa thần học.
Mục I. ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA
Tín điều thứ nhất liên can tới đức Maria là chức phận làm Mẹ Thiên Chúa. Việc tuyên bố tín điều này đánh dấu sự tiến triển của đức tin Hội thánh về thân thế của Chúa Giêsu.I. Nền tảng Kinh thánh.
Thoạt tiên xem ra đây là một chân lý quá hiển nhiên, vì đã được nói tới ngay từ một bản văn kỳ cựu của Tân ước, tức là Galata 4,4: ” khi thời gian đã tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh bởi người đàn bà, sinh dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Dĩ nhiên, trong đoạn văn này, thánh Phaolô chú trọng tới công cuộc cứu chuộc của đức Kitô hơn là tới chức phận của đức Maria. Tuy nhiên, chân dung của đức Maria được sáng tỏ thêm một khi đã ý thức được chân tướng của người con do bà sinh ra. Thực vậy, đức Kitô không phải chỉ hiện hữu kể từ khi lọt lòng mẹ, nhưng đã hiện hữu từ trước và được Chúa Cha sai đến, nhằm cứu chúng ta khỏi ách lề luật và ban cho chúng ta hồn ơn làm con Chúa.
Sang tới Phúc âm của thánh Matthêo, thì ta biết rõ hơn là đức Maria là mẹ của đức Giêsu, “đấng cứu chuộc dân” (Mt 1,21), “Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta” (Mt 1,23). Theo Luca 1,35, thiên sứ cho biết con trẻ sinh bởi đức Maria được gọi là “Thánh, Con Thiên Chúa”. Bà Ysave đã chào đức Maria như là “Mẹ của Chúa tôi” (1,43).

II. Lịch sử tín điều.
Niềm tin về đức Giêsu là “Con Thiên Chúa làm người, sinh bởi đức Maria” đã được phát biểu trong các tín biểu (kinh tin kính) cổ điển nhất của Hội thánh, tuy dưới những dạng thức hơi khác biệt tùy địa phương. Thí dụ: đức Kitô “sinh ra bởi Thánh Thầm và bởi trinh nữ Maria” (natus est de Spiritu Sancto ex Maria Virgine: tín biểu rửa tội của Hippolito ở Rôma, tk.3); “nhập thể và sinh làm người bởi trinh nữ Maria” (Constitutiones Apostolorum, xuất xứ từ Siria và Palestina vào cuối tk.4); “nhập thể, nghĩa là sinh ra vào thời buổi chót, bởi thánh Maria trọn đời đồng trinh” (Tín biểu rửa tội Antiokia, cuối tk.4); “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, đã nhập thể bởi quyền năng Thánh Thần và do Maria đồng trinh, đã làm người” (tín biểu công đồng Constantinopoli 381).
Với hai công đồng Nicea (325) và Constantinopoli I (381), Giáo hội đã tuyên xưng đức tin rằng đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha, (chứ không phải chỉ là một thụ tạo được Chúa nhận làm nghĩa tử, theo như chủ trương của Ariô); Ngài là đấng Cứu thế (nhập thể vì phần rỗi loài người); Ngài cũng là người, bởi vì sinh ra từ một phụ nữ.
Tuy nhiên sau công đồng Nicêa, các trường phái thần học vẫn còn tiếp tục tìm hiểu thêm về bản tính của đức Kitô, nổi bật hơn cả là hai khuynh hướng của trường Alexanđria và Antiôkêna. Học phái của Alexandria nhấn mạnh đến thiên tính của đức Kitô: Ngài là Ngôi Lời nhập thể. Trong tiếng Hy lạp: khi nói rằng “Lời (Logos) trở thành xác (sarx)”, thì tiếng “xác” cần hiểu theo tư tưởng của Do thái, nghĩa là toàn thể con người xét như là một thụ tạo dòn mỏng yếu đuối. Thế nhưng, Apollinarê Laođixêa lại giải thích tiếng “xác” theo nghĩa triết học hy lạp, và chủ trương rằng Ngôi Lời chỉ mặc lấy thân xác của con người, chứ không nhận lấy hồn: nói một cách khác, đức Kitô không có hồn của con người, bởi vì Lời Chúa chiếm giữ những chức phận thiêng liêng của con người. Hậu nhiên, trong đức Kitô chỉ có thiên tính: một Thiên Chúa với một thân xác loài người, chứ Ngài không phải là người thật. Apollinare cũng thêm rằng nếu đức Maria đã sinh ra đức Giêsu, thì tất nhiên đức Maria phải được gọi là Thiên mẫu (Theotokos) bởi vì đã sinh ra Thiên Chúa.
Tuy rằng tước hiệu “Thiên mẫu” nguyên nó không có gì nghịch với Kinh thánh, nhưng xét vì nó phát xuất từ trường phái Alexandria với chủ trương đức Kitô chỉ có một bản tính (mia phýsis), cho nên tước hiệu đó đã bị trường phái đối lập ở Antiokia tẩy chay. Trường phái Antiokia chủ trương rằng đức Kitô có hai bản tính (día physis). Tiếc rằng, khi nhấn mạnh quá đáng tới hai bản tính (thiên tính và nhân tính) đến nỗi hầu như tách biệt lẫn nhau (đức Kitô là người, sau đó được Ngôi Lời thu nhận do ơn thánh). Hậu nhiên, đức Maria không thể gọi là Thiên mẫu được, mà chỉ là nhân mẫu (anthropotókos).
Khi được bầu làm thượng phụ Constantinopoli vào năm 428, Nestôriô (xuất thân từ trường phái Antiokia) cố gắng dung hòa hai chủ trương nói trên bằng cách đề nghị gọi đức Maria là Kitômẫu (Christotókos). Tuy nhiên, Nestôriô lúng túng khi giải thích về sự kết hợp giữa Thiên Chúa với con người nơi đức Kitô: sự kết hợp không phải tại vì có một ngôi vị duy nhất nhưng là do ơn thánh “chiếm đoạt” (appropriatio) con người. Do đó mà theo Nestôriô, cái chết của đức Giêsu trên thập giá là một việc xảy ra cho con người Giêsu, chứ không ảnh hưởng chi tới Ngôi Lời hết.
Công đồng Ephêsô họp năm 431 đã luận phi thuyết của Nestôriô, với những lời khẳng định như sau: 1) Lời, tuy không bị biến đổi gì, đã làm người. 2) Nhân tính của đức Kitô, gồm bởi hồn và xác, cũng không bị biến đổi gì hết. 3) Tuy nhiên, Lời đã kết hợp với một thân xác và một linh hồn con người trong một ngôi vị duy nhất là đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa: Hai bản tính vẫn khác biệt nhau nhưng được kết hợp cách nhiệm lạ trong một ngôi vị (hypostasis). 4) Do đó, không thể nói rằng đức Maria đã sinh ra một người, và sau đó Lời Chúa đáp xuống người ấy như ngự trong đền thờ; cần phải nói rằng Lời Chúa đã kết hợp với nhục thể trong lòng đức Maria, do đó đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, và đáng được gọi là Theotokos (người sinh ra Thiên Chúa).
Chúng ta nên lưu ý rằng công thức mà công đồng Êphêsô sử dụng là “đức Maria là kẻ sinh ra (= đẻ ra, tókos; genetrix) Thiên Chúa” (Theotokos, Deipara, Dei Genitrix), chứ không phải là “đức Maria là mẹ (méter) của Thiên Chúa”. Tuy rằng trên thực tế không có gì khác nhau, nhưng công đồng tiên vàn nhắm định nghĩa mầu nhiệm nhập thể, nghĩa là Ngôi Lời đã kết hợp với nhân tính ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng của đức Maria, chứ không phải là Ngôi Lời chiếm đọat một con người đã thành hình rồi. Như vậy tín điều của công đồng Ephêsô liên hệ trực tiếp đến đức Kitô, và cách gián tiếp có liên quan tới đức Maria. Xét về lịch sử, thì không ai chối cãi được ảnh hưởng của thánh Cirillô Alexandria trong công đồng Ephêsô trong việc khẳng định sự hợp nhất hai bản tính trong một ngôi vị, đối lại với lập trường của Nestôriô, lúng túng khi giải quyết sự hòa hợp giữa hai bản tính (theo Nestôrio, không thể gọi đức Kitô là Thiên Chúa mà chỉ là “Theophorus – Deiferus” , kẻ mang Chúa). Tuy nhiên cũng nên biết là phải chờ 20 năm nữa, tại công đồng Calcedonia thì Giáo hội mới tìm thấy cách thức phát biểu chính xác hơn về sự hợp nhất giữa thiên tính và nhân tính nơi đức Kitô.
Mặt khác, cũng nên biết rằng công thức “Mẹ Thiên Chúa” có tính cách hàm hồ, và Nestôriô có lý khi chỉ trích nó. Trong Kinh thánh, tiếng “Thiên Chúa” được áp dụng cho Chúa Cha; vì vậy mà nói rằng đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì có thể hiểu là Mẹ của Chúa Cha (một điều không thể chấp nhận được!). Nếu muốn nói chính xác hơn thì phải nói rằng “đức Maria là mẹ của Con Chúa”. Đức Maria là mẹ của toàn thể bản thân đức Kitô, chứ không phải chỉ là mẹ của thân thể hay mẹ của nhân tính! Tuy nhiên ta cũng nên lưu ý ba điểm sau: 1) Đức Maria không phải là mẹ của thiên tính (do đó không phải là mẹ của cả Ba Ngôi Thiên Chúa); 2) Nhân tính của đức Kitô đã kết hợp với thiên tính thành một ngôi vị duy nhất, ngôi vị Thiên Chúa; nhưng điều đó không áp dụng cho đức Maria: đức Maria vẫn là con người, chứ không biến thành một nữ thần! 3) Đức Kitô bắt đầu hiện hữu kể từ khi Ngôi Lời kết hợp với một con người được thụ thai trong lòng đức Maria; tuy nhiên Ngôi Lời đã hiện hữu từ muôn thuở; do đó mà đức Maria tuy là mẹ của đức Kitô nhưng vẫn là thụ tạo của Ngôi Lời!

III. Suy tư thần học.
Trong quá khứ, khi nói tới chức phận làm mẹ của đức Maria, thần học coi đây là một ơn gọi làm nền tảng cho tất cả những đặc ân mà Chúa dành cho Người (thí dụ: vì là Mẹ Thiên Chúa, nên đức Maria phải được giữ gìn khỏi nguyên tội; thân xác Người phải được đem về trời, vân vân). Ngày nay, thần học một đàng muốn trở về với Kinh thánh và các giáo phụ, khi nhấn mạnh rằng đức Maria được khen là có phúc không phải vì được làm mẹ của đức Kitô cho bằng vì đã tin vào lời Chúa; đàng khác thần học cũng muốn đào sâu thêm vai trò của người mẹ của đức Giêsu xét như là con người: chức phận làm mẹ không phải chỉ giới hạn vào việc sinh đẻ hay cho con bú mớm, nhưng còm mở rộng tới việc chuyền thông tình yêu, giáo dục.

1/ Mẹ Thiên Chúa.
Như đã thấy trong phần lịch sử, khi công đồng Êphêsô định nghĩa đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” (người đã sinh ra Chúa), thì mục tiêu chính không phải là đề cao một tước hiệu của đức Maria song là để bảo vệ chân lý về Thiên Chúa nhập thể. Từ đó ta cũng có thể rút ra một hệ luận này: tước hiệu Mẹ Thiên Chúa tiên vàn phẩi được nhìn trong bối cảnh của mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa đã muốn trở thành người như chúng ta, làm con của một người phụ nữ (Gl 4,4). Thiên Chúa muốn đến với nhân loại qua một gia đình (tình mẫu tử), chấp nhận điều kiện của con người, từ thai nhi yếu ớt và lớn dần, chứ Ngài không “nhảy dù” từ trên không trung xuống.
Thiên Chúa đã chọn một bà mẹ giữa hàng những người “tôi tớ” khiêm tốn (Lc 1,38.48). Với cuộc Nhập thể của đức Kitô, Thiên Chúa tỏ ra một đường lối mới trong cách xử sự của Ngài: quyền năng của Ngài biểu lộ qua sự yếu đuối của con người (1Cr 1, 21-31). Sự chọn lựa ấy là hiệu quả của một hồng ân (Lc 1,30); hồng ân bao hàm một tình yêu đặc biệt mà Chúa dành cho đức Maria. Tình yêu ấy đã thánh hóa đức Maria, và ban cho Người khả năng đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa đã gây một hậu quả làm thay đổi bản thân đức Maria: thanh luyện, thánh hóa. Ta cũng có thể thêm rằng trong suốt những năm gần gũi Chúa Giêsu, mối liên lạc giữa mẹ với Con Thiên Chúa không ngừng tăng gia sự thánh thiện và các nhân đức nơi đức Maria.

2/ Mẹ của đức Giêsu.
Thực khó mà biết được những tâm tình của đức Maria đối với con của mình: liệu đức Maria đã đạt đến đức tin hoàn toàn vào thiên tính của Chúa Giêsu trong những năm ở Nadareth hay chưa? Liệu đức Maria đã có ý thức rằng mình là mẹ của một kẻ vừa là người vừa là Chúa, như công đồng Êphêsô đã định nghĩa hay không? Chắc rằng không ai trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó, ngoại trừ chính đức Maria! Dù sao chăng nữa, đức Maria cũng là mẹ của đức Giêsu xét là một con người. Có thể nói rằng chính nhờ đức Maria, mà Chúa Giêsu làm quen với thế giới loài người, đã đi vào văn hóa nhân loại, học cách cư xử làm người, học ăn học nói, cũng như học cách cầu nguyện. Thật là cả một mầu nhiệm gói ghém trong câu Phúc âm của Luca 2,52: “đức Giêsu tấn tới về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta”. Chắc chắn đức Maria đã góp phần không nhỏ khi giúp cho con mình tấn tới như vậy (Xem sách Giáo lý Hội thánh công giáo số 532-533.2599).
Dù xét đức Maria là Mẹ của đức Kitô, xét như là Con Thiên Chúa hay xét như là con người đi nữa, thiết tưởng cũng cần thêm rằng mối liên hệ mẹ – con có tính cách hằng cửu. Bà mẹ mãi mãi là mẹ, dù khi đứa con đã khôn lớn, hay khi cả hai đều khuất bóng.

Mục II. MẸ ĐỒNG TRINH

I. Nền tảng Kinh thánh

A. Thụ thai trinh khiết.
Khi thuật lại việc thụ thai Chúa Giêsu, cả thánh Matthêô (1,18-25) lẫn thánh Luca (1,34-35) đều khẳng định rằng đức Maria không “biết” đến người nam. (Trong ngôn ngữ Do thái, “biết” có nghĩa là ăn ở vợ chồng). Nên biết là hai thánh sử vừa nói thuộc về hai lưu truyền khác nhau: Matthêo nhận được lưu truyền từ phía Giuse, còn Luca nhận lấy lưu truyền từ đức Maria.
Hình như Marcô (6,3) cũng mặc nhiên chấp nhận điều đó khi gọi đức Giêsu là “con bà Maria”, đang khi mà lẽ ra phải gọi là “con ông Giuse” (theo Mt 12,46).

B. Trinh khiết sau khi sinh con.
Tuy rằng Kinh thánh không có nói, nhưng ngay từ đầu, truyền thống Kitô giáo đã thâm tín điều này. Mặt khác, trải qua lịch sử, đã có nhiều người đã phủ nhận sự trinh khiết trọn đời của đức Maria khi dựa vào những bản văn Kinh thánh nói về các anh em của Chúa Giêsu (Mc 3,31; Mc 6,3; Cv 1,14; 1Cr 9,5; Gl 1,19; Ga 7,3.5.10), hoặc: Chúa Giêsu là con đầu lòng (Lc 2,7), hoặc: đức Maria không ăn ở vợ chồng cho tới khi sinh con (Mt 1,25).

II. Lịch sử

Huấn quyền của Giáo hội đã định nghĩa “đức Maria trọn đời đồng trinh” (aeiparthenos: semper virgo). Từ ngữ “trọn đời đồng trinh” được khẳng định trong tín biểu của Epiphaniô, giám mục Salamis (+403). Kế đó các công đồng Constantinopoli II (533) và nhất là Laterano (năm 649, do đức Martino I triệu tập). Dần dần, tín điều trọng đời đồng trinh được trình bày tỉ mỉ hơn như là “đồng trinh trước khi sinh, đang khi sinh và sau khi sinh” (ante partum, in partu et perpetuo post partum: Phaolo IV, tông hiến Cum quorumdam hominum, 7/8/1555: DS 1880).

A. Đồng trinh trước khi sinh, và trọn đời đồng trinh.
Ngay từ thời các giáo phụ, các tín biểu địa phương (bên Đông và bên Tây) cũng như các tín biểu của các công đồng hoàn vũ đều tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng đồng trinh của đức Maria, do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cách thức phát biểu có thể thay đổi nhưng tựu trung với nội dung như nhau. Vài tỉ dụ: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, và đã nhập thể do Thánh Thần (de Spiritu Sancto) bởi trinh nữ Maria (ex Maria virgine), và đã làm người” (Tín biểu công đồng Constantinopoli I, 381). “Đức Giêsu đã được sinh bởi Chúa Cha về thiên tính trước khi có thời gian, được sinh ra theo nhân tính bởi Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, trong thời chót, vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta” (công đồng Calxêđônia,451) ” Sinh bởi Chúa Cha không có mẹ, sinh bởi Trinh nữ không có cha, Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta” (công đồng Toleđô VI, 638).
Những công thức tín biểu nói trên đây tiên vàn nhắm tới bản tính của Chúa Giêsu (Ngôi Lời nhập thể, hiện hữu từ muôn thuở, và làm người do quyền năng Thánh Thần); thứ đến cũng quy hướng tới đức Maria: một đàng Người là mẹ của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời Người đồng trinh khi mang thai cũng như khi sinh ra. Cả hai khía cạnh ấy không những muốn làm nêu bật tính cách khác thường xảy ra trong sự thụ thai và sinh ra của Chúa Giêsu( do quyền năng của Thánh Thần), nhưng cũng đề cao đức Maria vì từ khi khám phá ra ơn gọi của mình thì đã dành trót đời để phục vụ sứ mạng của Con mình: mầu nhiệm của đức Kitô đã thu hút tất cả đời của mẹ. Ít là từ thế kỷ thứ 4, đức Maria đã được tuyên xưng “Trinh nữ” (Virgo), “thánh Trinh nữ” (sancta virgo) “Kẻ trọn đời đồng trinh” (semper virgo): Người trinh khiết không những khi thụ thai đức Giêsu mà trinh khiết suốt đời.

B. Trinh khiết khi sinh.
Cần phải phân biệt hai khía cạnh: tín lý và giải thích. Tín lý nói rằng Đức Maria đồng trinh (về thể lý và tâm lý) khi sinh con (công đồng Laterano năm 649). Còn việc giải thích là chuyện khác, như sẽ nói dưới đây.
Vào những năm sau công đồng Vaticano II, tín điều đức Maria là mẹ đồng trinh bị chỉ trích vì nhiều lý do. (a) Có người cho rằng việc đề cao sự trinh khiết làm hạ giá phẩm chức cao trọng của bí tích hôn nhân. (b) Quan niệm khác thì cho rằng chuyện trinh nữ mang thai thuộc vào loại thần thoại hoang đường, không hợp với Kitô giáo: vì vậy việc đức Kitô sinh ra bởi một đôi hôn nhân thường tình sẽ làm nổi bật hơn tính chất lịch sử của đức tin: đức Kitô đã nên giống một người như bao người khác. (c) Tân ước không muốn khẳng định khía cạnh sinh lý của việc thụ thai của Chúa Giêsu: từ ngữ “thụ thai trinh khiết” chỉ có tính cách biểu tượng nhằm phát biểu chân lý về thiên tính của đức Kitô cũng như tính cách hồng ân của việc Nhập thể.
Những vấn nạn ấy có thể chỉ là những bung xung che lấp những lý do khác nữa, thí dụ như: coi các phép lạ như chuyện hoang đường; coi rẻ giá trị của đức trinh khiết. Tuy nhiên, những vấn nạn ấy cũng là cơ hội tốt thúc đẩy chúng ta đi sâu vào ý nghĩa thần học của việc trinh khiết, chứ không thể dừng lại ở chỗ khẳng định sự kiện hoặc tò mò muốn biết nó đã xảy ra như thế nào.

II. Ý nghĩa thần học.

A. Việc thụ thai trinh khiết.
Đây không phải là một huyền thoại: Phúc âm quả quyết như một biến cố của lịch sử, khác với những huyền thoại nói tới một vị thần mang cấy tinh trùng vào một trinh nữ, biến đứa trẻ thành một thần đồng! Cuộc nhập thể của đức Kitô không phải như vậy: Lời Thiên Chúa đã hiện hữu từ trước, đã được sinh ra bởi một phụ nữ để làm người.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa có thể nghĩ ra một đừơng lối khác để thực hiện việc nhập thể, kể cả qua việc thụ thai theo đường lối thường tình như bao con người khác. Tuy nhiên, trong kế hoạch hiện tại, chúng ta phải chấp nhận như một dữ kiện là Ngài đã chọn con đường của việc Chúa Giêsu được thụ thai và sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh. Vai trò của lý trí không phải là xét điều đó có hợp lý hay là phi lý, song là cố gắng khám phá ra ý nghĩa của đường lối mà Thiên Chúa đã dùng. Ý nghĩa có thể tạm diễn tả như sau.
1) Về phía Thiên Chúa. Ngài muốn bày tỏ vài chân lý căn bản của kế hoạch cứu độ. (i) Với việc nhập thể, một kỷ nguyên tạo dựng mới đã bát đầu. Vào lúc khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ từ hư vô bằng Lời của Ngài. Giờ đây, cũng Lời tác tạo đó lại hành động (“Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”) để khởi sự cuộc tái tạo con người: biến nó thành con cái Chúa. Cả cuộc tạo dựng lẫn cuộc tái tạo đều là hậu quả của quyền năng Thiên Chúa, một quyền năng không phải là thị võ dương oai, nhưng là quyền năng của tình thương: vì yêu thương Ngài đã dựng nên vạn vật từ hư vô, ban cho chúng được hiện hữu, thông cho chúng sự thiện của Ngài; trong công cuộc tái tạo cũng vậy, Ngài đã chọn lựa những kẻ nghèo hèn (Lc 1,48), những dụng cụ tầm thường (sự trinh khiết son sẻ là điều bỉ ổi đối với tâm thức thời ấy), để làm nêu bật khía cạnh hồng ân của ơn cứu chuộc. (ii) Việc thụ thai tinh tuyền cũng làm nổi bật sự hiện hữu từ nguyên thủy của Chúa Giêsu. Thói thường, con người bắt đầu thành hình do kết quả giao hợp giữa đôi vợ chồng. Sự giao hợp đó mang lại một mầm sống mới (trước đó chưa có). Nhưng Chúa Kitô không phải chỉ bắt đầu sự hiện hữu từ khi thụ thai hay lọt lòng mẹ, nhưng nơi Ngôi Lời Ngài đã hiện hữu từ trước; vì vậy không cần phải có sự giao hợp vợ chồng nữa.
2) Về phía đức Maria. Sự trinh khiết trọn đời muốn nói lên sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Mối tình mẹ dành cho Chúa Giêsu đã chiếm trọn khối tình yêu phụng sự của mình: đây không phải là chuyện khước từ tình yêu hôn nhân cho bằng dấu chỉ của một con người đã bị Nước Trời chiếm đoạt hoàn toàn cuộc đời, lấp đầy những thiếu thốn khó hèn của người tôi tớ khiêm hạ. Ta không nên giới hạn sự trinh khiết vào lãnh vực tiết chế khắc khổ, nhưng cần lồng nó trong tâm tình gắn bó với Thiên Chúa, đón nhận ơn gọi làm mẹ của đức Kitô và tôi tớ tuân hành Lời Chúa. Niềm tin vào đức Maria trọn đời đồng trinh cần được nhìn cách tích cực về phía tinh thần, như là sự trao hiến toàn thể những ước mơ, những hy vọng, những tính toán của mình cho Thiên Chúa. Đây là một cái nhìn trong đức tin. Những vấn nạn do đầu óc tò mò chung quanh khía cạnh thể lý chắc chắn là không thể giải quyết được, và cũng không ích lợi gì. (Xem thêm sách Giáo Lý Hội thánh công giáo số 503-507)
Dĩ nhiên đức Maria trở thành mẫu gương cho Giáo hội hết lòng gắn bó với đức Kitô với con tim không chia sẻ, cách riêng cho những ai đã tuyên giữ khiết tịnh vì Nước Trời.

B. Trinh khiết khi sinh con (vriginitas in partu).
Vào những năm từ 1952-1960, một số nhà thần học đặt lại vến đề chung quanh việc đồng trinh khi sinh con (có bị đau đớn khi sinh hay không? màng trinh có bị rách hay không?) Những cuộc tranh luận về vấn đề sinh lý đã thúc đẩy các nhà thần học tự hỏi: những sự đau đớn thể lý có thuộc về bản chất của sự trinh khiết hay không? Năm 1960, Bộ Thánh vụ (nay là bộ Giáo Lý đức tin) đã ra một nghị định cấm tranh luận về vấn đề này, có lẽ vì không muốn để các nhà thần học đi sâu quá vào những chi tiết sinh lý! Công đồng Vaticano II, trong hiến chế về Hội thánh số 57, cũng trình bày đạo lý một cách kín đáo, với ngôn ngữ lấy từ bản văn phụng vụ: “Khi sinh ra Con Thiên Chúa, … thì chính người con đã không làm giảm bớt mà còn thánh hóa sự tinh tuyền” (In nativitate …, Filius virginalem eius integritatem non minuit sed sacravit), và trưng dẫn công đồng Laterano năm 649, thánh Lêo cả. Nên biết là trong bản dự thảo lược đồ, các chuyên viên muốn nhấn mạnh tới việc thân xác nguyên tuyền (integritas physica); nhưng lối văn đã bị sửa lại.

Trả lời