“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,39-45).

Nền tảng Thánh Kinh

Chúng ta bắt đầu suy tư bằng việc xác định ý nghĩa của từ ‘người khác’. Chữ ‘người khác’ chỉ đơn giản là ‘một người nào đó’, (‘không phải chính mình’). Mỗi ngày, chúng ta đều gặp gỡ cách cá vị với người khác, gặp gỡ một ngôi vị khác, dù họ là ai, trực tiếp hay gián tiếp. Dù chúng ta có gặp gỡ nhiều ‘người khác’, nhưng cuộc gặp gỡ luôn xảy ra ‘từng lần một, diện đối diện’. Gặp ‘diện đối diện’, điều này nói lên ‘sự hiện diện sống động của một ngôi vị khác’. Khi chúng ta gặp “diện đối diện” với một ngôi vị khác, trải nghiệm này là một trải nghiệm mang tính xã hội và đạo đức (chứ không chỉ mang tính trí tuệ, thẩm mỹ hoặc thể chất đơn thuần). Ngôi vị khác như một ‘hiện diện sống động’ là sự hiện diện dễ bị tổn thương trước ta, hoặc bị phơi bày trước ta. Anh ấy/ cô ấy biểu lộ bản thân anh ấy/ cô ấy đơn giản bằng cách hiện diện ở đó. Ta không thể giảm thiểu anh ấy/ cô ấy thành một hình ảnh hay một ý tưởng. “Mặc dù chúng ta hiện diện và biểu lộ bản thân chúng ta thông qua diện mạo của mình, tức là qua lời nói, cử chỉ, hành động, tư thế cơ thể,… thì khuôn mặt là khía cạnh bị bộc lộ nhiều nhất, dễ bị tổn thương nhất và biểu cảm nhất trước sự hiện diện của người khác”[1].

Ngay khi sứ thần Gabriel từ biệt ra đi. “Bà Maria trỗi dậy và vội vã lên đường tiến lên miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth” (Lc 1,39-40). Sự kiện này đã được mô tả như là cuộc thăm viếng. Nhưng ở đây còn hơn một cuộc thăm viếng bình thường. Nơi cuộc thăm viếng này cả hai người đều trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ, bởi vì một cuộc thăm viếng bình thường thì không có sự biến đổi mạnh mẽ như vậy. Cuộc thăm viếng bình thường có thể không có mục đích, nhưng cuộc thăm viếng này lại có. Mục đích thăm viếng của Đức Maria đối với bà Elisabeth là gì? Phải chăng là để xác định lời Thiên thần đã nói với Mẹ – “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1,36)? Hoặc chỉ để phục vụ người chị họ Elisabeth trong lúc bà cần, như lời giải thích của những nhà giảng thuyết? Mục đích hành trình viếng thăm của Đức Maria để gặp người chị họ Elisabeth không được trình bày rõ ràng trong Phúc âm. Tuy nhiên, từ Lc 1,56 chúng ta có thể suy luận rằng mục đích của Đức Maria là để “cư ngụ” hoặc để “ở lại” đó (trong tiếng Hy lạp meno). Cùng một động từ đã được dùng trong Ga 1,39, nơi mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài hãy “đến và xem”. Lưu lại hoặc ở lại có nghĩa là người này ở trong sự hiện diện của người kia. Đức Maria chọn lựa ở lại trong sự hiện diện của bà Elisabeth.

Cuộc thăm viếng của Đức Maria xảy ra qua ba giai đoạn: thứ nhất, Đức Maria lắng nghe Lời Chúa qua sứ thần Gabriel; thứ hai, là phân định. Và thứ ba là hành động, Mẹ chọn đi gặp bà Elisabeth. Đức Maria đã thực sự đến thăm bà Elisabeth.

Ba giai đoạn này quan trọng trong những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác: trước hết, chuyển động của chúng ta hướng về người khác được đặt nền tảng trên chuyển động của chúng ta hướng về Thiên Chúa; thứ hai, trong mỗi khoảnh khắc chúng ta gặp gỡ với người khác, chúng ta thực hiện sự phân định và đưa ra một chọn lựa; và thứ ba, chúng ta thực sự gặp gỡ người khác.

Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chúng ta rằng: “Sự sợ hãi tước đi trong chúng ta ước muốn và khả năng gặp gỡ người khác[2]. Đức Thánh Cha còn thêm: “Thật là nghịch lý, có những nỗi sợ hãi từ bao đời truyền lại dẫu cho kỹ thuật có phát triển thế nào cũng không vượt thắng được; ngược lại, chúng có thể ẩn nấp và lan truyền đằng sau những kỹ thuật tân kỳ. Ngày nay cũng thế, bên ngoài các bức thành cổ xưa là vực thẳm, là lãnh địa xa lạ, là sa mạc hoang vu. Bất cứ điều gì phát xuất từ đó đều không thể tin cậy, vì đều xa lạ, không quen biết, không quen thuộc, không thuộc thành phần ngôi làng của chúng ta. Đó là vùng đất của “man dân”, là kẻ chúng ta phải lo phòng thủ đối địch bằng mọi giá. Do đó, các bức tường mới được dựng lên để tự vệ, để rồi thế giới bên ngoài không còn tồn tại mà chỉ còn thế giới “của tôi”, đến nỗi những người khác, không còn được xem là con người với phẩm giá không thể tước bỏ, nhưng chỉ là “bọn chúng” mà thôi. Chúng ta lần nữa lại đương đầu với “cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa, để ngăn ngừa cho khỏi giáp mặt với các nền văn hóa khác, với các dân tộc khác. Và rốt cuộc những người xây tường sẽ thành nô lệ bên trong chính những bức tường họ đã dựng xây. Họ không có chân trời để hướng tới, bởi thiếu vắng sự đổi trao với các nền văn hóa khác, với những người khác”[3].

Ý nghĩa hiệp hành

Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua sự sợ hãi? Cách thứ nhất để vượt qua sợ hãi đó là nhờ vào khả năng ngồi lại và lắng nghe người khác[4]. Điều này sẽ thực hiện được khi có sự tin tưởng. Cách thứ hai, thông qua sự sẵn sàng để dự phần vào trong đau khổ của những người xung quanh như Thánh Phaolô khuyên nhủ, “Vui với người vui! Khóc với người khóc” (Rm 12,15). Thông qua những điều này chúng ta sẽ cảm nghiệm được người khác là “anh em cốt nhục” của mình[5].

Làm thế nào để chúng ta có thể vui mừng với người khác? Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết rằng tha nhân trở thành một nhu cầu bắt buộc để chúng ta sống cuộc đời mình tốt hơn: “Con người được tạo dựng cách nào đó, sao cho họ không thể sống, phát triển và đạt đến mức thành toàn nếu không “chân thành trao ban chính mình”. Con người cũng không thể hiểu biết tường tận sự thật về chính mình, nếu không gặp gỡ người khác: “Tôi chỉ thực sự thông hiệp với chính mình trong mức độ tôi thông hiệp với người khác”. Điều đó giải thích tại sao không ai có thể cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống nếu không có những khuôn mặt cụ thể để yêu thương. Điều này tỏ lộ bí ẩn của kiếp nhân sinh đích thực, vì “sự sống tồn tại nơi nào có mối liên kết, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn cái chết khi nó được xây dựng trên những mối quan hệ chân thực và sự gắn bó thủy chung. Ngược lại, sự sống không tồn tại nơi nào người ta cho rằng mình chỉ thuộc về mình và sống như những ốc đảo: cái chết đã thắng thế nơi những thái độ này”[6].

Trong vở kịch No Exit (Không lối thoát) (1945), triết gia Jean-Paul Sartre, đã nói rằng ‘tha nhân là hỏa ngục’. Khi quan niệm này ăn sâu trong suy nghĩ của chúng ta, nó sẽ dẫn chúng ta đến phản ứng ‘bất khoan dung’ và ‘vô cảm’. Phản ứng bất khoan dung chính là bạo lực trong tâm hồn chúng ta. Nó không khoan dung cho sự hiện diện của người khác. Nó cố gắng loại bỏ người khác ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ở đây, người khác trở thành một ai đó phải bị loại bỏ. Phản ứng thứ hai có thể xảy ra đó là sự vô cảm. Sự vô cảm còn tồi tệ hơn cả sự bất khoan dung, vì đối với sự bất khoan dung thì người khác còn được xem như là một đối thủ, nhưng đối với sự vô cảm thì người khác hoàn toàn bị phớt lờ, và “nhân vị người khác không tồn tại”.

Làm cho Giáo hội sống động

Đặt cuộc sống trong bối cảnh đại dịch, Tài liệu Chuẩn bị khẳng định sự cấp thiết trong việc chúng ta thực hiện hành trình cùng nhau: “Thảm kịch toàn cầu như đại dịch Covid-19, “có lúc đã khơi lại rõ ràng cái cảm thức chúng ta là một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con thuyền, ở đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho người khác. Phải nhớ rằng nếu có được cứu, thì tất cả cùng được cứu, chứ chẳng có chuyện chỉ riêng ai đó được cứu” (Thông điệp Fratelli Tutti, 32). Đồng thời, đại dịch đã phơi bày rõ nét những bất bình đẳng và bất công vốn đã hiện hữu: nhân loại dường như càng bị chao đảo bởi những tiến trình đại chúng hóa và phân mảnh; thân phận bi thảm của các di dân trên khắp mọi miền thế giới chứng tỏ những hàng rào phân rẽ gia đình nhân loại duy nhất vẫn sừng sững dương cao”[7]. Chúng ta cần phải hoán cải chính mình. ‘Hoán cải’ là bước đầu tiên trong hành trình cùng nhau. Thông qua hoán cải, chúng ta quay về với Chúa và với người khác.

Tài liệu Chuẩn bị đặt trước chúng ta hai khung cảnh[8]: một là ‘Khung cảnh Cộng đoàn’, nơi Đức Giêsu, đám đông, và các môn đệ được hiệp nhất với nhau trong mối dây mang tính hòa hợp và bao gồm lẫn nhau. Cái này không có ý nghĩa gì nếu thiếu cái kia. Khung cảnh thứ hai là câu chuyện về ông Cornêliô. Thánh Tông đồ Phêrô đã bước ra khỏi sự an toàn của bản thân để đi đến và ôm lấy ông Cornêliô. Thánh Phêrô đã trải qua một cuộc hoán cải bản thân và ông Cornêliô phải cần mở rộng tâm hồn. Kết quả là sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần. Đặt vào một hình ảnh ẩn dụ trong nông nghiệp, thánh Phêrô nghĩ rằng với cái xuổng trên tay, ông có thể điều khiển được dòng nước chảy như thế nào và chảy đến đâu. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng Thiên Chúa, Đấng toàn năng hơn khi Ngài làm cho toàn cánh đồng được ngập nước nhờ một cơn mưa lớn, và thánh Phêrô đã bỏ cái xuổng xuống và tận hưởng cơn mưa. Việc vui mừng với người khác có nghĩa là chúng ta buông bỏ cái xuổng của mình. Cái xuổng khiến chúng ta có thái độ tự đủ cho mình, chỉ dựa vào khả năng bản thân, và đóng kín lòng mình.

Trong Giáo hội hiệp hành, chúng ta cần biết vui mừng với người khác. Khi chúng ta khép kín lòng mình, thì chúng ta cũng đóng cửa với người khác trong sự không tin tưởng. Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elisabeth diễn ra trong căn nhà. Sau khi nhận được lời chào từ bà Elisabeth, Đức Maria không chào lại, nhưng Mẹ dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa qua lời kinh Magnificat. Chính Đức Maria, người đã được Thiên Chúa thúc đẩy đi thăm bà Elisabeth, đã kết thúc bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Những chuyển động cùng lúc hướng về người khác làm cho Giáo hội sinh động.

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (06.07.2024)

________

[1] Emmanuel Levinas, Totality and Infinity: An Essay on Extraordinary Exteriority (Tính toàn thể và tính vô hạn: Một tiểu luận về ngoại cảnh phi thường), (bản dịch của Alphonso Lingis), Nhà xuất bản Đại học Duquesne, Pittsburg 1969, trang 150.

[2] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội, 03.10.2020, số 41.

[3] Ibid., số 27

[4] x. Ibid., số 48

[5] x. Ibid., số 84

[6] Ibid., số 87

[7] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 5

[8] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), các số 17-21 và các số 22-24.