Ngày 15/07: Thánh Bônaventura, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh

1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh  Bônaventura sinh tại Toscane nước Ý, năm 1221

Lúc lên 4 tuổi, Thánh nhân bị bệnh nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Thấy mọi phương thế trần gian bất lực nên mẹ đem ngài đến nhờ thánh Phanxicô cầu nguyện. Và Chúa đã nhậm lời cho Ngài được lành mạnh. Ngài luôn nhớ ơn đó, nên sau này Ngài đã vào tu dòng của thánh Phanxicô.

Năm 15 tuổi, Thánh nhân được cha mẹ gởi đến học ở Balê là trung tâm văn hóa thời đó. Ngài theo học triết học và thần học với giáo sư nổi tiếng Alêxanđria.

Chính trong thời gian học ở đây, Ngài đã gặp Tôma Aquinô là một sinh viên tài ba lỗi lạc. Hai người kết bạn thân với nhau và thường lui tới học hỏi nhau về các môn học phần đời cũng như  đàng nhân đức trọn lành. Thấy bạn mình thông minh tài đức, Tôma Aquinô hỏi:

– Bạn học sách nào vậy?

Bônaventura chỉ cây Thánh giá và nói:

– Tôi học với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chính trong các vết thương đẫm máu của Người mà tôi tìm được mọi sự hiểu biết cho tôi”

Khoảng năm 1243, Bônaventura gia nhập dòng Thánh Phanxicô. Nhà Dòng thấy Ngài nhân đức lại khôn ngoan thông giỏi, nên năm 1257 đã bầu Ngài làm Bề trên Cả của dòng. Lúc đó trong dòng đang gặp cơn xung khắc giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ luật dòng nhiệm nhặt với những người muốn giảm bớt. Ngài đã giải quyết ổn thỏa các cuộc tranh chấp và đã ban hành hiến pháp chung cho dòng.

Ngài cũng viết nhiều sách để huấn luyện các tu sĩ về đàng nhân đức thánh thiện. Trong tác phẩm bàn về con đường hướng tâm hồn lên Chúa, Thánh nhân viết :

“Chúa Kitô là đường đi và là cửa vào. Chúa Kitô là thang và là xe. Người như bàn xá tội đặt trên hòm bia Thiên Chúa và là mầu nhiệm giấu kín từ khởi nguyên.

Ai nhất định quay mặt hẳn về bàn xá tội ấy và nhìn Chúa chịu treo trên thập giá với lòng tin, cậy, mến và lòng sốt sắng, ngưỡng mộ, hân hoan, cảm mến, ca tụng và vui mừng thì người ấy sẽ nhờ cây Thập Giá mà làm cuộc Vượt qua biển Đỏ

Trong cuộc vượt qua nầy, nếu muốn nên hoàn hảo, thì phải bỏ mọi sinh hoạt của trí năng, phải biến đổi và chuyển hướng trọng tâm của mọi khát vọng vào Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm vô cùng sâu kín, chẳng ai biết được nếu không nhận được, và chẳng nhận được nếu không ao ước, và chẳng ao ước nếu không được Thánh Thần mà Chúa Kitô sai xuống trần gian đốt lửa lên ở trong lòng. Thế nên Thánh tông đồ bảo đây là sự khôn ngoan mầu nhiệm do Chúa Thánh Thần mạc khải”.

Ngoài ra việc bổn phận trong dòng, Thánh nhân còn đi giảng thuyết nhiều nơi, kêu gọi mọi người sống đời trọn lành. Chính Ngài là người đầu tiên khởi xướng ba giai đoạn trong khoa tu đức là thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo. Đó là ba thời kỳ cần phải tập luyện để tiến tới sự trọn lành.

Năm 1265, Đức Giáo Hoàng Clêmentê thứ tư chọn Ngài làm Tổng Giám mục, nhưng vì lòng khiêm tốn Ngài đã từ chối. Nhưng khi Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 10 quyết định đặt ngài làm Hồng Y, Ngài phải vâng lời và đi dự Công đồng chung Lyon.

Sau khi dự Công đồng, Thánh nhân đã qua đời ngày 15 tháng 7 năm 1274, được Đức Giáo Hoàng Sixtê thứ IV tôn phong hiển Thánh, và Đức Sixtê thứ V đặt Ngài làm Tiến sĩ Hội thánh.

2. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

a. Phương thế thứ nhất luôn liên kết với Chúa Giêsu.

Khi được hỏi Ngài đã tìm được con đường nên thánh ở đâu thì Bonaventura đã trả lời: “Tôi học với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chính trong các vết thương đẫm máu của Người mà tôi tìm được mọi sự hiểu biết cho tôi”

Bonaventura quả thực đã tìm được con đường nên thánh qua việc liên kết cuộc đời của mình với Chúa Giêsu: “Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quý và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan, tôi tìm cách cưới Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm…. Nếu trên đời này,  giàu sang là báu vật ai ai cũng khao khát, thì còn có gì giàu sang hơn Đức Khôn Ngoan, vì Đức Khôn Ngoan làm nên tất cả? Nếu như con người vận dụng trí thông minh mà làm nên việc này việc nọ, thì hỏi có ai hơn được Đức Khôn Ngoan là tay thợ đã làm nên tất cả? Nhờ Đức Khôn Ngoan, tôi sẽ được trường sinh bất tử. Bởi thế tôi đi khắp ngả tìm cách lấy được Đức Khôn Ngoan cho riêng mình”.

b. Phương thế thứ hai luôn sống khiêm nhường.

Đây là một giai thoại nói về sự khiêm nhường của Ngài. Giai thoại kể rằng Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X yêu cầu thánh Tôma và Bonaventura sáng tác cho Đức Thánh Cha một bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi đã làm xong cả hai đấng cùng vào yết kiến Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha truyền các ngài đọc bản kinh lễ do chính mình làm. Thánh Tôma đọc trước. Trong khi nghe thánh Tôma đọc bản kinh lễ của mình, thánh Bonaventura khiêm tốn xé nát bản kinh lễ mà chính ngài đã dày công soạn thảo. Đây chỉ là một câu chuyện, trong muôn vàn câu truyện khác, minh chứng cách hùng hồn lòng khiêm tốn cao độ của thánh Bonaventura.

Vâng, muốn nên thánh, chúng ta cần phải biết sống khiêm nhường. Đây là những lời được trích từ sách Gương Chúa Giêsu: Đức khiêm nhường là điểm tựa, là nền tảng của tòa nhà thiêng liêng.  Ai muốn bé đi thì lại được lớn, ai khiêm nhường thì được nâng cao lên, hãm cơn giận thì được thêm sức mạnh.

Một nữ văn sĩ nổi tiếng kia có thuật lại một kinh nghiệm như sau:

Một khi tôi bị thất vọng với những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi thường để tâm hồn lắng dịu lại và hồi tưởng về em bé mang tên JEVIS CHAUD. Jevis Chaud mơ ước được đóng một vai trong vở kịch được tổ chức hằng năm ở trường. Đêm trình diễn văn nghệ này là một trong những biến cố quan trọng nhất trong các sinh hoạt học đường. Mẹ em Jevis Chaud cho tôi biết là em đã để hết tâm hồn vào vở kịch sắp được trình diễn, mặc dù bà sợ rằng Jevis Chaud sẽ chẳng được chọn đóng một vai nào cả. Ngài uỷ ban phụ trách văn nghệ cho biết quyết định của họ về việc tuyển chọn các diễn viên, tôi theo mẹ Jevis Chaud đến trường đón em. Từ xa, chúng tôi đã thấy Jevis Chaud chạy nhanh về phía chúng tôi với tất cả niềm vui và sự phấn khởi được diễn tả qua khuôn mặt em, và nhất là qua đôi mắt sáng lên vẻ tự hào. Sau khi đã lấy lại vẻ bình tĩnh, Jevis Chaud thốt lên những lời sau đây mà tôi vẫn khắc ghi trong ký ức để làm bài học cho mình: “Mẹ ơi! trong đêm văn nghệ, con đã được chọn để vỗ tay tán thưởng và khuyến khích”.

Câu chuyện chấm dứt cách nửa vời, nữ văn sĩ không giải thích tại sao câu nói kia của Jevis Chaud đã làm bài học cho bà. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện trên mang ý nghĩa tương tự với kinh nghiệm của Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Ngài thuật lại: “Lúc được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng trước trách vụ quá nặng nề ấy. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe có tiếng bảo: “Gioan! đừng tự xem mình quá quan trọng. Tôi đã đem ra áp dụng câu nói này, và kể từ dạo ấy, tôi ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng!”

Lạy Chúa là những người con của Chúa, chúng con cần có con tim của Chúa, một con tim hiền lành và khiêm nhượng để đừng có thái độ kẻ cả, hống hách với anh chị em xung quanh. Chúng con cần đến với Chúa và ở lại với Chúa, để mỗi người chúng con được Chúa hướng dẫn sống hiền từ và khiêm nhượng với mọi người, và như thế đời sống chứng nhân của chúng con cho Chúa mới mang lại hoa trái tốt đẹp. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Trả lời