I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ – Enzo Lodi
Lễ nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ bắt nguồn từ năm 1411: một lễ được lập vào ngày này ở Valencia (Tây Ban Nha) để tôn kính vị thiên thần bảo vệ của thành phố. Năm 1590, Đức Giáo Hoàng Sixte V phê chuẩn cho Bồ Đào Nha một bản kinh phụng vụ riêng để kính các thiên thần hộ thủ, và năm 1608, Đức Giáo Hoàng Phaolô V qui định lễ này trong lịch Rôma phổ quát, mừng vào ngày đầu tiên không có lễ nào sau lễ thánh Micae. Vì thế lễ nhớ các thiên thần hộ thủ ngày nay mang ý nghĩa mở rộng lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micae.
II. Thông điệp và tính thời sự – Enzo Lodi
Lời nguyện trong ngày, chúng ta cầu xin Chúa – Đấng sai “các thiên thần gìn giữ chúng ta” – xin Người ban cho chúng ta “được ơn che chở của các ngài và niềm vui được sống với các ngài luôn mãi”.
Hai Bài đọc của thánh lễ (Xh 23, 20-23 và Mt 18, 1 . . . 10) làm nổi bật sứ mạng quan phòng của các thiên thần: Ta sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi, để gìn giữ ngươi trên đường . . . (Xh 23, 20); . . . Các thiên thần của họ ở trên trời hằng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy (Mt 18, 10). Đây là hai sứ mạng luôn đi đôi với nhau của các thiên thần: không ngừng chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha và bảo vệ loài người trên mọi nẻo đường của họ.
Bài giảng của thánh Bênađô trong Bài đọc Giờ Kinh Sách mời gọi chúng ta có lòng thảo kính đối với các ngài: “Thế nên các ngài ở bên cạnh bạn, không chỉ ở với bạn mà còn vì bạn; các ngài hiện diện để che chở bạn, cứu giúp bạn; và tuy rằng các ngài làm việc này vì Thiên Chúa ra lệnh cho các ngài, nhưng chúng ta không được thiếu sót trong việc thảo kính đối với các ngài.” (Bài giảng về Tv 90).
Lời nguyện hiệp lễ mời gọi chúng ta nhớ đến “con đường cứu độ và bình an” mà các thiên thần dẫn bước chúng ta đi. Sứ mạng này cũng được gợi lên trong Điệp ca 1 của giờ Kinh Sáng: “Chúa sẽ sai thiên thần của Người đến, để gìn giữ ngươi trên đường.” Câu xướng đáp của bài đọc giáo phụ lặp lại câu trích thánh vịnh 90: “Người ra lệnh cho các thiên thần của Người gìn giữ bạn trên mọi nẻo đường của bạn.” Điệp ca của thánh thi Benedictus: “Chúa truyền cho các thiên thần của Người che chở những kẻ thừa hưởng Nước Trời” lấy cảm hứng từ Dt 1, 14: “Nào tất cả các vị đó (thiên thần) không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?”
Các bài đọc vắn cống hiến chúng ta nhiều ví dụ về sứ vụ của các thiên thần: một thiên thần được Thiên Chúa ban cho Ítraen (Xh 23, 20-21); các tông đồ được giải thoát khỏi nhà tù ở Giêrusalem (Cv 5, 17-20); thánh Phêrô được giải cứu khỏi nhà tù (Cv 12, 7); một thiên thần được sai đến với ông Cornêliô (Cv 10, 3-5); một thiên thần dâng lên Chúa các lời cầu nguyện của tất cả các thánh (Kh 8, 3-4).
Trong thánh thi Kinh Chiều, chúng ta ước nguyện được một thiên thần đang chiêm ngưỡng nhan Cha, “ghé xuống thăm / cầm than hồng chạm đến chúng ta; / để môi miệng chúng ta dâng lời cảm tạ, / và được thanh tẩy bằng ơn tha thứ.” Nếu các thiên thần trên trời lên xuống trên Con Người (Ga 1, 51), thì chúng ta, “những kẻ thừa hưởng Nước Trời”, nhờ đời sống phụng vụ ở dưới đất này, chúng ta có thể hợp tiếng với các thiên thần để thờ lạy Thiên Chúa bằng một bài ca ngợi khen duy nhất.
III. Thiên thần hộ thủ, cánh cửa đưa đến siêu việt – Trần Đỉnh, SJ – Vatican
“Này đây, ta sai thiên sứ của ta đi trước mặt con để gìn giữ con trên đường và dẫn con đến nơi ta đã dọn sẵn.” Những lời này trong bài đọc thứ nhất, được lấy từ chương 23 sách Xuất Hành gợi hứng cho suy tư của Đức Thánh Cha trong ngày lễ mừng các thiên thần Hộ thủ hôm nay. Đây quả là một sự trợ giúp đặc biệt mà Đức Chúa hứa với dân người, và với cả chúng ta, những người đang trên đường lữ hành.
Thiên thần, người đồng hành giúp ta bước đi
Rõ ràng, cuộc đời này là một hành trình mà ta cần sự giúp đỡ của những đấng đồng hành, những đấng bảo vệ, một người chỉ đường, hoặc một đấng chỉ đường giống như con người giúp ta nhận biết đâu là nơi ta phải đi.
Có ba nguy hiểm có thể xảy ra trên đường đời.
Có nguy cơ không bước đi. Và biết bao người đứng yên mà không bước đi, và cả cuộc đời ngưng trệ, không chuyển động, không làm gì. Đó là một mối nguy. Giống như một người kia sợ đầu tư tài năng mà Tin Mừng đã nói tới, anh ta đã chôn nó đi và nói: tôi bình an, tôi thanh thản. Tôi không thể phạm sai lầm. Vì thế tôi không gặp rủi ro. Và nhiều người không biết bước đi thế nào hoặc sợ rủi ro, và đứng yên. Nhưng chúng ta biết một quy luật là trong cuộc đời, nếu bạn đứng yên, thì rốt cuộc bạn bị hư hoại, bị sụp đổ. Giống như nước: khi nước phẳng lặng, ở đó những con muối bay tới, chúng đẻ trứng, và mọi thứ bị vẩn đục, hư hoại. Tất cả. Thiên thần giúp ta, thúc đẩy ta bước đi.
Nguy cơ đi sai và bước vào mê cung
Nhưng trên đường đời, còn có hai nguy cơ khác nữa: nguy cơ đi sai đường, con đường vốn dĩ chỉ dễ đúng vào lúc ban đầu, và nguy cơ rời bỏ con đường để đi lang thang trong quảng trường, rồi đi vào một khúc nào đó và lạc vào mê cung, nơi có cạm bẫy và không mang ta tới đích. Ở đây, các thiên thần sẽ giúp ta không đi sai mà bước đi trên con đường của ngài. Nhưng ngài cần lời cầu nguyện của chúng ta, lời cầu xin giúp đỡ.
Và Đức Chúa nói rằng: hãy kính trọng sự hiện diện của người. Thiên thần rất quyền uy, ngài có thẩm quyền để nói với chúng ta. Chúng ta hãy nghe ngài. Hãy nghe lời người và đừng chống lại người. hãy lắng nghe những lời linh hứng, những điều luôn đến từ Thánh thần, và chính thiên thần mang chúng đến cho chúng ta. Nhưng cha muốn hỏi các con một điều: các con có nói chuyện với thiên thần của mình không? Các con có biết tên thiên thần của các con? Các con có lắng nghe ngài không? Các con có để ngài dắt tay các con đi trên đường đời hoặc là để ngài đẩy các con tiến lên không?
Thiên thần cho ta thấy con đường đến với Chúa Cha
Nhưng sự hiện diện và vai trò của các thiên thần trong cuộc đời của chúng ta còn quan trọng hơn nữa, bởi vì, các ngài không chỉ giúp chúng ta bước đi cách tốt đẹp mà còn chỉ cho ta thấy “đâu là nơi ta phải đến.” Điều được viết trong Tin Mừng theo thánh Mattheu hôm nay là “đừng khinh thường những người bé nhỏ,” Chúa Giêsu nói thế bởi vì thiên thần của họ ở trên trời luôn chiêm ngưỡng dung nhan Cha thầy, Đấng ngự trên trời. Vì thế, trong mầu nhiệm bảo trợ của các thiên thần cũng có sự chiêm ngưỡng Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giêsu cần ban cho chúng ta ân sủng để hiểu.
Thiên thần của chúng ta không chỉ ở cùng chúng ta, mà còn chiêm ngưỡng Chúa Cha và ở trong tương quan với Người. Ngài là cây cầu hàng ngày, từ thời điểm ta thức giấc cho đến khi ta lên giường đi ngủ; Ngài đi cùng với ta và ở trong mối thân tình với Chúa Cha và với chúng ta. Thiên thần là cánh cửa hàng ngày hướng tới sự siêu việt, tới cuộc gặp gỡ với Chúa Cha: nghĩa là, thiên thần giúp ta bước đi trong chính lộ bởi vì ngài chiêm ngưỡng Chúa Cha, và ngài biết đâu là con đường. Đừng quên những người bạn đường này.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp