Nền tảng thần học về Luyện ngục

 

Vấn đề luyện ngục có nền tảng trong Kinh Thánh tuy chưa thực sự rõ ràng, nhưng Thánh Truyền đã minh định rất rõ về chủ đề này. Có người bông đùa rằng luyện ngục là một loại “hoả ngục có lối thoát”.

Khi đến Rôma, Italia, khách hành hương thường được nghe kể về “Bảo Tàng Các Linh Hồn Trong Luyện Ngục” (the Museum of the Souls of Purgatory). Bảo tàng này được đặt trong một căn phòng liền kề với phòng thánh. Giữa ngọn lửa bao trùm nhà nguyện, một nhà truyền giáo người Pháp-Victor Jouët, và một số giáo dân đã nhìn thấy sự xuất hiện của một khuôn mặt rất đau khổ. Khuôn mặt ấy được in trên bức tường cạnh bàn thờ. Từ đó, Victor Jouët quyết định cống hiến cả cuộc đời cho việc tìm kiếm những bằng chứng về thế giới bên kia của người chết : dấu tay, dấu vân tay, vết lửa thiêu đốt in sâu trên quần áo, trên khăn trải giường… của người đã chết. Ngày nay, bảo tàng nhỏ bé này trở thành nơi lưu giữ nhiều tài liệu và chứng từ nhằm minh chứng sự tồn tại của luyện ngục.

Theo Giáo lý Công Giáo, “luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng[1]. Như thế, luyện ngục chính là trạng thái mà các linh hồn thánh đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa được hoàn hảo đủ để hưởng thiên đàng ngay lập tức. Họ cần được thanh tẩy một thời gian dài ngắn tùy theo mức độ được đòi hỏi. Vậy đâu là nền tảng thần học[2] về vấn đề luyện ngục ?

Trong Cựu Ước, sách 2 Mcb có viết : “… vì nhu cầu đòi hỏi, quân của ông Giuđa đi thu các tử thi những người đã ngã gục và đưa về chôn cất với những người thân trong phần mộ tổ tiên. Nhưng bên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy những đồ vật được dâng cúng cho các thần ở Giam-ni-a : đó là điều mà Lề Luật cấm… ” (12,38-45). Trong trận chiến chống lại quân Syria vào khoảng sau năm 160 trước công nguyên, binh lính Do Thái tử trận rất nhiều. Trong khi đi chôn những binh lính này, người ta thấy dưới áo trong của họ có mang lá bùa và đồ dâng cúng cho các thần ngoại, những thứ mà Thiên Chúa đã nghiêm cấm. Ông Giuđa Maccabê liền quyên tiền để xin dâng hy lễ tạ tội – “Kippur”, với hy vọng các chiến hữu tử trận sẽ được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và được sống lại. Như thế, ông có sáng kiến cầu nguyện cho những người qua đời và qua đó tạo nên tình liên đới giữa người sống và người chết. Tuy nhiên, đoạn văn trên chỉ nói đến tội lỗi của các binh lính tử trận có thể được tha nhờ việc dâng lễ “Kippur”, chứ không đề cập đến việc các binh lính này phải trải qua luyện ngục, một khái niệm mà người Do Thái chưa hề biết đến.

Trong Tân Ước, người ta thường trích thư thứ nhất Côrintô để minh chứng về luyện ngục. Chẳng hạn, thánh Phaolô nói “còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Cr 3,15). Một số nhà chú giải hiểu cụm từ “băng qua lửa” ám chỉ đạo lý về luyện ngục. Thật ra, đoạn văn trên ngụ ý nói đến một nơi chốn có lửa thiêu đốt, nhưng lửa chỉ là kiểu nói bóng bẩy, chứ chưa chắc là nói đến lửa thật. Ý của thánh Phaolô có thể là tất cả các tín hữu tuy thiếu lòng sốt mến cũng có thể được cứu thoát, nhưng phải chấp nhận nhiều khó khăn và cực hình. Tóm lại, Kinh Thánh tuy có đề cập rõ ràng đến “Trời” và “Hoả ngục”, nhưng không có đoạn nào minh nhiên nói về luyện ngục.

Nói thế không có nghĩa là luyện ngục không có nền tảng từ Kinh Thánh. Thật ra, Giáo hội Công Giáo không dựa trên một bản văn cụ thể đặc biệt nào, nhưng dựa trên hai lập trường chung nhất, được lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Thứ nhất, phải xác tín rằng chỉ có sự thanh khiết tuyệt đối thì con người mới có thể vào diện kiến Thiên Chúa : “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8) ; “Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ trường sinh của Con Chiên mới được vào” (Kh 21,27). Thứ hai, “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm” (Rm 2,6) vào đời sau. Tất nhiên mọi người phải chịu trách nhiệm về việc mình làm qua việc sử dụng tự do và cách phục vụ người thân cận. Những ai chưa đạt được sự hoàn thiện vào lúc chết thì phải “tự phạt mình”, nghĩa là phải trải qua giai đoạn được thanh luyện, một tình trạng khác với Thiên Đàng và Hỏa ngục, trước khi được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Thánh Truyền nói gì về luyện ngục ? Ngay từ thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ đã dạy sau khi chết có tình trạng thanh luyện. Đến thế kỷ XI, lần đầu tiên giai đoạn thanh luyện được biết đến với tên gọi “luyện ngục”. Năm 1439, công đồng Florence đã định tín ba điều về luyện ngục : a) Có luyện ngục ; b) Luyện ngục không là một “nơi chốn”, mà là một tình trạng, trong đó những người đã chết được thanh luyện ; c) Những người còn sống có thể trợ giúp những người đã chết bằng lời cầu nguyện của mình.

Tắt một lời, vấn đề luyện ngục có nền tảng trong Kinh Thánh tuy chưa thực sự rõ ràng, nhưng Thánh Truyền đã minh định rất rõ về chủ đề này. Có người bông đùa rằng luyện ngục là một loại “hoả ngục có lối thoát”. Thực ra, được vào luyện ngục cũng đã là ân sủng lớn lao Thiên Chúa ban tặng cho con người. Thánh Catarina thành Gênova nhận xét : “Ngoài niềm hạnh phúc của các thánh trên trời thì không có niềm hạnh phúc nào có thể so sánh được với niềm hạnh phúc của những người đang ở trong luyện ngục. Chúng ta phải khao khát niềm hạnh phúc này hơn là sợ hãi nó, vì ngọn lửa của luyện ngục là ngọn lửa của tình yêu vô tận…”.

Theo truyền thống Công Giáo, đặc biệt trong tháng 11 hàng năm, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục luôn là nghĩa cử cao đẹp và đầy ý nghĩa nói lên sự hiệp thông giữa người sống và người chết. Mọi tín hữu được mời giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục bằng cách “dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ”[3]. Đến lượt mình, chúng ta, những thụ tạo vốn yếu đuối và bất toàn, cũng chỉ dám ước mong được vào loại “hoả ngục có lối thoát” này. Đấy đã là một ân phúc lớn lao nhờ vào lòng thương xót bao la của Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Phúc


[1] Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 2011, câu hỏi số 210.

[2] Cf. Ariel Alvarez Valdes, ¿Qué sabemos de la Biblia ?, San Pablo, Madrid, 1999 (Mátthêu Vũ Văn Lượng, OP, chuyển ngữ).

[3] Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 2011, câu hỏi số 211.

Để lại một bình luận