Mục vụ Tháng 10. 2023: Hiệp Nhất Trong Sự Khác Biệt

 Trong diễn văn ngày 18.9.2021, Đức thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hiệp hành biểu lộ là bản chất của Hội Thánh, là cách thức, lối sống và sứ mạng của Hội Thánh”. Trong Giáo Hội, có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí (x. 1 Cr 12, 4-6; 12-13). Tất cả mọi Kitô hữu tuy nhiều và đa dạng, đủ mọi thành phần nhưng hiệp thông sâu xa với nhau vì có một sự sống và một tình yêu Thần Linh để làm nên một Hội Thánh duy nhất. Do cùng lãnh nhận một Bí tích Rửa tội nên dù mọi người có chức năng khác nhau nhưng xét về phẩm giá thì tất cả đều bình đẳng (GLHTCG 32). Để có sự hiệp thông chúng ta cần giữ hai điều này: Tôn trọng sự khác biệt và duy trì sự hiệp nhất (x. Cẩm Nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, số 1.4).

Hiệp nhất trong khác biệt, nghe có vẻ như hai điều này trái ngược nhau. Làm thế nào để hoà hợp giữa chung và riêng; vừa “khác” để mỗi người là chính mình, vừa “giống” để có thể đi vào tình yêu thương? Nhưng “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Lịch sử Giáo hội đã chứng minh điều đó. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ, nhưng mỗi người nhận được những ân huệ khác nhau và tất cả hợp nên một. Nói cách khác, cùng một Thần Khí làm nên sự đa dạng và duy nhất, và trong cách thức này, Thánh Thần đã làm nên Giáo hội hoàn vũ. Thánh Thần tạo ra sự khác biệt. Trong mỗi giai đoạn, Người làm nở hoa các đặc sủng mới và khác nhau; sau đó, cũng chính Người thực hiện sự hiệp nhất: nối kết, tái tạo sự hòa hợp. Như vậy, Người làm cho chúng ta hiệp nhất đích thực, sự hiệp nhất theo Thiên Chúa, chứ không phải là sự đồng bộ. Đó là sự hiệp nhất trong sự khác biệt mà thánh Phaolô đã nói đến (x.1 Cr 12,4-7.11).

Bên cạnh đó, trường hợp của Phêrô và Phaolô cũng giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này. Có sự bất đồng giữa hai người liên quan đến việc giữ luật không ăn đồ cúng của người Do thái. Phêrô làm điều không đúng khiến Phaolô phản đối gay gắt khi Phêrô dùng bữa với dân ngoại. Thế nhưng, mỗi vị đều rao giảng Phúc âm trong lãnh vực khác nhau và đều chịu tử đạo vì Tin Mừng – Hiệp nhất trong khác biệt.

  • Duy trì sự hiệp nhất:

Chương 17 của Tin Mừng Gioan là lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh thánh. Trong đó Chúa Giêsu với tư cách là Thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng Chúa Cha lời khấn nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cho những ai tin vào Ngài được hiệp nhất trong yêu thương. Ngài đã không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh làm con người kiêu căng, tự mãn. Chúa Giêsu cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu của nhiều tham vọng. Khi cầu nguyện cho Giáo hội, Chúa Giêsu không xin cho Giáo hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.

Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, nhưng chúng ta thường kinh nghiệm rằng không dễ để sống sự hiệp nhất này. Chúng ta phải tìm kiếm, xây dựng sự hiệp thông, và giáo dục chính mình về sự hiệp thông, để có thể vượt qua những hiểu lầm, chia rẽ, bắt đầu từ bản thân, gia đình, và môi trường làm việc của mình. Thánh Phaolô đã dạy: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4,1-3). Chính sự khiêm tốn, dịu dàng, và bác ái giúp chúng ta gìn giữ sự hiệp nhất.

Vì thế, lúc này đây, mỗi người trong chúng ta cần chất vấn chính mình: Tôi có làm cho sự hiệp nhất tăng triển trong gia đình, trong cộng đoàn hay tôi là nguyên nhân của chia rẽ? Tôi có đủ khiêm tốn để hàn gắn những vết thương để giữ sự hiệp thông không?

  • Tôn trọng sự khác biệt:

Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ độc đáo, khác biệt nhau: “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” (Nguyễn Du). Điều này diễn tả quyền năng và vinh quang của Ngài. Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa. Nhận biết được điều đó, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ. Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc nhưng dựa vào thái độ chúng ta trao tặng và dâng hiến cho cuộc đời và cho mọi người. “Không ai là một hòn đảo” nhưng chúng ta sống cùng và sống với người khác. Thế nên, chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ, như chiếc ly đầy tràn nên chẳng còn khoảng trống để đón nhận ơn Chúa. Trái lại, người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Tôi có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa” (1Cr 15, 10).

Chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải đón nhận người khác (x. Ga 13,20). Sứ mạng của Ngài đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi (x. Lc 1, 52). Như lời thánh Augustinô đã xác quyết: Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”. Bởi vậy, mỗi người chúng ta cũng đừng tự mãn cho mình là người hoàn hảo mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Trái lại, chúng ta là một thụ tạo với đầy khuyết điểm và tính hư nết xấu. Mang trong mình di chứng của tội nguyên tổ nên luôn bị cám dỗ chiều theo sự xấu. Nhận ra điều này để chúng ta cậy nhờ vào ơn Chúa giúp mà hoàn thiện chính mình.

Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự khác biệt nơi người khác, biết khiêm tốn phục vụ, lắng nghe và cùng nhau thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Hội Thánh Chúa là một gia đình, ở đó mỗi người đều có phận vụ của mình. Trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập thiết chế Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng: “Thế giới mà chúng ta đang sống và được kêu gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả giữa những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Hội thánh tăng cường sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực truyền giáo của mình”. Lời kêu gọi cộng tác vào sứ mệnh của Hội thánh này được gửi đến toàn thể Dân Chúa chứ không phải chỉ một thành phần riêng lẽ nào. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm trong việc canh tân Giáo hội. Bắt đầu từ việc hoán cải mang tính cá nhân và cộng đồng, biết nhìn mọi sự như Chúa nhìn. Tuy nhiên, để hiệp nhất trong khác biệt, chúng ta cần tránh hai thứ cám dỗ:

  • Cám dỗ tìm kiếm sự khác biệt vắng bóng sự hiệp nhất: Điều này xảy ra khi người ta muốn phân biệt, hình thành phe nhóm; khi người ta cứng nhắc trong quan điểm loại trừ và khép kín. Người ta chọn một bộ phận chứ không phải tất cả, thuộc về điều này, điều kia, người này, người nọ, trước khi thuộc về Giáo Hội và thuộc về Chúa Giêsu.
  • Cám dỗ tìm kiếmsự hiệp nhất không có sự khác biệt: Trong cơn cám dỗ này, sự hiệp nhất trở thành một thứ đồng phục, buộc phải làm mọi thứ với nhau và như nhau, luôn suy nghĩ theo một cách thức. Thế nên, sự hiệp nhất cuối cùng chỉ để được công nhận, nhất là không có tự do. Và theo thánh Phaolô, chủ trương hiệp nhất theo cách thức này thì không có sự tự do đích thực (x. 2 Cr 3,17).

Xin Chúa cho chúng ta biết ở lại với Chúa trong thinh lặng, siêng năng đến với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể để múc lấy nguồn sức mạnh, bình an, và tình yêu từ lòng thương xót vô biên của Ngài. Từ đó, chúng ta có thể lan toả tình thương Chúa đến với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ trên cuộc hành trình dương thế này, hơn hết là để có thể thật sự yêu thương và hiệp nhất trong khác biệt hầu góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày càng thánh thiện và vững mạnh hơn.

Thuỵ Lâm

Trả lời